Phóng to |
Liệt sĩ Trần Quang Thái - Ảnh: Tư liệu |
Chúng tôi ngồi cùng nhau nhưng không ai nói nổi câu nào. Bằng linh cảm và sự hiểu biết của mình, ai cũng nghĩ bảy đồng đội đã hi sinh. Họ đã trúng đạn sau khi hoàn thành nhiệm vụ quay trở ra. Chúng tôi vẫn cố nghĩ, cố hi vọng có người kịp nhảy dù ra. Nhưng có ai nhảy ra được hay không... Chiến tranh cái gì cũng phải nhanh. Hi sinh, mất mát và nỗi đau đến cũng rất nhanh, đột ngột” - đại tá Dương Tuấn Kiệt xúc động nói.
Ký ức đồng đội
Đêm đó. Ký ức về bảy người bạn, bảy người đồng chí cứ hiện về đầy ắp trong tâm khảm mỗi người ở lại. “Đứa nào cũng có một tên gọi tếu táo ngoài cái tên cúng cơm. Chúng tôi hay gọi Thái (thượng sĩ Trần Quang Thái, người Bắc Giang) là “xe ba gác” vì Thái cao to lắm. Còn Ngạc (chuẩn úy Đinh Tiến Ngạc, quê Ninh Bình) hay bị trêu là “Ngạc tư đỉa lấy Phương còng” (con ông thiếu tá công an) vì mỗi lần đi tán cô Phương nó ngồi dai lắm, ngồi dai như đỉa. Huy (chuẩn úy Phạm Quang Huy, quê Quảng Ninh) chậm nhưng lì lợm ít ai có, không bao giờ sợ cái gì. Việc nào khó mấy cũng làm. Huy cũng đi thi đấu nhảy dù ở Tiệp năm 1962 với Ngạc. Huy có người yêu rồi, chuẩn bị cưới đấy chứ.
Thịnh (thượng sĩ Châu Hùng Thịnh, quê Bắc Giang) có một cái đài đóng trong thùng gỗ. Anh này cẩn thận lắm. Mà cũng tại vì sợ anh em nghịch. Đơn vị dù chúng tôi nghịch không tưởng tượng được chứ không phải nghịch vừa. Mấy thằng cứ mon men đến miệng thì bảo ông Thịnh mở cái này, cái kia nghe nhưng tay chân đã vặn vẹo loạn xạ, Thịnh cẩn thận, sợ hỏng không cho mở. Anh em nghịch, đem giấu đi trêu. Tiền lương góp mãi mới mua được cái đài mà thằng nào cũng mang đi nghịch, nó tức quá, đóng vô thùng gỗ. Còn thằng Lưu (chuẩn úy Lê Văn Lưu, người Hưng Yên) là “Tây ăn cám lợn” vì cứ tối đến ăn cơm xong nó nằm ngủ ngay. Chúng tôi vác cả cuốc chim, xẻng, biđông để đầu giường phủ màn lên, nó đi sinh hoạt về chửi um lên: chúng mày nghịch quá thể. Thằng Thái thì mang cả xe ba gác của anh nuôi úp lên đầu giường. Tôi bị gọi là “tò he” vì nhỏ con nhất. Chúng nó còn lấy hai con tò he cắm đầu giường. Chúng tôi ông nào cũng nghịch, cũng hay nói. Cãi nhau thì không tưởng tượng được. Nghịch quá nên ông Kiệt (Dương Tuấn Kiệt - PV), phân đội trưởng, mắng chúng tôi suốt, mắng cả ông Lưu dù ông Lưu là người mai mối cho ông ấy”.
Hỏi chuyện này, ông Kiệt gật đầu xác nhận: “Anh Lưu là người mai mối vợ cho tôi. Bà nhà tôi là bạn thân trong xóm của anh Lưu. Về quê chơi, ảnh giới thiệu. Tên khai sinh của Lưu là Phạm Văn Choản, sinh năm 1937. Anh ấy người Việt Nam nhưng không biết ở đâu lại xuất hiện bộ râu quai nón. Ông Phạm Văn Chởi - cha ảnh, có người bạn ở Hà Nội tên Lưu Văn Hồng, không có con. Có lần cụ Chởi nói vui: tui có hai thằng con, anh đồng ý thì tui cho một đứa làm con nuôi. Anh em nói chuyện chơi vui vậy thôi, ai dè ổng xin nuôi một đứa thiệt. Khi khai đi bộ đội, ảnh khai Lê Văn Lưu. Lạ cái là Lưu rất giống cha nuôi ở khuôn mặt, bộ râu. Lưu người Việt Nam nhưng mũi cao, râu xồm. Coi tướng tá dữ dằn vậy chớ ảnh hiền lắm, rất năng động, nhanh nhẹn. Khi có chỉ thị tối nay bay, ảnh ra ngoài Gia Lâm mua bộ quần áo cho đứa con mới sinh, đưa lại cho tôi bảo: nếu tao không về thì mày gửi cho con tao. Hết chiến dịch đó tôi mới về gặp vợ con Lưu được.
Thương nhất là Đinh Tiến Ngạc. Ngạc nhảy dù xuất sắc. Nó thi nhảy dù ở Tiệp Khắc có một môn đứng thứ ba sau Liên Xô và Tiệp. Ngạc đẹp trai lắm. Hồi huấn luyện ở sân bay Chũ (Bắc Giang), nó đi đến đâu con gái theo tới đó. Tụi tôi phải theo kèm miết đó chớ. Trước khi lên máy bay, Ngạc đã gửi giấy mời cưới. Một tuần nữa là cưới, đã mua một số tặng phẩm. Mà đồ đạc ngày ấy có gì đáng giá như bây giờ đâu. Sau tui cũng đem về tận gia đình.
Tội nhất là về nhà Thái. Biết bố Thái đã hi sinh, nhà chỉ còn một mẹ già, một em gái, tôi cứ ngần ngừ không dám vô nhà vì sợ gia đình không chịu nổi... Nhưng khi tôi gặp cô Lai - em gái Thái - cô ấy mạnh mẽ lắm, bảo: anh yên chí, dân ở đây dũng cảm lắm. Nói vậy tôi mới dám vô nhà... Thái rất ý chí, rất thông minh và sức khỏe rất tốt. Thái mê bầu trời lắm. Trên đã định đưa cậu ấy đi đào tạo phi công phản lực đấy chứ... Không ngờ cậu ấy...”.
Những dòng ký ức ấy đưa chúng tôi về Bắc Giang tìm cho được người thân của gia đình liệt sĩ Trần Quang Thái.
Phóng to |
Những dòng thư đầy cảm xúc của người lính dù trước khi bước vào phi vụ cảm tử - Ảnh: Tư liệu gia đình |
Có thể cho con xa mẹ được không?
“Chiến tranh là tàn khốc. Chiến tranh là đau thương nhưng con ra đi bảo vệ chiến tranh chân chính thì dẫu rằng những đôi cánh hùng vĩ nó có đưa con tới nơi thử lửa, mà có xảy ra biến cố nào đó thì mẹ cứ vui lòng để con đi nếu như con được đi, thưa mẹ... Những điều này con thưa chuyện với mẹ không phải phút chốc mà viết lên được mà phải trải qua bao đêm thao thức, đấu tranh tư tưởng với cuộc đời mà con đã nhất trí viết lên”.
“Một ngày mai kia hay sắp tới đây, đất nước khói lửa, chiến tranh, con phải ra đi làm nhiệm vụ trên đôi cánh hùng vĩ, nó đưa con tới những nơi thử lửa. Lúc ấy, mẹ và em nghĩ gì về con, có thể cho con xa mẹ và em được không?...”.
Gần 50 năm trôi qua kể từ lá thư cuối cùng nhận được từ người anh trai (cuối năm 1967), bà Trần Thị Mây Lai - người em duy nhất của liệt sĩ Thái - vẫn còn giữ tất cả những lá thư ấy. Anh Thái viết cho em gái từ những ngày mới nhập ngũ, giáo dục lớp trẻ về lý tưởng, về trách nhiệm với Tổ quốc. Anh viết cho cả hàng xóm nhờ giúp đỡ mẹ và em ở nhà. Người sĩ quan ấy ra đi vẫn không nguôi nỗi đau đáu lo cho mẹ và em ở trong căn nhà rách vách nát, nội ngoại không có ai ở gần giúp đỡ. “Mẹ tôi can trường lắm. Khi anh tôi là con trai độc nhất nhập ngũ, mẹ không khóc mà dặn anh ấy phải phát huy truyền thống gia đình, noi gương cha hi sinh vì Tổ quốc”, bà Mây Lai kể. Anh Thái sinh đúng vào năm xảy ra nạn đói lịch sử 1945. Anh hi sinh lúc mới 23 tuổi. Bố là liệt sĩ Trần Năng Đoán, hi sinh năm 1954 trong đợt mở đường cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Năm ấy anh Thái chưa tròn 9 tuổi...
Khi huấn luyện ở Bắc Giang, dù là ngay tại quê hương mình, mỗi năm anh Thái cũng chỉ về phép được 1-2 lần, mỗi lần 1-2 ngày. “Có lá thư anh Thái kể chuyện học nhảy dù từ ngày 23 đến 31-8 kết thúc, được bầu là chiến sĩ 19-8 và mùng 2-9: là một trong những chiến sĩ can đảm và dũng cảm nhất về đợt nhảy dù để lấy thành tích chào mừng hai ngày lễ đó. Anh Thái mê nhảy dù, mê bầu trời lắm. Anh ấy đi bộ đội lúc tôi mới 13 tuổi. Năm anh hi sinh, mẹ tôi 58 tuổi. Bão đổ nhà, tí nữa thì cụ chết, nhờ đi bán hàng nên mới thoát. Đến cuối năm mẹ tôi mới biết vì tôi giấu, không dám nói cho mẹ biết. Đêm nào mẹ cũng khóc sưng mắt nhưng chỉ khóc ở cơ quan chứ về nhà thì không dám. Tôi nhờ người khác viết thư giả anh Thái vẫn gửi cho mẹ. Mẹ không biết chữ, mắt mờ nên nhờ người khác đọc” - bà Lai kể, đôi mắt nhòa ướt...
Rồi bà nói, như nói cho chính mình: “Ngày ấy nhà tôi dột nát, nhà tranh vách lá, anh Thái lại đi biền biệt nên cứ chần chừ chưa chịu lấy vợ. Hai người yêu nhau lâu lắm, từ hồi mới 15, 16 tuổi. Tết năm 1968 anh Thái được đơn vị cho về ba hôm. 30 tết về, người yêu rủ ở lại đến mồng 4 nhưng anh bảo nhiệm vụ phải đi ngay. Trưa ăn cơm sáng xong mồng 2, anh Thái đi ngay. Tôi mượn xe đạp, đi còn chưa thạo. Đi một đoạn anh còn dắt xe cho em tập. Hôm đó trời mưa mà đường ngày đó có như bây giờ đâu. Đi xuống ngã ba chia tay nhau thì anh ấy xuống Bắc Giang đón xe về đơn vị. Anh Thái hi sinh, chị ấy cứ mong biết đâu anh Thái nhảy dù ra được, vướng vào đâu đó chứ chưa mất... Chị ấy đợi anh ấy mãi đến sau hòa bình, năm 1976 mới lấy chồng”.
“Với chúng tôi, họ đã là anh hùng - ông Dương Tuấn Kiệt chậm nước mắt, nghẹn lời - Lẽ ra họ phải được phong anh hùng bởi riêng hành động dũng cảm ấy - dám đi lên máy bay, đi mà biết mình sẽ hi sinh - đã là anh hùng rồi”.
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Kỳ 1: Kỳ 2: Kỳ 3: Kỳ 4: Kỳ 5: Kỳ 6:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận