15/06/2011 07:01 GMT+7

Những người "bắt mạch" đất trời - Kỳ 2: Mái ấm giữa mờ xa

LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH
LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH

TT - Trên các trạm khí tượng thủy văn (KTTV) rẻo cao này, dường như đâu cũng mang cái mẫu số chung về sự lặng lẽ buồn vắng. Hầu như tất cả cán bộ quan trắc viên mà chúng tôi đã gặp, không mấy ai được sống gần con cái.

ytPTyv0L.jpgPhóng to
Những bức tường trong trạm Mù Cang Chải đều được dán hình và giấy khen của con cái để cảm thấy như được gần con - Ảnh. Ngọc Quang
Video clip "Thầm lặng giữa đất trời" - Thực hiện: TVO

Kỳ 1:

Bảy năm, gần nhau một tháng!

Có lẽ chúng tôi sẽ khó quên ánh mắt của anh Nguyễn Tiến Sơn ở Trạm KTTV Mù Cang Chải (Yên Bái) khi bắt gặp anh cứ đăm đắm nhìn lên bức tường dán đầy giấy khen của cậu con trai Nguyễn Tiến Thắng đang học lớp 4 ở tận...Trường tiểu học Kim Sơn (thị xã Sơn Tây, Hà Nội). Cái ánh mắt vừa trìu mến, vừa khắc khoải vì nỗi nhớ con.

Từ khi đến tuổi mẫu giáo, Thắng đã phải xa bố mẹ về ở với người cô ruột tận Hà Nội để đi học bởi ở Mù Cang Chải trường học thì xa, các em học sinh hầu hết là người dân tộc thiểu số, đến lớp không thể hiểu được ngôn ngữ của bạn bè, vậy là từ 4 tuổi Thắng đã biết thế nào là “chia ly”.

Một năm chỉ có dịp tết vợ chồng anh Sơn mới về thăm con, có năm anh được phân công trực đúng dịp tết thì chỉ có vợ anh, là giáo viên dạy ở xã Sa Mố Dề, tranh thủ về với con dăm hôm. Gần bảy năm nay, thời gian anh ở với con trai cộng lại chưa được một tháng.

“Được cái cháu ngoan và học giỏi, năm nào tổng kết năm học xong cô của cháu cũng gửi giấy khen lên, vợ chồng tôi chỉ nhìn giấy khen của con mà động viên mình an tâm công tác anh ạ”- nói vậy nhưng giọng anh Sơn cứ nghèn nghẹn.

Câu chuyện của anh Sơn ở Mù Cang Chải không phải là cá biệt. Hầu hết những quan trắc viên mà chúng tôi gặp trên các trạm KTTV Tây Bắc đều có cảnh ngộ như anh.

Ở trạm Mù Cang Chải này không chỉ có vợ chồng anh Sơn xa con. Anh Diệp Tuấn Anh, vốn dân Hà Nội gốc, cùng với gia đình lên Yên Bái lập nghiệp rồi theo nghề KTTV này từ năm 1990. Ra trường được phân công lên vùng đá đỏ Lục Yên. Năm 1994 anh lập gia đình với chị Nguyễn Thị Hải Yên, nên vợ nên chồng đã 17 năm nay nhưng anh cứ luân chuyển hết từ trạm Nghĩa Lộ (Yên Bái) lại lên Than Uyên (Lai Châu), rồi qua Hoàng Su Phì (Hà Giang) - toàn là những nơi khó khăn, thiếu thốn và vất vả. Đứa con đầu vừa tuổi đến trường đã phải mang về gửi ông bà ngoại dưới thành phố Yên Bái.

“Cưới nhau rồi, hết lo cho con đi học rồi đến vợ đi học nghiệp vụ, rồi chồng lại đi học nâng cao. Hơn chục năm trời cứ vợ ở một nơi, chồng làm một nơi, con sống một nơi”- anh Tuấn Anh trầm giọng. Mãi đến năm 2006, hai vợ chồng mới được cùng chuyển về Mù Cang Chải - một trong những trạm KTTV khó khăn nhất của vùng Việt Bắc. Bây giờ, sau gần 15 năm làm nghề, hơn chục năm thành vợ thành chồng mà vợ chồng vẫn chưa có nhà để ở.

Hai mươi năm làm “vợ chồng ngâu”

Câu chuyện giữa chúng tôi với vợ chồng Nguyễn Nhật Huy và Phạm Thị Hòa ở Trung tâm KTTV Điện Biên có lẽ là một “điển hình” của đời KTTV.

Từ tận đồng bằng Thái Bình, chưa tròn tuổi đã theo bố mẹ xung phong lên Tây Bắc xây dựng kinh tế rồi chọn mảnh đất lòng chảo Điện Biên làm quê hương thứ hai. Năm 1988, khi mới 17 tuổi cô nữ sinh Hòa thi vào trường KTTV. Sau khóa học ngắn chị được điều về mãi tận trạm KTTV Tam Đường (Lào Cai) làm việc. Thời gian đầu vẫn hồn nhiên vô tư lắm, nhưng chỉ sang tuần làm việc thứ hai, thứ ba thì chị bắt đầu thấy... lo.

Tam Đường khi ấy cách nhà ở Điện Biên chỉ khoảng 200 cây số, nhưng để về nhà thì phải mất ba bốn ngày đi bộ chứ không có xe khách đi lại thuận tiện, sáng đi tối đến như bây giờ. Trạm Tam Đường chỉ có ba người, lại nằm ở nơi núi cao heo hút, vừa chạng vạng tối nỗi cô đơn, buồn tẻ lại ập đến rất nhanh. Mỗi đêm cứ đúng 1 giờ sáng chị lại phải lên vườn khí tượng đo đạc số liệu.

Sau ba năm ở Tam Đường, đến năm 1990 thì được chuyển về Trạm khí tượng Sìn Hồ. Tại đây chị quen, yêu và lập gia đình với anh công an huyện Nguyễn Nhật Huy - một người đồng hương Thái Bình. Cưới xong, đôi vợ chồng trẻ cũng chỉ gần gũi nhau được thời gian rất ngắn, rồi do yêu cầu công việc Hòa lại phải luân chuyển về Trạm khí tượng Tuần Giáo.

“Hồi đó từ Sìn Hồ xuống đến Tuần Giáo là cả vấn đề, không có xe máy, ôtô, vợ chồng muốn gặp nhau chỉ có nước đi bộ, mà mỗi lần đi mất đúng ba ngày đường. Chồng xuống gặp vợ thì phải nghỉ phép, vợ muốn lên thăm chồng thì phải nhờ vả đổi ca. Khó khăn, khổ sở lắm”.

Rồi chị mang thai đứa con đầu lòng trong niềm vui khấp khởi của cả hai vợ chồng. Nhưng do điều kiện y tế vùng cao giai đoạn ấy còn nhiều khó khăn, con trai đầu lòng của anh chị chào đời chưa đầy 10 tiếng đã vội ra đi do bị ngạt thở.

Chị Hòa rơm rớm kể: “Mất đứa con, cả hai vợ chồng hụt hẫng, nhưng công việc thì vẫn không thể lơ là. Hằng ngày vẫn đều đặn mấy lần leo lên đỉnh đồi lấy số liệu quan trắc”.

Năm 1992, khi vợ mang thai lần thứ hai, anh Huy đã xin nghỉ chế độ, về Tuần Giáo để được gần gũi chăm sóc, đỡ đần vợ lúc bụng mang dạ chửa.

Rồi vừa về gần vợ thì anh Huy xin được vào ngành và được cử đi học nghiệp vụ KTTV tận Hà Nội. Ra trường, biên chế các trạm gần đơn vị của vợ không còn, Huy phải làm đơn tình nguyện đến một trong những trạm khí tượng khó khăn nhất vùng là trạm trên đỉnh đèo Pha Đin.

Ngót nghét 10 năm từ ngày cưới, hai vợ chồng chị chưa có khi nào gần nhau được vài tháng. Đến khi sinh con thứ hai, chị xin lên trạm Pha Đin với chồng nhưng phải gửi con gái mới được 17 tháng tuổi về quê nhờ ông bà nội chăm nom.

“Làm nghề này suốt ngày ở trạm nên không thể đem con cái lên trạm được. Thành ra đứa nhỏ phải gửi về xuôi cho ông bà nội chăm, thằng lớn thì gửi ông bà ngoại ở Điện Biên, sau này lớn một chút cũng phải gửi cháu về xuôi để học. Hai vợ chồng cứ ở miết trên đỉnh đèo Pha Đin. Mà hồi đó đường sá đi lại khó khăn, xe cộ ít nên cứ sẩm tối là đỉnh đèo vắng hẳn bóng người.

Trên trạm chỉ còn lại hai vợ chồng. Điện, đài, tivi không có nên buồn thê thảm. Nhưng nếu bỏ nghề thì biết làm cái gì, mình quen việc, quen địa bàn mà còn bỏ trạm thì ai còn dám lên nữa”.

Hai vợ chồng cứ động viên nhau như vậy để bám đỉnh đèo đến mãi năm 2005 thì vợ được ưu tiên cho “hạ sơn”, về Điện Biên gần nhà làm, anh Huy vẫn bám trụ trên đỉnh đèo Pha Đin. Mãi đến tháng 3-2011 anh Huy mới được cơ quan điều về Trạm khí tượng vô tuyến thám không Điện Biên.

Như vậy sau đúng 21 năm kể từ ngày cưới (1990-2011) vợ chồng anh Huy, chị Hòa mới được bên nhau. Nhưng khi vợ chồng gần nhau thì con cái đã lớn khôn, đi học xa.

“Con trai tôi cũng đang theo học ngành KTTV dưới Hà Nội, vậy là học xong ra trường chắc lại lên một trạm heo hút nào đó, bố mẹ khó mà gần con được! Kể từ khi sinh nó ra đến giờ, thời gian cả gia đình sum họp có đủ mặt vợ chồng con cái cộng lại chưa được một năm” - chị Hòa nói với giọng bùi ngùi...

________________

Ấy là nghề đòi hỏi kỷ luật cao nhất. Không thể chậm trễ một giây, dù đúng ngọ hay khuya lúc 0 giờ. Bởi nếu đúng thời khắc đó mà người cán bộ quan trắc không có mặt để tác nghiệp thì... cả thế giới đều biết!

Kỳ 3: Đo đếm đất trời

LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên