TTCT - Mỗi năm, ở Côn Đảo có khoảng 150.000 vích con được ấp nở nhân tạo, thả về với biển khơi. Đó là kết quả một hành trình từ năm 1990, khi nhân viên Vườn quốc gia Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) bắt đầu làm bà đỡ cho vích (rùa biển) bằng việc di dời các ổ trứng lên vùng an toàn. Và rất nhiều người dân, tổ chức tham gia công việc này với họ. Vích mẹ ở bãi cát biển Côn Đảo. Ảnh: Vườn quốc gia Côn Đảo cung cấp Từ khuyến nghị của giáo sư Võ Quý Trước năm 1990, tại Côn Đảo, hai loài rùa biển quý hiếm là rùa xanh (vích) và đồi mồi bị người dân săn bắt thoải mái khi lên bãi cát ở các hòn đảo nhỏ đẻ trứng. Ông Trần Đình Huệ - phó giám đốc Vườn quốc gia Côn Đảo, người gắn bó với động vật quý hiếm từ trước năm 1990 đến nay - nhớ lại: “Dân bắt vích về làm tiệc đám cưới, chân bơi của vích nấu cho heo ăn, đồi mồi thì bắt để làm đồ thủ công mỹ nghệ. Pháp luật hồi đó chưa cấm, chưa xử lý hình sự hành vi săn bắt các loài rùa biển như hiện nay”. Năm 1990, GS Võ Quý (ông đã mất năm 2017), một người tiên phong trong lĩnh vực bảo vệ môi trường ở VN, cùng một nhà báo quốc tế của Tổ chức Hòa bình xanh ra Côn Đảo. Biết chuyện người dân vô tư bắt vích, lấy trứng, bắt đồi mồi, hai người đã khuyến cáo với chính quyền nên cấm để bảo vệ vì đó là loài quý hiếm, được thế giới đưa vào sách đỏ (Red List of Threatened Species). Ban quản lý Vườn đặc dụng Côn Đảo (nay là Vườn quốc gia Côn Đảo) đã tham mưu cho chính quyền Côn Đảo ra chỉ thị cấm đánh bắt vích, trứng vích và đồi mồi trong khu vực rừng, vùng đệm thuộc vườn quản lý. Vích đang kết bạn, giao phối ở biển Côn Đảo. Ảnh Vườn Quốc gia Côn Đảo cung cấp Năm 1991, Vườn quốc gia Côn Đảo bắt đầu thực hiện các giải pháp để bảo vệ rùa biển, nghiên cứu đặc điểm của loài này. Ông Võ Công Hậu, nguyên giám đốc Vườn quốc gia Côn Đảo, cho biết sau khi nhận khuyến cáo và chính quyền ra chỉ thị cấm đánh bắt trong phạm vi của vườn quản lý, ông cùng các đồng nghiệp đã tìm các tài liệu, sách vở bằng tiếng Anh viết về rùa biển để nghiên cứu, gắn thẻ theo dõi vích. Những năm đó, họ gắn thẻ bằng cách dùng miếng nhựa trắng cắt ra từ can, khắc “CD01”, CD02”, đục lỗ để luồn dây cước, buộc vào bơi rùa. Những miếng thẻ này nhanh chóng bị đứt, rơi trong lúc rùa biển di chuyển, đào bới cát làm tổ. Vích con mới nở trong hồ ấp ở hòn Bảy Cạnh, Côn Đảo. Ảnh: ĐÔNG HÀ Bà đỡ của rùa biển Năm 1995, đại diện Quỹ quốc tế bảo tồn thiên nhiên (WWF) đến Côn Đảo và ghi nhận việc bảo tồn loài rùa biển ở đây. WWF đã tài trợ cho những người làm cứu hộ rùa biển ở Côn Đảo sang Philippines tập huấn. Sau khi được tập huấn, với sự tài trợ vốn của WWF, những năm 1996, 1997 Vườn quốc gia Côn Đảo bắt đầu cứu hộ tổ rùa biển bằng cách di dời trứng từ vùng có nguy cơ ngập nước khi thủy triều lên đến vùng cao hơn để trứng vích không ung thối. Họ đồng thời xây các hồ ấp trứng vích, làm thẻ inox gắn vào vích để theo dõi, ghi nhận đặc điểm sinh học của vích. Ông Huệ cho biết nếu không di dời trứng vích lên vùng cao hơn thì tỉ lệ nở chưa đến 30%, nếu có cứu hộ thì tỉ lệ này tăng lên 80%. Rùa biển vướng vào lưới thải dưới biển ở Côn Đảo. Ảnh Vườn quốc gia Côn Đảo cung cấp Sự can thiệp này của con người vào khâu ấp trứng vích rồi trực tiếp thả về biển cũng giúp hạn chế số lượng vích con nở ra bị các loài khác như kỳ đà “xơi tái”. Sau khi WWF ngừng tài trợ, Vườn quốc gia Côn Đảo đã cân đối nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên của cơ quan để tiếp tục làm bà đỡ cho rùa biển. Năm 2017, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phê duyệt dự án “Di dời, cứu hộ trứng và rùa con để phục hồi quần thể rùa biển tại Côn Đảo trước tác động của nhiệt độ tăng, triều cường, nước biển dâng do biến đổi khí hậu” giai đoạn 2017-2020. Bằng nguồn vốn của dự án trên, Vườn quốc gia Côn Đảo đã xây dựng thêm sáu hồ ấp trứng với tổng diện tích 760m2, các hồ ấp được lắp đặt thêm hệ thống camera quan sát, được che lưới, trang bị pin đo nhiệt độ trong hồ ấp để cân bằng giới tính… Kiểm lâm Vườn Quốc gia Côn Đả đi thu gom trứng vích ở hòn Bảy Cạnh. Ảnh: ĐÔNG HÀ Vẫn chưa hết nguy cơ Từ năm 2018, Vườn quốc gia Côn Đảo đã phối hợp với Công ty TNHH Côn Đảo Resort (chủ đầu tư khu du lịch Six Senses) triển khai dự án “Phục hồi và bảo tồn bãi đẻ rùa biển tại Đất Dốc”. Bãi biển này dài khoảng 1km, được dọn sạch sẽ, thuận lợi cho rùa biển đẻ trứng. Chín tổ trứng ghi nhận được ở bãi biển Đất Dốc khiến họ vui mừng, vì điều đó cho thấy sự phục hồi của rùa biển tại Côn Đảo không chỉ ở các bãi biển thuộc vườn quốc gia quản lý. Hơn 150 tổ với gần 13.000 trứng của các bãi khác cũng đã được cứu hộ, di dời về đây. Số rùa con nở, thả về biển ở bãi này trong ba năm qua là hơn 8.100 con, tỉ lệ nở trên 70%. Năm 2016, từ đề nghị của Vườn quốc gia Côn Đảo, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) tại VN đã cử hàng trăm tình nguyện viên ra Côn Đảo, đóng góp hàng ngàn ngày công để bảo tồn rùa biển. Các tình nguyện viên đã cùng kiểm lâm theo dõi, di dời an toàn gần 2.000 tổ với 269.835 trứng, thả về biển 79.711 rùa con. Họ san lấp bãi rùa đẻ trứng, vệ sinh hồ ấp trứng rùa, thu gom xử lý khoảng 150m3 rác tại các đảo nhỏ... Sau mỗi chuyến tham gia cứu hộ rùa biển trở về, các tình nguyện viên còn viết báo, tạp chí, làm video clip... tuyên truyền bảo vệ rùa biển để nâng cao nhận thức của cộng đồng. Đồi mồi ở biển Côn Đảo. Ảnh: Văn Vững Ông Trần Đình Huệ cho biết số rùa biển về Côn Đảo làm ổ, đẻ trứng ngày càng nhiều, số lượng tổ trứng, rùa con nở, được thả về biển cũng tăng. Năm 2019 có 700-800 vích về Côn Đảo đẻ với 2.100 tổ trứng, năm 2020 con số này đã tăng lên hơn 900 con với trên 2.500 tổ và sẽ có khoảng 200.000 rùa con được ấp nở nhân tạo, thả về biển. Nhưng mối nguy đối với rùa biển vẫn rất nhiều. Kết thúc mùa làm tổ, rùa mẹ thường di cư rất xa, đến các vùng biển khác tìm thức ăn, thường là các vùng biển xung quanh đảo Phú Quý, quần đảo Trường Sa của VN, đảo Palawan của Philippines, vùng biển Sihanoukville của Campuchia, vùng biển phía đông của bang Pahang (Malaysia) và đảo Natuna (Indonesia). Ông Trần Đình Huệ lo rằng hành trình ấy có thể khiến rùa mẹ bị đánh bắt. Và họ tiếp tục trăn trở nghĩ cách ngăn ngừa mối nguy này. Ô nhiễm môi trường, rác thải đại dương là mối nguy lớn không kém, rùa biển có thể ăn phải túi nilông, vướng phải lưới thả trôi trên biển. “Có những trường hợp tuy ngư dân không chủ ý đánh bắt nhưng rùa biển lại vướng vào lưỡi câu của họ”, ông Huệ cho biết. ■ Có rùa biển đẻ gần 1.000 quả trứng/năm Sau nhiều năm cứu hộ và theo dõi rùa biển chuyên nghiệp, khoa học, Vườn quốc gia Côn Đảo ghi nhận những đặc điểm sinh học của loài này: trung bình mỗi năm một vích mẹ đẻ 3 tổ, mỗi tổ trung bình 90 quả trứng. Trung bình các lần đẻ trứng là 13 ngày. Hầu hết các vích mẹ cứ 3-4 năm sau quay lại Côn Đảo đào cát, đẻ trứng nhưng cũng có con chỉ 2 năm sau và có con đến 8 năm sau mới quay lại. Mùa rùa biển làm tổ đẻ trứng tại Côn Đảo gần như quanh năm, nhưng tập trung từ tháng 5 đến tháng 10, hầu hết các loài rùa biển đều làm tổ, đẻ trứng vào ban đêm. Đặc biệt, họ đã ghi nhận có một rùa mẹ đẻ được 10 tổ/năm và đạt số trứng kỷ lục là 993 quả. Vích có đường kính trung bình dài 93cm, rộng 84cm, trọng lượng 90kg. Tuổi thọ của nó có thể trên 70 năm. Tuy sinh sản dày và nhiều nhưng tỉ lệ sống sót và trưởng thành của rùa biển rất ít: 1/1.000. Kiểm lâm thu gom trứng vích. Ảnh: ĐÔNG HÀ Giới tính của rùa biển phụ thuộc vào nhiệt độ trứng được ấp Theo ghi nhận của Vườn quốc gia Côn Đảo, trứng vích có thể chịu đựng được sự va chạm nhẹ và xáo trộn khoảng 6 tiếng từ sau khi vích mẹ đẻ. Do đó, ngay sau khi vích mẹ đẻ, nhân viên Vườn quốc gia Côn Đảo phải đào, lấy trứng đưa về hồ ấp ngay. Nếu nhiệt độ ấp trứng dưới 260C, tỉ lệ trứng nở ra con đực cao hơn con cái. Ngược lại, nhiệt độ trên 30oC thì tỉ lệ con cái nhiều hơn con đực. Nhiệt độ tổ trứng từ 260C - 300C thì tỉ lệ đực - cái là 50-50. Thời gian rùa con nở bình quân 55 ngày. Sau khi nở 2-3 ngày, rùa con nằm ở dưới tổ và sẽ tự ngoi lên khỏi mặt đất, chủ yếu vào ban đêm, lúc trời mát. Rùa con bò xuống bãi và hướng thẳng ra đại dương bằng cách cảm nhận ánh sáng các vì sao, thủy triều và từ trường Trái đất. Sau khi ra biển, chúng bơi liên tục trong 1-2 ngày, trong trạng thái được gọi là “bơi trong mê”. 25 - 30 năm sau, khi đã trưởng thành, rùa biển di cư tìm giao phối và quay về làm tổ tại chính nơi chúng được sinh ra. Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Bảo tồn động, thực vật Tiếp theo Tags: Côn ĐảoLê Thị Thanh LâmVíchBảo tồn rùa biển
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Đua theo ‘cơn sốt’ ăn táo đỏ, những ai không nên ăn? ĐOÀN NHẠN 22/11/2024 Nhiều người đang theo trào lưu mua táo đỏ trên mạng để ăn hằng ngày, nhưng cần lưu ý cách dùng đúng để đạt công dụng và tránh bất lợi.
Rộ tin tướng cấp cao Triều Tiên bị thương do tên lửa Storm Shadow UYÊN PHƯƠNG 22/11/2024 Các quan chức phương Tây cho biết một tướng cấp cao Triều Tiên đã bị thương trong cuộc tấn công của quân đội Ukraine tại vùng Kursk.
Độc lạ Đồng Nai: Treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm A LỘC 22/11/2024 Một gia đình ở Đồng Nai treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Đại biểu Quốc hội: Điều hòa dân nghèo cũng sử dụng, sao xem là xa xỉ để áp thuế tiêu thụ đặc biệt TIẾN LONG 22/11/2024 Người lao động nghèo ở nhà trọ cũng lắp máy điều hòa, không hiểu sao lại đưa mặt hàng này vào hàng hóa xa xỉ để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.