16/12/2022 11:02 GMT+7

Những ngọn đèn biển chủ quyền trên Biển Đông - Kỳ 4: Khảo sát đảo Hòn Hải hiểm trở

ĐÔNG HÀ
ĐÔNG HÀ

TTO - Ngư dân Bình Thuận còn gọi Hòn Hải là "Hòn Hài" bởi hình dạng giống chiếc giày. Bốn mặt đảo là đá dựng đứng cao đến 110m. Xung quanh đảo toàn đá ngầm, sóng hiểm, xoáy ngầm.

Những ngọn đèn biển chủ quyền trên Biển Đông - Kỳ 4: Khảo sát đảo Hòn Hải hiểm trở - Ảnh 1.

Đoàn khảo sát ở thềm Hòn Hải, chuẩn bị làm thang sắt lên mặt đảo nguy hiểm - Ảnh: đại tá Lê Đình Tân cung cấp

Mỗi năm ở đây chỉ có ba tháng biển êm từ tháng 3 đến tháng 6. Việc lên được đảo là cực kỳ khó khăn và nguy hiểm, nên đảo hoang không có người ở...

Chuyến bay thị sát

Đại tá Lê Đình Tân, nguyên cục trưởng Cục Công trình quốc phòng (Bộ Tư lệnh Công binh), nhớ lại giữa năm 1998, thượng tướng Nguyễn Chơn - thứ trưởng Bộ Quốc phòng - bay trực thăng thị sát bờ biển.

Khi ngang qua Hòn Hải, Bình Thuận, ông yêu cầu phải xây dựng hạ tầng cơ sở ở hòn đảo này gồm mốc chủ quyền, hải đăng và bến cập tàu, âu tàu.

Nhiệm vụ khảo sát Hòn Hải được giao cho Ban Quản lý dự án công trình DK1 (Bộ Tư lệnh Công binh) - đơn vị nhiều kinh nghiệm trong xây dựng các công trình biển. Công ty xây dựng Lũng Lô (Bộ Tư lệnh Công binh) được giao nhiệm vụ thiết kế, lập dự án.

Giữa năm 1998, đại tá Lê Đình Tân lúc đó mang quân hàm trung tá tháp tùng đoàn công tác do Trung tướng Lê Hải Anh - phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam - dẫn đầu ra biển Hòn Hải đi vòng quanh đảo và lên bãi đá bằng phẳng duy nhất cách mép nước chừng vài mét để khảo sát ban đầu.

Những ngọn đèn biển chủ quyền trên Biển Đông - Kỳ 4: Khảo sát đảo Hòn Hải hiểm trở - Ảnh 2.

Đại tá Lê Đình Tân kể lại chuyến khảo sát Hòn Hải hiểm trở và quá trình ông thiết kế các công trình trên đảo - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Đại tá Tân tham gia đoàn khảo sát sơ bộ để sau này ông tham gia khảo sát chi tiết và cũng là người thiết kế chính cơ sở hạ tầng cho Hòn Hải. "Quy mô hạ tầng ở Hòn Hải ban đầu xác định có hải đăng, mốc chủ quyền, cầu cập tàu, bến bãi và âu tàu", đại tá Tân nhớ lại.

Cuối tháng 2-1999, đoàn khảo sát chi tiết đảo Hòn Hải chính thức được thành lập với hơn 50 người. Đại tá Tân lúc đó là trưởng phòng kỹ thuật Công ty xây dựng Lũng Lô làm trưởng đoàn.

Ngoài ra còn có những người khảo sát thủy hải văn của Đoàn 6 Hải quân cùng các kỹ sư khảo sát địa chất, đo đạc của Xí nghiệp khảo sát thiết kế và tư vấn xây dựng (thuộc Công ty xây dựng Lũng Lô). Tham gia đoàn còn có đại diện của Ban quản lý công trình DK1.

Những dấu chân đầu tiên lên đảo Hòn Hải

Trước khi ra đảo khảo sát chi tiết, chủ đầu tư, nhà thầu và các đơn vị phối hợp đã chuẩn bị đầy đủ vật dụng, đề ra các phương án thi công để leo lên mặt đảo Hòn Hải. "Hòn Hải có bốn mặt là vách đá dựng đứng, nơi cao nhất lên đến hơn trăm mét.

Nhưng may thay ở mặt phía tây, phần chân đảo - cách mặt nước chừng vài ba mét - có một bãi đá bằng phẳng rộng chừng vài trăm mét vuông như một bậc thềm. Nơi rộng nhất của bãi đá này khoảng 16m.

Đây chính là điểm xuất phát, là cơ sở để có thể dựng giàn giáo mà leo lên mặt đảo", đại tá Tân nhớ lại.

Trong chuyến khảo sát ấy có một sinh viên Trường Mỏ - Địa chất mới ra trường vừa vào làm ở Công ty xây dựng Lũng Lô. Sinh viên ấy bây giờ là thượng tá Phạm Văn Thủy - giám đốc Công ty cổ phần xây dựng Lũng Lô 4.

Khi hay tin xí nghiệp nhận nhiệm vụ khảo sát đảo xa, dù chưa bao giờ đi biển dài ngày nhưng ông Thủy không hề thoái thác, mà còn hào hứng, xung phong nhận ngay nhiệm vụ đi Hòn Hải.

Cuối tháng 11-2022, khi kể về chuyến khảo sát ngày ấy với tôi, thượng tá Thủy nhớ vanh vách từng chi tiết. Ông vẽ hình đảo Hòn Hải và đánh dấu: "Đây là đuôi đảo, nơi tôi suýt chết. Đây là nơi chúng tôi dựng lều. Ở đây có viên đá vuông như chiếu, chim én đậu đen. Đây là nơi dựng giàn giáo để leo lên mặt đảo. Còn mốc chủ quyền đây, hải đăng đây".

Ngày 25-2-1999, tàu HQ 665 ra đến Hòn Hải và phải neo cách đảo khoảng hơn một cây số vì xung quanh là đá ngầm, sóng ở xung quanh đảo là sóng chồm. Hai ca nô chở người và vật dụng tiếp cận đảo ở hướng bắc, lán trại dựng lên ở đây.

Ngay hôm sau, việc dựng giàn giáo để leo lên mặt đảo bắt đầu. Sau khoảng một tuần thi công, hệ thống giàn giáo lên mặt đảo Hòn Hải hoàn thành với độ cao lên đến hơn 60m.

Bước chân đại tá Tân, thượng tá Thủy và nhiều người lính Đoàn 6 Hải quân là những người đầu tiên trên mặt đảo hoang Hòn Hải. "Mặt đảo trơ trọi, không có gì ngoài đá đảo, cỏ khô và trứng chim biển", đại tá Tân nhớ lại.

Những ngọn đèn biển chủ quyền trên Biển Đông - Kỳ 4: Khảo sát đảo Hòn Hải hiểm trở - Ảnh 3.

Cờ Tổ quốc trên đỉnh Hòn Hải và những người đã khuất phục hòn đảo này năm 1999 - Ảnh: T.L

Cờ Tổ quốc trên đỉnh Hòn Hải

Việc khảo sát Hòn Hải bắt đầu ngay sau khi đoàn chinh phục được mặt đảo. Mỗi bộ phận một nhiệm vụ, một công việc. Tổ khảo sát thủy hải văn đo dòng chảy, độ sâu biển Hòn Hải của Đoàn 6 Hải quân do thiếu tá Nguyễn Văn Mộc chỉ huy.

Việc khoan địa chất mặt đảo do thượng tá Phạm Văn Thủy phụ trách cùng với đội khoan được thuê từ một cơ sở ngoài quân đội để "khám" địa hình, địa chất, cấu trúc của mặt đảo. Còn đại tá Tân đi khắp mặt đảo, sờ nắm từng viên đá, hòn sỏi, mẫu đất để có sự thẩm định đầu tiên.

Để có các thông số, dữ liệu của biển Hòn Hải, một ca nô chạy vòng quanh đảo, trên ca nô có máy quét đo độ sâu, và có người cầm gương. Trong đảo, có hai người dùng máy điện tử bắn hai tia ra gương để hội tụ thành tam giác.

Nhưng việc xác định chính xác các điểm, vị trí xung quanh của Hòn Hải thì không thể ra mép đảo vì vách đảo dựng đứng rất dễ rơi xuống biển.

Để đo được đảo, người đo phải dùng cây thép dài, trên thanh thép có gắn gương. Người đo nằm xuống mặt đảo, đưa cây thép ra mép để người khác bắn tia vào gương mà có số liệu.

Những ngọn đèn biển chủ quyền trên Biển Đông - Kỳ 4: Khảo sát đảo Hòn Hải hiểm trở - Ảnh 4.

Một góc Hòn Hải nhìn từ đỉnh xuống với các vách đá hụt, vách đá dựng rất nguy hiểm, khó leo lên - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Cùng với đội ngũ khám phá đảo, lòng biển còn có một đội ngũ mang vác từng bao cát, bao xi măng để xây đánh dấu các cột mốc, trong đó quan trọng nhất là mốc chủ quyền trên đỉnh Hòn Hải.

"Khi đưa vật liệu xây dựng từ tàu HQ 665 xuống ca nô, từ ca nô lên thềm đảo, có những lúc sóng đánh chòng chành làm rơi bao cát, bao xi măng, những người lính hải quân phải lao theo để vớt, cố cứu lấy vật liệu xây dựng", thượng tá Thủy nhớ lại.

Đúng một tháng sau, ngày 25-3-1999, đại tá Hoàng Kiền - phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Binh chủng Công binh - dẫn đầu đoàn công tác ra đảo Hòn Hải để nghiệm thu khảo sát địa hình, địa chất, khí hậu, thủy hải văn. Đây cũng là ngày kỷ niệm truyền thống thành lập Binh chủng Công binh 25-3-1946.

Một cột mốc chủ quyền được xây trên đỉnh Hòn Hải với lá cờ đỏ sao vàng năm cánh tung bay trong gió.

Vượt vách đá nguy hiểm

Ngày nay ra Hòn Hải, hệ thống giàn giáo dùng để lên mặt đảo cách đây 25 năm đã không còn vì muối biển bào mòn làm rơi rụng chỉ sau 3, 4 năm.

Đại tá Nguyễn Bá Hiểu, nguyên trưởng Ban quản lý công trình DK1, nhớ lại lúc bắt đầu khảo sát Hòn Hải ông là trưởng phòng kế hoạch của ban.

Trong một lần đến Vũng Tàu, thấy cảnh công nhân dầu khí bắt giàn giáo để bảo dưỡng, sửa chữa giàn khoan, ông nghĩ ngay đây là giải pháp để leo lên mặt đảo Hòn Hải.

Công trình làm giàn giáo lên mặt đảo phải khoan lỗ vào vách đá, rồi cắm ngang các cọc thép đặc dài khoảng 1m vào vách đảo. Sau đó gắn các ống sắt đứng vào thanh sắt ngang. Sắt ngang và đứng liên kết với nhau bằng các khóa đặc chủng của Thụy Điển.

Ngoài ra, để đảm bảo chắc chắn, chống xô lệch còn có các thanh sắt chéo, giằng các thanh ngang và thanh đứng với nhau, tạo thành tam giác. Lưới bảo vệ bọc xung quanh giàn giáo để phòng trường hợp trượt ngã không rơi xuống biển.

------------------

Những người lính công binh bắt tay xây dựng đèn hải đăng trên hoang đảo Hòn Hải hiểm trở. Một công trình đầy khó khăn, gian nan.

Kỳ tới: Xây hải đăng Hòn Hải - cuộc thử thách đặc biệt

Những ngọn đèn biển chủ quyền trên Biển Đông - Kỳ 3: Hải đăng rực sáng Trường Sa Những ngọn đèn biển chủ quyền trên Biển Đông - Kỳ 3: Hải đăng rực sáng Trường Sa

TTO - Chỉ một năm sau chuyến khảo sát đặc biệt, những người làm nghề đảm bảo an toàn hàng hải đã quay trở lại Trường Sa để xây những ngọn hải đăng đầu tiên trên vùng biển phên giậu Tổ quốc.


ĐÔNG HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên