04/05/2019 11:13 GMT+7

Những ngôi trường xây từ lấm lòng - Kỳ cuối: Lên non xây trường

Đ.CƯỜNG - TR.MAI
Đ.CƯỜNG - TR.MAI

TTO - Một nhóm những người đang làm việc ở huyện miền núi Nam Trà My, Quảng Nam đã cùng bắt tay nhau làm việc có ích cho những học trò ở huyện nghèo này. Đó là CLB Kết nối yêu thương Nam Trà My.

Những ngôi trường xây từ lấm lòng - Kỳ cuối: Lên non xây trường - Ảnh 1.

Khu nội trú mới xây của Trường tiểu học xã Trà Tập - Ảnh: T.TÚ

Trời nắng như đổ lửa, , chủ nhiệm CLB Kết nối yêu thương, nói vang trong điện thoại: "Chờ xíu nha, anh đi sửa điện chỗ điểm trường Trà Tập".

Từ viên gạch đầu tiên

40 tuổi, ngót 20 năm thầy Vỹ đã cắm nóc ở huyện miền núi này. Nheo mắt nhìn xa, thầy Vỹ nhớ những ngày phải cuốc bộ hơn sáu tiếng để vào điểm trường Tắk Lũ, xã Trà Mai dạy học.

"Mình là giáo viên, bạn cũng giáo viên nhưng mình đang dạy trong một cái "chuồng" thì đúng hơn, lớp học lợp tranh, thưng vách bằng cây rừng. Mùa đông phải nhóm lửa giữa lớp để sưởi ấm" - thầy Vỹ nhớ lại.

Thầy Vỹ mang theo ước mơ của cả những thầy cô cắm nóc khác: "Làm sao có một mái trường kín gió hơn". Khi về làm chuyên viên tại Phòng giáo dục, thầy Vỹ bắt đầu hiện thực hóa điều ấy.

Cái được không phải là xin được nhiều tiền để làm trường. Mà vấn đề nằm ở chỗ có trường mới, có chỗ ăn ở đàng hoàng thì thầy cô không còn chạnh lòng trong việc cống hiến. Các em không bị mặc cảm, thiếu thốn và yên tâm đến lớp.

Thầy NGUYỄN TRẦN VỸ

Năm 2014, những người bạn của thầy Vỹ là dân văn phòng, giáo viên, đoàn viên, kỹ thuật, thợ hồ... ngồi cà phê với nhau. Cả nhóm góp tiền mua một chiếc đồng hồ, sách vở lên thăm lại "chiến trường" cũ của thầy Vỹ là điểm trường Tắk Lũ.

"Sau chuyến đi thực tế thấy cuộc sống thầy trò trên nóc, mọi người càng quyết tâm phải làm một điều có ích" - thầy Vỹ nói. Họ đã lập CLB Kết nối yêu thương với 35 thành viên. Chưa có nguồn kinh phí nên mỗi người góp 100.000 đồng/tháng.

Tháng 10 năm đó, chuyến khởi hành đầu tiên tại điểm trường Măng Lưng được vạch ra. CLB sẽ lát gạch men các phòng học, đổ sàn ximăng gần 200m2 sân trường.

Lát gạch men phòng học là một điều rất xa xỉ với học trò ở các nóc của bởi bao năm nơi đây chỉ toàn nền đất. Nhưng, nhìn lại số tiền cả nhóm góp quá khiêm tốn, vậy là phải đi xin từng bao ximăng, cát...

Tuy nhiên để đưa vật liệu vào điểm trường này là cả một hành trình gian truân.

"Ba giờ lội bộ, cứ ba người cùng một xe máy thồ vật liệu vào điểm trường"- thầy Vỹ chia sẻ. Ròng rã mấy ngày trời, thành viên toàn dân văn phòng phải trộn và đổ gần 30m3 bêtông.

"Xong xuôi, nhìn 80 đứa trẻ ngồi bệt trên nền gạch vui chơi, chân không còn lấm lem bùn đất mà ứa nước mắt. Đó là khoảnh khắc hạnh phúc nhất của chúng tôi" - thầy Vỹ xúc động nói.

Những ngôi trường xây từ lấm lòng - Kỳ cuối: Lên non xây trường - Ảnh 3.

Các thành viên CLB Kết nối yêu thương Nam Trà My đổ nền ximăng cho trường học - Ảnh: T.TÚ

Đến những ngôi trường ở Nam Trà My

Nếu có dịp đến Trường tiểu học Trà Tập, bạn hẳn sẽ ngạc nhiên về một khu nội trú rất khang trang cùng hệ thống nội thất, bếp tập thể, vệ sinh, nước sạch...

Thầy Lê Huy Phương, hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ trước đây vì không có đủ chỗ ở nên không thể nuôi hết các em tại trường mà chỉ nuôi được 40% trên tổng số học sinh.

"Chính thông qua CLB Kết nối yêu thương mà các nhà hảo tâm đã đến đầu tư khu nội trú cho các em. Nhờ vậy các em đã có chỗ ăn ở rất đàng hoàng, tiện nghi" - thầy Phương chia sẻ.

Làm sao để kết nối thêm nhiều tấm lòng đến với Nam Trà My? Trước trăn trở đó, CLB Kết nối yêu thương đã lập trang Facebook. Mới đầu có người còn hoài nghi nên họ "test" năng lực trước khi bắt tay hợp tác.

"Họ cho một ít quà và để CLB tự thực hiện dự án. Sau những lần "test" quà được đến đúng người, đúng chỗ. Chúng tôi thuyết phục nếu trao tiền quà thì chỉ một vài ngày là hết. Nhưng cũng chừng đó tiền để làm trường lớp thì nhiều thế hệ được hưởng lợi" - thầy Vỹ kể.

Nhóm đầu tiên hợp tác với CLB Kết nối yêu thương là CLB Bạn thương nhau tại Đà Nẵng khi học tại thôn 3, xã Trà Cang vào năm 2015.

Đây là một công trình lớn có 4 phòng học, 2 phòng ở giáo viên, lợp tôn, lát gạch... với tổng kinh phí 700 triệu đồng, sau hơn bốn tháng thi công thì hoàn thành đúng ngày khai giảng.

Anh Nguyễn Bình Nam, CLB Bạn thương nhau, chia sẻ để vào được một điểm trường phải trèo đèo, lội suối vô cùng gian nan. Quãng đường di chuyển từ Đà Nẵng lên Nam Trà My mất gần năm tiếng và phải mất 3-4 chuyến khảo sát mới chốt được địa điểm.

"Tốn kém về tiền bạc, thời gian và công sức khi phải lội đến từng nơi"- anh Nam tâm sự. Nhưng nhờ chuyến đi "mỏi gối" ấy mà anh Nam đã gặp thầy Vỹ.

"Thông qua Vỹ, tụi tôi đã đến những nơi xa xôi nhất để xây dựng 5-6 trường học - anh Nam cho biết - Họ phải lặn lội đến những nơi xa nhất của đồng bào để cung cấp thông tin xác thực nhất cho các nhóm từ thiện. Đó là cây cầu nối những trái tim thương yêu".

Rồi có thêm Quỹ thiện nguyện vì yêu thương bắt tay cùng CLB. Trường đầu tiên được xây dựng tại nóc Răng Dí với đầy đủ tiện ích cho cô và trò cùng hệ thống năng lượng điện mặt trời hiện đại. Quỹ tiếp tục làm 11 ngôi trường tại Nam Trà My.

Tới nay, thông qua CLB Kết nối yêu thương, các nhóm từ thiện đã làm mới 42 ngôi trường, 42 phòng ở giáo viên ở Nam Trà My.

Thầy Vỹ quan niệm: "Cái được không phải là xin được nhiều tiền để làm trường. Mà vấn đề nằm ở chỗ có trường mới, có chỗ ăn ở đàng hoàng thì thầy cô không còn chạnh lòng trong việc cống hiến. Các em không bị mặc cảm, thiếu thốn và yên tâm đến lớp".

Ông Võ Đăng Thuận, trưởng Phòng GD-ĐT huyện Nam Trà My, cho biết từ làm trường cho đến dụng cụ lọc nước, xây nhà vệ sinh... đều nhờ cầu nối của CLB Kết nối yêu thương với các nhóm thiện nguyện.

Những ngôi trường xây từ lấm lòng - Kỳ cuối: Lên non xây trường - Ảnh 4.

Thành viên CLB Kết nối yêu thương Nam Trà My - Ảnh: T.T

Lo sữa cho học trò

"Trong chuyến đi sửa trường ở nóc Răng Dí tôi thấy một gia đình Cadong có con nhỏ khóc khản cổ vì đói, mẹ phải lấy bún nhúng nước cho bé ăn. Tôi đăng lên Facebook để xin sữa" - thầy Vỹ tâm sự.

Nhiều người từ khắp nơi gửi sữa về. Các thành viên trong nhóm phải đi mua bình bú, ly, muỗng và dạy các bà mẹ cách pha chế sữa.

Đến nay đã có hàng chục điểm trường duy trì chế độ trẻ uống sữa mỗi tuần 1-3 lần. Và có gần 30 điểm trường đang thực hiện bữa cơm có thịt.

Ngôi trường dựng lên sau thảm họa bão Chanchu

TTO - Ở Đà Nẵng có một ngôi trường công lập nhưng không xây dựng bằng tiền ngân sách, mà từ sự đóng góp của triệu tấm lòng gửi về sau thảm họa của cơn bão Chanchu năm 2006.

Đ.CƯỜNG - TR.MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên