Cửa hàng Lien ‘A "nuốt trọn" vỉa hè phố Tôn Đức Thắng - Ảnh: QUÁCH THẢO
Năm nào, UBND TP Hà Nội cũng tổ chức ra quân tại nhiều quận, huyện, tuyến phố trung tâm để dọn dẹp , lập lại trật tự an ninh đô thị. Những vạch vôi trắng được coi là ranh giới phân chia làn đường dành cho người đi bộ và phần các hộ dân được phép để xe máy, xe đạp.
Thế nhưng, với những ngôi nhà không vỉa hè, đâu là ranh giới? Không có vỉa hè đồng nghĩa với việc người đi bộ phải đi xuống lòng đường dành cho các phương tiện giao thông khác, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Cửa hàng Lien ‘A chuyên bán chăn, drap, gối, đệm ở phố Tôn Đức Thắng lấn chiếm toàn bộ vỉa hè, thậm chí xuống cả lòng đường.
Mặt tiền ngôi nhà rộng khoảng 10m2 dùng để để xe máy của khách hàng và nhân viên khiến người đi bộ phải đi luồn qua... cửa hàng hoặc đi thẳng ra lòng đường.
Đặc biệt, hai chiếc cột đỡ phía ngoài công trình choáng hết tầm nhìn người qua lại, nhất là giờ cao điểm.
Bác Tuấn, một cư dân sở tại, cho biết sở dĩ căn nhà chiếm trọn vỉa hè là do quá trình mở rộng lòng đường, công tác giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết dứt điểm. Người dân riết rồi cũng... quen!
Tại cửa hàng Biti's 162 Tôn Đức Thắng, vỉa hè bị lấn chiếm toàn bộ - Ảnh: QUÁCH THẢO
Một đoạn dài đường Tôn Đức Thắng không hề có vỉa hè cho người đi bộ - Ảnh: QUÁCH THẢO
Không chỉ riêng đường Tôn Đức Thắng, tình trạng này còn dễ dàng bắt gặp ở nhiều tuyến đường Nguyễn Phong Sắc (quận Cầu Giấy), Quốc Tử Giám, Xã Đàn (quận Đống Đa)...
Vì sao những căn nhà lấn chiếm vỉa hè đến bây giờ vẫn tồn tại? Câu trả lời nhận được là phần vỉa hè những ngôi nhà này là phần đất trong sổ đỏ, thậm chí tồn tại những căn nhà "lọt trên vỉa hè" với sổ đỏ rõ ràng.
Do đó, dù đã có những đợt ra quân dọn dẹp trật tự vỉa hè, những ngôi nhà "nuốt trọn" vỉa hè vẫn chưa thể xử lý.
Đến khi nào, thành phố Hà Nội mới có phương án giải quyết dứt điểm tình trạng này? Nhất là khi hệ thống giao thông nội đô đang quá tải, phương án cấm xe máy trên một số tuyến phố đang được đề xuất thí điểm và việc đầu tư và quan tâm tới vỉa hè cho người đi bộ là vô cùng cần thiết.
Một lô nhà không có vỉa hè trên đường Quốc Tử Giám - Ảnh: QUÁCH THẢO
Trên đường Nguyễn Khuyến, những ngôi nhà "nuốt trọn vỉa hè" cũng không khó bắt gặp - Ảnh: QUÁCH THẢO
Ngã tư Xã Đàn, nơi có đông mật độ giao thông, việc không có vỉa hè đẩy người đi bộ xuống lòng đường vô cùng nguy hiểm - Ảnh: QUÁCH THẢO
Ngôi nhà số 51 "án ngữ" trên vỉa hè đường Hai Bà Trưng, đẩy người đi bộ xuống lòng đường - Ảnh: QUÁCH THẢO
Ngôi nhà "án ngữ lạc lõng" trên vỉa hè đường Nguyễn Phong Sắc cũng khiến người đi bộ ái ngại mỗi lần đi qua - Ảnh: QUÁCH THẢO
Luật giao thông đường bộ 2008 quy định:
Điều 36. Sử dụng đường phố và các hoạt động khác trên đường phố
1. Lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông.
2. Các hoạt động khác trên đường phố phải thực hiện theo quy định tại khoản 1 điều 35 của luật này.
Trường hợp đặc biệt, việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố vào mục đích khác do UBND cấp tỉnh quy định nhưng không được làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông
Ngoài ra, việc UBND cấp tỉnh quy định sử dụng hè phố vào mục đích khác ngoài mục đích giao thông được quy định cụ thể hơn tại Thông tư 04/2008 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn quản lý đường đô thị:
Sử dụng hè phố vào việc kinh doanh, buôn bán hàng hóa: Chỉ một số công trình, tuyến phố đặc thù mới được phép sử dụng hè phố vào việc kinh doanh, buôn bán hàng hóa.
UBND cấp tỉnh quyết định danh mục công trình và tuyến phố được phép sử dụng hè phố vào việc kinh doanh, buôn bán trên cơ sở bảo đảm các yêu cầu sau đây:
a) Chiều rộng hè phố còn lại dành cho người đi bộ tối thiểu 1,5m;
b) Bảo đảm an toàn, thuận tiện giao thông; bảo đảm mỹ quan, vệ sinh môi trường đô thị và không ảnh hưởng đến sinh hoạt bình thường của hộ gia đình, chủ công trình trên tuyến phố;
c) Không cho phép tổ chức kinh doanh buôn bán trước mặt tiền của các công trình văn hóa, giáo dục, thể thao, y tế, tôn giáo, công sở.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận