Nhóm ngành điện tử, CNTT luôn là nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng cao. Trong ảnh: học sinh lớp 10 hệ trung cấp Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật TP.HCM trong giờ thực hành điện - điện tử - Ảnh: NHƯ HÙNG
Trong khi đó, thông tin từ Trung tâm dự báo nguồn nhân lực TP.HCM cho hay doanh nghiệp luôn cần nhân lực từ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng nhiều hơn đại học và trên đại học.
Luôn thiếu nhân lực
Một chuyên viên phòng giáo dục nghề nghiệp Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM cho biết nghề cắt gọt kim loại, cấp thoát nước, điện, hàn, dịch vụ chăm sóc gia đình…đang là những ngành nghề thiếu nguồn nhân lực cả trong nước lẫn xuất khẩu lao động.
"Các nghề này đều được đào tạo tại trường nghề địa phương. Sau khi kết thúc chương trình, học viên có thể hành nghề tốt ngay tại địa bàn của mình.
Ngoài các ngành kể trên, học điều dưỡng hoặc chăm sóc sức khỏe gia đình cũng đang là ngành có tiềm năng việc làm lớn. Các nước như Nhật Bản và Đức rất cần nguồn nhân lực từ những ngành này" - vị này cho biết thêm.
Trong khi đó, bà Hồng Thị Thanh Thủy - phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề TP.HCM - chia sẻ hiện nay các trường xây dựng chương trình đào tạo gắn với nhu cầu thực tế, tức đào tạo những nghề xã hội và doanh nghiệp đang cần.
"Trường Cao đẳng nghề TP.HCM luôn không đủ số lượng sinh viên ra trường để cung cấp cho doanh nghiệp ở những nghề điện lạnh, các nghề thuộc nhóm tự động hóa như điện tử công nghiệp, cơ điện tử, bảo trì máy…".
Ông Phạm Hữu Lộc - hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng TP.HCM - cũng cho hay: "Trường chúng tôi đào tạo các ngành nghề công nghệ, kỹ thuật, kinh tế và tiếng Anh. Sinh viên ra trường được các doanh nghiệp nhận làm việc đúng ngành với mức thu nhập ban đầu 8 triệu đồng/tháng".
Theo ông Lộc, trường này đào tạo nhiều nghề ngắn hạn từ 3-6 tháng để người học có việc làm ngay như cơ khí, điện công nghiệp, nhiệt lạnh.
"Nhà trường có Trung tâm đào tạo Lý Tự Trọng. Nơi đây đào tạo các lớp học ngắn hạn cho các nghề thuộc đối tượng tự do và đào tạo miễn phí cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, bộ đội xuất ngũ. Đào tạo xong trường cũng giới thiệu việc làm cho người học" - ông Lộc nói thêm.
10 nhóm ngành công nghiệp chủ yếu
Theo ông Trần Anh Tuấn, nguyên phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM - trong chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam tập trung vào 10 ngành công nghiệp chủ yếu như: ngành cơ khí - luyện kim; ngành hóa chất; ngành điện tử, công nghệ thông tin; ngành dệt may - da giày; ngành chế biến nông lâm thủy sản, thực phẩm, đồ uống; ngành sản xuất vật liệu xây dựng; ngành khai thác và chế biến khoáng sản; ngành điện; ngành than; ngành dầu khí.
Theo Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, 6 tháng cuối năm 2019 địa phương này cần khoảng 155.000 chỗ làm việc.
Trong đó, nhu cầu tuyển dụng của quý III-2019 khoảng 75.000 chỗ làm việc, tập trung thu hút lao động ở một số ngành như: marketing - kinh doanh - bán hàng, cơ khí, kiến trúc - kỹ thuật công trình xây dựng, công nghệ thông tin, dệt may - giày da, vận tải - kho bãi - xuất nhập khẩu, kinh doanh tài sản - bất động sản, tài chính - tín dụng - ngân hàng, công nghệ ô tô - xe máy, nông - lâm nghiệp - thủy sản, quản lý nhân sự, kế toán kiểm toán, hóa - hóa chất, dịch vụ - phục vụ, điện - điện tử - điện lạnh - điện công nghiêp, …
Quý IV-2019, doanh nghiệp tiếp tục ổn định, phát triển quy mô sản xuất, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết và giải quyết các đơn hàng xuất khẩu, với nhu cầu tuyển dụng khoảng 80.000 chỗ làm việc tăng 6,7% so với quý III-2019, tập trung ở các nhóm ngành như: dệt may - giày da, công nghệ thực phẩm, công nghệ thông tin, dịch vụ - phục vụ, bán hàng, nhân viên kinh doanh, nhân viên giao hàng...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận