Bác sĩ Bệnh viện dã chiến số 12 (từ Quảng Ninh chi viện) chăm sóc bệnh nhân trở nặng, cần chuyển viện trong đêm - Ảnh: NGUYỄN THẾ THIÊM
Cuộc chi viện lịch sử
"Tôi vẫn còn nhớ mãi tối 27-7-2021 tôi vào TP.HCM. Lúc ấy khó khăn lắm, số mắc COVID-19 mới tăng rất nhanh, số ca tử vong nhiều. Bộ trưởng Bộ Y tế gọi hỏi có thể điều y bác sĩ của Việt Đức vào TP.HCM được không. Tôi nói tôi đã chờ lệnh và sẵn sàng điều động" - GS Trần Bình Giang, giám đốc Bệnh viện Việt Đức, nói với Tuổi Trẻ về chuyến đi của 750 y bác sĩ Việt Đức trong cuộc điều động lịch sử.
Chuyến đi trong ngày đầu tiên ấy chỉ có ông Giang và vài cán bộ. Họ đã đi khảo sát hai địa điểm và quyết định mở Trung tâm hồi sức người bệnh COVID-19 do Bệnh viện Việt Đức phụ trách tại Bình Chánh (TP.HCM) - khu vực dịch đang rất nặng nề vào thời điểm đó.
Khi ấy, địa điểm được chọn vẫn còn dở dang và họ đã quyết định phải đón được người bệnh trong vòng năm ngày - một quyết định tưởng như không tưởng.
"Làm thì làm được, người TP.HCM năng động lắm, năm ngày sau y bác sĩ Bệnh viện Việt Đức bắt đầu vào. Chỉ có năm ngày để chúng tôi tập huấn vì Việt Đức là bệnh viện ngoại khoa, không chuyên về COVID-19, nhưng Việt Đức làm rất cẩn thận, rất chặt chẽ. Trong hơn hai tháng ở trung tâm, toàn bộ y bác sĩ Việt Đức không ai bị lây nhiễm COVID-19" - ông Giang nói.
Những ngày đầu mở trung tâm là những ngày gian khổ nhất. Các y bác sĩ phải đón người bệnh theo kiểu "cuốn chiếu". Hoàn thành hai dãy nhà là đón người bệnh vào luôn, ba dãy khác tiếp tục sửa sang, xong lại đón người bệnh tiếp. Cao điểm trung tâm chăm sóc cho 500 người bệnh, tất cả đều là ca nặng.
"Chúng tôi đã nỗ lực hết sức để hạn chế tối đa số ca tử vong, nhưng những ngày đầu số tử vong vẫn cao. Y bác sĩ Việt Đức chưa bao giờ gặp tình huống như vậy, các em xuống tinh thần. Chúng tôi đã phải mở cuộc họp trực tuyến để chia sẻ và động viên anh em. Sau này, tỉ lệ tử vong ở trung tâm do Việt Đức phụ trách là thấp nhất so với các trung tâm lân cận" - ông Giang chia sẻ.
Vào "chảo lửa"
Thời điểm tháng 7-2021, COVID-19 vẫn còn xa lạ, dù lúc ấy đã là đợt dịch thứ 4. Trước tháng 7, không ai nghĩ đợt dịch thứ 4 lại khủng khiếp đến thế. Số mắc mới, số tử vong tăng nhanh hằng ngày mà tâm điểm dịch là TP.HCM và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Long An, Đồng Nai.
Anh Nguyễn Thế Thiêm, thành viên đoàn chi viện Quảng Ninh, kể các anh vào TP.HCM đúng vào giai đoạn căng nhất và đoàn Quảng Ninh với 74 người được giao chăm sóc, điều trị, quản lý 1.500 người bệnh tại Bệnh viện dã chiến số 12.
Khi ở nhà, anh Thiêm và các đồng nghiệp đã biết tình hình ở TP.HCM là nóng nhưng không ngờ lại nóng đến thế.
Nỗi khổ với y bác sĩ là bộ trang phục bảo hộ. Mặc bộ trang phục ấy trong thời tiết nóng bức, người lúc nào cũng đầy mồ hôi, khẩu trang kín mít khiến thở rất khó khăn, đôi tay lúc nào cũng bao chặt trong găng tay dấp dính mồ hôi.
Những ngày đầu, 74 người trong đoàn Quảng Ninh không phải ai cũng làm chuyên khoa hô hấp nên vào đến nơi còn phải phân công phân nhiệm, người nào việc nấy, thậm chí cả việc đẩy xe chia thực phẩm, đồ ăn cũng do y bác sĩ đảm nhiệm.
Xong công việc mỗi ngày, tất cả đội ngũ đều mệt lả, nhưng khi nhìn xuống sân lại thấy một hàng bệnh nhân chuẩn bị vào viện, lại một guồng quay mới.
Gian khổ như vậy nhưng y bác sĩ lại xung phong vào "tuyến lửa". Riêng Bệnh viện Việt Đức đã có hơn 1.000 y bác sĩ xung phong, có gia đình cả vợ và chồng cùng đăng ký đi TP.HCM.
Vì những ngày yên bình sau này
Trong hơn hai tháng từ đầu tháng 8 đến đầu tháng 10-2021, 750 y bác sĩ Việt Đức đến làm việc tại Trung tâm hồi sức người bệnh COVID-19 ở Bình Chánh đã vượt qua một trận dịch kinh người, họ chỉ trở về khi TP.HCM yên bình trở lại. Và ngay sau khi trở về, nhiều người của Bệnh viện Việt Đức lại có mặt ở Bà Rịa - Vũng Tàu để hỗ trợ cấp cứu người bệnh.
Trong cuộc chi viện lịch sử này, ngành y tế đã điều động hơn 25.000 y bác sĩ, học viên y dược khắp cả nước hỗ trợ cho Đông Nam Bộ, sau đó là Tây Nam Bộ. Hơn 25.000 người đã rời gia đình, rời trường học, rời nơi thân thuộc để dấn thân vào một công việc hiểm nguy là chống lại căn bệnh nguy hiểm COVID-19.
Nhiều y bác sĩ đã nghỉ hưu cũng quay lại tham gia chống dịch, từ Thanh Hóa vào tận Bình Dương, từ Hà Giang vào TP.HCM. Tất cả vì những ngày yên bình sau này...
Ám ảnh con đường vùng dịch chỉ có xe cấp cứu
"Nghề cấp cứu của tôi đã quen với máu me và chứng kiến những lằn ranh sinh - tử, nhưng thực sự đến bây giờ vẫn chưa thôi ám ảnh của những ngày làm cấp cứu ở TP.HCM. COVID-19 không có máu đổ nhưng hậu quả lại quá kinh hoàng". Đó là chia sẻ của y sĩ Đào Đức Hùng, Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng.
"Đã có rất nhiều chuyện muốn quên và sẽ nhớ. Nếu chọn một điều tốt đẹp để nhớ trong thời gian ấy có lẽ đó là sự tận hiến của những y bác sĩ tham gia chống dịch TP.HCM.
Tôi chuyển viện cho rất nhiều bệnh nhân, đến rất nhiều bệnh viện và tiếp xúc với rất nhiều nhân viên y tế đều thấy ở họ một tinh thần nghề nghiệp khẩn trương, chuyên nghiệp vì người bệnh. Nếu không có những ngày làm việc với 200% sức lực ấy của họ, mọi việc có thể tồi tệ hơn".
TRƯỜNG TRUNG ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận