Bên cạnh đó, người xem cũng có cơ hội chiêm ngưỡng không gian lễ hội đâm trâu mừng lúa mới của dân tộc Ba Na, lễ trao vòng cầu hôn của người Ê Đê, giới thiệu các nhạc cụ tiêu biểu như trống làng Tây nguyên, đàn đá, t'rưng, đinh pút. Không gian triển lãm về Tây nguyên cũng trưng bày hình ảnh về nhà mồ, hiện vật sử dụng trong sinh đẻ, lễ thổi tai truyền thống...
Lần đầu tiên, người xem có thể tiếp cận được với 100 bộ sử thi Tây nguyên của các dân tộc Ba Na, Ê Đê, Mơ Nông, Raglay, Xê Đăng. Đây là thành quả trong nhiều năm nghiên cứu của các chuyên gia, nghệ nhân Tây nguyên. Tại buổi họp báo sáng 22-8, bà Nguyễn Thị Hoa, phó giám đốc Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật VN, cho biết: “Chúng tôi ngỡ ngàng với khối lượng đồ sộ 100 bộ sử thi, quyển mỏng nhất là 500 trang, dày nhất lên tới 1.400 trang. Sẽ có một số nghệ nhân Tây nguyên có mặt trong dịp này để trình diễn sử thi trong một không gian mang đúng tinh thần Tây nguyên nhất”.
Cũng trong Những ngày văn hóa Tây nguyên, các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum, Lâm Đồng, Đắk Nông sẽ mở không gian trưng bày về văn hóa địa phương mình. Trong khuôn khổ ngày văn hóa, hội chợ giới thiệu ẩm thực, bán các loại nông sản, sản vật, thủ công mỹ nghệ của Tây nguyên cũng sẽ được tổ chức. Đặc biệt, một không gian trà của Lâm Đồng và không gian cà phê Đắk Lắk cũng được kỳ vọng là điểm thu hút mọi người thưởng thức sản phẩm đặc trưng Tây nguyên. Những ngày văn hóa Tây nguyên tại Hà Nội sẽ khai mạc lúc 20g ngày 28-8 ở Trung tâm triển lãm văn hóa nghệ thuật VN (2 Hoa Lư, Hà Nội).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận