Tháng Chạp còn được gọi là tháng củ mật, cũng không hiểu từ ngữ đó được dùng chính xác từ bao giờ, chỉ biết rằng xưa kia các cụ nhà ta gọi như vậy là bởi những ngày giáp Tết có nhiều trộm, nhà nhà phải cẩn thận cửa nẻo đề phòng mất mát. Sở dĩ nhiều trộm là bởi ngày xưa đói rét, mà đã đói thì đầu gối phải bò..., giờ đây đời sống xã hội đã khá giả hơn nên “tháng củ mật” cũng có nhiều cái khang khác.
Cái khác mà ai cũng thấy rõ nhất đó là sự hối hả, nếu như xa xưa tháng Chạp là lúc công việc đồng áng đã hoàn tất, người ta chỉ lo chuẩn bị sửa sang nhà cửa, lo cho gia đình có cái Tết thịnh soạn, đầy đủ thì nay trong xã hội phát triển người ta phải lo nhiều thứ hơn. Những ngày trong tháng củ mật nhìn ai cũng thấy hối hả, người làm công sở thì lo hoàn thành nốt công việc đang dang dở của năm cũ. Người kinh doanh, buôn bán thì tất bật chuẩn bị hàng bán Tết bởi đây là thời điểm kinh doanh tốt nhất trong năm. Các cơ quan, công sở thì bận rộn với họp hành tổng kết, thi đua khen thưởng rồi liên hoan dịp cuối năm… Mọi thứ cứ có vẻ cuống cả lên trong vòng quay gấp gáp.
Trước cửa những siêu thị điện tử, điện máy, các băng rôn quảng cáo khuyến mại giảm giá hàng điện tử rực rỡ được treo ở vị trí dễ nhìn. Thực tế thì dịp cuối năm, hầu như cửa hàng nào cũng giảm giá, chỉ trừ các mặt hàng kẹo bánh, thực phẩm phục vụ Tết. Mới vào những ngày đầu tháng Chạp thôi mà các bà nội trợ phải tính toán trước khi quyết định mua thứ gì, bởi đi chợ thấy gì cũng cần phải mua. Trong các siêu thị, những gian hàng quà Tết cũng đang được bày biện khá đẹp mắt. Nào bánh, nào kẹo, nào mứt… hàng nội có, hàng ngoại cũng có, rượu tây rượu ta chen nhau trên các kệ giá khiến người tiêu dùng hoa mắt mỗi khi lựa chọn. Bình dân hơn thì ra các cửa hàng, tiệm tạp hóa chuyên bán bánh kẹo. Cứ khoảng tháng Chạp là các cửa hàng đã đầy ắp hàng Tết, từng giỏ bánh kẹo đủ màu sắc hình dáng được chủ cửa hàng sử dụng tối đa diện tích công mà xếp ra tận mép vỉa hè. Vậy là người mua chỉ việc tấp xe vào lề đường rồi tha hồ mà lựa chọn.
Tháng Chạp, bên cạnh những công việc bộn bề, mọi người cũng thường tranh thủ đi dọn cỏ, sơn sửa, quét dọn, thắp hương… mộ phần ông bà tổ tiên để mộ phần được sáng sủa, sạch sẽ, đẹp hơn trong những ngày đầu năm mới và làm tròn đạo lý của con cháu.
Vào khoảng những ngày trung tuần của tháng Chạp, các chợ hoa tết đã rục rịch mở cửa, muôn ngàn loài hoa khoe sắc giữa phố thị, khiến lòng người cũng nôn nao hơn và yêu hơn không khí Tết cổ truyền. Các vườn cây cảnh đã có đông khách đến xem, những người cầu kỳ, khó tính thường đi chọn cây trước cả tháng rồi dặn chủ vườn chăm bón sao cho hoa nở đúng vào ngày 30, mùng 1, không nở sớm quá cũng không muộn quá.
Nói đến 23 tháng Chạp thì phải nói thêm rằng, với ông bà ta xưa kia thì Tết bắt đầu được tính từ ngày này. Bởi lẽ ngày này là ngày ông Táo lên báo cáo với Ngọc Hoàng những việc làm được, chưa được của năm cũ. Mà với người Việt thì ông Táo vừa là thần bếp trong nhà vừa là người ghi chép tất cả những việc làm tốt xấu mà con người đã làm trong năm. Cho đến đêm giao thừa, ông táo mới trở lại trần gian để tiếp tục công việc coi sóc bếp lửa của mình. Đã là tục lệ truyền thống nên dù giàu hay nghèo, người Việt đều làm lễ cúng ông Táo. Xưa kia thì ai ai cũng mua cá chép sống, sau khi làm lễ thì đem ra hồ, ao để thả nhưng nay cuộc sống thay đổi, để giản tiện người ta nghĩ ra cá chép giấy, để đốt cúng ông, thôi thì cũng gọi là lòng thành bởi tìm chỗ thả cá trong thành phố ngày nay không phải dễ.
Ngày ông Công, ông Táo kết thúc cũng là lúc tháng Chạp dần khép lại. Công việc cơ quan, công sở đã tạm ổn, những cuộc họp tổng kết đến thời điểm này cũng không còn nữa, có chăng chỉ còn vài cơ quan tổ chức liên hoan muộn. Những người ở xa đã bắt đầu chuẩn bị gói gém đồ đạc để về quê, còn những người ở thành phố thì chuẩn bị dọn dẹp trang hoàng nhà cửa. Thế là tháng Chạp – tháng cuối cùng của năm sẽ khép lại để bước sang tháng Giêng – tháng đầu tiên của một năm mới, tháng của những niềm vui, hy vọng mới.
Nguồn: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận