Càng gần tết, cảm nhận đó của tôi càng hiện lên rõ rệt, cảm nhận cay đắng của những ngày tết xưa, những ngày tết ba tôi…trốn nợ.
Nhà tôi ngày xưa thuộc dạng khá. Thế nhưng công việc làm ăn không thuận lợi, nhà tôi bị bạn hàng làm ăn lừa gạt xù nợ nên gia đình tôi phá sản. Tôi nhớ mãi những cái tết năm đó. Bắt đầu 19, 20 âm lịch người ta đã đến nhà đòi nợ. Càng gần đến tết thì người ta đến đòi nợ càng nhiều. Họ đòi đến mức có thể ... ăn nằm ở nhà tôi chỉ để... chờ ba tôi về đòi nợ.
Ba tôi lúc đó thường không có ở nhà...để đi trốn nợ. Thực ra, ba không đi đâu cả, ba chỉ ở nhà, chỉ là ba trốn đâu đó. Có hôm thì ba ra bụi tre sau nhà nấp, có hôm ba "tá túc" nhà cô Minh hàng xóm và cũng có hôm ba... nấp sau chuồng heo.
Đêm Giao thừa, hơn chục người ngồi nhà tôi, mắng nhiếc và nói những câu nói rất khó nghe, có người còn... làm thơ để đòi nợ (Bây giờ, tôi vẫn còn giữ lại bài thơ đó trong cuốn lưu bút học trò của mình như là một kỷ niệm buồn đáng quên nhưng cần giữ lại. Chính bài thơ đó đã góp thêm nhiều động lực cho tôi suốt 4 năm đại học).
Lúc đó, chỉ có má tôi là ra mặt…chịu trận. Má tôi nghe hết những lời sỉ vả, nặng nhẹ thậm chí là nhục mạ của một số người đòi nợ. Má tôi dường như không khóc được nữa mà chỉ có im lặng đôi khi năn nỉ "anh chị ráng chờ thêm chút nữa ổng (chỉ ba tôi) cũng đang chờ đòi nợ nhà người ta về...".
Cứ vậy, những năm tháng phổ thông của tôi, mỗi cái tết là một năm nợ nần. Với cả nhà tôi lúc đó, tết là nợ, là bị chửi bới, mắng nhiếc, nhục mạ. Ba má tôi đôi khi phẫn uất, có lúc đòi tự tử để kết thúc chuyện nợ nần.
Những năm tháng đó, với tôi, tết là những ngày ám ảnh. Tôi sợ cảnh người ta ngồi đầy cả nhà để chờ ba tôi về đòi nợ. Tôi sợ cảnh phải nhìn thấy ba đội cái nón lưỡi trai kéo sát xuống mặt, khom lưng ngồi nấp sau chuồng heo mà nước mắt lưng tròng. Đời ba tôi chưa bao giờ nhục nhã, tủi nhục như những ngày đó.
Rồi mùa xuân cũng đến với gia đình tôi.
Sau rất nhiều cái tết nợ như vậy cũng đến ngày nhà tôi được đón những cái tết bình thường như bao gia đình khác.
Tôi nhớ có một năm nào đó, hình như lúc tôi học lớp 7, cũng thời điểm gần tết, ngân hàng thông báo đến kỳ trả nợ, quá hạn và chuẩn bị niêm phong nhà. Trước ngày ngân hàng ra niêm phong, có một người bạn thân của ba xuống nhà cầm đưa cho ba mượn một số tiền.
Người bạn thân của ba biết được tình hình gia đình nhà tôi nên muốn ra tay cứu giúp. Số tiền đó trả nợ cho ngân hàng, được đáo hạn mượn lại và trả những món nợ bên ngoài cần kíp.
Nhờ có sự tạo điều kiện của người bạn ấy của ba, cả nhà tôi có công việc buôn bán trở lại. Hằng ngày nhà tôi lên nhà bạn của ba gom trứng vịt (bạn của ba để giá vốn) và tỏa ra đi bán. Anh chị tôi hồi trước bỏ xứ đi xa, người chạy xe ôm, người làm lò gạch… cũng được ba tôi kêu về để cả nhà hợp sức làm ăn, lấy công làm lời trả nợ.
Thấm thoát những món nợ dần được giải quyết, nhà tôi từ từ gượng dậy. Và cho đến khi tôi học năm 4 đại học, gia đình tôi mới thoát nợ nần và bắt đầu có những cái tết bình thường như bao gia đình khác.
Bây giờ nhà tôi đã khấm khá, không còn nợ nần như trước. Tết nhất ba má tôi cũng…công khai ở nhà sửa sang lau dọn nhà cửa. Ba tôi không còn phải cúi khom người trở về nhà đúng lúc giao thừa (vì chỉ có đến Giao thừa người ta mới chịu rời khỏi nhà). Anh chị tôi cũng không phải vất vả trốn nợ nơi xứ người nữa mà tụ tập về nhà mỗi khi tết đến.
Những ngày này tôi biết, nhiều người lớn đang lo canh cánh nợ nần, giải quyết ổn thỏa để đón những ngày tết thật vui. Đâu đó chắc vẫn còn những gia đình như nhà tôi ngày xưa. Nhưng tôi tin rằng, "qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai", mùa xuân rồi sẽ đến với tất cả chúng ta, với những người biết lao động, cố gắng và không đầu hàng với số phận.
Còn vài ngày nữa là tôi được về tết. Tôi chắc lúc tôi về ba tôi đang loay hoay cắm lại bình hoa, má tôi thì ngồi gói bánh tét. Những cái tết nợ nần với gia đình tôi không còn nữa. Dù sao, tôi vẫn cảm ơn những cái tết như vậy để gia đình tôi có được những mùa xuân trọn vẹn như hôm nay. Ba tôi sẽ không còn lom khom cúi đầu về nhà đêm 30 tết, mẹ tôi sẽ không còn khóc lóc cầu xin người ta để hẹn nợ…
Mời bạn tham gia viết bài 'Tết của tôi'
Cứ mỗi độ xuân về, kỷ niệm về cái Tết lại ùa về trong mỗi chúng ta. Tết trong tôi là hương của chiếc áo mới. Tết của bạn là những những bao lì xì. Tết của những ai xa quê là mong về đoàn tụ bên gia đình, người thân...
Những thứ ấy đã trở thành kỷ niệm đẹp, không cần hồi tưởng, nó vẫn cứ ùa về trong nỗi nhớ miên man.
Tết, cũng có thể không chỉ là kỷ niệm, mà còn là những chiêm nghiệm, suy nghĩ về bản thân, những điều cần làm, những yêu thương, dự định cần thắp lên.
Xuân Mậu Tuất sắp đến, nhằm ghi lại những ký ức đẹp và chia sẻ những suy nghĩ, Tuổi Trẻ Online kính mời bạn viết bài với chủ đề 'Tết của tôi 'cho chuyên mục Bạn đọc làm báo.
Bài viết không giới hạn về thể loại bao gồm: văn xuôi, văn vần, thơ... có độ dài tối đa 1200 từ (có thể kèm theo clip, hình ảnh). Những bài viết khi đăng sẽ được trả nhuận bút.
Mọi thư từ, bài viết xin vui lòng gởi về: [email protected]. Thông tin bạn đọc, số tài khoản.. xin ghi rõ dưới bài viết. Chân thành cảm ơn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận