Các bàn ăn tại một nhà hàng ở Hải Phòng trở nên đìu hiu từ sau khi nghị định 100 có hiệu lực (ảnh chụp tối 10-1) - Ảnh: TIẾN THẮNG
Những ngày này, nhiều quán nhậu trên mọi miền vắng hoe, hoàn toàn trái ngược với không khí tổng kết, tất niên, tiệc tùng đông đúc, ồn ào, náo nhiệt thường thấy tại quán nhậu cuối năm.
"Một sự sụt giảm ghê gớm"
Hơn 10 ngày qua, anh Trần Văn Nam (Dương Nội, Hà Đông) chưa quay lại quán nhậu vì thấy hàng loạt bạn nhậu bị thổi phạt khi lái xe rời quán nhậu. Anh Nam cho biết với tiền lương 15 triệu đồng/tháng, bị phạt thì "rất e ngại" nên nhiều lần bạn bè rủ lai rai vài cốc lúc tan tầm cũng không dám ngồi.
Trong khi để tham gia cuộc vui cùng bạn bè, anh Nguyễn Văn Bình - một kỹ sư xây dựng sống tại khu vực Cầu Giấy, Hà Nội - lại chọn cách đón xe buýt đi nhậu. Anh Bình cho rằng việc đón xe buýt đi nhậu an toàn, thú vị và không lo bị phạt. Đi nhậu bằng xe buýt thoải mái hơn, uống được nhiều hơn vì không phải nghĩ tới việc lái xe về nhà sau khi uống.
Ông Dinh, chủ một quán bia trên đường Đỗ Đức Dục (Hà Nội), cho biết mấy ngày qua lượng khách đến quán giảm tới... 90%. Điều này làm sụt giảm mạnh doanh thu bán bia của quán. Anh Tuấn - chủ một quán bia vỉa hè khu vực Văn Quán, quận Hà Đông - chia sẻ sau 3 năm mở quán, lần đầu tiên chứng kiến cảnh cả ngày không có một khách hàng nào đến quán uống bia.
Anh Tuấn nói quán bình dân vỉa hè nên khách hàng phần đông là người lao động từ quê ra phố, mức phạt tới triệu đồng với người lái xe có nồng độ cồn trong máu, hơi thở làm nhiều người sợ không dám đi nhậu.
Tương tự, tình trạng vắng khách trong ngày cuối tuần cũng diễn ra tại quán bia trên đường Lê Trọng Tấn, quận Thanh Xuân. Lý do, theo anh Nam - nhân viên của quán, là quán nằm ngay ngã ba, gần chốt cảnh sát giao thông nên nhiều khách ngại ghé.
Anh Từ, chủ quán bia rộng hơn 2.000m2 trên đường Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy, cũng cho biết đã giảm 80% khách. Anh cho hay trung bình mùa hè có từ 400 - 500 khách đến quán uống bia/ngày, mùa đông giảm xuống còn khoảng 200 - 300 khách/ngày nhưng mấy ngày nay chỉ khoảng 30 - 40 khách. "Một sự sụt giảm ghê gớm mà ngay cả những người kinh doanh như tôi chưa bao giờ nghĩ tới" - anh Từ nói.
Vừa có bóng đá vừa có bia cũng chẳng ai đến quán
Tại TP.HCM, ghi nhận một số quán nhậu, một không khí ảm đạm khi khách dần thưa vắng. Nhiều chủ quán bi quan với tình hình cuối năm khi giảm sút doanh thu trầm trọng. Đa số chủ quán cho biết thời điểm cùng kỳ những năm trước kinh doanh có doanh thu cao nhất, khách nhậu liên hoan, tất niên, tổng kết... cứ nườm nượp từ chiều tới khuya.
Thậm chí 17h15 ngày 10-1 với trận cầu giữa U23 Việt Nam - U23 UAE, anh N.V.P. - quản lý quán nướng trên đường Phạm Văn Đồng (quận Bình Thạnh, TP.HCM) - cho biết quán chuẩn bị một màn hình lớn nhưng từ đầu cho đến hết trận đấu vẫn không có lấy một khách.
Tại một quán nhậu trên đường Trần Hưng Đạo (quận 1), hàng chục bàn ghế kê ra tận mép đường. Tuy nhiên, chỉ hai bàn có khách với vài người. Theo đại diện quán này, các giải đá bóng trước đó quán luôn đông khách, đi trễ là không còn chỗ ngồi.
Nhưng trận này giảm nhiều khi chỉ có vài khách ghé. "Khách vào quán cà phê xem bóng đá nhiều hơn vào quán nhậu", vị này nhận định. Chiều 11-1, khung cảnh nhậu nhẹt tại "làng nhậu" Phạm Văn Đồng (quận Gò Vấp) cũng không nhộn nhịp như trước dù vào chiều cuối tuần. Một số quán cử nhân viên ra tận đường mời chào nhưng không hiệu quả.
Một quán nhậu trên đường Phạm Văn Đồng, Q.Thủ Đức, TP.HCM đã giảm hơn 50% khách trong một tuần nay (ảnh chụp 20h tối 10-1) - Ảnh: HOÀNG AN
Không chỉ những quán bia hơi bình dân, quán nhậu Hà Nội vắng khách mà ngay cả những quán bia có tiếng những ngày này cũng không có khách.
Chủ cửa hàng bia Vuvuzela trên phố Tràng Thi, quận Hoàn Kiếm, không ngần ngại chia sẻ trên Facebook bức ảnh ngồi uống một mình với câu than "cuối tuần là dịp quán đông khách vậy mà bây giờ chỉ có mỗi một người. Đó là ông chủ quán". Vị chủ quán này khẳng định "không chỉ hệ thống của chúng tôi vắng khách mà các quán khác cũng vậy".
Tại Đà Nẵng, các quán trên đường ven biển Võ Nguyên Giáp khách chủ yếu là người nước ngoài đến Đà Nẵng du lịch. Bà Nương, quản lý một nhà hàng ở đây, cho biết trong mấy ngày qua lượng khách tới quán đã giảm hơn 50%. Tương tự, chị Hà, một chủ quán ở đường Thăng Long, cho biết hiện nay đang có xu hướng đặt nhà hàng làm tiệc mang tới tận nơi thay vì kéo ra quán "chén chú chén anh".
Anh Lê Bình, một chủ vựa mua phế liệu lớn ở Đà Nẵng, cho hay trung bình lượng vỏ lon bia mua của các cơ sở ở Đà Nẵng và Quảng Nam khoảng 10 tấn/ngày. Tuy nhiên mấy ngày nay, lượng vỏ mua sụt giảm khoảng 40%. "Cơ sở của tôi trung bình mỗi ngày 1 tấn nhưng nay chỉ còn khoảng 400kg" - anh Bình nói.
Hỗ trợ giữ xe qua đêm, gọi xe ôm, taxi...
"Việc kinh doanh có lúc này lúc khác, chúng tôi đang cố gắng duy trì và tìm biện pháp khắc phục" - anh Từ, chủ một quán bia, chia sẻ. Anh Từ vẫn tin tưởng sau một vài tuần nữa, khách hàng sẽ quay lại bằng các phương tiện công cộng, bởi dịp cuối năm hầu hết các công ty đều tổ chức liên hoan tất niên, tất nhiên họ sẽ phải chọn các nhà hàng, quán bia để tụ tập.
Trong khi chủ một quán bia trên đường Đại Cồ Việt, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) tung chiêu giảm giá 20% để hút khách và hi vọng vào những ngày giáp tết.
Anh L.Q.V. - quản lý quán nhậu lớn trên đường Phạm Văn Đồng (quận Gò Vấp, TP.HCM) - cho biết quán nhậu của anh là quán ở mặt tiền, tiền mặt bằng rất cao nhưng bây giờ lượng khách đến quán lẻ tẻ, thưa dần.
Với tình trạng này kéo dài thêm vài ba tháng nữa, anh V. lo rằng quán trụ không nổi, có khi phải sang lại mặt bằng. Hiện quán đã có phương án giữ xe qua đêm, hỗ trợ gọi xe ôm, taxi nhưng vẫn không ăn thua, khách ruột cứ từng ngày bỏ đi.
Tương tự, anh N.M.T. - chủ quán nhậu trên đường Trường Sa (quận Bình Thạnh) - cho biết thời điểm này hằng năm là thời điểm doanh thu cao nhưng năm nay không có khách hoặc có khách đến chỉ để ăn và dùng nước ngọt, dùng đồ uống không có nồng độ cồn.
Chủ quán cho rằng khi nhậu khách có chút men mới hào hứng kêu "mồi", gọi bia nhiều thì may ra có đồng vào, giờ với tình trạng này thì... bó tay.
"Lúc trước tôi thấy rất hiếm các bàn tiệc đông người cuối năm ở quán không có bia, nhưng hơn tuần nay có những bàn tiệc chỉ dùng nước ngọt hoặc nước suối" - anh T. bày tỏ.
Anh B.V.B., một chủ quán nhậu trên đường Phạm Văn Đồng (quận Gò Vấp), cho hay trước đó anh chỉ thuê mặt bằng để bán quán nhậu vào ban đêm. Hiện tại lượng khách vắng, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng nên anh phải tính đường khác để duy trì quán. Thay vì buổi sáng anh để bàn ghế, không gian quán trống, anh đã liên hệ người quen tận dụng kinh doanh đồ ăn sáng để san sẻ tiền mặt bằng.
* TS Vũ Đình Ánh (Viện Nghiên cứu khoa học giá cả thị trường, Bộ Tài chính):
Thay đổi thói quen rồi, khách đến quán không giảm
Dưới góc độ chính sách, nghị định 100 là tuyệt vời, bảo vệ tính mạng cho những người uống bia rượu và cả những người không uống bia rượu tham gia giao thông. Quan điểm biện luận rằng quy định của nghị định 100 ảnh hưởng tới các nhà sản xuất, chuỗi cửa hàng kinh doanh bia rượu, giảm nguồn thu thuế là không chấp nhận được.
Sử dụng bia rượu là nhu cầu hằng ngày của nhiều người, trước mắt nghị định 100 có thể làm giảm lượng khách đến quán nhậu, nhà hàng nhưng về lâu dài khi người sử dụng bia rượu thay đổi thói quen lái xe đi nhậu thì lượng khách đến quán nhậu sẽ không giảm. Nhật Bản và Hàn Quốc đã ban hành quy định xử phạt nặng hành vi lái xe sau khi uống rượu bia nhưng đến nay hai nước này vẫn dẫn đầu thế giới về rượu bia.
* Ông Nguyễn Quang Đồng (viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông):
Tỉ lệ tiêu thụ bia rượu của người Việt quá lớn
So với mặt bằng chung các nước thì tỉ lệ tiêu thụ bia rượu của người Việt đang quá lớn, và nguy cơ mất an toàn do sử dụng bia rượu cũng quá lớn. Chi phí xã hội phải trả cho việc sử dụng quá nhiều bia rượu không hề nhỏ, chẳng hạn chi phí y tế, chi phí khắc phục tai nạn giao thông.
Các công cụ chính sách về quản lý độ tuổi người uống rượu bia hiện không làm được, chỉ có biện pháp phạt nặng hành vi uống rượu bia nhưng vẫn lái xe mới mang lại hiệu quả. Lợi ích từ việc phạt nặng người uống rượu bia vẫn lái xe sẽ lớn hơn rất nhiều sự sụt giảm doanh thu trước mắt của nhà hàng, quán nhậu.
Quán nhậu đang xuất hiện ở khắp nơi đã tạo nên thói quen uống rượu bia tùy tiện của người Việt, ngồi chỗ nào cũng uống được, bất kỳ giờ nào cũng uống được đang ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả công việc, năng suất lao động. Cần quản lý chặt hơn những điểm bán bia rượu tập trung để không còn tình trạng chỗ nào cũng bán được, ai cũng có thể mua được, ngồi đâu cũng uống được.
* Ông Đỗ Văn Vẻ (phó tổng giám đốc Tập đoàn Hương Sen, đơn vị sở hữu thương hiệu bia Đại Việt):
Tạo thói quen sử dụng rượu bia có kiểm soát
Sản lượng tiêu thụ bia rượu thời gian tới có thể giảm nhưng doanh nghiệp sản xuất bia rượu vẫn ủng hộ chủ trương của Chính phủ. Cần tạo lập một văn hóa tiêu dùng, sử dụng bia rượu có kiểm soát.
Ngành bia phát triển không chỉ có chuyện sản xuất bia để bán mà còn kéo theo hàng loạt các ngành phụ trợ khác, ví dụ ngành bao bì như chai, két, nhãn mác, tiêu thụ lúa gạo cho nông dân và xuất khẩu. Bia rượu có mặt trái, sử dụng quá nhiều sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe nhưng nếu sử dụng điều độ, vừa phải thì khác.
B.NGỌC ghi
Kiên Giang: số vụ tai nạn giao thông do say rượu giảm thấp chưa từng thấy
Bác sĩ Trần Văn Sĩ - trưởng khoa cấp cứu tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang - cho biết từ ngày 1-1 đến nay, số vụ tai nạn giao thông do say xỉn phải nhập viện giảm thấp chưa từng thấy.
Trước đây mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 30 - 40 trường hợp tai nạn giao thông do say rượu nhưng từ ngày 1-1 đến nay chỉ còn tiếp nhận 1 - 2 trường hợp. Việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn khi lái xe cũng khiến nhiều nhà hàng, quán nhậu ở Kiên Giang vắng khách. Nhiều chủ nhà hàng than thở lượng khách giảm 7 - 8 lần so với thông thường.
K.NAM - Đ.PHƯƠNG
Xe công nghệ: khách có uống rượu bia tăng cao
Trong những ngày qua, nhiều tài xế Grab, GoViet, Be cũng cho biết lượng khách sau khi uống rượu bia tăng cao. Ở các điểm đón gần nhà hàng, quán xá... tập trung nhiều tài xế, giờ cao điểm đón khách từ 20h30 đến hơn 22h đêm. Hầu hết hành khách khẳng định hưởng ứng nghị định 100, đi lại bằng xe công nghệ cho an toàn.
Dịch vụ đưa người say về nhà hút khách
Chính thức hoạt động dịch vụ lái xe ôtô, xe máy hộ, đưa người say về nhà từ năm 2017, anh Nguyễn Mạnh Tài cho biết nếu trước đây một ngày nhận chưa tới 10 cuộc gọi của khách hàng thì hiện nay ngày nào cũng
40-50 cuộc gọi, ước tính nhu cầu tăng 6-7 lần so với năm 2017. Hiện tại anh Tài đang là trưởng nhóm của 60 thành viên hoạt động dịch vụ lái xe đưa người say về nhà tại TP.HCM, Hà Nội, TP phố Vinh, TP Hà Tĩnh và TP Thái Bình với mức giá đưa xe của khách và khách về dưới 10km là 300.000 đồng, trên 10km phụ phí 20.000 đồng/km. Xe máy tính phí 150.000 đồng dưới 10km, trên 10km phụ phí từ 15.000-20.000 đồng/km.
Ngay khi biết thông tin nghị định 100 chính thức có hiệu lực, anh Trần Trịnh Khánh Toàn (TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) lập tức thành lập đội ngũ để phục vụ đưa đón khách say. Dù không chi tiền quảng cáo, chưa quảng bá dịch vụ rộng rãi nhưng ngày nào anh Toàn cũng nhận được 2-3 cuộc gọi nhờ lái xe hộ, đưa người say về nhà.
Anh Toàn cho biết các tài xế tham gia hoạt động dịch vụ đưa người say về nhà đều có trách nhiệm xuất trình bằng lái kinh nghiệm trên 1 năm, đồng thời phải giữ gìn tài sản của khách an toàn, sạch sẽ. Bên cạnh đó, dịch vụ chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu trong quá trình tài xế của dịch vụ điều khiển xảy ra va quẹt hoặc tác động từ bên ngoài làm hư hỏng xe của khách. Ngoài ra, để đảm bảo về tài sản của khách hàng, tài xế chỉ đưa tới nhà, không lái xe vào cổng hoặc trong nhà.
Dịch vụ lái xe hộ, đưa đón người say do anh Toàn điều hành có giá với ôtô là 100.000 đồng dưới 5km, trên 5km cộng thêm 10.000 đồng/km. Trường hợp xe máy có giá 50.000 đồng dưới 5km, từ 5km trở lên cũng cộng thêm 10.000 đồng/km.
THU DUNG - BÔNG MAI
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận