18/02/2015 09:00 GMT+7

Những ngày ở Hòa Vang của ông Nguyễn Bá Thanh

THÁI BÁ LỢI
THÁI BÁ LỢI

TTO - Câu chuyện trong lần đến vùng núi Hòa Vang trên cương vị là Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng của ông Nguyễn Bá Thanh để lại trong lòng người dân nơi đây những ấn tượng khó quên.

Bí thư thành ủy Nguyễn Bá Thanh tặng quà mừng thọ cho các cụ trong câu lạc bộ Thái Phiên, Đà Nẵng chiều 22-1-2013

Khi nhìn cái ghế chủ tịch của thành phố trực thuộc trung ương, nơi nghe nói các đời thị trưởng người Pháp, ông Trần Đình Tri - chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng năm 1945, ông Hoàng Mạnh Thắng - chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng năm 1975 từng ngồi, nếu có ai hỏi Nguyễn Bá Thanh nghĩ gì, anh sẽ trả lời ngay lúc đó là anh nhớ đến những năm tháng làm phó chủ tịch huyện Hòa Vang thời bao cấp. Nhưng chẳng thấy ai hỏi anh câu này.

"Bà vô đây với tui"

Những năm đó Cẩm Lệ, nơi đóng quận lỵ Hòa Vang từ trước giải phóng chẳng ra phố mà cũng chẳng ra quê. Cái cột cây số ghi Đà Nẵng 7km ở gần chợ có từ thời Pháp thuộc. Người dân ở đây vẫn nghĩ về cái nơi cách họ 7km là một nơi nào đó khác lạ, chẳng phải của mình.

Ngoài con đường chạy từ ngã ba Hòa Cầm xuống phố có những căn nhà mặt tiền và cái nhà máy dệt Hòa Thọ, thì đây đúng là một vùng quê.

Khi người Mỹ mở rộng sân bay Đà Nẵng, họ nắn đường số 1 chạy lên phía Cầu Đỏ, sát với đường sắt. Cây cầu Cẩm Lệ vốn trước đây nằm trên đường số 1, đã bị phá trong chiến tranh giờ chỉ lát tạm sàn gỗ để xe máy qua được trở nên đìu hiu lạ lùng.

Tuy về lại huyện nhà, nhưng thời đó Bá Thanh là cán bộ chân trắng, nghĩa là không vợ con, không nhà cửa ở huyện lỵ, ngủ tập thể, ăn tập đoàn. Thời gian thú vị nhất trong ngày là vào buổi sáng ngồi ở quán cóc trước cửa cơ quan với tô bún giò, ly cà phê và điếu thuốc.

Không phải cán bộ nào cũng đủ tiền để thường xuyên thưởng thức buổi sáng như vậy. Bá Thanh thư thả hơn vì có thể về xin tiền mẹ. Anh thường ngồi ở quán cho đến gần giờ làm việc mới vào văn phòng.

Người dân có việc với ủy ban huyện thường đến rất sớm. Nhiều người ở các vùng quê xa, có khi phải đi từ gà gáy, cũng có khi đến đây từ hôm trước. Nhưng người quanh Cẩm Lệ thì không cần đến sớm như vậy. Bá Thanh chú ý quan sát những người đến sớm.

Một bà cụ mới nhìn có vẻ lom khom, nhưng nhìn kỹ thì bà này chưa quá sáu mươi, đã hai ba ngày đều đến ủy ban sớm. Bá Thanh hỏi khi bà vừa ăn xong tô mì Quảng:

- Có việc chi mà sáng nào bà cũng đến sớm vậy?

- Tui ở tận trên Hòa Phú, có cái đơn xin sổ đất hai ngày nay chưa gặp được cán bộ giải quyết.

- Bà gặp cán bộ tên gì?

- Có biết tên chi mô. Cái ông ngồi chính giữa văn phòng bữa qua nói chờ đó, bữa ni tui phải lên sớm. Có bữa tui vừa đến nghe nói ông đi đâu đó rồi chờ cả buổi chẳng thấy về.

- Bà đưa giấy tờ tui coi.

Bá Thanh xem qua biết đó là cái đơn xin cắt đất vườn cho thằng con trai cả làm nhà riêng.

- Bà vô đây với tui.

Người đàn bà không biết Bá Thanh là ai, ngập ngừng một lúc mới đi theo. Buổi sáng ấy anh giải quyết xong cái việc mà bà phải lên xuống mấy ngày qua.

Thời ấy khó khăn chồng chất, nhưng không hiếm chuyện vui. Đối với Bá Thanh giải quyết được những việc như thế mang lại lợi ích thiết thực cho người dân là niềm vui của anh.

Nhưng không phải niềm vui nào cũng tự đến, cũng như việc làm hiệu quả nào cũng được sự đồng thuận của người xung quanh.

Người ta đã nhìn những kết quả công việc của anh bằng một con mắt khác, lúc đó anh khó lý giải, chẳng lẽ họ đang ganh tị với mình hay sao?

Nhưng với sức trẻ, anh lao vào công việc, không còn thì giờ để ý đến những cái nhìn khang khác ấy. Sau này khi giữ những chức vụ cao hơn, Bá Thanh ít muốn nhớ tới những điều này, nhưng nó lâu lâu lại đến trong tâm tưởng của anh.

Không cho cái nào trong những cái dân xin

Bây giờ là chủ tịch thành phố, anh lại hay nhớ đến những ngày Hòa Vang với những kỷ niệm không phải hoàn toàn là đẹp nhưng khó quên.

Chuyến đi cơ sở đầu tiên với cương vị mới là đến vùng núi Hòa Vang. Thành phố Đà Nẵng khi trực thuộc trung ương có 5 quận và hai huyện Hòa Vang và Hoàng Sa.

Nhìn vào bản đồ Hòa Vang có diện tích lớn hơn 5 quận nội thành, lại có nhiều xã miền núi khó khăn, ở đó có các bản làng của người Cà Tu. Bá Thanh quyết định đến một xã xa nhất giáp với huyện Hiên của Quảng Nam.

Trong hội trường ủy ban xã, vài trăm người đã đợi từ sớm để chờ gặp Chủ tịch thành phố. Đã lâu lắm chưa có các bộ cấp trên nào về gặp dân, cán bộ huyện cũng may lắm một năm về một lần, nói gì đến cấp trên nữa.

Bá Thanh nhận ra sự háo hức của dân chúng trên khuôn mặt từng người. Khi đã ổn định trật tự trong hội trường, tiết mục giới thiệu cũng xong. Bá Thanh nói:

- Bà con ai muốn gì cứ tự do phát biểu.

Câu nói của chủ tịch thành phố làm mọi người có chút bất ngờ, đám đông lặng đi một lúc vì họ không nghĩ Bá Thanh mở đầu cuộc tiếp dân bằng cách cởi mở có phần suồng sã như vậy.

Một người trung niên, đứng lên chỉ xưng tên mình mà không nói nghề nghiệp gì, nhưng nhìn khuôn mặt, cử chỉ từ tốn, Bá Thanh đoán có lẽ là một nhà giáo.

- Tui xin ông chủ tịch đầu tư cho cái trường cấp 2, học trò xong cấp 1 phải lội sông sang nơi khác học cấp 2 vất vả lắm, con trẻ sẽ bỏ học nhiều.

Bá Thanh cảm ơn.

- Ý kiến khác tiếp đi nhưng ngắn gọn thôi.

Một trung niên da ngăm đen xin nói ngay: Tui xin nêu nguyện vọng không phải của riêng tui mà là của các cụ đây. Anh ta chỉ vào hàng ghế đầu có các mái tóc bạc. Xin ông chủ tịch xây cho cái bệnh xá.

- Còn ai xin gì nữa?

Một chị trạc bốn mươi từ phía dưới hội trường đi dần lên, vừa đi vừa nói:

- Xin cho cái chợ. Bà con vẫn họp chợ tự phát, gặp đâu buôn bán đó bất tiện lắm. Có cái chợ đàng hoàng vẫn hơn.

- Còn ai nữa?

Một trai trẻ mặc áo xanh thanh niên xung phong.

- Xin chú chủ tịch cho cái nhà văn hóa, ở đây chẳng có chi chơi, thanh niên buồn lắm.

- Còn chi nữa không?

Chủ tịch xã xoa tay:

- Báo cáo anh còn nhiều cái muốn xin nữa, nhưng nếu được chừng ấy dân đã vui rồi.

Bá Thanh đứng dậy.

- Trước mắt, tui không cho cái nào trong chừng ấy cái bà con xin.

Cả hội trường xôn xao. Nhiều người như chưa nghe rõ ông chủ tịch nói gì. Chờ cho mọi người trật tự trở lại, Bá Thanh nói:

- Tại sao bà con không xin cây cầu. Vùng mình cách biệt không phát triển lên được là vì con sông. Ngày còn làm phó chủ tịch huyện Hòa Vang tui cũng vài lần qua đây. Mùa khô thì còn đò giang, xắn quần lên lội, mùa lũ thì thôi rồi, tách hẳn với thế giới mà bà con không xin làm cầu.

Chủ tịch xã:

- Cũng tha thiết lắm, nhưng thấy to tiền quá không dám xin.

Bá Thanh cười:

- Phải tính cái cốt lõi trước, tiền bạc to nhỏ tính sau. Có cái cầu thì phải làm đường nhựa, chẳng lẽ cầu to mà đi đường đất. Có cầu có đường rồi từ từ sẽ có điện, có trường học, có trạm xá, có chợ, muốn có siêu thị cũng được, rồi nhà văn hóa sẽ có. Tui lên đây chuyến này là để bàn với bà con về cây cầu và con đường. Không phải nhà nước làm hết được, bà con phải chung tay vào. Ví như việc giải tỏa để làm cầu đường thì mình cũng hi sinh chút ít với nhà nước. Sẽ có đền bù nhưng không thể hét giá trên trời được, nếu có ai hiến đất để làm cầu đường thì thật quý hóa.

Hội trường bây giờ lại xôn xao, đầy ắp tiếng cười. Người ta tranh nhau nói:

- Ông chủ tịch nói chí lý quá, hợp lòng dân quá. Đề nghị cho một tràng vỗ tay đi.

Bá Thanh kết thúc ngày đi cơ sở đáng nhớ đó vào lúc chiều tối, vì thời gian sau cuộc gặp dân ở hội trường xã, anh còn đi đến các thôn xa, sát với vùng Hiên, để trò chuyện với bà con.

Trên đường về điều anh trăn trở là ở các xã vùng xa này, tuy mang tiếng là dân thành phố lớn, nhưng mức sống còn quá thấp, dân còn nghèo quá. Làm sao trong một thời gian ngắn nhất để họ thoát nghèo, ít ra mức sống cũng phải theo kịp các xã nông thôn ngoại thành.

Nghĩ ra một dự án không khó, làm được những việc thiết thực giúp dân khó hơn nhiều. Chủ tịch thành phố đã tâm sự điều này với nhà báo Hồ Sĩ Bình, người dự cuộc gặp gỡ lý thú này.

Kỳ 1: 
Kỳ 2: 
Kỳ 3: 
Kỳ 4: 
 

THÁI BÁ LỢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên