29/05/2014 11:19 GMT+7

Những ngày này, không khí ủng hộ VN ở Nhật như trước 1975

BÙI CHÍ TRUNGGS Đại Học Aichi Shukutoku, Nagoya, Nhật Bản
BÙI CHÍ TRUNGGS Đại Học Aichi Shukutoku, Nagoya, Nhật Bản

TTO - Hôm qua 27-5, ông Suga Yoshihide, Chánh Văn Phòng Nội Các Nhật Bản lên tiếng kêu gọi các nước liên hệ hãy tích cực đối thoại xây dựng tại Hội Nghị Thượng đỉnh An Ninh Châu Á sắp tổ chức ở Singapore cuối tuần này.

* Phóng viên Nhật có mặt tại hiện trường Biển Đông

GOiN2JJf.jpgPhóng to
Tàu Trung Quốc phun vòi rồng tấn công tàu kiểm ngư Việt Nam lúc rạng sáng ngày 28-5 - Ảnh: My Lăng

Ông cũng nhắc lại việc một tàu cá Trung Quốc đã đâm chìm một tàu cá Việt Nam và cảnh cáo rằng đây là hành động nguy hiểm cần kiềm chế.

Hôm 28-5, một số Nhật báo lớn và các trang điện tử ở Nhật đã đưa tin các phóng viên Nhật Bản đã lên tàu tuần dương của Việt Nam xuất phát từ Đà Nẵng để ra đảo Hoàng Sa.

ek6RKQAn.jpg
GS Bùi Chí Trung - Ảnh: tác giả cung cấp

Tàu tuần dương của ta đã đến gần giàn khoan dầu khí Hải Dương 981, có thể nhìn thấy hoạt động giàn khoan qua ống nhòm (kính viễn vọng).

Nội dung các bản tin báo cáo áp lực nặng nề của các tàu Trung Quốc, đông gấp 3-4 lần số tàu của ta cũng như tàu Trung Quốc có kích thước và tân tiến hơn tàu Việt Nam rất nhiều. Tuy nhiên quân và dân Việt Nam vẫn nỗ lực bảo vệ vùng biển thiêng liêng của mình.

Các bản tin tường thuật rõ về sự việc Trung Quốc đặt giàn khoan dầu khí Hải Dương 981 ở vùng biển Việt Nam, có hành động lấy mạnh hiếp yếu,dùng bạo lực đâm thẳng mũi tàu vào tàu Việt Nam và đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam. Đây là những hành động không được chấp nhận trong những nước văn minh.

Hầu như hàng ngày các nhật báo Nhật Bản đều đưa tin về việc giàn khoan dầu khí Trung Quốc hoạt động ở vùng biển gần bờ biển Việt Nam và tình hình căng thẳng giữa hai nước với những bình luận tuy chưa phê phán Trung Quốc rõ nét nhưng cho thấy Việt Nam đang bị áp lực về những hành động không tôn trọng nhân quyền và luật pháp của các tàu Trung Quốc.

Ba tuần qua, ngày chủ nhật 11-5, hơn 300 người Việt Nam và thân hữu đã biểu tình ở Tokyo, ngày chủ nhật 18-5 hơn 500 người biểu tình ở Nagoya, và ngày chủ nhật 23-5 hơn 1.000 người biểu tình phản đối Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ Việt Nam ở Osaka - là 3 thành phố chính của Nhật Bản. Báo chí và các trang điện tử đã đưa tin, hình ảnh các cuộc biểu tình trong trật tự gây một ấn tượng rất tốt trong quần chúng Nhật Bản.

Nhìn từ phía Nhật Bản, tôi thấy dư luận nhân dân Nhật Bản rất quan tâm và đã lên tiếng ủng hộ lập trường của Việt Nam. Rất nhiều bản tin ý kiến của đọc giả tỏ ý phản đối Trung Quốc có những hành động ngang nhiên tìm kiến, khai thác tài nguyên không quan tâm đến tình hình an ninh và hòa bình các nước, phản đối các hành động phi nhân đạo . Mặt khác, cũng có ý kiến đề nghị Việt Nam nên kiện Trung Quốc ở tòa án quốc tế như Philippines đang làm.

Dư luận Nhật Bản ủng hộ Việt Nam rất nhiều, tuy thời điểm có khác nhưng giống với không khí xã hội Nhật trong thời kỳ chống Mỹ, những năm 1970-1973.

Trong chiến tranh giành độc lập nhân dân ta thắng lợi một phần lớn là nhờ vào dư luận quốc tế. Lần này cũng thế, nếu không tích cực tranh thủ dư luận quốc tế thì không thể nào đối mặt được với thế lực bành trướng của Trung Quốc, không chỉ ở biển Đông mà còn trên nhiều bình diện khác nữa.

Và muốn có được hậu thuẫn dư luận quốc tế thì ta phải biết tự trọng, kiềm chế, khôn khéo, không bạo động.

Ngoài ra, tuy khá chậm trễ nhưng cần phải nghiên cứu về biển Đông, lãnh thổ, tài nguyên ngay cả luật pháp quốc tế về biển hay phương thức đấu tranh hòa bình để làm hậu thuẫn cho các cuộc đàm phán trong tương lai, không chỉ căn cứ vào những tài liệu trong quá khứ.

Chúng ta cũng sẽ đối thoại với nhiều quốc gia trên nhiều bình diện và ta cần có những cơ sở nghiên cứu vững chắc thì mới có thể giành phần thắng trong đối thoại được.

BÙI CHÍ TRUNGGS Đại Học Aichi Shukutoku, Nagoya, Nhật Bản
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên