03/06/2024 09:45 GMT+7

Những ngả đường du học trở về - Kỳ 6: Một cách 'trở về'

Ở lại nơi mình du học để lập nghiệp rồi trở thành người kết nối, trực tiếp tham gia đóng góp cho Việt Nam theo những cách khác nhau. Đó là một cách "trở về" của TS Trần Việt Hùng.

Trần Việt Hùng và cuộc trở về nhiều ý nghĩa - Ảnh: NAM TRẦN

Trần Việt Hùng và cuộc trở về nhiều ý nghĩa - Ảnh: NAM TRẦN

Đi để tìm kiếm những điều mới mẻ

Anh là nhà sáng lập và chủ tịch của Got It - một công ty công nghệ về AI cho giáo dục ở Silicon Valley (Mỹ). Trải qua nhiều thăng trầm, Got It hiện đã có chi nhánh tại Hà Nội và TP.HCM, thu hút gần 100 kỹ sư trẻ vào làm việc.

Trần Việt Hùng cũng là nhà đầu tư và cố vấn cho một số công ty công nghệ trong nước với mục tiêu phát triển các sản phẩm công nghệ cho thị trường toàn cầu ngay tại Việt Nam.

Trần Việt Hùng tốt nghiệp Đại học Bách khoa, ngành công nghệ thông tin. Anh vào làm ở Vietkey, là một nhóm phần mềm có tiếng tăm thời ấy, công việc mơ ước của nhiều bạn trẻ. Nhưng sau một thời gian, anh nhận ra mình đang dừng lại. Anh muốn đi để tìm những điều mới mẻ có thể giúp mình thay đổi.

Quyết tâm thế nên Hùng nghỉ việc, học tiếng Anh và tìm đường sang Mỹ làm nghiên cứu sinh ngành khoa học máy tính ở Đại học Iowa.

Anh kể ban đầu muốn làm tiến sĩ về an ninh mạng nhưng có một vài trục trặc lại cho anh cơ duyên đến với ngành trí tuệ nhân tạo (AI). Ở thời điểm Hùng du học, AI vẫn còn khá xa lạ ở Việt Nam và cũng chưa được quan tâm nhiều ở Mỹ. Nhưng bây giờ, nó đã trở thành một ngành "hot" ở khắp nơi.

Hùng cũng như nhiều bạn trẻ khác đi du học, gặp những khó khăn từ rào cản ngôn ngữ tới khác biệt văn hóa đến những thay đổi về ngành học. Chưa có đủ kiến thức nền tảng về AI khi học đại học ở Việt Nam nên anh phải cố gắng lấp đầy trong những năm đầu du học.

Thời gian này, Hùng cũng học thêm nhiều thứ bên ngoài ngành khoa học máy tính, nhất là các lớp học ở trường kinh doanh mà những sinh viên sau đại học như anh được học miễn phí để bổ sung các kỹ năng mềm như viết lách, trình bày, cả các môn về tài chính kế toán, nhân sự, marketing,...

Anh cũng kết bạn với nhiều người có quốc tịch khác nhau để "nhúng" vào một môi trường đa văn hóa. Khi nhắc lại việc này, anh cho rằng đó là cách để có nhiều góc nhìn, có sự hiểu biết về nhiều nền văn hóa khác nhau. Nó cũng là nền tảng để sau này anh tự tin hơn khi sống và làm việc cùng các đồng nghiệp ở bất cứ quốc gia nào, một kiểu "công dân toàn cầu".

Sản phẩm đầu tiên và công ty công nghệ tại Silicon Valley

Khởi đầu từ việc đi làm gia sư, kiếm tiền trong thời gian du học, Hùng kết nối để nhiều người khác cùng làm gia sư qua Skype.

Sau khi đã kết nối tới vài trăm buổi học, anh bắt đầu nghĩ đến việc ứng dụng công nghệ theo kiểu một sàn giao dịch để kết nối giữa các gia sư với sinh viên có nhu cầu. Anh xây dựng Tutor Universe - nền tảng có thể kết nối giữa nguồn cung với cầu ở bất cứ đâu, bất cứ thời điểm nào.

Hùng kể khi đi du học, anh chưa từng tính đến việc sẽ mở công ty ở Mỹ, nhưng tình thế đã đưa anh đến việc lập công ty.

Tutor Universe cung cấp công cụ dạy học trực tuyến, cách thức thanh toán, hỗ trợ kỹ thuật cho người dùng tương tác hiệu quả. Tutor Universe từng thu hút hàng ngàn gia sư ở trên 50 quốc gia đăng ký giảng dạy, với khoảng 4.500 môn học ở thời điểm năm 2012, nhận nhiều giải thưởng và gọi được vốn đầu tư.

Sau khi tốt nghiệp, Hùng chuyển Tutor Universe tới Thung lũng Silicon và đổi tên công ty thành Got It và nâng cấp sản phẩm để cung cấp dịch vụ cho người dùng smartphone, thay vì làm trên web, phù hợp với xu thế thời đại.

Got It từng đứng thứ hai, chỉ sau iTunesU, vào năm 2016 và hiện đang được sử dụng bởi hơn 300 trường đại học tại Mỹ. Nguồn vốn từ các nhà đầu tư vào Got It đến nay là hơn 50 triệu USD.

Ngoài sản phẩm ban đầu, Got It đã đầu tư rất nhiều vào nghiên cứu trong mảng AI và nhanh chóng phát triển MathGPT một nền tảng AI tạo sinh vừa giúp giáo viên với vai trò là trợ giảng và giúp học sinh với vai trò là gia sư. Công ty hiện có trụ sở ở ba quốc gia là Mỹ (Silicon Valley), Ấn Độ và Việt Nam.

Việc mở chi nhánh của Got It ở Hà Nội và TP.HCM là cách mà TS Trần Việt Hùng "trở về" sau khi đi du học và thành công ở xứ người. Anh cho biết riêng ở Hà Nội, chi nhánh thu hút trên 70 kỹ sư trẻ.

Các bạn trẻ làm việc theo điều hành của công ty mẹ, trong số này có nhiều bạn tốt nghiệp đại học tại Việt Nam. Những người trẻ làm việc trong môi trường của Got It có cơ hội rèn giũa nhiều kỹ năng - việc mà trước đây phải ra nước ngoài du học mới có thể được trải nghiệm, tích lũy.

Trong tương lai, Got It có thể có sản phẩm viết bằng tiếng Việt và mở rộng hơn ở nhiều mảng khác như kỹ thuật, du lịch, sức khỏe - một kênh giải đáp thắc mắc đa lĩnh vực với sự hỗ trợ đắc lực của Generative AI.

Trần Việt Hùng với các kỹ sư trẻ tại chi nhánh Got It tại Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN

Trần Việt Hùng với các kỹ sư trẻ tại chi nhánh Got It tại Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN

Dự án STEAM for Vietnam

Trần Việt Hùng là đồng sáng lập tổ chức phi lợi nhuận STEAM for Vietnam với sứ mệnh mang giáo dục STEAM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, nghệ thuật, toán) đẳng cấp quốc tế về cho học sinh Việt một cách hoàn toàn miễn phí. Đây cũng là một cách anh "trở về".

Người tham gia các khóa học thuộc STEAM for Vietnam là học sinh và giáo viên phổ thông tại Việt Nam và đội ngũ giảng dạy là mạng lưới các chuyên gia, kỹ sư làm việc theo tinh thần thiện nguyện.

Các khóa học giúp các học sinh và giáo viên học được các kỹ năng quan trọng như tư duy máy tính, AI, Robotics... STEAM for Vietnam đã đào tạo cho hàng chục ngàn học sinh và hàng ngàn giáo viên tại khắp các tỉnh thành đồng thời lần đầu tiên trong lịch sử đưa một số lượng lớn các học sinh Việt tham gia thi đấu ở giải vô địch thế giới về Robotics là VEX Worlds tại Mỹ.

Những hội thảo dành cho giáo viên hay các buổi nói chuyện kết nối các bạn trẻ Việt Nam với các nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới qua nền tảng của STEAM for Vietnam là cách giúp các bạn trẻ Việt nuôi dưỡng ước mơ.

Trải nghiệm cá nhân, các kỹ năng mềm có được sau thời gian học tập là hành trang quan trọng để Trần Việt Hùng thành công và cũng là hành trang anh "chuyển giao" cho những người trẻ ở Việt Nam trong cuộc "trở về".

"Tôi muốn làm gì đó để giúp các bạn trẻ bây giờ rút ngắn thời gian học tập, đi đến thành công. Công nghệ có vai trò rất lớn trong thu hẹp khoảng cách giáo dục đối với mọi người dù ở bất cứ đâu trên thế giới.

Nếu không có công nghệ, sẽ chỉ có một bộ phận học sinh được tiếp cận giáo viên giỏi, một số khác chịu thiệt thòi hơn. Khi ứng dụng công nghệ, số lượng giáo viên giỏi có thể được nhân rộng thông qua các phần mềm để một giáo viên có thể dạy và tương tác với nhiều học sinh.

Tương tự, công nghệ có thể giúp nhiều học sinh Việt Nam bổ sung cho mình những kiến thức, kỹ năng cần thiết mà không phải loay hoay mất nhiều thời gian như thế hệ chúng tôi trước đây.

TRẦN VIỆT HÙNG

-------------------

Sau những cú sốc, va chạm, khó khăn khi trở về làm việc ở nước nhà, nhiều bạn trẻ với tấm bằng du học cũng dần thích ứng được. Bí quyết của họ là gì?

Kỳ tới: Những bí quyết tái hòa nhập

Những ngả đường du học trở về - Kỳ 5: Dám chấp nhận cô đơn và thách thứcNhững ngả đường du học trở về - Kỳ 5: Dám chấp nhận cô đơn và thách thức

Trên những ngả đường trở về sau khi đi du học, có những du học sinh lựa chọn lùi lại và bắt đầu một hành trình mới đầy khó khăn ở Việt Nam.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên