TTCT - Thầy Hầu dạy sử, cũng là người miền Nam hiếm hoi trong trường. Nhà thầy gần nhà Quyên, trong khu Bàn Cờ của người lao động, phố xá chật chội. Thầy ở một mình không vợ con. Sài Gòn, cuối những năm 1950. Thành phố hoa lệ của những hộp đêm, vũ trường, nhà cao tầng. Còn có một Sài Gòn khác, thành phố của những khu ổ chuột, những con hẻm sâu bùn lầy nước đọng, của dân ăn xin, lượm rác. Thành phố sáng đèn, nhưng vẫn cảm thấy có mây đen vần vũ, không khí ngột ngạt, báo hiệu sắp có cơn dông lớn. Truyện viết về giới trẻ, từ tuổi thiếu niên qua tuổi thanh niên mang ngay khuôn mặt căng thẳng, đăm chiêu buồn bã. Cuộc sống đã tới hồi phân đôi, cần phải quyết định dứt khoát, không chậm trễ, bên này hoặc bên kia. Không có con đường thứ ba. Tân, nhân vật chính, chứng nhân của bao biến cố. Thầy Hầu dạy sử, hiền hậu trung thực, chỉ lo dạy học, ngại chuyện chính trị, nhưng lại vướng chính vào chuyện chính trị khắc nghiệt. Quyên, cô bạn gái gắn bó từ thời thơ ấu, với những nỗi niềm riêng tư bi kịch, chỉ có thể có trong những ngày tháng đó... Tiểu thuyết mới nhất của Lê Văn Thảo, TTCT xin được trích đăng chương 2 (sách sẽ do NXB Văn Hóa - Văn Nghệ TP.HCM ấn hành). Phóng to Minh họa: Hoàng Tường Tân không thích môn sử nhưng rất mến thầy, thường tới thăm thầy nghe kể chuyện, có kẹo bánh trái cây thầy đều đem ra đãi. Thầy có lối kể chuyện ấm áp thân tình, nhớ gì kể nấy, hết chuyện này tới chuyện khác, nhiều chuyện không đầu đuôi gốc gác nhưng nghe không cảm thấy xa lạ. Thầy kể nhiều nhứt chuyện ông anh thầy, hiện đang tập kết ra Bắc. Trước đó ông anh thầy đi kháng chiến chống Pháp, làm Việt minh, bôn ba khắp các tỉnh miền Nam. Lâu lâu hai anh em gặp nhau, thường cả năm trời, thông qua đường dây móc nối bí mật, đường đi lén lút khổ cực. Đó là những chuyến đi không thể nào quên. Thầy kể tỉ mỉ chuyện vượt sông Vàm Cỏ, sông Cửu Long, dong ghe ra ngoài biển khơi Rạch Giá, leo lên núi Cấm, vô rừng U Minh ăn ong hái đọt choại. Sau ngày anh thầy tập kết ra Bắc gởi bưu thiếp về, thầy kể chuyện các tỉnh miền Bắc, vùng Sơn La - Lai Châu, núi Phăng Xi Păng, cao nguyên đá Đồng Văn, vùng Đông Bắc có mỏ than đá Cẩm Phả... Không hiểu sao chỉ có mấy lời ngắn ngủi trong bưu thiếp thầy kể được nhiều như vậy. Tân đến lúc thầy đang ăn cơm. Thầy kéo ghế cho Tân ngồi rồi tiếp tục ăn, hỏi Tân đến có chuyện gì, bài vở có khó khăn gì không? Lần nào thầy cũng hỏi như vậy. Tân đáp không có chuyện gì, tới thăm thầy thôi. Thầy nói như vậy là tốt, thầy rất muốn học trò tới thăm, trò nào cũng được. Riêng hôm nay thầy có chuyện muốn nói với Tân. Tân lấy làm lạ, lâu nay không thấy thầy nói chuyện riêng tư như vậy. Thầy ăn rất mau. Thầy ăn cơm tháng giống như bọn Tân, thêm món rau luộc tại nhà, món ăn của người già. Nhưng thầy chưa già, chưa tới năm mươi. Với bọn Tân, thầy là người già, người của thế hệ trước. Thầy ăn xong dọn dẹp, châm bình trà rót cho Tân, tách trà không bao giờ Tân đụng tới. Thầy hỏi qua chuyện học hành, chuyện nhà dưới quê, chuyện nhóm bạn đằng nhà trọ. Thầy biết tất cả, nhớ không sót đứa học trò nào, quê ai ở đâu, học hành thế nào. Chợt thầy hỏi: “Em làm giấy căn cước chưa?”. “Dạ rồi”. Tân ngạc nhiên, không hiểu thầy hỏi chuyện căn cước làm gì. Nhưng thầy bắt qua chuyện khác. Thầy vừa nhận được bưu thiếp anh thầy ở miền Bắc, đưa ra cho Tân coi tờ bưu thiếp có con dấu của Ủy ban đình chiến Hiệp định Genève. Thường thầy muốn giấu chuyện anh thầy, nhà trường có thể hạch hỏi, cảnh sát dòm ngó nhưng lại cũng muốn khoe. Anh thầy là lòng ngưỡng mộ, niềm tự hào của thầy. Học trò đến thăm, thầy nói vòng vo mãi, cuối cùng cũng nói chuyện ông anh. Thầy nói anh thầy đã chuyển ngành, ra khỏi quân đội, hiện đang làm ở Nhà máy trà Phú Thọ. Thầy kể tiếp chuyện Phú Thọ, như thầy có ở đó, kể rành rẽ quy trình làm trà. Nói sang cả chuyện đền Hùng, cũng ở đó. Trông thầy khác hẳn, rạng rỡ, tràn ngập niềm tự hào, không biết dựa vô đâu. Thầy không nói gì về miền Bắc, về chế độ cộng sản. Thầy không biết, thầy chỉ nói về anh thầy. Thầy trở lại chuyện ban đầu: “Hồi nãy thầy hỏi giấy căn cước của em vì thầy lo em bị bắt lính. Có căn cước là tới tuổi đi lính. Em có muốn đi lính không?”. “Em không biết”. Quả thật Tân không biết, đám bạn chưa có ai bị bắt lính. Tân không hình dung bị bắt lính sẽ như thế nào. Thầy nói tiếp: “Theo nguyên tắc, em còn đi học, không ở lại lớp sẽ không bị bắt lính. Nhưng đó là hôm nay, không biết ngày mai thế nào. Mỗi ngày có những thay đổi. Em phải tính tới chuyện đó, không sẽ quá trễ. Chỉ có hai con đường, đi lính hoặc đi tù. Thầy nói vậy em hiểu không?”. “Dạ hiểu”. Nhưng Tân không hiểu gì hết. Làm sao Tân biết được chuyện chưa xảy ra? Má Tân dưới quê càng không biết, không có bà con chỉ dẫn, bạn bè cũng ngu ngơ. Tân hỏi: “Thưa thầy, em phải làm sao?”. “Thầy không biết. Thầy chỉ biết dạy học. Nhưng đi lính là bắn giết, thầy không muốn mấy em lâm vô cảnh đó”. Tân bỗng hỏi: “Người Mỹ là sao hả thầy?”. “Em hỏi vậy là sao?”. “Em có điều không hiểu. Mình đuổi Tây đi rồi, đáng lẽ người Việt mình sống với nhau, người Mỹ vô đây làm chi? Có phải người Mỹ muốn chiếm nước mình không?”. “Ai nói với em như vậy?”. “Tụi bạn em nói”. “Thầy không biết. Thầy cũng đang suy nghĩ. Thầy dốt về chuyện chính trị lắm”. Thầy day trở, như tìm kiếm cái gì, rồi hạ thấp giọng nói: “Chuyện đó em đừng nói với ai, thầy trò mình bàn với nhau thôi”. Thầy trở lại chuyện anh thầy, thời trước đó nữa, lúc nhỏ ở dưới quê. Nhà thầy chỉ có hai anh em, anh thầy lớn hơn thầy bảy tuổi. Ba mất sớm, hai anh em sống với mẹ. Anh thầy ra đi vào những ngày đầu khởi nghĩa năm 1945, vác gậy tầm vông, trong đoàn thanh niên tiền phong. “Nóp với giáo mang ngang vai”, đi diễu hành trên đường phố Sài Gòn, rồi vô chiến khu Đồng Tháp Mười. Thầy tự hào về anh thầy nhưng không muốn bắt chước. Thầy sợ bom đạn, không muốn người ta bắn mình, cũng không muốn bắn ai. Thầy tiếp tục học, ra trường đi dạy, suốt cuộc chiến tranh chín năm thầy chỉ có rời thành phố để đi gặp ông anh. Và trong đời thầy chỉ có những chuyến đi đó là đáng giá. Những năm về sau này, do tuổi già, người mẹ đã chết từ lâu, chỉ còn hai anh em, những lần nhận được bưu thiếp thầy chảy nước mắt khóc. Tình máu mủ ruột thịt, hơi thở cuộc sống bôn ba của người anh truyền về, những lời ngắn ngủi trong tấm bưu thiếp biến thành đại dương bao la của những hồi ức, bản thân thầy không hiểu sao mình có được. Tân ra về. Cuộc gặp gỡ không soi sáng được gì, chỉ thấy nặng nề thêm. Sài Gòn vào mùa mưa dầm. Trời hửng nắng một chút lại tối sầm, mây đen vần vũ, những cơn gió thổi tới tốc lá khô rào rào trên mặt đường. Cơn mưa tiếp theo không rõ từ hướng nào, dữ dội, gió giật uốn vặn những ngọn cây sao kêu răng rắc. Rồi cũng đột ngột không báo trước, cơn mưa dứt ngang, chỉ còn bụi mưa lất phất. Rồi trời trong veo, hửng nắng, mặt cỏ trong công viên bốc làn hơi nóng mờ mờ. Tân được thư má dưới quê. Nhà vẫn yên, không có chuyện gì. Em gái đi học, ruộng lúa không trúng không thất. Cây me già trước sân năm nay nhiều trái, chim dòng dọc làm ổ treo lủng lẳng, ong lá cũng nhiều, em gái không dám leo hái. Má dặn Tân cứ yên tâm học, không có chuyện gì không nên về. Dưới quê cũng đang bắt lính, thanh niên trai tráng tự dưng biến mất, không biết bị đưa đi đâu, làm công chuyện gì. Gần tháng Tân không gặp Quyên, không nghe tin nhắn. Tân nằm dài trên sàn nhà học ôn các môn toán lý hóa, gấp trang sách cuối cùng mệt rã rời, thấy cần phải đạp xe đi loanh quanh, đi lòng vòng một hồi tự dưng đến nhà Quyên. Tân nhấn chuông, không thấy con chó chồm ra, trong nhà yên phắc. Tân cảm thấy có chuyện khác thường, bước sang nhà bên nhấn chuông. Đứa con gái mười hai tuổi thò đầu ra. Con nhỏ Tân đã quen mặt, Quyên thường nhờ nó đến nhắn tin cho Tân, hôm nay nhìn Tân làm mặt lạ: “Ông hỏi ai?”. “Tao đây mà - Tân nói - Nhà Quyên đi đâu hết rồi?”. “Đi Tây hết rồi”. “Quyên có đi không?”. “Không biết”. Con nhỏ đóng sập cửa lại. Thành phố đã lên đèn. Tân quay ra đạp xe chầm chậm, lòng rối bời. Chắc nhà Quyên đi Tây rồi, nhưng Quyên có đi không? Nếu không thì đi đâu? Sao tự dưng bỏ cả nhà cửa thế này? Tuần sau Tân nhận được thư Quyên lý giải tất cả: ...Em không phải con đẻ trong nhà. Người em gọi là má là dì ruột em, chị ruột của má em. Còn má em chính là “người dì” em thường lên thăm ở Đà Lạt, chơi với đám em là em ruột của em. Anh đã rõ mọi chuyện rồi chớ gì? Tất cả đều ruột thịt, tình cảm em không sứt mẻ nhiều trong chuyện này. Hai chị em - má em và dì em - là con nhà nghèo trồng rau ở Đà Lạt, cùng lấy chồng một lượt. Dì em lấy được chồng giàu ở Sài Gòn, không có con. Má em lấy chồng thầy giáo làng, đẻ ba con. Dì em nói: “Tao bắt nuôi một đứa, mày cho đứa lớn để nó làm chị hai đứa kia”. Ngay từ nhỏ em đã biết chuyện đó, không thấy chút áy náy trong lòng. Chỉ là tên gọi, và chỗ ở, còn đều máu mủ ruột thịt. Hằng tháng em về Đà Lạt thăm má, em gọi là “dì”, chơi với đám em, chúng biết hay không kệ chúng. Nhưng giờ gia đình dì em sang Pháp, chuyện hoàn toàn khác. Em muốn trở lại là con của má em, con của người nghèo. Nước Pháp cách trở nửa vòng trái đất, hai đại dương, ngôn ngữ, phong tục tập quán khác nhau. Em mới mười chín tuổi, sau mấy mươi năm sống ở Pháp em sẽ khác, em không muốn điều đó. Nhưng đó chưa phải là lý do chính. Má em và dì em lấy chồng một lượt. Dượng em làm việc ở Sài Gòn, làm quan lớn. Ba em ở Đà Lạt làm thầy giáo làng, bị bắt, tổ chức vượt ngục bị bắn chết. Dì em nuôi em từ lúc em còn ẵm ngửa, ba em chết lúc em còn nhỏ ở Sài Gòn không biết gì, không ai nói cho em nghe. Tới năm em mười tuổi, sau lần gặp anh, một lần về Đà Lạt má em nói: “Con lớn rồi, phải biết chuyện này”. Rồi má em kể hết cho em nghe. Kể từ đó, lần nào về Đà Lạt em cũng bắt má kể chuyện ba, dẫn em đi thăm mộ ba, tuy biết rằng chỉ là mộ gió. Em chưa từng biết ba, nhưng em vẫn là con của ba, máu chảy trong người em là máu của ba em. Em không biết ba em làm gì, nhưng biết ba em bị bắn chết. Giờ em đi nước ngoài bỏ ba em hay sao? Một lần em ra nghĩa trang viếng mộ ba em. Trời chiều nắng vừa tắt. Em ngồi bên mộ một lúc bỗng thấy có người từ xa đi tới. Một người đàn ông tuổi trung niên, chắc cũng trạc tuổi ba em, bận quần áo bà ba đen, đi chân đất, tay chống gậy, vai mang chiếc túi vải. Người đó đi xăm xăm tới ngôi mộ, ngạc nhiên thấy em ở đó nhưng không nói gì, cùng ngồi xuống với em ngắm nghía bia mộ. Một lúc người đó nói: “Chú biết người trong mộ này”. Nói xong ông chống gậy ra đi, lầm lũi như lúc đến, khuất mờ trong ánh chiều... Một lần khác vào buổi sáng, em tới nghĩa trang thấy đám lính đang quần thảo, lát sau em biết chúng lùng tìm ngôi mộ nghi là hầm núp của Việt Minh, nói sẽ khui hết các hầm mộ để tìm bắt. Em nghe vậy hoảng quá nhưng không biết làm sao, ngồi ôm ngôi mộ khấn vái cho trời Phật phù hộ ngôi mộ ba em không bị khui. Và rồi lời khấn cầu của em thấu được tới trời xanh, đám lính khui nhiều ngôi mộ nhưng không đụng tới mộ ba em... Giờ em bỏ đi, không còn nhìn thấy mộ ba em nữa hay sao? Tags: Tiểu thuyếtSáng tácLê Văn Thảo
Donald Trump - Tập Cận Bình: Quan hệ cá nhân, quan hệ siêu cường NGUYỄN THÀNH TRUNG 23/12/2024 1666 từ
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Không có chuyện UNESCO xem xét loại vịnh Hạ Long khỏi danh sách Di sản thiên nhiên thế giới THIÊN ĐIỂU 23/12/2024 'Đoàn giám sát của UNESCO sắp sang đánh giá tổng thể hiện trạng bảo tồn di sản thế giới vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà theo lời mời của Việt Nam. Không có chuyện UNESCO xem xét loại vịnh Hạ Long ra khỏi danh sách Di sản thiên nhiên thế giới'.
Đã cảnh báo, vẫn có người xuống biển Nha Trang chụp ảnh, bị sóng dữ cuốn chết TRẦN HOÀI 23/12/2024 Dù đã có cảnh báo cấm xuống biển lúc sóng to, gió lớn, vẫn có người xuống biển Nha Trang chụp ảnh, tắm lúc biển động, dẫn đến một người bị sóng cuốn chết.
Gia đình tố cáo, công an khai quật tử thi, lộ diện hung thủ đánh chết người QUỐC NAM 23/12/2024 Mâu thuẫn lúc dự đám cưới, một người đàn ông tại Quảng Bình đã chặn đánh đối thủ chấn thương sọ não và tử vong. Tuy nhiên, người nhà lại ngỡ nạn nhân bị tai nạn giao thông nên sau khi khai quật tử thi, kẻ đánh người mới bị bắt.
Người phụ nữ trong clip đẩy thùng rác ra giữa đường Nha Trang rồi lái xe hơi bỏ đi nói gì? NGUYỄN HOÀNG 23/12/2024 UBND phường Tân Tiến (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) đang xác minh để xử lý theo đúng quy định vụ một phụ nữ đẩy thùng rác ra giữa đường rồi lái xe đi.