19/07/2013 06:09 GMT+7

Những năm tháng khó khăn

NGUYỄN HẰNG dịch
NGUYỄN HẰNG dịch

TT - Tháng 6-1964, Mandela và các đồng chí bị kết án tù chung thân và bị đưa đến đảo Robben. Một hành trình mới bắt đầu. Ông trở thành “người tù thế kỷ” sau 27 năm bị giam giữ trong các ngục tù.

Kỳ 1:

VJaE6EWZ.jpgPhóng to
Học sinh một trường ở Atteridgeville tham gia buổi cầu chúc cho nhà lãnh đạo Nelson Mandela - Ảnh: Reuters

Đảo Robben một thời từng là nơi cách ly người bị bệnh phong, còn trong Thế chiến thứ hai là một pháo đài hải quân trấn giữ cửa ngõ vào cảng Cape Town. Đó là một hòn đảo nhỏ xíu nhô trên mặt nước toàn đá vôi, lạnh lẽo, lộng gió, nằm ngay trên hải lưu lạnh Benguela. Lịch sử của nó là những năm tháng tù tội của người dân Nam Phi.

Nhà mới của tôi đây.

Bình minh ngày 18-7 ở Nam Phi bắt đầu trong tiếng hát của hàng triệu học sinh mừng sinh nhật và chúc sức khỏe đến cựu tổng thống Nelson Mandela. Các tình nguyện viên dành ra 67 phút, tượng trưng cho 67 năm phục vụ nhân dân của ông Mandela, cùng nhau sửa chữa trường học, trại trẻ mồ côi, dọn dẹp bệnh viện, đường phố hay phát thực phẩm cho người nghèo.

Tổng thống Jacob Zuma cũng đích thân tham dự trao nhà cho các gia đình nghèo. “Chúng tôi tự hào gọi ông là một biểu tượng quốc tế của Nam Phi và chúc ông mạnh khỏe” - BBC dẫn lời ông Zuma nói sau khi thông báo sức khỏe của ông Nelson Mandela đã bình phục nhiều dù vẫn còn nằm trong bệnh viện. Con gái út của ông Mandela cho biết ông đã có thể nói chuyện và xem tivi.

Hàng loạt nhân vật nổi tiếng trên thế giới đã bày tỏ sự cảm kích nhân dịp sinh nhật thứ 95 của ông Mandela. “Ông ấy đã chỉ cho người dân mình, và cả thế giới, con đường đến công lý, công bằng và tự do” - Tổng thống Mỹ Barack Obama nói trên CNN.

TRẦN PHƯƠNG

Ngày 22-4-1969, Mandela gửi thư cho bộ trưởng tư pháp

Tôi được các bạn tù yêu cầu viết thư gửi ngài để đề nghị ngài trả tự do cho chúng tôi, và trong khi chờ ngài quyết định, đề nghị ngài đối xử với chúng tôi theo đúng chế độ dành cho tù nhân chính trị. Trước hết, chúng tôi muốn nói rõ rằng khi viết thư này, chúng tôi không cầu xin được tha thứ mà chỉ đang thực hiện quyền lợi chính đáng của tất cả những người phải đi tù vì niềm tin chính trị... Trước khi bị buộc tội và bị bỏ tù, chúng tôi là thành viên của những tổ chức chính trị nổi tiếng vì đấu tranh chống sự ngược đãi chính trị và chủng tộc, đòi hỏi đầy đủ quyền lợi chính trị của người Phi người da màu và người Ấn Độ sinh sống trên đất nước này. Chúng tôi đã và đang hoàn toàn phản đối mọi sự thống trị của người da trắng, đặc biệt là chính sách phát triển riêng rẽ. Chúng tôi yêu cầu có một nước Nam Phi dân chủ, không còn áp bức màu da, và tất cả người Nam Phi bất kể chủng tộc, tín ngưỡng đều chung sống hòa hợp trên cơ sở công bằng.

Tất cả chúng tôi, không ai là ngoại lệ, đều bị buộc tội và kết án vì chúng tôi đã thực hiện những hoạt động chính trị vốn là một phần trong cuộc đấu tranh giành quyền được tự quyết cho dân tộc mình - một quyền lợi hiển nhiên từ lúc sinh ra của con người được cả thế giới văn minh thừa nhận. Chúng tôi làm những việc đó với mong muốn ngăn chặn những chính sách phân biệt chủng tộc và những điều luật bất công, vi phạm nguyên tắc nhân quyền và những quyền tự do cơ bản, nền tảng của một nhà nước dân chủ.

Chính phủ hiện nay khăng khăng bác bỏ nguyện vọng của chúng tôi, cấm đoán tổ chức chính trị của chúng tôi, áp đặt những quy định khắt khe đối với các nhà chính trị nổi tiếng, các nhà hoạt động xã hội.

Cuộc sống của nhiều gia đình đã gặp phải vô vàn khó khăn, rạn vỡ vì hàng trăm người vô tội bị bắt vào tù. Nó khởi đầu một thời kỳ khủng bố chưa từng có tiền lệ trong lịch sử đất nước, đồng thời đóng sập mọi cánh cửa đấu tranh hợp hiến.

Trong tình huống đó, sử dụng bạo lực là giải pháp không thể tránh khỏi đối với các chiến sĩ đấu tranh vì tự do có lòng can đảm của niềm tin. Một người có nguyên tắc sống, có lòng tự trọng không thể làm khác.

Khoanh tay đứng nhìn có nghĩa là đầu hàng chính phủ thuộc về một số ít người, là phản bội lại lý tưởng của mình. Lịch sử thế giới nói chung và Nam Phi nói riêng đã dạy chúng tôi rằng sử dụng bạo lực trong một số tình huống là hoàn toàn chính đáng.

Đất nước này còn xảy ra những vụ xung đột tồi tệ, đẫm máu nữa hay không là hoàn toàn phụ thuộc vào chính phủ.

Nếu chính phủ tiếp tục đàn áp nguyện vọng của chúng tôi và sử dụng luật pháp để áp bức thì người dân sẽ ngày càng có xu hướng sử dụng bạo lực nhiều hơn.

Cả ngài và tôi đều không thể nói chính xác cái giá phải trả của quốc gia khi kết thúc cuộc chiến này. Rõ ràng giải pháp bây giờ là phải trả tự do cho chúng tôi và tổ chức một hội nghị bàn tròn để tìm ra cách hòa giải.

Yêu sách chính của chúng tôi là ngài phải trả tự do cho chúng tôi, và khi chưa quyết định, ngài phải đối xử với chúng tôi như những tù nhân chính trị. Với tình trạng hiện nay thì chính phủ không coi nhà tù là nơi để thay đổi con người mà là công cụ trả thù...

UnRQi8Jw.jpgPhóng to
Nelson Mandela vá quần áo trong sân nhà tù đảo Robben, năm 1966 - Ảnh: Express Newspaper

Biệt giam

... Ở một mình trong tù thật khó. Không bao giờ nên thử. Họ cách ly tôi khỏi thế giới mà thật ra không hề phải trừng phạt tôi bằng hình phạt cắt cơm. Nhưng họ tuyệt đối không để tôi gặp mặt bất cứ một tù nhân nào khác.

Lúc nào tôi cũng chỉ nhìn thấy một lính canh, thậm chí người đem thức ăn đến cũng là lính canh. Và họ chỉ cho tôi ra ngoài nửa tiếng vào buổi sáng với nửa tiếng vào buổi chiều, khi những người tù khác đã về phòng giam.

Có một cái xô cho từng phòng sử dụng. Mỗi phòng giam không có hệ thống vệ sinh xả bằng nước. Các phòng lớn có hệ thống này, nhưng phòng giam thì đúng là không có.

Ban đêm thì anh chỉ có xô để dùng thôi. Một trong những bạn tù của tôi, thành viên Umkhonto we Sizwe đã qua huấn luyện, anh ta bị giải đi Cape Town và họ thường đi rất sớm, đôi khi từ 5g sáng, trước khi họ mở cửa phòng giam cho chúng tôi dọn vệ sinh (rửa xô), nên anh ta nhờ người ở phòng giam đối diện và anh ta đi. Lúc đó anh ta bị giam cạnh phòng tôi.

Tôi mới nhắc người ở phòng giam đối diện: “Anh A nhờ anh rửa xô hộ đấy”. Anh kia trả lời: “Không, tôi không định làm. Tôi sẽ không làm đâu. Tôi không rửa xô hộ người khác”. Thế nên tôi liền rửa hộ vì đối với tôi chuyện đó không đáng gì. Ngày nào tôi cũng rửa xô của tôi nên tôi thấy rửa xô cho người khác cũng chẳng sao. Chỉ là giúp một người bạn bị người khác từ chối giúp đỡ thôi mà.

Mỗi chuyến thăm lúc đầu là 30 phút. Tức là anh phải đợi nửa năm để chỉ được nói chuyện trong nửa giờ. Sau đó họ tăng lên thành một giờ. Nhưng họ chỉ cho anh quyền được gặp trong 30 phút, 30 phút còn lại là ưu đãi thêm. Nếu muốn họ có thể từ chối cho anh hưởng ưu đãi đó.

Tôi được đưa đến phòng tiếp khách mà vẫn không biết mình sẽ gặp ai. Bất ngờ, người đến là giáo sư Fatima Meer. Như vậy là họ không muốn nói với tôi vì Fatima Meer đã bị đưa vào danh sách đen của họ. Và họ không muốn thông báo với tôi, nhưng họ buộc phải cho bà ấy vào gặp tôi.

Tôi nghĩ mình sẽ có một giờ. Sau 30 phút, họ bảo: “Hết giờ!”. Tôi mới nói: “Nhưng các anh cho tôi một giờ cơ mà?”. Trả lời: “Không, ông chỉ có quyền gặp 30 phút. 30 phút còn lại thì tùy vào thực tế, do chúng tôi quyết định. Thời gian gặp hôm nay đã hết”. Họ hết sức thô bạo, hết sức lạnh lùng.

Nelson Mandela

------------------------------------------------

Những ngày ở trong tù, Mandela nhận hai hung tin: mẹ và con trai lần lượt qua đời. Ông viết thư cho nhà tù xin được về chịu tang. Nhưng những lá đơn đều bị bác bỏ.

Kỳ tới: Hai nỗi đau đớn

NGUYỄN HẰNG dịch
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên