26/12/2017 07:05 GMT+7

Những 'năm học không giấy bút' của người trẻ

QUỲNH CHI
QUỲNH CHI

TTO - Không chỉ là thời gian nghỉ ngơi, "gap year" chính là năm học không giấy bút do chính bạn đứng lớp.

"Gap year" là gì?

Khác với sinh viên Việt Nam, sinh viên nước ngoài thường tự chọn một "gap year" để định hướng lại bản thân. Đây là khoảng thời gian sau khi tốt nghiệp cấp 3 hoặc đại học, được các bạn trẻ lựa chọn để nghỉ ngơi trước khi có quyết định lớn cho cuộc sống của bản thân.

Lịch sử của "gap year" xuất phát từ năm 1960, bắt đầu tại Vương quốc Anh và dần lan rộng ra khắp thế giới. Năm 2010 có hơn 100.000 bạn trẻ tại Anh quyết định "gap year", và con số nhanh chóng tăng lên 200.000 vào năm 2015. 

Tại Nga và Mỹ hiện cũng có hơn 50.000 bạn trẻ quyết định dành một năm cho trải nghiệm cá nhân.

Những năm học không giấy bút của người trẻ - Ảnh 1.

Làn sóng "gap year" đang lan dần sang các nước châu Á

Các bạn trẻ Mỹ thậm chí còn lập một hiệp hội mang tên American Gap Association để tổng hợp thông tin. Những lợi ích của Gap Year được hiệp hội trẻ này chỉ ra gồm: Giúp cá nhân tìm được mục đích rõ ràng, hiểu rõ bản thân sẽ muốn học ngành nghề gì trong tương lai; Phát huy tiềm năng kiếm tiền, kinh doanh; Tìm được những giá trị đáng học hỏi ngoài lớp học; Tích lũy kiến thức cho môi trường đại học.

90% sinh viên Mỹ hiện tại ghi danh vào đại học sau khi hoàn thành một năm gap year. Thực tế cho thấy, kinh nghiệm trải qua quãng thời gian này không chỉ hỗ trợ nâng cao điểm GPA trong khi học, mà còn cải thiện đáng kể sự hài lòng về công việc sau khi tốt nghiệp đại học (theo Khảo sát cựu sinh viên Mỹ toàn quốc 2015). 

Ở Yemen, thanh niên buộc phải có một năm trì hoãn trước khi đăng ký vào trường đại học.

Năm học không có giấy bút

Gap year không phải cuộc chơi quá khó. Thời điểm giữa tháng 7, cư dân mạng Việt ngỡ ngàng khi "cô gái 7 tỉ đồng" Nguyễn Đình Tôn Nữ quyết định "gap year" một năm trước khi đến với Đại học Harvard (Mỹ). 

Tôn Nữ viết trong đơn gửi cho giám đốc tuyển sinh: "Tôi sẽ có một năm dành cho mọi thứ mà tôi từng nói không có thời gian làm. Tôi sẽ chăm sóc bà, chơi piano cho bố mẹ nghe, trồng hoa hồng, học lái xe, học cách yêu thương và học cách học tập. Tôi muốn xem điều gì sẽ xảy ra khi tôi chẳng còn lý do gì để lười biếng".

Lý do của Tôn Nữ được Harvard chấp nhận. Harvard hiểu rõ rằng việc liên tục vùi đầu vào sách vở khiến một học sinh bỏ lỡ quá nhiều điều thú vị ngoài thế giới. Và "gap year" chính là điều cần thiết để hoàn thiện những thứ còn thiếu đó.

Những năm học không giấy bút của người trẻ - Ảnh 2.

Lựa chọn của Tôn Nữ là điều lạ ở Việt Nam, nhưng là điều rất bình thường ở Mỹ - Ảnh: Facebook nhân vật

Một năm tạm rời xa trường lớp giúp bạn trẻ khám phá chính bản thân mình. Khi còn đang phân vân về định hướng tương lai, năm học thứ 13 này chính là lúc bạn đi tìm thứ thực sự phù hợp với mong muốn cá nhân - điều mà không sách vở nào dạy. 

Rõ ràng, "gap year" có ảnh hưởng đến quyết định nghề nghiệp trong tương lai. Một học sinh chìm đắm trong sách vở và điểm số không thể biết quy luật khốc liệt của ngành tài chính hay nhân sự, càng không nhận ra con số trong bài tập Toán chẳng hề giống với con số trong hóa đơn của công ty.

"Gap year" thành công nhất khi người trẻ tự quản lý bản thân. Một năm sống tự lập chính là lúc thử thách khả năng quản lý cá nhân nhiều nhất.

Đây là thời gian tự do khám phá, chứ không phải thời gian lười biếng. Nếu bạn không có mục đích rõ ràng, rất có thể sẽ lãng phí.

Nghỉ ngơi có học hỏi chính là mấu chốt của "gap year".

Với hệ thống giáo dục Việt Nam, việc "gap year" vào khoảng thời gian sau cấp 3 không phổ biển. Đại học tại Việt Nam không hỗ trợ bảo lưu năm nhất như nhiều nước. 

Đa số người "gap year" ở Việt Nam chọn thời điểm sau khi tốt nghiệp đại học. Giai đoạn "gap year" như một phép thử giúp bạn trẻ tránh bị sốc khi bước từ trường lớp ra thế giới thật.

Lê Bích Ngọc (22 tuổi, ở Phú Thọ) lựa chọn nghỉ xả hơi một thời gian sau khi kết thúc 4 năm đại học. 

"Bạn bè ra trường, ai cũng tất bật tìm việc. Mình không thích cắm mặt ngay vào công việc như vậy. 

Thực tế, mình đã thử đi làm 1 tháng sau khi ra trường, và nhận ra bản thân chưa sẵn sàng, cũng như chưa đủ kỹ năng sống cần thiết. Mình quyết định buông bỏ tất cả mọi thứ, đi để xem con người ở những nước lân cận đang làm gì, sống như thế nào" - Ngọc chia sẻ khi đang ở Thái Lan.

Những năm học không giấy bút của người trẻ - Ảnh 4.

Bích Ngọc lựa chọn trải nghiệm cuộc sống sau khi rời trường đại học - Ảnh do nhân vật cung cấp

Tùy theo sở thích và kỹ năng mong muốn đạt được, mỗi người sẽ chọn cho mình một cách trải nghiệm riêng. 

Các cách "gap year" phổ biến gồm du lịch bụi, tham gia các chuyến tình nguyện xuyên biên giới, làm thêm, trao đổi ngắn hạn... Với những cách thức trên, bạn không cần chuẩn bị quá nhiều chi phí để duy trì trong một năm.

Youthquake - thuật ngữ về người trẻ được chọn là Từ của năm 2017 Người trẻ hoài cổ mê máy ảnh phim Phác họa chân dung người trẻ thế hệ thiên niên kỷ
QUỲNH CHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên