Tại buổi giao lưu ra mắt sách ở Đường sách nhân Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam tại TP.HCM lần 3-2024 sáng 20-4, tôi được Hồng Sao, học viên Trường đại học Sài Gòn, từ hàng ghế khán giả đặt câu hỏi rất thực tế: "Xin hỏi anh là với các bạn sinh viên yêu sách song túi tiền lại eo hẹp, làm sao để họ có thể mua và đọc được nhiều sách hả anh?".
Câu hỏi của Hồng Sao khiến tôi lập tức nhớ như in về thời mình là cậu học trò tỉnh lẻ chân ướt chân ráo lên Sài Gòn năm nào. Bấy giờ, tôi chỉ có hai cái áo sơmi trắng thay ra mặc vào, tiền ăn ở học phí được ba má dưới quê chu cấp song được chi xài với ý thức hết sức tiết kiệm bởi đó là mồ hôi nước mắt của song thân.
May mắn là tôi vẫn đọc được nhiều sách, báo bằng nhiều cách xoay xở: thường xuyên làm "mọt sách" ở các thư viện quận, thư viện trường; tham gia sinh hoạt các câu lạc bộ ở Nhà văn hóa Thanh Niên để được bạn bè chia sẻ về sách (mọi người cho nhau mượn sách đọc qua lại, ai cũng được đọc nhiều sách hơn là số sách mình tốn tiền mua).
Đôi khi đứng giữa bao dãy kệ trưng bày ở các nhà sách lớn song trong túi chỉ đủ tiền mua duy nhất một quyển sách thôi thì tôi vẫn vui.
Vậy đó, cho đến ngày hôm nay, trong vai trò một tác giả sách, được chữ nghĩa nuôi sống, tôi muốn sẻ chia với bạn Sao và các bạn sinh viên đang ngồi dự khán rằng: Nếu thực sự bạn yêu sách thì không có bất cứ điều gì ngăn cản được bạn đến với sách.
Rất nhiều bạn bè tấm tắc rằng họ thích những buổi sáng cuối tuần đến Đường sách TP.HCM, tay chạm vào những trang giấy trong cuốn sách mới vừa mua, môi nhâm nhi ly cà phê dưới những tán cây xanh rì rào.
Đường sách trở thành không gian chứa nét đẹp văn hóa thu hút sự chú ý của người dân, du khách, phụ huynh và trẻ em, góp phần khẳng định vai trò và tầm quan trọng của sách, thúc đẩy thói quen đọc sách nơi cộng đồng.
Nhìn rộng ra, đô thị lớn nhất cả nước như TP.HCM đã "nỗ lực tổ chức những hoạt động, sự kiện văn hóa đọc theo hướng khuyến đọc, khuyến viết, xây dựng văn hóa con người thành phố lẫn vừa góp sức phát triển kinh tế dịch vụ, du lịch, góp phần đưa thành phố trở thành thành phố của những sự kiện hấp dẫn" như lời ông Lâm Đình Thắng, giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, phát biểu tại lễ khai mạc Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam tại TP.HCM ngày 17-4.
Với nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn, người mà tôi gặp trong sáng 20-4 tại Đường sách, ông tâm đắc và thực sự tìm được niềm vui khi hòa mình vào các sự kiện "tương tác cao với sách và bạn trẻ, tôn vinh tác giả lẫn độc giả".
Ông Sơn thốt lên vui vẻ: "Từng tham dự nhiều hội sách, nhưng lần này trái tim tôi nhịp đập liên hồi như sống lại thời thanh xuân khi đi dự những sự kiện khơi gợi tình yêu đọc sách hay, sách giá trị và đề cao vai trò của độc giả, nhất là giới trẻ".
Hàng ngàn hoạt động khuyến khích, cổ vũ tinh thần đọc sách, lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng được tổ chức đi vào chiều sâu và thực chất là điểm son tích cực đáng ghi nhận trong "mùa Tết sách" năm nay cũng như các mùa qua.
Các đơn vị làm sách và nhà xuất bản đã chung tay nhiều hơn để thực hiện nhiều hội sách diễn ra ở nhiều nơi và thường xuyên hơn. Thương mại điện tử đã áp dụng những mô hình tiếp cận giới trẻ phù hợp xu hướng như livestream bán sách trên các mạng xã hội - điều mà nhiều đơn vị tham gia hội sách Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam tại TP.HCM lần 3 đang làm hiệu quả trong những ngày qua.
Tôi vẫn cứ hay nghĩ rằng làm sao để những độc giả như Hồng Sao đọc được sách hay dù không quá tốn kém chi phí, làm sao để các hoạt động về sách được nhiều bạn trẻ, sinh viên học sinh, cộng đồng yêu sách nói chung "thấy mình trong đó". Làm sao để các bạn trẻ cũng như người đọc sách, mua sách và yêu sách không chỉ đến "mùa Tết sách" mới đến hẹn lại lên ở những khu vực quen thuộc mà luôn có ở mọi mùa.
Tôi nghĩ thành phố cần có thêm nhiều sự kiện về sách hấp dẫn họ. Cơ hội đọc sách, tậu một quyển sách cần rộng mở hơn nữa cho công chúng. Như vậy thì sách sẽ đến với mọi người nhiều hơn, và Hồng Sao hôm nay hay như tôi năm xưa không còn băn khoăn cơ hội tiếp cận với sách.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận