"Dẫu mà trời còn làm mưa lâu dài/ Giọt buồn giọt tủi đêm ngày
Cây cột mè dui mái lá nghèo cũng dừng dột xiêu.../ Cha ơi, sao cha chưa về/
Nhà trên bếp dưới vắng tanh/ Đợi với trông mỏi mòn ngoài kia mưa dầm/ Cha còn dầm mưa/ Tàn cơn mưa giông, Mẹ gần về chưa...".
Lời bài hát Sa mưa giông của nhạc sĩ Bắc Sơn nỉ non buồn như thế. Nhưng thật ra, người miền Tây như chúng tôi từ nhỏ tới già ai cũng đợi chờ mùa mưa giăng về.
Bởi đó là mùa hồi sinh ruộng đồng, cây cối, kênh rạch sau sáu tháng nắng hạn. Mùa của những trận mưa mang theo làn gió mát xua đi những ngày oi bức, ngột ngạt.
Nhiều năm rồi, tôi vẫn như còn sống trong tháng ngày miền Tây Nam Bộ không chỉ người đang cấy cày đồng áng, mà cả trẻ em cũng háo hức đợi chờ mùa mưa về.
Bởi những trận mưa đầu mùa trên miền đất hạ này thường giăng về từ giữa tháng 5, thời điểm thi cử cuối niên khóa đã gần kết thúc và các cô cậu học trò đang ngóng đợi ba tháng hè tha hồ vui chơi.
Nhạc sĩ Bắc Sơn viết bài hát mang cái tên ngồ ngộ Sa mưa giông. Dân thành phố có thể khó hiểu cái tên này, nhưng người quê như chúng tôi thì không gì lạ.
Những trận mưa tuôn nước trên ruộng đồng trống trải, nhất là mưa đầu mùa thường được khởi đầu bằng những trận giông gió, sấm sét đến nỗi nhiều người quê hay nói vui "ông trời gầm rồi mới chịu mưa". Tuy nhiên, thật sự mưa miền Tây thường là mưa hiền theo đúng nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Những miền khác có mưa bão, mưa đá, mưa dầm thúi đất, nhưng người miền Tây chỉ biết có mưa giông, mưa dai là cùng, và những trận mưa giông ở miền Tây hiếm khi làm đổ cây, sập nhà gây nguy hiểm tính mạng con người.
Cả đời người ta từ nhỏ tới già ở miền Tây nhiều lắm cũng chỉ "nếm mùi vài trận bão dữ", cỡ như ở miền Trung thì mới gọi là "ông trời hắt hơi, sổ mũi, chớ cỡ đó thì bão gì mà bão". Năm thì mười họa mới nghe miền Tây bị trận mưa giông làm tốc mái nhà, nhưng thật ra đó chỉ là những mái tôn lỏng lẻo gá trên đầu vách nhà cấp 4, chứ nhà mái đúc bê tông, hay kể cả nhà mái ngói cũng vô cùng hiếm bị chuyện này.
Còn riêng mưa dai thì ở miền Tây có dai lắm cũng chỉ vài tiếng là cùng, hoàn toàn không có cảnh mưa dầm ngày này qua ngày khác như ở Huế. Trịnh Công Sơn lãng mạn với "Em còn nhớ hay em đã quên/ Nhớ Sài Gòn mưa rồi chợt nắng...".
Nhưng thật ra cảnh trời đang rào rào đổ mưa lại chợt ửng nắng thì miền Tây mới thật sự rõ cả nét lẫn hồn. Lữ khách phương xa về miền Tây hay các cô cậu học trò vùng đất thấp này đã bao lần trải nghiệm vừa khoác áo mưa lại phải cởi, rồi lại phải khoác vào, mà dân địa phương quen gọi là "mưa bóng mây".
Nhiều khi lữ khách phải đứng bên đây đường trú trận mưa rào rào, trong khi nhìn qua bên kia đường lại khô ráo hoàn toàn. Lứa chúng tôi có tuổi thơ ở miền Tây làm sao quên được những ngày phụ mẹ phơi lúa cứ thắt tha thắt thỏm lo âu nhìn mây trời.
Nhiều buổi chiều mưa rào rồi lại tạnh, rồi lại mưa, cứ 5, 7 trận đang mưa lại nắng liên miên như trêu sức người phơi lúa.
2. Tuy nhiên, dù nói gì thì nói, người miền Tây nhắc đến mưa thì ai cũng ngập đầy ký ức thương thương nhớ nhớ khó quên. Mùa nắng miền đất hạ này bắt đầu từ cuối tháng 11 gần Tết và kéo dài đến tận tháng 5 của năm sau.
Ba ngày xuân vừa tàn qua, khi những đợt bắc phong thưa dần cũng là thời điểm nắng hạn bắt đầu dần khắc nghiệt.
Đám học trò quê chúng tôi ngày ấy ở vùng ruộng đồng giáp ranh giữa tỉnh Tây Ninh và Long An cảm nhận rất rõ điều này. Khi những lu trữ nước mưa cạn dần thì bọn nhóc đi học thuở thập niên 1980 không ngại gì mà không tu nước ao đìa đục ngầu.
Rồi nước ao đìa cũng dần sát đáy vì những ngày nắng nóng rang người thì bọn nhóc vẫn cứ tu cái lớp nước toàn mùi bùn đất lờ lợ ấy. Nhiều khi trâu đang uống nước bờ đìa bên kia, thì bờ bên này bọn nhóc cũng đang ừng ực giải cơn khát trên đường đi học về.
Nhưng nói nào ngay ông trời cũng rất ngộ, nhiều chuyện cứ như đến cực điểm thì lại đổi thay, vòng xoay vần tạo hóa diệu kỳ để không ép ai đến bước đường cùng.
Sang tháng 5, miền Tây đỉnh điểm khô cạn và nóng bức đến mức nhiều người đã lo lắng "tình hình này thêm một vài tháng nữa hổng biết còn chịu nổi không", thì cũng là lúc mây đen bắt đầu vần vũ kéo về chân trời. Người quê nhìn trời mà ngóng mưa sa đã đành, đến đàn trâu bò, cây cối, ruộng đồng cũng như phập phồng đợi mưa.
Những trận mưa đầu mùa thường bất ngờ mà lại theo quy luật thời gian khi mùa hè sắp đến, đám học trò đang làm những bài thi cuối cùng khoảng giữa tháng 5. Những trận mưa mang theo sấm chớp, gió giông và thường rất nặng hạt.
Ruộng đồng đang nứt nẻ vì khô hạn được "tắm" trong nước ngập để người quê vui vẻ chuẩn bị gieo hạt cho mùa vụ mới hay háo hức đi kiếm miếng ăn "tươi" thuở nghèo khó.
Nhiều năm xa quê rồi, tôi vẫn nhớ đám học trò bạn bè cấp II của tôi từ giữa tháng 5 đã chuẩn bị đèn bình ắc quy, thậm chí chỉ là đèn dầu lập lòe trong lon thiếc để đi bắt ếch nhái ra "tắm nước" sau trận mưa ngập đồng.
Con thì lẻ loi một mình, nhiều con bắt cặp bạn tình với nhau. Đám nhóc thời thiếu ăn cứ thế mà chụp mà "vồ ếch" như dân quê hay gọi. Đói quá thì tìm miếng ăn, và thật sự thuở đó ngay cả người lớn cũng chưa ý thức gì nhiều về việc nên tránh săn bắt vào đầu mùa mưa, mùa vạn vật sinh sôi.
Ở các thành phố lớn, người ta hay nhớ thời xa vắng tắm mưa. Còn ở vùng đất hạ như miền Tây thì tắm mưa là chuyện quá đỗi bình thường khi những thằng nhóc đội mưa, ướt như chuột lột đi vồ chụp ếch nhái.
Thú vui săn tìm miếng ăn "trời cho" giữa ruộng đồng át cả cảm giác tắm mưa. Bây giờ kể lại thời đã xa trong miền ký ức, tôi vẫn nhớ cảnh đi bắt cá vùng vẫy bơi ngược nước lên bờ sau những trận mưa cuối tháng 5.
Cứ hôm nào mưa lớn giăng ngập đồng, nước chảy từ chỗ cao xuống chỗ thấp như kênh rạch là y như rằng có cá ngược nước lên bờ. Mà nhiều nhất là cá rô, chúng loi thoi lóp thóp, nhiều con còn mắc vào đám cỏ chỉ rối bù, bọn trẻ cứ thế mà ào tới bắt bằng tay không dễ dàng như "trò chơi con nít".
Để rồi ngay sáng hôm sau chúng vừa bảnh mắt thức dậy, chưa kịp lót bụng củ khoai mì khoai lang, lại lao nhao trò vui mới là đi tìm bắt dế sau đêm mưa. Cứ lật những luống đất cày, những lớp rơm ngậm nước là sẽ tìm được những chú dế than, dế vàng đang ẩn mình bên dưới.
Sau đó, bọn nhóc lại hò hét nhau bắt cặp thi đá dế, trò vui đầu mùa mưa tưng bừng không thể tả, náo nhiệt cả miền quê vừa mới ngột ngạt oi bức vì khô hạn...
3. Tuy nhiên, niềm vui trời giăng màn mưa bay ở miền Tây đâu chỉ có những ngày đầu mùa, mà cứ nối tiếp kéo dài mãi cho đến tận những cơn mưa cuối tháng 11. Vừa qua mưa đầu mùa, người ta lại trông những đợt mưa dày, mưa nhiều tháng 7 để miền Tây có "nước nhảy đồng", có mùa nước nổi với bao mong chờ.
Người lớn hiểu chuyện đón xem dự báo thời tiết thượng nguồn sông Mekong từ Trung Quốc, Lào, Campuchia nhiều mưa hay không để biết mùa nước nổi miền Tây "năm rày cao hay thấp".
Còn đám con nít chúng tôi ngày ngày đi học cứ háo hức nhìn xuống mặt sông, con rạch mà trông đợi mùa nước lên. Và rồi một sáng thức dậy, chúng hò reo tưng bừng khi thấy nước ở đâu đã đổ về ngập sân nhà, đã lé đé hàng hiên.
Ôi trời đất thánh thần ơi, vui ơi là vui, bao trò vui chơi tuổi thơ mà cũng là sinh kế phụ cha mẹ kiếm miếng ăn như cắm câu, giăng lưới bắt đầu...
Sau này, kể chuyện trông trời mưa xuống cho nước nổi về miền Tây, tôi cứ nhắc mãi mình biết bơi từ dạo đó.
Thằng nhóc ôm cây chuối tía má chặt cho để vùng vẫy tập bơi lội ngay trên sân nhà mình đã chìm trong con nước tháng 10 đỏ màu phù sa.
Rồi ít năm sau, nó đã thành thanh niên nhập bọn với trai gái làng quê bơi xuồng đi tìm một nửa của nhau dưới lất phất mưa bay...
"...Dẫu mà trời còn ngàn năm cứ mưa hoài
Để thèm thuồng giọt nắng rớt sau hè
Con vẫn ngồi nhen bếp lửa hồng nuôi ngọn
đèn trông
Thế nào tia nắng cũng lên trên giàn bầu...".
(Trích đoạn bài hát Sa mưa giông của Bắc Sơn)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận