24/05/2024 10:53 GMT+7

Những mùa mưa đợi chờ - Kỳ 3: Những mùa mưa dập lửa mái tranh nghèo

Những lớp trẻ ngày xưa chắc rất nhiều người thuộc bài đồng dao 'Lạy trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày, lấy đầy bát cơm, lấy rơm đun bếp'.

Một ngôi nhà tranh Quảng Trị rất dễ bén lửa của thời gian khó - Ảnh: YẾN THỌ

Một ngôi nhà tranh Quảng Trị rất dễ bén lửa của thời gian khó - Ảnh: YẾN THỌ

Nhưng tuổi thơ tôi ở xứ gió Lào cát trắng Quảng Trị, khao khát mùa mưa tới bởi có một lý do mà chắc ít nơi có: chống cháy!

Những mái tranh nơm nớp trước gió Lào

Mùa hè 1972, Quảng Trị trở thành chiến trường khốc liệt nhất Việt Nam. Phải ba năm sau nữa, khi bom đạn chiến tranh thực sự chấm dứt vào đầu mùa hè năm 1975, người Quảng Trị lưu tán khắp nơi bắt đầu trở về quê nhà. Và việc đầu tiên là dựng lại ngôi nhà của mình.

Quê tôi tuy cách Thành cổ Quảng Trị chỉ hơn 10km đường chim bay, không bị hoang tàn như vùng đất túi bom này, nhưng ngày dân quê tôi trở về hầu hết chỉ là những mảnh vườn hoang trơ trọi, mỗi mảnh vườn đều được chiến tranh lưu dấu bằng những hố bom sâu hoắm.

Ngôi nhà rường bằng gỗ mít của bà nội tôi ky cóp làm bằng số vốn bán buôn một đời đã biến mất không còn vết dấu. 

Những ngôi nhà được dựng lên, phần cột kèo có thể khác nhau, có nhà tận dụng được cây cối (chủ yếu là mít) còn sót lại để làm cột kèo, một số khác làm bằng những cột sắt vốn là cọc hàng rào kẽm gai, được tán đinh river để ghép lại làm cột kèo. Duy chỉ phần lợp mái hầu hết là bằng cỏ tranh.

Cỏ tranh được bện thành từng tấm nhờ mấy hàng nan tre, mỗi tấm rộng tầm 1m2, các tấm tranh được lợp tương tự như ở miền Bắc ngày xưa lợp bằng gốc rạ. Nhiều nhà không chỉ lợp mái bằng tranh mà tường và cửa cũng bằng tranh. Những vách tường được tạo bằng khung tre, rồi tranh được đính vào che lại. Cửa ra vào cũng làm bằng tranh, gọi là cửa liếp, cửa chống.

Tấm liếp cửa kết từ cỏ tranh ấy được treo trên một chiếc xà ngang. Buổi sáng mở cửa sẽ đẩy tấm tranh lên, tối đóng cửa sẽ lấy đòn chống xuống, liếp cửa sập lại, cái đòn chống xoay ngang sẽ thành một thanh cài. 

Tấm hình của một nhà nghiên cứu sử học ở quê mà tôi may mắn xin được kèm theo đây là một dạng nhà điển hình của người dân quê tôi giai đoạn đó. Nhìn ngôi nhà trong ảnh bạn đọc sẽ dễ hình dung hơn về những ngôi nhà "tranh toàn tranh".

Nhưng câu chuyện ngôi nhà tranh thì liên quan gì đến... mưa!

Sẽ rất liên quan bởi nỗi ám ảnh của những ngôi nhà tranh như thế vào mùa gió Lào ở quê tôi là chuyện nhà bị... bén lửa. Hãy tưởng tượng một khối tranh tre khô nỏ rộng mấy chục mét vuông sùm sụp như thế, có một tàn lửa từ một đám cháy nào đó được gió thổi đáp xuống mái nhà, và sẽ không khác gì thần hỏa trên trời rơi xuống.

Cầu vồng sau cơn mưa giải nhiệt gió Lào tại Hướng Hóa, Quảng Trị - Ảnh: HOÀNG TÁO

Cầu vồng sau cơn mưa giải nhiệt gió Lào tại Hướng Hóa, Quảng Trị - Ảnh: HOÀNG TÁO

Bình cứu hỏa mang tên... chum

Những năm tháng đó có những mùa hạn nước giếng cạn khô, nước sông cũng trơ đáy, nhưng trong nhà ai trong xóm cũng luôn có một cái chum nước không được đụng vào, nó đóng vai trò như là cái bình cứu hỏa của thời này.

Chum nước đó được đậy đằn cẩn thận ngay góc vườn. Ngày ấy, mẹ tôi giao cho một nhiệm vụ là nếu trong khi bà đi làm đồng, trong xóm xảy ra hỏa hoạn thì cho nước vào xô xách chạy đi cứu hỏa. Nếu cháy ở khu vực quanh nhà thì nhúng cái chăn ở nhà vào chum nước và bắc thang trèo lên nóc nhà với cái chăn ướt nhẹp trong tay, nếu tàn lửa bay sang đáp xuống chỗ nào thì dùng tấm chăn ướt ụp lên, dập tắt ngay chỗ đó.

Gần nửa thế kỷ trôi qua, không hiểu sao cảm giác của một đứa bé tuổi thiếu niên ôm tấm chăn ướt đứng trên nóc nhà vẫn là một cảm giác rất kiêu hãnh ở trong tôi. Có lần bờ tre ngăn cách giữa nhà tôi và hàng xóm bị bắt lửa, lá tre khô cháy bay ràn rạt, tôi lại thoăn thoắt nhúng vội tấm chăn ướt và chực hờ tàn lửa đáp xuống mái tranh. 

May sao những tàn lửa vừa đáp xuống đã bị dập nhanh, phía bên kia, bà con trong xóm cùng đem nước dập tắt đám cháy của cả cái bờ tre dọc dài theo mảnh vườn nhà tôi.

Nửa thế kỷ trước, bao quanh làng quê xứ tôi là những trảng cây bụi, những lùm cây với dây leo chằng chịt ấy, dưới đất, các loại bom bi vẫn nằm "nhung nhúc". Bộ đội công binh về giúp dân rà phá vật liệu nổ chỉ dò tìm ở các khu vực vườn tược để làm nhà hay trên vùng ruộng đang canh tác.

Còn trên những trảng cây bụi ấy, chỉ cần một mồi lửa là rừng rực cháy, đe dọa hàng chục mái nhà tranh trong xóm. Mồi lửa ấy có khi do bọn trẻ chăn trâu bò đốt một tổ ong lấy nhộng cháy lan ra, nhưng cũng có những ngày quá nắng, bom đạn tự phát nổ rồi thành ra đám cháy.

Gần như suốt những năm tháng tuổi thơ của người dân quê tôi sau ngày hòa bình không chỉ là chuyện gian nan nghèo khó mà còn là nỗi nơm nớp âu lo cảnh cháy nhà vào mỗi mùa gió Lào quạt lửa như đã nói và nạn đi làm đồng cuốc phải bom bi.

Mưa thức dậy một trời tuổi dại

Mưa trên xứ Quảng Trị giải nhiệt gió Lào, nhưng nhiều khi cũng gây khó khăn cho đời sống như lũ sông Thạch Hãn chia cắt đôi bờ ở Đakrông - Ảnh HOÀNG TÁO

Mưa trên xứ Quảng Trị giải nhiệt gió Lào, nhưng nhiều khi cũng gây khó khăn cho đời sống như lũ sông Thạch Hãn chia cắt đôi bờ ở Đakrông - Ảnh HOÀNG TÁO

Tháng bảy tháng tám âm lịch, mùa mưa bắt đầu đến, những mái tranh dày nặng khô khát bắt đầu ngấm nước mưa ở bên ngoài, những trảng cây bụi cũng không còn dễ dàng cháy, và chúng tôi cũng tạm yên tâm trong gần nửa năm mùa mưa về vụ cháy nhà, đợi đến năm sau gió Lào lại quạt lửa tầm tháng ba cho đến tháng tám.

Cùng với niềm vui bớt nơm nớp với giặc lửa suốt mấy tháng hè, mùa mưa còn mang đến cho người dân quê tôi bao nhiêu thú vui thôn dã khác, mà giờ đây những niềm vui bé mọn đó dường như đã là cổ tích.

"Tháng bảy nước nhảy qua bờ", nước mưa tràn qua ruộng và chảy về chỗ trũng xuống những khe suối. "Trời mưa trời gió, vác đó đi đơm, vô nhà ăn cơm, chạy ra mất đó". Câu đồng dao của mùa mưa gió thức dậy cả một trời ký ức.

Những đàn cá trĩu nặng bụng trứng lặc lè ngược nước lên ruộng để sinh nở. Để bắt được bầy cá ngược nước, những chiếc "đó" (một dụng cụ để đơm cá) phải trổ miệng "đó" về phía dưới, những đàn cá lao ngược dòng nước chui vào đó và không thể thoát ra. Những con cá lúi của mùa tháng bảy tuổi thơ ngày ấy, sau bao năm vẫn còn vẫy vùng tanh tách trong miền ký ức thơ ấu.

Mùa mưa, đó còn là những cánh đồng khoai được thu hoạch từ tháng trước, vẫn còn rất nhiều củ khoai ngon lành bị sót lại dưới vồng ruộng và nằm im ở đó. Mưa xuống, củ khoai bắt đầu ngấm nước, cựa mình và đâm chồi. Cái chồi của củ khoai nhú lên mặt đất ấy là tín hiệu mách cho chúng tôi biết địa chỉ của chúng. Loại khoai ấy quê tôi gọi là "khoai mụt" (mụt là một phương ngữ cổ chỉ sự nhô lên như kiểu mụt/nhọt).

Không gì sung sướng bằng vài hôm sau trận mưa đầu mùa được toòng teng một chiếc bao tải nhỏ với một loại cuốc dành riêng cho việc đi khai thác "khoai mụt" này gọi là "cuốc chét".

Cái cảm giác đi tìm những chồi khoai chỉ vừa khe khẽ nhú lên, váng đất lấp phía trên bị chồi khoai làm nứt ra, và nhanh mắt phát hiện nó, bập chiếc cuốc xuống móc lên được củ khoai to nần nẫn là một khoái cảm tuổi thơ vừa rèn luyện về sự tinh nhạy, cũng như là một cuộc chơi đua tài quan sát của đám trẻ con chúng tôi.

Giờ đây, quê tôi không còn căn nhà lá nào, trong xóm hầu hết đã là nhà hai tầng, có người xây được cả biệt thự. Mùa mưa đến đám trẻ cũng không biết đi "đào khoai mụt" là gì. Cái "đó", dụng cụ để dùng đơm cá nay được vài quán cà phê treo như một kiểu trang trí đượm màu "thương nhớ đồng quê".

Những cơn mưa được mong chờ không phải để xua đi nỗi nơm nớp lo nhà cháy. Nhưng lạ kỳ thay, những cơn mưa đầu mùa ấy lại thức dậy trong nhiều người một trời ký ức, và ký ức tuổi thơ dù gian khó hay nhọc nhằn thì ở một tuổi nào đó con người ta ai cũng thấy vô cùng lộng lẫy...

Chuyện nhà cháy những năm tháng đó ở làng tôi gần như cơm bữa. Một ông chú tôi làm được ngôi nhà gỗ mít gần như khang trang nhất làng, chỉ vì lợp bằng mái tranh mà bất ngờ bị hỏa hoạn vài ngày sau khi tân gia.

Một anh con bà cô của tôi còn thương xót hơn khi ngôi nhà làm xong chưa kịp cúng mừng cũng bị cháy. Nên mùa mưa là mùa đợi chờ, ngóng trông ở quê tôi.

----------------

"Tháng sáu trời mưa, trời mưa không ngớt" là lời bài thơ "Tháng sáu trời mưa" của nhà thơ Nguyên Sa, đã được các nhạc sĩ phổ nhạc mấy lần. Bài thơ sáng tác vào năm 1959, sau ba năm ông và vợ từ Pháp về ở Sài Gòn.

Kỳ tới: Mưa Sài Gòn bao mùa thương nhớ

Những mùa mưa đợi chờ - Kỳ 2: Cơn mưa sinh sôi Tây Nguyên bao laNhững mùa mưa đợi chờ - Kỳ 2: Cơn mưa sinh sôi Tây Nguyên bao la

Tây Nguyên bắt đầu vào mùa mưa. Lần đầu tiên tôi đến Tây Nguyên cũng vào đầu mùa mưa 35 năm trước.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên