Xuyệt điện cá mọi nơi ở miền Tây bây giờ - Ảnh: QUỐC VIỆT
Lấy đâu ra cá lóc đồng tự nhiên để mà làm khô.
Bà ĐỖ THỊ PHỤNG
Tại đoạn sông Tiền chia đôi hai tỉnh Đồng Tháp, An Giang, tôi đã gặp anh thợ câu Nguyễn Văn Tân tại Tân Châu. Nơi đây từng là "khúc sông vàng" của các ngư dân một thời.
Ngày câu buồn
12h trưa đã thấy Năm Tân mải mê thả câu từ lúc nào. Anh câu rất chuyên nghiệp, không cần câu, mà chỉ dùng hai cuộn dây cước dài để quăng mồi ra xa bờ. Đây là đoạn sông nhiều vụng xoáy hay có cá lớn quần tụ.
Năm Tân không có cần câu máy, nhưng anh đã từng kéo được rất nhiều con cá nặng ký... 1 giờ, 2 giờ rồi 3 giờ trôi qua... Chẳng có cú giật nào hồi hộp, bất ngờ. Hai sợi dây câu vẫn không được giật.
Mãi đến cuối giờ chiều, khi bóng tối chập choạng dần lan trên mặt sông, Năm Tân mới có cú giật duy nhất là một chú cá lăng non vài ngón tay. Vậy mà gương mặt đen sạm của người ngư dân này không biểu lộ chút cảm xúc nào với kết quả này.
"Thiệt bụng với anh, ngày nào tui cũng câu, câu miết từ nhỏ tới lớn. Bận 20-30 năm trước, tui giật cá bán không hết. Chỉ con nào lớn từ cùm tay trở lên mới có người chịu mua. Còn giờ nhiều ngày ngồi còng lưng từ trưa đến tối cũng không đủ cá nướng cho mèo ăn.
Chán lắm, nhưng giờ bỏ câu thì hổng biết làm gì. Nghề truyền nghề từ đời tía rồi..." - Năm Tân tâm sự.
Đêm nghỉ lại bên bờ sông Tiền, tôi xin theo anh Chín Bìa lang thang gỡ lưới cá trên đồng lũ cuối mùa ở ấp Trà Đư, xã Thường Lạc, huyện Hồng Ngự.
Trong quá khứ, thời điểm này thường nhiều cá nhất vì nước rút, cá sắt lại trên đồng. Nhưng đêm nay, người ngư dân ở tuổi trung niên này không có hi vọng.
Những tay lưới bén và vài trăm mét dớn của anh chỉ gom được mớ cá rô nhỏ lẫn với ít cá linh và vài con cá lóc, cá trê bằng ngón chân cái. Mớ cá chút xíu nằm gọn lỏn dưới đáy thùng.
Chín Bìa thở dài: "Chỉ lựa được ít con lớn để bán 60.000-70.000 đồng/kg thôi. Còn lại mớ nhỏ chỉ có thể bán làm mắm, giá không tới mươi ngàn".
Chợ cá đồng Tuyên Hóa nổi tiếng Long An nay chỉ còn lác đác ít người bán vì nguồn cá đồng suy kiệt - Ảnh: QUỐC VIỆT
Đêm cuối mùa lũ, gió đông về se se lạnh. Tôi ngồi đợi trời sáng để đi xem những điểm thu mua cá đồng. Bởi theo chân các ngư dân có thể chỉ hiểu được từng cảnh đời, cảnh nghề, nhưng nhìn thương lái thu mua sẽ biết rõ được hiện trạng con cá đồng thời nay.
Thực tế đúng như Chín Bìa tâm sự: cá đồng giờ quá ít ỏi. Những con cá lóc, cá trê lớn ú nụ ngày nào giờ cực kỳ khan hiếm. Thương lái hầu như chỉ mua được những loại cá tạp nhỏ. Loại cá lớn không được 1/10-1/5 lượng họ thu vào.
Từ bờ kênh Vĩnh Tế, tôi qua sông Hậu rồi sang sông Tiền, đi dọc biên giới An Giang, Đồng Tháp, Long An... Hồi xưa thời điểm này ghe lái cá tấp nập thu gom cá đồng cuối lũ nhưng giờ vắng vẻ hẳn.
Bà Đỗ Thị Phụng ở ấp Trung 2, xã Thường Thới Tiền, Hồng Ngự chỉ cho tôi xem những hộ dân đang sơ chế khô cá lóc.
Điều oái oăm là ngay bên bờ sông Tiền mênh mông, những người đang ở trên các nhà sàn cao cẳng vượt lũ lại đang làm khô bằng... cá lóc nuôi. Những con cá lóc nuôi bè lớn đều nhau hơn nửa cổ tay.
"Cá đồng tự nhiên mà lớn cỡ này để ăn tươi còn hiếm hoi, mắc mỏ, lấy đâu ra làm khô" - bà Phụng nói.
Về đến chợ cá Tuyên Hóa, huyện Thạnh Hóa, Long An, tôi lại được những người chạy xe ôm thiệt thà dặn dò mua cá đồng phải biết lựa cẩn thận. Có người độn cá nuôi với cá tự nhiên để bán, cho nên cứ nhè cá nhỏ, cá ốm mà chọn vì đó mới là cá đồng thật.
Thời lạm sát
Bức xúc vì sao đồng hết cá, những người nông dân chân chất có nhiều chuyện để kể. Họ nói rằng con người gần đây đang bày ra đủ thứ cách để lạm sát cá.
Trước tiên đó là các loại lưới mắt nhỏ đang cào, đang giăng "thiên la địa võng" trên khắp đồng ruộng, sông rạch. Nạn dùng lưới cá mắt nhỏ đã lạm sát cá, tình trạng quây lưới bít chặn đường cá di cư sinh sản lại càng kinh khủng hơn.
Ở các cánh đồng lũ miệt đầu nguồn, người ta giăng lưới ngay các miệng cống cho nước vào đồng.
Vài mươi năm trước khi đê bao chưa có, mùa lũ nước dâng tràn đồng từ khắp hướng, nên thi thoảng có người đem lưới ra giăng ngang dòng chảy cũng không sao. Nhưng thời đê bao khép kín này, đồng ruộng chỉ có một vài họng cống cho nước ra vào, giăng lưới bít ngay chỗ đó tức là tuyệt đường cá di cư và sinh sản...
Ngoài lạm dụng lưới, tình trạng sử dụng tràn lan phương tiện kích điện để đánh bắt cá cũng là một nguyên nhân rất lớn làm cho cá tôm tự nhiên ngày càng tuyệt đường sống. Một ngày dừng chân ở thị trấn Sa Rài, huyện Tân Hồng, Đồng Tháp, tôi đã thấy đầy những người dùng điện bắt cá.
Người thì đeo bình điện trên vai, cầm cần kích điện mà dân trong nghề quen gọi là "xuyệt nóng". Người thì đặt bình điện trên xuồng rồi thả dây kích điện hai bên mạn. Cách "xuyệt lạnh" này nhìn từ xa rất khó phát hiện.
Ngồi trên xuồng xuyệt điện cá ở Tân Hồng, Đồng Tháp - Ảnh: QUỐC VIỆT
Ngày trước, người ta kể chỉ có dân miền núi mới thạo cách sử dụng điện để bắt cá trong hang suối ít cá. Còn miệt châu thổ đầy cá, bắt kiểu này làm chi cho mang nghiệp sát sinh.
Nhưng giờ đây, tại các vùng lũ , ở đâu cũng có thể bắt gặp ngư dân với những bộ kích điện lang thang trên sông rạch, đồng ruộng. Thậm chí, họ thản nhiên đến mức chẳng thèm né ống kính máy ảnh...
Tuy nhiên, trong số dân chuyên bắt cá bằng điện, những người này vẫn là hạng tép. Có tận mắt chứng kiến từng bầy ghe cào điện, ghe ủi điện ào ào tung hoành trên sông rạch, đồng ruộng mới thật sự xót xa. Chẳng con cá lớn, cá nhỏ nào có thể sống được khi lưới điện của họ quét qua.
Tôi đã từng ngỡ ngàng, khó tin nhưng rồi nhìn thấy tận mắt những con cá dị dạng có xương sống bị gập ngang. Hậu quả của luồng điện mạnh phóng qua nó.
Người nay ác với cá, rồi ác với chính con cháu mình! Bởi đời chúng còn cá đâu nữa mà ăn...
"12 cửa địa ngục"
Cái tên "12 cửa địa ngục" được dùng để chỉ các loại dớn, đăng của người làm cá thời nay ở đồng bằng sông Cửu Long. Họ đã cắm chúng xuống nước rồi thì cá lớn cá bé chỉ còn nước... chui vào ngục vì không có cửa nào thoát.
Thậm chí, có người đặt lưới dớn trên đồng dài cả cây số, mắt lưới nhỏ đến mức cá con bằng đầu đũa chui cũng không lọt. Với các dớn, đăng này, người ta bắt cùng bắt tận, không tha một con cá nào...
Kỳ tới: Làm gì để bảo tồn nguồn cá đồng?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận