04/11/2018 14:08 GMT+7

Những mùa cá đồng miền lũ - kỳ 2: Thời 'vàng son' của cá đồng

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TTO - "Cá hồi đó ở đâu mà nhiều quá xá. Khi lũ về, chúng bơi cả vào nhà, quẫy đùng đùng dưới gầm giường" - thầy giáo Nguyễn Xuân Thiệu, Trường THCS Bình Hòa Bắc, huyện Đức Huệ, Long An, vẫn nhớ mãi mùa lũ lớn năm 1978.

Những mùa cá đồng miền lũ - kỳ 2: Thời vàng son của cá đồng - Ảnh 1.

Cả buổi đánh bắt trên đồng lũ của người nông dân này chỉ được mớ cá nhỏ - Ảnh: Q.V.

Giờ kể lại, sắp nhỏ nói tía xạo cho vui. Chớ thật sự hồi đầu những năm 1980, tui bắt cá cạn mùa cuối năm nhiều đến mức không biết làm gì cho hết

Ông NĂM TRỨ

Nhìn đâu cũng thấy cá

Là dân Sài Gòn đi kinh tế mới từ năm 1977, thầy giáo Thiệu hồi ấy là cậu bé lớp 5 lần đầu đời ngỡ ngàng sống chung với lũ . 

Trong ký ức, ông nhớ mãi cảm giác "ngộp" với cá. Nó nhiều đến mức bơi chạm cả vào chân suốt ngày. Những cậu bé có thể kiếm cá ăn cho gia đình bằng cách rất đơn giản: ngồi trên giường... câu cá trong nhà.

Năm tháng xa xưa đó, dân miệt hạ nguồn còn kiếm cá rất lành, hoàn toàn chưa có những kiểu tận diệt cá như giờ. Bưng biền Đức Huệ hầu như chỉ có hai cách bắt cá hoặc là cắm câu hoặc soi chĩa. Còn cầm một cần câu đi lang thang chủ yếu là đám con nít hoặc ông già khoái rê cá lóc.

Thường đến độ cuối hè, cánh trai tráng vùng bưng này lại lụi hụi đi chặt tre vót cần câu cắm. Nhà neo người, làm tàng tàng thì 50-100 cần. Nhưng cũng có người làm đến 200-300 cần. Cả xóm vui như hội khi cùng hè nhau làm một việc. 

Sắp con nít, phụ nữ cũng vui lây. Việc khó nhất là cột lưỡi vào dây cước dành riêng cho người thạo câu, bởi không biết cột thắt đúng kiểu thì lưỡi câu rất dễ tuột.

Khoảng cuối tháng 9, lũ bắt đầu tràn đồng bưng miệt hạ nguồn Long An. Đó cũng là lúc dân cắm câu bắt đầu rải cần trên đồng. Mỗi cần được cắm cách nhau 5-10m, những luồng câu dài hay ngắn tùy thuộc vào số cần.

Công việc thường bắt đầu vào chiều chập choạng và kết thúc vào bình minh hôm sau. Tùy mưa gió và mần siêng hay không, mỗi đêm họ đi thăm câu để gỡ cá, mắc mồi lại 2-3 lần...

Cả đồng bưng bàng bạc cảnh nghèo mà bình an. Mùa mưa lũ, ngoài cần câu, cây chĩa sắt, dân hạ nguồn Long An hầu như chẳng có cách gì khác để bắt cá. Mặc dù thời ấy đã có bình ăcquy, nhưng dân quê chưa dùng chúng để "xuyệt điện" cá như sau này. 

Những cái bình điện đó chỉ để thắp sáng, nghe radio, còn nếu dùng vào nghề cá thì chỉ để gỡ câu, soi chĩa cá đêm.

Lợi dụng đầu mùa mưa lũ, cá lên đồng, họ xẻ bờ ruộng, rồi dùng vải mùng hay lưới chặn bắt cá dưới sông rạch ngoi theo luồng nước chảy. Kiểu này cũng bắt cả cá lớn lẫn cá nhỏ, nhiều khi có thể gom đến hàng thúng cá chỉ trong một chốc. Thậm chí quá nhiều cá nhỏ, họ còn đổ trở lại xuống đồng.

Rồi mùa mưa qua dần, thời tiết đồng bưng hạ nguồn chuyển lạnh se se cuối năm. Nước lũ rút dần. Sau mấy tháng giăng lưới, cắm câu, nông dân lại chuyển sang mùa bắt cá cạn.

Những đứa trẻ nay hiếm thấy cảnh này, nhưng mới trước năm 1990 còn là những ngày vui như hội. Những cánh đồng cạn dần nhưng còn nhiều cá kẹt lại, không xuống được sông rạch. Thế là nông dân, mà đông nhất là đám nhỏ, chỉ việc ôm thùng ra bắt cá mắc cạn.

"Giờ kể lại, sắp nhỏ nói tía xạo cho vui. Chớ thật sự hồi đầu những năm 1980, tui bắt cá cạn mùa cuối năm nhiều đến mức không biết làm gì cho hết. Có buổi chỉ loay hoay dưới rãnh ruộng một lát mà khệ nệ khiêng về cả chục thùng cá, loại thùng sắt lớn để đong 20 lít lúa.

Mình không bắt, chúng cũng chết khô trên ruộng. Cá đem về đầy nhà, bán không ai mua, phơi khô, làm mắm không kịp" - ông Năm Trứ, nông dân nhiều đời ở xã An Phong, huyện Thanh Bình, Đồng Tháp, nhớ lại.

Những mùa cá đồng miền lũ - kỳ 2: Thời vàng son của cá đồng - Ảnh 3.

Giăng lưới mùa lũ - Ảnh: Q.V.

Sự đổi thay bắt đầu

Khoảng đầu những năm 1990, dân số miền Tây đông dần cùng với nhiều con kênh được đào, các bờ bao cũng được khởi đắp chống lũ. Luồng lạch sông nước, đồng lũ dần đổi thay, thu hẹp. Con cá con tôm miệt sông nước châu thổ Mekong suy giảm, không còn lền đồng, lền sông như trước nữa.

Để duy trì nghề kiếm sống, người dân buộc mở rộng thêm nhiều phương tiện đánh bắt mới. Những xóm làm cần câu cắm, câu giăng mộc mạc ngày nào co cụm nhỏ dần, thay vào đó là các loại đăng, dớn, lưới cào, lưới bén... có mắt khít để bắt được nhiều cá hơn.

Những người làm cá từ tuổi trung niên, khoảng 50 trở lên, có đủ trải nghiệm quá trình này. Cách đây mới khoảng 30 năm, họ còn chẳng cần nghĩ làm cái gì khác ngoài ít cần câu cắm, câu giăng. Nhưng rồi họ cũng phải tự đổi thay để nuôi sống được vợ con mình.

Ông Võ Ngọc Na ở ấp 5, xã Vĩnh Châu B, huyện Tân Hưng, Long An kể: "Tụi tui chính là chứng nhân. Khi cái lưỡi câu không đủ cá nữa, mọi người phải giăng cái lưới bén. Rồi cái lưới bén cũng không đảm bảo được nguồn cá nuôi sống nông dân thì tiếp tới cắm lưới dớn. 

Từ vài chục mét lên đến vài trăm mét và dần quây dài cả cây số. Bắt được càng nhiều càng tốt. Cá lớn cá nhỏ đều gom hết".

Ông Na cho biết từ những năm 1990, dân miền Tây hiếm dần cảnh cắm câu như lứa cha ông. Vì sau mỗi mùa lũ, người ta lại thấy lượng cá về đồng giảm rõ rệt. Nhưng những người mưu sinh bằng nghề cá thì đâu dễ chuyển nghề. 

Họ chỉ có cách duy nhất là buộc phải làm việc nhiều hơn và sử dụng nhiều cách đánh bắt cá hơn, nếu không thì khó sống...

Trước đây, các ngư dân lớn tuổi không bao giờ muốn làm ghe cào, ghe ủi, đóng đăng, cắm dớn... vì quơ quào nhiều cá, ảnh hưởng đến cả nồi cơm của người khác và nguồn cá tự nhiên trời cho. 

Nhưng từ đầu thập niên 1990, họ phải dần tập làm quen. Bởi họ không làm thì người khác cũng làm, mà cá đồng đâu còn nhiều nữa...

Nghề thả chà

Đặc biệt, trong cái thời vàng son của cá mú, những ngư dân miệt thượng nguồn sông Tiền, sông Hậu còn bắt cá bằng cách thả chà.

Những người đàn ông thạo luồng lạch sông rạch đi khảo sát các đoạn có thể nhiều cá gần bờ. Chọn vị trí xong, họ đi chặt cành me nước hay cành tre.

"Giờ đây, mấy ai tin nổi hồi trước cha con tụi tui chỉ dỡ đám chà cỡ một trăm mét vuông mà thu được 1-2 tấn, thậm chí 3-4 tấn cá. Con nào cũng bự chà bá, mập mạp múp ruộm" - anh Lê Văn Dũng, tức Sáu Dũng, ở xã Bình Phú, huyện đầu nguồn Tân Hồng, say sưa nhớ lại.

Những mùa cá đồng miền lũ - Kỳ 1:  Hiện tại và ký ức

TTO - Chuyện con cá đồng nhiều ăn không hết đã lùi vào ký ức. Có cách nào để bảo tồn mỏ cá đồng châu thổ miền Tây?

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên