Những món ăn này mang ý nghĩa thương tiếc và tưởng nhớ đến người đã khuất.
Thông thường, người ta sẽ nghĩ đến chuyện ăn uống và thưởng thức ẩm thực trong những sự kiện vui vẻ, ít ai có tâm trạng ăn tại đám tang, nơi không khí buồn bã bao trùm. Thế nhưng, thực tế tại nhiều nền văn hóa, khi cái chết được coi như một dấu mốc để bước sang thế giới khác, người ta lại muốn nấu cho nhau và thưởng thức một bữa ăn ngon, thịnh soạn với bạn bè và gia đình của họ, như một cách để tưởng nhớ những người đã khuất.
Jamaica: Cà ri dê
Cà ri dê là món ăn truyền thống tại Jamaica. Người dân ở đây nấu món này trong hầu hết mọi sự kiện cộng đồng, từ ma chay, cưới xin, sinh nhật, tiệc mừng.
Món ăn với thành phần chính là thịt dê được ăn cùng cơm, đậu Hà Lan và kết hợp thêm nhiều gia vị. Nó không chỉ là món ăn bổ dưỡng cho sức khỏe, mà đối với người dân địa phương còn thể hiện cho tình thân gia đình, sự sum họp đầy đủ.
Ireland: Bánh “thức tỉnh”
Giống như hầu hết các nền văn hóa, cái chết trong văn hóa Ireland là điều đau buồn, nhưng họ không tổ chức tang lễ theo cách khóc lóc tang thương đến tột cùng, mà có một nghi thức truyền thống có thể khiến nhiều người ngạc nhiên.
Theo truyền thống của Ireland, ngày ai đó qua đời là “sinh nhật lần thứ ba” của họ. Sinh nhật đầu tiên là ngày sinh thực sự của họ, sinh nhật thứ hai là lễ rửa tội của họ, và sinh nhật thứ ba là khi họ đến Thiên đàng.
Nghi thức được gọi là “Thức tỉnh” giống như một bữa tiệc cuối cùng của người thân bên cạnh người đã khuất, bao gồm việc mở quan tài, nghi lễ, lời cầu nguyện, âm nhạc, thơ ca, đồ ăn và thức uống kéo dài trong nhiều ngày. Trong đó, món ăn không thể thiếu là Bánh Wake.
Ấn Độ: món Samosa rau củ
Trong nhiều nhánh của Ấn Độ giáo, những người để tang không được phép ăn thịt trong một thời gian nhất định, sau khi người thân qua đời. Điều này có nghĩa là gia đình tang quyến thường được tặng những giỏ trái cây, món chay và rau xanh như một món quà thể hiện sự cảm thông.
Samosa truyền thống của Ấn Độ là một loại bánh ngọt hình tam giác với nhân mặn như khoai tây, đậu Hà Lan, hành tây và gia vị. Samosa được chiên giòn và thường được ăn với tương ớt.
Hy Lạp: món Koliva
Koliva là một món ăn hỗn hợp các loại ngũ cốc và hạt, được nấu với vị ngọt của mật ong hoặc đường. Đây là món ăn mang tính biểu tượng trong các nghi lễ quan trọng của người theo Cơ đốc giáo Chính thống, trên khắp nước Nga, Đông Âu và Hy Lạp.
Koliva thường được tạo thành hình dạng hình bầu dục hoặc tròn và được trang trí bằng hạt, trái cây khô hoặc kẹo. Điều ấn tượng là hoa văn trang trí bánh có thể khá phức tạp, thường có hình dạng của các cây thánh giá và các hình ảnh biểu tượng trong Cơ đốc giáo.
Nhật Bản: rất nhiều món
Người Nhật Bản có một lễ hội đặc biệt giống như ngày lễ Vu Lan ở Việt Nam, đó là lễ hội Obon, được tổ chức bởi các Phật tử Nhật Bản, với mục đích tưởng nhớ cha mẹ và tổ tiên đã khuất.
Trong dịp lễ kéo dài ba ngày này, linh hồn của những người thân yêu được cho là từ thế giới bên kia sẽ trở về thăm con cháu. Bởi thế, các gia đình thường làm thức ăn để chào đón những người đã khuất. Rất nhiều món được làm để dâng cúng trong 3 ngày lễ này như: bánh bạch tuộc, mỳ Yaki Soba, bánh gạo xiên Mitarashi Dango…
Hàn Quốc: món hầm cay Yukgaejang
Tang lễ ở Hàn Quốc diễn ra trong khoảng 3-5 ngày, và những người tham dự sẽ cố gắng tỉnh táo trong suốt thời gian đó như một sự tôn trọng người đã khuất.
Thực phẩm là một phần quan trọng trong đám tang của người Hàn Quốc. Trong nghi lễ, người chết được dâng một bát cơm và đặt vào miệng họ ba thìa.
Riêng đối với những người đến viếng và con cháu trong nhà, sẽ được phục vụ các món ăn truyền thống của Hàn Quốc, đặc biệt không thể thiếu Yukgaejang. Đó là một món súp bò cay có hành lá, giá đỗ, tỏi, khoai lang và ớt. Thường món này sẽ được ăn kèm với một bát cơm và kim chi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận