Đoàn thương thuyền của Pierre Poivre gặp đại diện của chúa Nguyễn bên bờ vịnh Đà Nẵng năm 1749 - Tranh: Charles Fouqueray |
Trong đó, có lẽ ghi chép trong cuốn Xứ Đàng Trong năm 1621 của giáo sĩ Dòng Tên người Ý Cristophoro Borri là sinh động hơn cả.
Trầm hương, kỳ nam và vàng bạc
“Tôi xin thêm ít điều về một loại gỗ vốn là món hàng quý giá nhất có thể xuất từ Đàng Trong ra các nước ngoài. Đó là thứ gỗ nổi tiếng nhất có gọi là Aquila và Calamba, cùng loại gỗ nhưng khác về tác dụng và sự quý chuộng người ta dành cho chúng.
Loại cây này có rất nhiều, nhiều nhất là trên núi Kẻ Mọi (núi rừng miền Trung - PV), cây rất to và rất cao.
Nếu gỗ cắt ở cây non thì tạo ra trầm hương, có rất nhiều và ai muốn lấy bao nhiêu tùy thích. Nhưng khi lấy ở gốc già thì đó là kỳ nam rất khó kiếm, vì hình như thiên nhiên cho những cây đó mọc trên những ngọn núi cao nhất và hiểm trở nhất để được thảnh thơi già cỗi đi, không ai làm hại được mình.
Thỉnh thoảng có ít cành gãy và rời khỏi thân rơi xuống, hoặc vì khô quá hay già cỗi quá và khi người ta nhặt được thì đã mục nát và mốc thếch. Nhưng đó lại là thứ có giá nhất và lừng danh nhất gọi là kỳ nam, vượt hẳn trầm hương thông thường rất nhiều về tác dụng và hương thơm.
Trầm hương thì ai cũng có thể bán tùy thích, nhưng chúa giữ độc quyền buôn bán kỳ nam vì hương thơm và tác dụng đặc biệt của nó.
Thật ra ở chính nơi nhặt được nó rất thơm, rất dịu, tôi đã muốn thử mấy miếng người ta cho và đem chôn dưới đất sâu chừng hơn năm chân (cách đo thời xưa, khoảng 0,34m), thế mà vẫn thơm. Kỳ nam nhặt tại chỗ thì giá 5 đồng duca (đồng tiền vàng của Ý) 1 líu (1 livre, khoảng nửa cân), nhưng ở hải cảng xứ Đàng Trong, nơi buôn bán thì đắt hơn, nghĩa là 200 duca/líu.
Nếu tìm được một tấm lớn có thể làm gối đầu hay gối dài thì người Nhật mua tới 300 hay 400 duca/líu”.
Không chỉ khảo tả đặc tính trầm hương và kỳ nam ở rừng, giáo sĩ Borri còn tinh tế phát hiện cả lợi nhuận của thương nhân nước ngoài khi tìm mua mặt hàng quý hiếm này ở Đàng Trong: “Nhưng chỉ một tàu chở đầy trầm hương cũng đủ cho thương gia trở nên giàu có và sung túc suốt đời. Thế nên phần thưởng lớn nhất của chúa cho thuyền trưởng Malacca là cho phép ông buôn trầm hương... Ấn Độ có tục hỏa thiêu xác người chết bằng gỗ rất thơm nên họ cần ngay một số lượng lớn”.
Với những gì đã tận mắt nhìn thấy và tận tai nghe, Borri còn hào hứng kể: “Sau cùng, xứ Đàng Trong còn có rất nhiều kim khí quý và nhất là vàng. Để hiểu biết thêm bằng vài lời những gì đáng được kể dài dòng hơn nữa về sự giàu có của xứ này thì tôi kết thúc chương này bằng lời của các thương gia châu Âu đã có dịp tới đây. Họ quyết rằng xứ Đàng Trong có nhiều của cải hơn Trung Quốc mà chúng tôi biết là rất dồi dào về mọi thứ”.
Thực tế vùng đất này có nhiều mỏ vàng cũng được chính chúa Nguyễn thừa nhận. Trăng trối với người con thứ sáu, tức chúa Nguyễn Phúc Nguyên, chúa Nguyễn Hoàng đã dặn dò: “Núi sẵn có vàng sắt, biển có cá muối, thật là đất dụng võ của người anh hùng. Nếu biết dạy dân luyện binh thì đủ để xây cơ nghiệp muôn đời”.
Hiện nay mỏ vàng Bồng Miêu ở Quảng Nam vẫn được khai thác, nhưng từ năm 1749 thương nhân Pháp Piere Poivre đã nhìn thấy tài nguyên quý giá này của nước Việt: “Con sông này xuôi dòng tới những mỏ vàng đáng giá hơn toàn bộ của Đàng Trong. Đây là những cái mỏ làm ít mà hưởng nhiều... vàng pha trộn với thứ đất đo đỏ và lắm khi tìm được những hòn vàng nặng tới hai ba lạng”.
“Giao Chỉ quốc mậu dịch độ hải đồ” là bức họa của thương gia Chaya Shinroku miêu tả chuyến hải trình vượt biển của một thương thuyền Nhật Bản đi từ Nagasaki cập bến Hội An vào thế kỷ 17 |
Những chuyến tàu đầy hàng
Ngoài những sản vật quý hiếm như trầm hương, kỳ nam, vàng bạc, tổ yến, sừng tê giác, ngà voi mà Borri và nhiều người nước ngoài khác đã mô tả, các nhà buôn người Hoa, Nhật Bản và phương Tây đến nước Việt còn mua được nhiều thứ khác để chất lên thương thuyền của mình.
Đó là các loại gỗ quý dùng cho ngành đóng tàu, đồ gốm sứ, tơ lụa, đường mía, trầu cau, mật ong, quế chi và nhiều loại gia vị khác...
Nếu như thương nhân Trung Quốc và Nhật Bản bị cuốn hút bởi các sản vật quý hiếm trầm hương, kỳ nam, ngà voi, sừng tê giác, da trâu, sữa ong chúa vốn rất được đề cao ở nước họ thì thương thuyền phương Tây hay tìm mua hàng phổ thông hơn như tơ lụa, khoáng sản, mía đường, gia vị và đồ gốm sứ...
Tài liệu lưu giữ của Công ty Đông Ấn Hà Lan kể rằng suốt một thời gian dài của thế kỷ 17, đồ gốm sứ Đàng Ngoài đã trở thành loại hàng rất hấp dẫn các nhà buôn nước họ bên cạnh các mặt hàng khác như tơ lụa và gia vị...
Chỉ trong năm 1669, thương điếm Hà Lan ở Đàng Ngoài đã gom mua 381.200 chén gốm cho thương nhân của mình đến chở đi bán ở thị trường phương Tây và các nước trong khu vực. Và ngay trong tháng 1 cùng năm, thương thuyền Overveen, Hà Lan đã mua lại hết toàn bộ số lượng đồ gốm khổng lồ đó.
Một năm sau, thương thuyền Pitoor của họ lại chở đi 177.240 chén gốm của Đàng Ngoài. Rồi sang năm 1670 cũng con tàu này đã quay lại sông Hồng và tiếp tục chở đi 214.160 món đồ gốm Đàng Ngoài...
Nguồn thư tịch cổ ghi của các nhà buôn phương Tây và cả Trung Quốc cũng cho rằng có nhiều nguyên nhân đồ gốm sứ nước Việt đã trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực.
Ngoài lý do bế quan tỏa cảng, chiến sự triền miên ở Trung Quốc cũng như thời kỳ tỏa quốc ở Nhật Bản ngoài chuyện đã làm các lò gốm của họ bị bế tắc đầu ra còn có nguyên nhân hàng nước Việt ngày càng chất lượng hơn.
Các bức thư thương điếm Hà Lan ở Batavia (Jakarta) kể ban đầu việc mua hàng gốm sứ từ Đàng Ngoài để làm đồ đằm tàu cho chuyến trở về (sau khi đã bán hàng), nhưng sau đó đã thu được lợi nhuận tốt nhờ chất lượng ngày càng được cải thiện.
Chính thương khách Trung Quốc dù ở quốc gia rất mạnh về sản xuất gốm sứ nhưng vẫn tìm đến mua hàng của nước Việt ở Đàng Ngoài. Chỉ ba tháng sau khi chiếc tàu Oveeveen Hà Lan chở đầy đồ gốm Đàng Ngoài đi bán, một thương thuyền của Trung Quốc cũng cặp cảng Phố Hiến tìm mua 70.000 cái chén.
Có những thời điểm thương thuyền nước ngoài hút hàng người Việt đến mức họ không thể tìm mua đủ hàng cho chuyến quay về. Đó chính là lý do để phải chịu thêm phí tổn cho việc mở thương điếm mà Hà Lan, Anh, Pháp đã thực hiện, hay dựng cả các phố buôn chuyên biệt của mình như người Trung Quốc, Nhật Bản làm ở Phố Hiến và Hội An.
Nhân viên những nơi này không chỉ có nhiệm vụ bán hàng hay mua trữ hàng sẵn, mà còn tham gia sản xuất để chủ động được nguồn hàng khi cần nhanh. Cách đơn giản nhất là họ ứng tiền trước cho các nhà sản xuất người Việt vốn phổ biến ở quy mô nhỏ lẻ, không dám sản xuất nhiều để dự trữ hàng hóa của mình...
__________
Kỳ tới: “Luật chơi” cho thương khách
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận