25/03/2015 11:30 GMT+7

Những manh mối đầu tiên về chuyến bay tử thần 9525

D. KIM THOA
D. KIM THOA

TTO - Có thể sẽ phải vài tháng hoặc lâu hơn nữa để tìm ra chính xác nguyên nhân vụ việc, nhưng dưới đây là một số manh mối quan trọng ban đầu về vụ tai nạn máy bay 4U9525 của Germanwings.

Một trực thăng cứu hộ của Pháp đang tham gia lực lượng cứu hộ - Ảnh: Reuters

Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve cho biết một trong hai hộp đen của máy bay số hiệu 4U9525 đã được tìm thấy. Những dữ liệu ghi lại hành trình máy bay sẽ rất quan trọng trong việc xác định nguyên nhân. Cơ quan điều tra tai nạn hàng không của Pháp sẽ ngay lập tức xem xét hộp đen này.

Tốc độ và quá trình lao xuống của máy bay

Các dữ liệu giám sát theo thời gian thực của chuyến bay cho thấy một phần quan trọng trong diễn tiến vụ tai nạn. Theo đó, máy bay của hãng Germanwings sau khi khởi hành khoảng 30 phút và ở độ cao 38.000 feet (11.382 m) thì bắt đầu lao xuống.

6 phút sau đó, chiếc máy bay ở độ cao 24.000 feet (7.315 m), tức là lao xuống 14.000 feet (4.067 m) chỉ trong 6 phút.

Máy bay còn tiếp tục lao xuống sau đó và cao độ cuối cùng được ghi nhận là 11.400 feet (3.474 m).

Tốc độ lao xuống như vậy, theo chuyên gia hàng không Mary Schiavo của CNN, cho thấy phi công vẫn đang kiểm soát máy bay ở một chừng mực nào đó. Theo bà Schiavo, nếu các động cơ máy bay đã ngừng hoạt động thì nó sẽ rơi trong thời gian nhanh hơn thế.

Các dữ liệu ban đầu về tình trạng lao xuống của máy bay cho thấy rất có thể viên phi công đã cố gắng hạ cánh khẩn cấp, hoặc giả chiếc máy bay đang lượn theo nỗ lực điều khiển của phi công. Trong khi đó, địa hình nơi chiếc máy bay đang đi qua là vùng đồi núi nên rất khó tìm được bãi đất trống để hạ cánh.

Một chuyên gia hàng không khác là David Soucie cũng đồng tình với nhận định của bà Schiavo khi cho rằng, đúng là việc máy bay lao xuống quá nhanh là dấu hiệu bất ổn, nhưng không có nghĩa máy bay đang rơi tự do.

Một chi tiết nữa theo ông David Soucie rất đáng chú ý là chiếc máy bay vẫn duy trì tốc độ khi nó lao xuống. Điều đó cho thấy, có thể phi công đã nhận ra sự cố và cố gắng kiểm soát tốc độ trong khi máy bay lao xuống. Ông nói: “Đó là sự lao xuống có kiểm soát, có gì đó trục trặc mà phi công không thể kiểm soát hoặc đã cố kiểm soát”.

Thời điểm xảy ra tai nạn

Các mảnh vỡ chiếc máy bay A320 tại hiện trường vụ tai nạn - Ảnh: Reuters
Hiện trường tai nạn rơi máy bay làm 150 người chết.
Các mảnh vỡ máy bay rơi - Ảnh: Reuters

Các dữ liệu thống kê về tai nạn hàng không cho thấy rất rõ: Phần lớn các vụ tai nạn đều xảy ra trong thời điểm cất cánh hoặc hạ cánh.

Theo Cục hàng không liên bang Mỹ, mặc dù 83% thời gian hành trình của một chuyến bay dành cho việc nâng dần độ cao, duy trì cao độ trong hành trình và hạ cánh nhưng chỉ gần 16% các vụ tai nạn máy bay xảy ra trong khoảng thời gian này.

Do đó theo chuyên gia Soucie, thời điểm xảy ra tai nạn với máy bay 4U9525 của Germanwings khi đang giữa hành trình bay là điều rất hiếm xảy ra.

Không phát tín hiệu cấp cứu?

Trái ngược với một số thông tin ban đầu, giới chức ngành hàng không dân dụng Pháp cho biết phi hành đoàn trên chuyến bay của Germanwings đã không hề phát đi tín hiệu cấp cứu. Chính nhân viên đài kiểm soát không lưu đã phát tín hiệu cấp cứu sau khi không liên lạc được qua radio với máy bay.

Việc không có tín hiệu cấp cứu khiến nhiều người đặt câu hỏi nghi vấn, liệu có gì khúc mắc trong buồng lái và có động cơ mờ ám gì của phi công không. Tuy nhiên trên thực tế, gọi cấp cứu không phải là việc đầu tiên một phi công làm khi xảy ra trục trặc trên hành trình.

Chuyên gia Soucie cho rằng, thứ tự ưu tiên các việc sẽ làm của phi công trong tình huống máy bay trục trặc sẽ là: lái máy bay, điều khiển hướng bay và liên lạc cấp cứu. Nói cách khác, trước khi gọi cấp cứu, ưu tiên hàng đầu của phi công là lái máy bay, tiếp đó là tìm giải pháp an toàn nhất để hạ cánh khẩn cấp.

Theo đó, ông Soucie khẳng định, từ những dữ liệu có được, rõ ràng phi công trên máy bay của Germanwings “chắc chắn đang lái máy bay và điều khiển hướng bay”. Có thể phi công đang cố tìm chỗ để có thể hạ cánh khẩn cấp.

Và như thế, nếu đã có tín hiệu cấp cứu phát ra, rất có thể lại là chỉ dấu cho một câu chuyện khác.

Những thông tin ban đầu cũng cho thấy không có những mật mã báo hiệu ngầm việc máy bay bị không tặc tấn công phát ra. Tuy nhiên đây cũng sẽ là một câu hỏi quan trọng cần phải trả lời trong quá trình điều tra nguyên nhân vụ việc. Liệu có hay không một mật mã ngầm báo hiệu bị tấn công đã được gửi đi từ máy bay.

Chuyên gia hàng không Miles O'Brien của CNN nhận định: “Tôi không nghĩ nên loại bỏ bất cứ giả thuyết nào tại thời điểm này. Mọi việc cho thấy không có vẻ như chiếc máy bay đã bị không tặc tấn công. Tuy nhiên những gì đã xảy trong buồng lái sẽ là vấn đề được bàn bạc trong những ngày tới đây”.

Chuyên gia Miles O'Brien cũng lưu ý các thông tin đáng lưu tâm về vụ tai nạn như lao xuống quá nhanh, không phát đi tín hiệu cấp cứu và chiếc máy bay cứ tiếp tục lao vào vùng đồi núi vốn không phải là “địa hình phổ biến trong các cuộc hạ cánh khẩn cấp thông thường”.   

Không loại trừ yếu tố thời tiết

Trực thăng cứu hộ đang rà soát khu vực hiện trường vụ tai nạn

Trong hành trình bay của chiếc máy bay xấu số, không thấy đề cập tới những vấn đề thời điết, nhưng theo chuyên gia hàng không Les Abend của Mỹ cũng không thể loại trừ yếu tố này.

Theo ông Les Abend, có một đợt không khí lạnh đang di chuyển ở khu vực máy bay đi qua, có thể ở độ cao chiếc máy bay đang di chuyển thời tiết không xấu, nhưng ở cao độ thấp hơn, khi nó bắt đầu lao xuống, tầm nhìn sẽ bị hạn chế.

Việc giảm tầm nhìn không phải là vấn đề lớn, nhưng ông Les Abend cho rằng, khi máy bay lao xuống, thời tiết có thể tệ hơn và biết đâu đó cũng là một nguyên nhân có thể gây tai nạn.

D. KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên