Những mảnh ghép thất lạc của lịch sử

ĐĂNG KHOA 18/10/2024 05:25 GMT+7

TTCT - Con người đã dành hàng thế kỷ để tìm hiểu bí ẩn của những khối đá khổng lồ Stonehenge hay các kim tự tháp sừng sững ở Ai Cập. Nhưng cũng có những thứ nhỏ bé khác ẩn chứa bí ẩn.

Một "ngôi sao" mới đã xuất hiện tại Bảo tàng Lincoln (Anh) mùa hè qua: dodecahedron - một hiện vật bí ẩn từ thời La Mã, thu hút khách tham quan tới mức bảo tàng phải kéo dài thời gian trưng bày tới giữa tháng 10 thay vì chỉ từ tháng 5 đến tháng 8 như kế hoạch ban đầu.

Dodecahedron là tên gọi chỉ những khối đa diện 12 mặt, mỗi mặt là một ngũ giác đều có lỗ hổng nằm giữa, mỗi góc còn có các núm nhỏ. Đây được xem là bí ẩn lớn của ngành khảo cổ bởi chưa ai thực sự biết chúng được tạo ra nhằm mục đích gì.

Những mảnh ghép thất lạc của lịch sử - Ảnh 1.

Khối dodecahedron đang được trưng bày tại Bảo tàng Lincoln. Ảnh: Facebook bảo tàng

Hiện vật ở Bảo tàng Lincoln là một trong số 33 khối dodecahedron khai quật được ở Anh. Khối đa diện này được cho là đã bị chôn vùi khoảng 1.700 năm trước và là một trong những khối lớn nhất được tìm thấy cho đến nay, cao khoảng 8cm và nặng 245g.

"Đây chắc chắn là một trong những hiện vật khảo cổ vĩ đại và bí ẩn nhất mà tôi được tận mục sở thị" - giáo sư Alice Roberts, người dẫn chương trình tài liệu Digging for Britain của BBC, nói.

Theo BBC, khách tham quan bảo tàng đưa ra nhiều phỏng đoán thú vị về công dụng của dodecahedron - từ dụng cụ đong mì spaghetti tới thiết bị đo đạc đường sá. Ngành khảo cổ, tất nhiên, cũng có những giả thuyết riêng.

Câu đố chưa có lời giải

Khối dodecahedron đầu tiên được tìm thấy vào năm 1739, tính đến nay đã có 130 khối được tìm thấy và ghi nhận. Tất cả đều có niên đại từ thế kỷ thứ 2 - 4 sau Công nguyên. Những khu vực tìm thấy chúng thường có sự tương tác giữa các bộ tộc người Celt với người La Mã, ngày nay thuộc lãnh thổ nước Anh, Xứ Wales, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Đức, Thụy Sĩ… Tuy vậy, chưa có khối dodecahedron nào được tìm thấy ở bán đảo Ý, vốn là trung tâm và nơi bắt nguồn của đế chế La Mã.

Không có khối dodecahedron nào giống khối nào. Chúng có kích thước khác nhau (dao động từ quả bóng golf đến lớn hơn banh tennis một chút), trọng lượng khác nhau, thành phần chất liệu khác nhau. Ngoài ra, họa tiết trang trí, độ rộng của các lỗ hổng trên từng khối cũng khác nhau.

Chỉ nhiêu đó vẫn chưa đủ sức lý giải tại sao cục kim loại này lại trở thành tâm điểm của các cuộc tranh luận? Điều uẩn khúc là không có bất kỳ ghi chép hay minh họa nào về chúng mà người La Mã để lại.

Rõ ràng người ta làm ra chúng không phải vì rảnh rỗi hay cho vui. Xét đến độ phức tạp, kỹ năng cần thiết, chưa kể thời gian và công sức dành cho chúng, chúng phải có mục đích sử dụng cụ thể, thậm chí phải là mục đích quan trọng. 

Nhưng đến nay, không ai giải thích được chính xác đó là gì. Các manh mối cứ mâu thuẫn nhau khiến chúng ta không suy đoán được và nhiều giả thuyết cố lý giải cũng đã dễ dàng bị bác bỏ.

Những mảnh ghép thất lạc của lịch sử - Ảnh 2.

Ảnh: Hội khảo cổ và lịch sử Norton Disney

Vì sao người La Mã không nhắc về chúng? Hoặc là chúng quá phổ biến, không ai nghĩ cần phải biên chép lại, hoặc chúng quá đặc biệt, đa số dân tình không ai biết tới. Có người cho đây là đồ chơi con nít, dụng cụ đánh bạc hay bói toán như xúc xắc ngày nay. Có lẽ chúng được tung ra và đọc kết quả dựa trên mặt xuất hiện lúc rơi xuống. Tuy nhiên, các thí nghiệm với bản sao cho thấy chúng rất khó lăn.

Vết sáp được tìm thấy trên một số mẫu vật, dẫn đến giả thuyết cho rằng chúng là vật giữ nến. Những người khác cho rằng chúng đơn giản chỉ là những vật mang tính biểu tượng, được tạo ra cho mục đích nghi lễ.

Chưa hết, còn có những giả thuyết gây tranh cãi hơn. Một số người cho rằng chúng có thể là thiết bị khảo sát. Nếu đưa khối dodecahedron lên mắt, ta có thể sử dụng các lỗ có kích thước khác nhau để quan sát các vật thể và ước lượng khoảng cách hoặc kích thước. Nhưng vì không có một kích thước chuẩn, chúng sẽ không hữu ích lắm.

Cũng có hai giả thuyết giải thích tại sao chúng được tìm thấy chủ yếu ở Bắc Âu. Giả thuyết thứ nhất cho rằng chúng là đồng hồ mặt trời. Khi đặt một khối dodecahedron ở một vị trí cụ thể, vào một ngày nhất định, ánh mặt trời sẽ chiếu thẳng hàng qua hai lỗ đối diện. Đây có thể là cột mốc giúp người dân xác định chính xác thời gian để lên kế hoạch cho hoạt động nông nghiệp vì mùa trồng trọt ở đây ngắn.

Bắc Âu cũng có khí hậu lạnh giá, tạo điều kiện cho một giả thuyết khác: đây là công cụ đan len. Kích thước to nhỏ của các khối và lỗ hổng giúp đan được những chiếc găng phù hợp với đôi bàn tay và ngón tay to nhỏ khác nhau. Thật không may, không có bằng chứng nào cho thấy con người biết đan len cho đến ít nhất 1.000 năm sau khi những vật thể này được tạo ra.

Hy vọng từ phát hiện mới

Tại nước Anh, ngôi làng tên Norton Disney nằm trong hạt Lincolnshire. Với dấu tích của con người sống từ thời đại đồ sắt và từng là nơi một biệt thự La Mã tọa lạc, vùng đất này hứa hẹn chứa đựng những câu chuyện về cuộc sống của con người từ hàng nghìn năm trước.

Tuy nhiên, một dự án xây dựng nhà máy xử lý chất thải đã từng đe dọa di tích này. Một vài người dân yêu mến lịch sử trong làng đã thành lập Nhóm khảo cổ Norton Disney (Norton Disney Archaeology Group) năm 2018 nhằm ngăn chặn nguy cơ đó. Với lòng quyết tâm và bằng chứng khoa học thuyết phục, họ đã chứng minh giá trị khảo cổ của vùng đất và giữ được di sản vô giá.

Từ nguồn kinh phí ít ỏi được quyên góp từ cộng đồng, nhóm đã kiên trì theo đuổi đam mê khảo cổ của mình. Đến mùa hè năm 2023, phát hiện bất ngờ về khối dodecahedron mới (chính là khối ở Bảo tàng Lincoln) đã đưa tên tuổi của nhóm lên các mặt báo.

Lorena Hitchens, nghiên cứu sinh tiến sĩ của Đại học Newcastle, phát biểu trên Digging for Britain: "Phát hiện tại Lincolnshire là đặc biệt không chỉ vì nó là khối dodecahedron đầu tiên được tìm thấy ở Midlands, mà còn bởi nó là một mẫu lớn, được chế tác rất tinh xảo và còn trong tình trạng tuyệt vời. Quan trọng hơn, nó được tìm thấy trong một cuộc khai quật được kiểm soát hiện đại, ngay tại nơi nó bị chôn xuống".

Ý cuối là rất quan trọng. Khác với những khối dodecahedron khác, thường bị di dời khỏi bối cảnh khảo cổ ban đầu, phát hiện "tại chỗ" ở Norton Disney mang lại một nguồn dữ liệu quý giá cho các nghiên cứu tiếp theo. Nhóm khảo cổ "ao làng" cũng vừa hoàn thành đợt khai quật mới nhất trong tháng 6 vừa qua.

Với gần 900 hiện vật thu thập được, họ dự kiến phải mất hàng tháng mới có thể hoàn tất việc phân tích. Hy vọng rằng bí mật về cuộc sống người La Mã tại địa phương và lý do tồn tại của khối dodecahedron kỳ lạ này sẽ được hé lộ thêm.


Chỉ mới một, hai thế kỷ trước đây, chúng ta mới thực sự nhận ra rằng khủng long từng thống trị Trái đất và rằng loài người còn có những họ hàng xa xưa. Những khám phá khảo cổ đã mở ra trước mắt chúng ta một thế giới hoàn toàn mới, một thế giới mà ta chưa hề tưởng tượng ra.

Trong khi khối dodecahedron dường như là những sản phẩm của một thế hệ nghệ nhân tài ba, Cỗ máy Antikythera (xem box) lại là một kiệt tác độc đáo, mang đậm dấu ấn cá nhân của một bộ óc thiên tài. Cả hai đều là minh chứng hùng hồn cho trình độ chế tác tinh xảo của người xưa.

Mỗi hiện vật, mỗi di chỉ khảo cổ đều chứa đựng những thông tin quý giá về cuộc sống, văn hóa và xã hội của người xưa. Mỗi phát hiện khảo cổ đều là một mảnh ghép nhỏ, góp phần hoàn thiện câu chuyện vĩ đại và bức tranh muôn màu về lịch sử trên Trái đất. Hành trình khám phá những bí ẩn của quá khứ vẫn còn tiếp diễn, hứa hẹn mang đến những bất ngờ thú vị.■

Thế giới cổ đại với công nghệ hiện đại

Những khối dodecahedron vẫn chưa phải là những bí ẩn duy nhất. Quả nhiên, tiền nhân còn khiến cho hậu thế ngỡ ngàng trước một số phát hiện khác.

Được trục vớt từ một con tàu đắm ngoài khơi Hy Lạp năm 1901, Cỗ máy Antikythera (Antikythera Mechanism) cũng khiến giới khảo cổ học một phen trầm trồ. Qua những lần quét tia X, kỳ quan công nghệ cổ đại dần được hé lộ: một máy tính thiên văn tinh vi.

Qua phân tích và phục dựng, cỗ máy cho thấy một hệ thống bánh răng phức tạp. Nó có khả năng dự đoán chính xác các hiện tượng thiên văn như nhật thực, nguyệt thực và thậm chí cả vị trí của các hành tinh. Dựa vào đó, người Hy Lạp có thể lập kế hoạch cho các hoạt động nông nghiệp, lễ hội và các sự kiện quan trọng khác.

Những mảnh ghép thất lạc của lịch sử - Ảnh 2.

Cỗ máy Antikythera. Ảnh: Shutterstock

Ít ra cỗ máy này còn được ghi chép lại, chứ không như những khối dodecahedron kia. Tác giả Cicero thời La Mã cổ đại từng mô tả về một cỗ máy của nhà bác học lỗi lạc Archimedes, có khả năng mô phỏng chuyển động của các thiên thể. Derek J. de Solla Price, một người đã nghiên cứu Cỗ máy Antikythera trong 20 năm, cho rằng có thể Antikythera đã dựa trên chính thiết kế của Archimedes.

Theo phân tích của nhà nghiên cứu độc lập Chris Budiselic, số lỗ trên vòng lịch của Cỗ máy Antikythera dao động từ 347 đến 367. Tháng 7 vừa qua, trên tạp chí The Horological Journal, hai nhà nghiên cứu từ Đại học Glasgow cho biết con số chính xác là 354 lỗ, khớp với số ngày trong năm âm lịch. Phát hiện này hợp lý vì người Hy Lạp thời đó sử dụng lịch âm. Các giả thuyết về con số 360 (số độ của một vòng tròn) hay 365 (số ngày trong một năm dương lịch) đều bị loại bỏ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận