Tổng số tiền đóng góp gần 3 tỉ đồng cùng hơn 1.100 ngày công lao động của sinh viên đã kết tinh thành nơi mà các bạn gọi ấy là những mái ấm chứa chan tình người.
Gửi niềm tin vào con đường tri thức
Chị Lê Ngọc Đáng là một trong hai cựu sinh viên Trường ĐH Đồng Tháp được nhận căn nhà trong năm đầu tiên khởi động mô hình này vào năm 2010. Hiện chị Đáng đang là giáo viên, đã lập gia đình và sinh sống tại Bến Tre.
"Nhờ mô hình của trường mà gia đình có chỗ ở an ổn, anh chị em chúng tôi mới yên tâm học tập. Sau một thời gian gia đình cố gắng phấn đấu nên đã xây ngôi nhà mới khang trang hơn" - chị Đáng nhớ lại.
Tiếp lời em gái, bác sĩ Lê Huyền Phổ (xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) - anh ruột chị Ngọc Đáng - nói chính sự tiếp sức quý báu này đã tạo động lực để gia đình gửi niềm tin vào con đường tri thức. Nên dù đông con, ở nhà tranh vách lá tạm bợ nhưng mẹ cũng ráng lo cho mấy anh chị em đến trường.
Nhận 20 triệu đồng hỗ trợ, gia đình anh Phổ vay mượn thêm hơn 30 triệu đồng nữa để cất cái nhà. Ra trường, mấy anh em có việc làm nên cũng nhanh trả hết nợ.
"Mình đi học, nghĩ cảnh cha mẹ ở quê dưới mái nhà mưa dột không khỏi xót xa. Sự chia sẻ ấy giúp anh em tụi tui an tâm học, vươn lên thoát nghèo.
Dù mẹ không còn nhưng căn nhà xây mới khang trang hơn, con cái đều có công việc tốt ở Đồng Tháp, Bến Tre và TP.HCM" - bác sĩ Phổ nói.
Anh Lê Phước Vinh - bí thư Đoàn Trường ĐH Đồng Tháp - chia sẻ mô hình "Ngôi nhà 5.000 đồng" xuất phát từ sáng kiến hỗ trợ sinh viên từ năm 2010. Ban đầu, "Căn nhà nhân ái" có kinh phí hỗ trợ xây dựng 20 triệu đồng/căn. Trong đó sinh viên góp 2.000 đồng/tháng, còn viên chức là đoàn viên sẽ góp 10.000 đồng/tháng.
Đến giai đoạn 2015 - 2017, số tiền đóng góp tăng lên 3.000 đồng/tháng, hỗ trợ xây nhà 30 triệu đồng/căn, sau đó số tiền này tăng lên 40 triệu đồng/căn và sinh viên góp 5.000 đồng/tháng cho đến nay.
Từ tháng 5-2020, mô hình đổi tên thành "Ngôi nhà 5.000 đồng", số tiền hỗ trợ cũng tăng lên 50 triệu đồng/căn và hiện nay là 70 triệu đồng/căn.
Anh Vinh cho biết tổng số tiền đã làm nhà là hơn 2,7 tỉ đồng. Hiện quỹ còn trên 335 triệu đồng và đang tiếp tục xét hồ sơ hỗ trợ cho sinh viên.
San sẻ với bạn bè mình
Sinh viên Phạm Thanh Bưởi (năm hai ngành sư phạm âm nhạc) khoe dịp Tết vừa rồi cả nhà ở Cà Mau rất vui và xúc động khi nhận căn nhà được tặng từ công trình này. Căn nhà bốn vách lá xiêu vẹo của gia đình được thay bằng ngôi nhà khang trang hơn làm ba mẹ cũng an tâm hơn nhiều lắm.
Bưởi kể nhà không có đất sản xuất, ba theo ghe đi biển, còn mẹ ở nhà may đồ. Cả hai anh em đều đang đi học nên chưa giúp gì được cho cha mẹ.
"Khi gửi hồ sơ xét nhận nhà 5.000 đồng, mình không nghĩ sẽ được. Với 50 triệu đồng trường hỗ trợ, ba mẹ mượn thêm để hoàn thành căn nhà. Mình sẽ sớm học xong quay về làm việc gần nhà, phụ cha mẹ trả nợ" - Thanh Bưởi nói.
Ông Trương Tấn Đạt - chủ tịch hội đồng Trường ĐH Đồng Tháp - chia sẻ vào thời điểm năm 2010, số tiền 20 triệu đồng có thể làm được ngôi nhà tương đối.
Trường có khoảng 10.000 - 15.000 sinh viên/năm nên nhẩm tính chỉ cần mỗi bạn nhịn ăn một gói xôi mỗi tháng sẽ giúp được cho một bạn khó khăn có nhà ở.
Hiện đời sống người dân đã được nâng lên, các đoàn thể xã hội chung tay giúp đỡ nên nguồn quỹ thực hiện mô hình vẫn còn song số người gửi hồ sơ không nhiều và đó là tín hiệu vui. Ông Đạt nói sự tiếp sức dài hơi và bền bỉ suốt 15 năm qua ngoài sự quan tâm của nhà trường thì việc vận hành mô hình khách quan, công khai, minh bạch, chặt chẽ nên được sinh viên rất ủng hộ.
"Nhà trường luôn rõ ràng quan điểm đóng góp của sinh viên phải giúp chính sinh viên đang theo học tại trường. Nên có ý kiến nói rằng nên lan tỏa, giúp cho những hoàn cảnh khó khăn ngoài sinh viên trường và chúng tôi còn đang cân nhắc, lấy ý kiến thêm" - ông Đạt nói.
Mô hình nhận kỷ lục Việt Nam
Tại lễ kỷ niệm 20 thành lập Trường ĐH Đồng Tháp năm 2023, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao xác lập kỷ lục học đường cho mô hình "Ngôi nhà 5.000 đồng" này.
80 căn nhà (một căn đang xây) đã tặng cho sinh viên của trường tại tám tỉnh thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long gồm Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, An Giang, Bến Tre, Cà Mau và Cần Thơ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận