Việc đầu tiên cần phải làm để chăm sóc trẻ
Chăm sóc trẻ sơ sinh là một điều hoàn toàn mới với nhiều cặp vợ chồng trẻ. Sau tiếng khóc chào đời, trẻ sơ sinh thoát khỏi sự bao bọc của cơ thể mẹ, trẻ phải tự thích nghi với môi trường bên ngoài, trẻ tự chống lạnh, tự bú, tự thở và chống chọi với môi trường xung quanh để tồn tại và phát triển.
Việc đầu tiên cần phải làm là giữ ấm không để trẻ lạnh, cho bú mẹ sớm 1 giờ sau sinh, bú theo nhu cầu của trẻ, không tắm cho trẻ trước 6 giờ, giữ vệ sinh sạch sẽ...
Nếu trẻ bị ọc sữa, có thể hạn chế bằng cách vác đứng trẻ vài phút và vỗ nhẹ vào lưng. Khi cho trẻ ngủ cho trẻ nằm đầu cao nhằm làm giảm nguy cơ hít sặc. Nằm ngửa, nghiêng khi ngủ. Tránh nằm sấp khi ngủ.
Để đảm bảo cho trẻ được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ, bà mẹ cần ăn no, nhiều bữa, đủ các chất dinh dưỡng; uống nhiều nước mỗi ngày (khoảng 1,5 lít, nếu mùa hè ra nhiều mồ hôi cần uống nhiều hơn). Phải cho con bú càng nhiều càng tốt và cho bú đúng phương pháp. Cho bú nhiều sẽ kích thích mẹ tạo ra nhiều hoc môn prolactin để tạo sữa. Mẹ sống thư thái, tránh lo lắng suy nghĩ căng thẳng làm mất ngủ.
Chăm sóc rốn và tắm trẻ
Chăm sóc rốn cũng như tắm trẻ được thực hiện như sau:
- Rốn: Là ngõ vào quan trọng gây nhiễm trùng sơ sinh. Chăm sóc rốn hàng ngày sau khi tắm bé hoặc rốn vấy bẩn, rửa rốn bằng nước muối sinh lý hay xà phòng và nước sạch, lau khô lại bằng gòn và tăm bông vô trùng, chú ý các nếp sâu ở chân rốn. Sau khi chăm sóc rốn không bôi bất kỳ chất gì lên rốn, nên để hở rốn sẽ làm rốn mau khô, dễ rụng. Quấn tã dưới chân rốn. Bình thường rốn có thể tiết dịch sinh lý (không hôi) rồi rụng từ 5 đến 15 ngày sau sinh, dịch sinh lý có thể được tiết thêm trong vòng 1 tuần sau đó.
- Tắm bé: Chuẩn bị đầy đủ quần áo, khăn lau, khăn tắm, xà phòng, nước ấm, phấn thoa, thuốc nhỏ mắt nhỏ mũi, bông ráy tai. Nơi tắm bé phải kín gió, ấm áp. Chọn xà phòng có độ kiềm thấp dùng cho sơ sinh, tắm bé từng phần, dùng khăn mềm thấm nước lau mắt bé trước, sau đó lau mặt gội đầu, lau khô đầu. Sau đó tắm nửa người trên cho bé, chú ý các nếp gấp cổ nách, sau gáy, sau đó lau khô. Tắm tiếp phần dưới cơ thể, chú ý nếp bẹn, vùng hậu môn, sinh dục. Lau khô bé, mặc quần áo sạch, thoáng ấm, nhỏ mắt, mũi và lau tai cho bé. Không nhất thiết phải tắm hàng ngày.
Đội mũ và quấn tã cho bé
- Không cần đội mũ liên tục: Đội mũ che thóp cho trẻ sơ sinh cũng được coi là việc cần thiết và… hiển nhiên, vì xưa nay bé sơ sinh nào cũng được đội mũ. Tuy nhiên, chỉ khi ra ngoài trời lạnh mới cần che thóp, còn khi ở trong nhà, hãy để đầu bé được thoáng. Cơ thể trẻ luôn có chế độ điều hòa thân nhiệt. Nếu cứ đội mũ kín mít ngay cả khi trời nóng, ấm không chỉ khiến trẻ ngứa ngáy khó chịu, ra mồ hôi nhiều mà còn làm tăng thân nhiệt - dễ khiến trẻ bị sốt/sốt cao gây nguy hiểm. Do đó, chỉ nên đội mũ cho trẻ khi nhiệt độ thấp, cho trẻ ra ngoài trời hoặc đối với trẻ sinh non, nhẹ cân; trường hợp trẻ khỏe mạnh bình thường thì hoàn toàn không cần đội mũ chụp đầu 24/24, nhất là khi trời nắng nóng.
- Không nên quấn chặt tã: Nhiều ông bố bà mẹ ưa chuộng việc quấn tã chặt để trẻ ngủ ngon và sâu hơn, ít quấy khóc. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy hành động này có thể làm ép khớp háng của trẻ phải duỗi thẳng và hướng ra trước, khiến chân trẻ bị lệch trục. Ngoài ra, quấn chặt tã còn khiến trẻ bị ngạt thở, bí bách và nóng, đặc biệt không tốt khi trẻ đi ngủ.
Chăm sóc da và mắt cho bé
- Chăm sóc da: Việc chăm sóc da cho trẻ là rất cần thiết vì da trẻ sơ sinh rất dễ bị tổn thương và rất dễ bị nhiễm trùng. Việc chăm sóc da cũng như việc chọn các sản phẩm để săn sóc da cần tuân thủ một số nguyên tắc sau:
+ Tránh tíếp xúc với tác nhân kích thích: Tránh cho trẻ tiếp xúc với các loại xà phòng thô vì độ kiềm cao sẽ làm kích ứng da bé.
+ Hạn chế tiếp xúc với các tác nhân kích ứng có hại từ môi trường: phân, nước tiểu ở khu vực mang tã. Cần thay tã ngay cho trẻ mỗi khi tã ướt. Nên dùng các sản phẩm nhẹ dịu đã được kiểm chứng trên lâm sàng để chống lại sự kích thích, giảm cọ xát và ngăn ngừa sự kích thích gây ra từ việc chăm sóc. Chọn loại tã phù hợp cho bé.
+ Tránh để các chất có thể ảnh hưởng độc hại đến mắt bé (từ mẹ hay từ người chăm sóc trẻ): Vì trẻ sơ sinh chưa có phản xạ nhắm mắt và bài tiết nước mắt, do đó cần giữ bé tránh xa khói thuốc lá hoặc nơi môi trường bị ô nhiễm.
+ Luôn giữ cho da bé có độ ẩm thích hợp: Khí hậu khô hanh hoặc tắm rửa nhiều quá có thể làm da mất nước: nên thoa kem dưỡng da sơ sinh ở vùng da khô, thiếu nước.
+ Hạn chế làm thay đổi sự cân bằng của các loại vi khuẩn thường trú trên da của trẻ: Giữ sạch các vết thương hở, cuống rốn. Làm sạch da bé với sữa tắm nhẹ dịu và có độ pH thăng bằng phù hợp với sinh lý của da.
- Chăm sóc mắt: Trẻ sơ sinh thường bị chảy nước mắt và chảy ghèn trong những ngày đầu sau sinh. Tình trạng viêm kết mạc mắt có thể xảy ra ngay trong tuần đầu nếu việc chăm sóc mắt không được thực hiện. Do vậy:
+ Ngay sau sinh, nên lau sạch mắt bé bằng gạc vô trùng hay bằng khăn riêng. Khăn này phải được nhúng nước chín và mát.
+ Trẻ thường được các nữ hộ sinh nhỏ mắt hay tra thuốc mỡ mắt sau khi lau mắt trong vòng một giờ sau sinh. Chú ý không được để đầu chai thuốc hay đầu ống thuốc chạm vào mắt bé.
+ Sau khi tắm nhỏ bằng nước muối sinh lý 1 lần/ngày.
Vệ sinh miệng lưỡi, tai, mũi
- Miệng: Cho trẻ uống ít nước sau khi bú bình để làm sạch miệng. Lau miệng 1 lần/ngày với nước muối sinh lý.
- Mũi: Nhỏ nước muối sinh lý và ngoáy mũi bằng bấc sâu kèn (xoắn chặt góc khăn giấy khô lại) không dùng tampon.
- Lưỡi: việc vệ sinh lưỡi sạch sẽ là cần thiết bởi mặt lưỡi chứa rất nhiều vi sinh vật. Lưỡi sạch có thể làm giảm số lượng những sinh vật trong miệng, giúp trẻ cảm nhận được hương vị tốt hơn. Việc vệ sinh lưỡi cho bé phải được thực hiện ít nhất một lần mỗi ngày sau khi bú.
-Tai: Vệ sinh tai trẻ bằng cách dùng tăm bông nhỏ, nhẹ nhàng lau chùi sạch sẽ vành tai và lỗ tai bé.
Đo thân nhiệt cho trẻ
Sức khỏe của trẻ sơ sinh rất nhạy cảm, vì vậy, hầu như gia đình nào cũng tự trang bị cho mình nhiệt kế, nhưng để theo dõi nhiệt độ ở trẻ thì có những điều cần biết:
- Có thể dùng dụng cụ đo nhiệt kế qua lỗ tai, dụng cụ đo nhiệt dán lên trán nhưng tốt nhất vẫn là nhiệt kế thủy ngân, vừa đơn giản, rẻ tiền lại chính xác.
- Trước khi quyết định dùng thuốc hạ nhiệt cho trẻ, nên đo nhiệt độ và tiếp tục theo dõi sau đó.
- Nhiệt độ bình thường của trẻ sơ sinh là 36,5 đến 37,5 độ C.
+ Nếu lấy nhiệt độ ở nách: đặt nhiệt kế ở nách trong khoảng 2 phút, nhiệt độ ở nách cộng thêm 0,5 độ mới là nhiệt độ thật của bé.
Ví dụ: nhiệt độ ở nách là 36,5 độ C thì nhiệt độ của bé là 37 độ C.
+ Nếu lấy nhiệt độ ở hậu môn: nhẹ nhàng đặt nhiệt kế ở hậu môn trong 1 phút, nhiệt độ bình thường ở hậu môn chính là thân nhiệt của bé (36,5 - 37,5 độ C).
+ Nếu nhiệt độ của trẻ thấp hơn 36,5 độ C thì cần ủ ấm ngay cho trẻ sơ sinh.
+ Nếu nhiệt độ của trẻ cao hơn 37,5 độ C thì nên để trẻ thoáng, bỏ bớt chăn cũng như các quần áo dày, lau mát, cho trẻ bú nhiều hơn, uống thêm nước nếu cần và theo dõi nhiệt độ cho trẻ.
+ Nếu nhiệt độ cao hơn 38 độ C, trẻ bị sốt, thì cần lau mát ngay và dùng thuốc hạ sốt và sớm đưa trẻ đến khám và điều trị ngay tại các cơ sở y tế.
Khi nào nên cặp nhiệt độ cho bé?
-Trẻ khó chịu, da nóng, nhiều mồ hôi, có phát ban.
-Người trẻ nhợt nhạt.
-Trẻ thở nhanh, bất thường, chậm hoặc thở ra âm thanh.
-Trẻ chảy nước mũi, hắt hơi và ho.
-Trẻ bỏ ăn, kéo tai, ưỡn người, quấy khóc.
-Trẻ nôn trớ, tiêu chảy, phân có màu, có mùi bất thường. Nếu trẻ bị tiêu chảy, hãy cặp nhiệt độ ở nách cho trẻ.
Có nên cho người thăm ôm hôn em bé?
Trong quá trình thăm, nhiều người muốn chạm vào em bé. Rất nhiều trường hợp các trẻ tử vong hoặc nhiễm bệnh nặng rất thương tâm chỉ vì những cái ôm, hôn của người lớn. Cơ thể trẻ sơ sinh rất non yếu, sức đề kháng kém nên để trẻ được nhiều người ôm hôn, âu yếm sẽ làm tăng nguy cơ vi khuẩn, vi trùng có hại xâm nhập vào trẻ. Nên với những người đến thăm trẻ sơ sinh thì không nên hôn trẻ, nếu muốn ôm trẻ phải đảm bảo đã vệ sinh sạch sẽ và không mắc bệnh truyền nhiễm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận