FDA chỉ phê duyệt những sản phẩm thuốc lá thế hệ mới “thích hợp với mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng” - Ảnh: H.D
Bài học từ các quốc gia như Mỹ, Anh, Thụy Điển, Nhật Bản, New Zealand, Trung Quốc… cho thấy trong việc quản lý thuốc lá thế hệ mới, cần ưu tiên hàng đầu mục tiêu ngăn chặn giới trẻ tiếp cận với các sản phẩm này.
Kết hợp quản lý và tuyên truyền đúng mục tiêu
Để thực hiện mục tiêu này, Cục Quản lý Thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) kết hợp việc quản lý với tuyên truyền có thông điệp phù hợp với từng đối tượng. Các chiến dịch của FDA nhắm tới tất cả các đối tượng, từ nhà sản xuất thuốc lá hợp pháp, nhà phân phối, nhập khẩu đến các đại lý bán lẻ.
Đến nay trong số hàng triệu hồ sơ đệ trình, FDA chỉ phê duyệt những sản phẩm thuốc lá thế hệ mới nào vượt qua được quá trình đánh giá dữ liệu chứng minh rằng thanh thiếu niên, người không hút thuốc và người đã cai thuốc thành công ít có khả năng bắt đầu hoặc tái sử dụng thuốc lá điếu sau khi sử dụng các sản phẩm này.
Cơ quan này cũng cho biết sẽ tiếp tục đưa ra các quyết định áp dụng và xây dựng các chính sách dựa trên nền tảng khoa học tốt nhất hiện có với mục tiêu giảm thiểu bệnh tật có thể phòng ngừa được và tử vong do sử dụng thuốc lá gây ra, bao gồm những quy định nghiêm ngặt nhằm đảm bảo tất cả các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới phải chứng minh rằng việc kinh doanh sản phẩm "thích hợp với mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng".
Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyên truyền để người sử dụng hiểu đúng bản chất của từng loại sản phẩm thuốc lá thế hệ mới. Các chuyên gia nhấn mạnh cần xóa bỏ việc ngộ nhận thuốc lá thế hệ mới có tác dụng cai thuốc lá mà chỉ là sản phẩm giảm tác hại dành cho những người đang hút thuốc lá điếu đốt cháy chuyển sang các giải pháp có hàm lượng các chất gây hại ít hơn.
Những trường hợp khác, bao gồm người chưa bao giờ hút thuốc, phụ nữ, trẻ em, người già và những đối tượng có vấn đề về sức khỏe tuyệt đối không nên bắt đầu sử dụng bất kỳ sản phẩm thuốc lá và các sản phẩm nicotin nào.
Ngoài ra, việc quản lý kết hợp cung cấp thông tin khoa học cho giới trẻ về những rủi ro của thuốc lá thế hệ mới cũng góp phần giải quyết hệ lụy của nạn quảng cáo sai lệch bấy lâu nay của giới buôn lậu cố tình "hô biến" thuốc lá điện tử như một sản phẩm sành điệu.
Yêu cầu trách nhiệm từ chính doanh nghiệp
Việc kiểm soát nói trên, để hiệu quả hơn, cần yêu cầu sự phối hợp chặt chẽ của chính các công ty thuốc lá. Theo kinh nghiệm từ các quốc gia mà thuốc lá thế hệ mới được phép kinh doanh, quy trình thương mại sản phẩm cần được thiết kế để có thể kiểm tra độ tuổi của khách hàng ở tất cả các khâu tương tác, truyền thông sản phẩm và bán hàng (cả trực tuyến và trực tiếp).
Ngoài ra, việc khai báo và xác minh độ tuổi bằng giấy tờ tùy thân khi truy cập trang web, mua hàng và nhận hàng là bắt buộc. Chỉ những người thỏa điều kiện về độ tuổi mới tiếp cận được vào thông tin sản phẩm.
Trung Quốc cũng vừa chính thức đưa thuốc lá thế hệ mới vào quản lý dưới Luật độc quyền ngành thuốc lá hiện hành - Ảnh: H.D
Bên cạnh đó, mặc dù đánh giá các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới (đã qua kiểm định và được cấp phép kinh doanh ít tác hại hơn so với thuốc lá điếu đốt cháy, FDA vẫn yêu cầu phần cảnh báo sức khỏe trên bao bì theo luật liên bang.
Theo đó, có các cảnh báo sức khỏe được sử dụng luân phiên bao gồm: hút thuốc lá gây ung thư phổi, bệnh tim, khí phế thũng và có thể gây biến chứng trong thai kỳ; cai hút thuốc lá ngay bây giờ sẽ làm giảm đáng kể những nguy cơ nghiêm trọng đối với sức khỏe; việc hút thuốc lá ở phụ nữ mang thai có thể gây tổn thương thai nhi, dẫn đến tình trạng sinh non và trẻ sơ sinh nhẹ cân.
Còn ở Nhật Bản, các yêu cầu cảnh báo sức khỏe trên nhãn thuốc lá thế hệ mới vẫn được thực hiện, tuy nhiên có phần bớt "khắt khe" hơn so với thuốc lá điếu đốt cháy.
Nhờ phương pháp quản lý toàn diện nói trên, tỉ lệ tiếp cận của giới trẻ ở các quốc gia trên với thuốc lá thế hệ mới khá thấp, thậm chí một số nước ghi nhận những người trẻ sử dụng các sản phẩm không khói đều là những người đã từng sử dụng các sản phẩm thuốc lá trước đó.
Đơn cử tại Nhật Bản, thị trường thuốc lá làm nóng lớn nhất thế giới, dữ liệu cho thấy chưa có tỷ lệ người trẻ bắt đầu sử dụng thuốc lá làm nóng trước khi hút thuốc lá điếu. Dữ liệu năm 2018 chỉ ghi nhận tỉ lệ không đáng kể (0,1%) học sinh trung học đã từng hút thuốc lá điếu trước khi chuyển đổi sang thuốc lá làm nóng .
Hiện tại Nhật Bản vẫn chưa có số liệu ở chiều ngược lại cho thấy giới trẻ hút thuốc lá làm nóng sau đó sẽ chuyển sang sử dụng thuốc lá điếu.
Tại Việt Nam, nạn buôn lậu thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng và các sản phẩm thuốc lá "công nghệ" không khói khác ngày càng trở nên trầm trọng, dẫn đến nhiều bộ ngành, đại biểu Quốc hội và các chuyên gia lên tiếng về sự cần thiết của việc đưa các sản phẩm này vào kiểm soát dưới Luật phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) hiện hành.
Cần khẳng định thuốc lá thế hệ mới, dù bất kỳ hình thức nào, cũng đều tác động không tốt đến sức khỏe người dùng. Chính vì vậy, quyết định nhanh chóng đưa tất cả các sản phẩm thuốc lá chịu sự kiểm soát của luật pháp là cần thiết.
Tham chiếu từ các nước cho thấy việc kết hợp nhiều biện pháp, với sự chung tay của các bên liên quan là điều vô cùng quan trọng. Việc vẫn chưa có biện pháp chế tài đối với những sản phẩm này sẽ dẫn đến tình trạng hiểu sai bản chất sản phẩm, dẫn đến việc sử dụng sai mục đích, sai đối tượng, ảnh hưởng đến kết quả kiểm soát thuốc lá toàn diện của quốc gia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận