31/05/2022 09:12 GMT+7

Những lưu ý khi bị chó cắn

QUỐC NAM - CẨM NƯƠNG
QUỐC NAM - CẨM NƯƠNG

TTO - Chó cắn mà không tiêm phòng, thiếu niên 15 tuổi chết sau 1 tháng.

UBND xã Thạch Hóa (huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) vừa xác nhận em C.N.L. (15 tuổi, trú thôn 2, thuộc xã này) vừa chết vì phát bệnh dại sau 1 tháng bị chó dại cắn.

Theo người thân em L., từ cuối tháng 4 em bị một con chó cắn vào chân khi chơi thể thao. Vài ngày sau, con chó này đã chết. 

Tuy nhiên, em L. chủ quan không đi tiêm phòng dại. Đến ngày 25-5, em L. xuất hiện những biểu hiện bất thường như sốt cao, mệt mỏi, đau nhiều ở chân bị chó cắn, có biểu hiện sợ gió. 

Em L. khi uống nước bị co thắt vùng hầu họng nên được gia đình đưa vào bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên, sau đó một ngày em L. đã không qua khỏi. Được biết, đây là ca tử vong vì chó dại cắn thứ 4 tại Quảng Bình chỉ trong nửa năm qua.

Bác sĩ Lê Cừ, trưởng khoa lâm sàng các bệnh nhiệt đới Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới (Quảng Bình), cho biết nếu bị động vật có virus dại cắn mà không đi tiêm phòng ngay thì sẽ không thể cứu chữa khi đã lên cơn dại. 

"Chúng tôi khuyến cáo các trường hợp bị động vật như chó, mèo, dơi... cắn, cào nên đến các cơ sở y tế để được tư vấn tiêm ngừa", bác sĩ Cừ nói.

Bác sĩ Nguyễn Hà Phương Anh - khoa cấp cứu, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) - cũng đưa ra những lưu ý khi bị chó cắn, trong đó các bước sơ cứu vết thương ban đầu rất quan trọng nhằm hạn chế khả năng nhiễm trùng. 

Trước hết phải kiểm tra vết thương, nếu không chảy máu thì rửa thật sạch vùng da đó bằng xà phòng và nước ấm, nếu vết thương chảy máu cần chườm bằng vải sạch trong 5 phút hoặc cho đến khi máu ngừng chảy rồi mới rửa vết thương.

Ấn nhẹ lên vết thương để một ít máu chảy ra, điều này sẽ giúp loại bỏ vi trùng. Sử dụng băng vô trùng để bịt kín vết thương. 

Đồng thời, giữ vùng bị thương cao hơn tim để ngăn ngừa sưng và nhiễm trùng. Trường hợp vết thương nhẹ thì có thể tự xử lý tại nhà qua việc rửa vết thương hằng ngày và kiểm tra các dấu hiệu nhiễm trùng.

Nếu gặp những biểu hiện như máu chảy nhiều và không kiểm soát được; vết cắn để lộ xương, gân, cơ hoặc gây đau; có các dấu hiệu nhiễm trùng như sưng, nóng, đỏ; người bị sốt hoặc cảm thấy yếu ớt, ngất xỉu... thì bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế để được chữa trị.

Bên cạnh đó, bác sĩ Phương Anh khuyến cáo bệnh nhân cần liên hệ với bác sĩ nếu bị vết cắn hở và chưa tiêm phòng uốn ván trong thời gian 5 năm qua. 

Trong trường hợp con chó đã cắn người có biểu hiện kỳ lạ cũng như không thể xác định rằng chúng đã được tiêm phòng vắc xin dại hay chưa, cần liên hệ bác sĩ để xem xét tiêm phòng dại.

Xử trí thế nào khi bị chó cắn? Xử trí thế nào khi bị chó cắn?

TTO - Gần đây liên tiếp xảy ra các vụ chó tấn công người dẫn đến các trường hợp thương tích nghiêm trọng, thậm chí tử vong.

QUỐC NAM - CẨM NƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên