Những lựa chọn khác

GIA LINH 29/02/2016 18:02 GMT+7

TTCT- Có lựa chọn khác, không phụ thuộc vào bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động chuẩn bị về hưu? Câu hỏi này thật sự ám ảnh không ít người trước những bất cập hiện nay của BHXH. Và một số người lao động có mức thu nhập khá đã tìm một giải pháp cho mình.

 


Tại buổi đối thoại về BHXH hồi cuối năm 2015, trả lời câu hỏi của một doanh nghiệp về việc quỹ có bị vỡ như dư luận đang tranh cãi, ông Cao Văn Sang - giám đốc BHXH TP.HCM - nói rằng trước khi thông qua Luật BHXH 2016 đã có những khuyến cáo với mức chi trả như hiện nay thì quỹ bảo hiểm sẽ vỡ nên cần phải xây dựng lại cách chi trả.

Chính vì thế BHXH từ năm 2016 sẽ được điều chỉnh một số nội dung, chẳng hạn như nếu ai nghỉ hưu sớm sẽ trừ 2% mức hưởng thay vì 1% như trước đó...

Tuy nhiên, cũng theo ông Sang, những thay đổi đó cũng chưa thể thay đổi hoàn toàn nguy cơ vỡ quỹ vì mất cân đối mà chỉ có thể kéo dài thời gian mất cân đối của quỹ. Vì vậy quy định về BHXH vẫn cần phải có những chỉnh sửa nữa, như mức đóng cao, mức hưởng giảm đi hay tuổi nghỉ hưu cũng phải tăng cao hơn độ tuổi hiện nay...

Về hưu không phụ thuộc BHXH, được không?

Thông tin quỹ bảo hiểm có nguy cơ vỡ khiến không ít người hoang mang và buộc phải có những suy nghĩ về kế hoạch hưu trí khác cho riêng mình. Thực tế ngay cả thời điểm thông tin vỡ quỹ bảo hiểm chưa bùng nổ cũng có nhiều người đã suy nghĩ tìm giải pháp tài chính khác để an tâm hơn khi tận hưởng quãng thời gian hưu trí của mình.

Các sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện hiện có trên thị trường tương đối đa dạng, tạo ra cơ hội lựa chọn cho nhiều người. Nguyễn Thi - trưởng phòng marketing một công ty sữa vốn đầu tư nước ngoài tại Q.1, TP.HCM - nói rằng cô đã lên kế hoạch hưu trí không phụ thuộc vào BHXH từ rất lâu, trước khi có thông tin vỡ quỹ.

“Thực tế mức được hưởng của BHXH hiện nay không chỉ thấp mà thủ tục cũng phức tạp nên mình không trông đợi vào lương hưu từ BHXH” - Thi nói. Theo cô, chính vì đã có kế hoạch hưu trí khác mà không cần trông chờ vào BHXH, mỗi lần “nhảy việc” sau một năm không tiếp tục đóng Thi đều yêu cầu được nhận một lần số tiền đã đóng và khi đi làm lại thì làm sổ bảo hiểm mới.

Nguyễn Thi hiện đang sở hữu một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ với mệnh giá khá lớn và thời gian đóng đã được hơn 5 năm. Thi cho biết trong tương lai nếu có “nhảy việc”, Thi vẫn tiếp tục phương án đóng sổ bảo hiểm cũ và mở sổ bảo hiểm mới. “Nếu muốn có khoản tiền kha khá khi về hưu thì bảo hiểm hưu trí tự nguyện có thể là một phương án không tồi” - Thi nói.

Không trông đợi gì nhiều vào mức lương hưu của BHXH và tự lên kế hoạch hưu trí cho riêng mình không chỉ là câu chuyện của Nguyễn Thi. Lan Ngọc - một công chức làm việc tại Q.3, TP.HCM - cho biết cô hiện sở hữu hai hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và đang lên kế hoạch mua thêm bảo hiểm hưu trí tự nguyện.

Lan Ngọc dự tính đến tuổi nghỉ hưu, tổng quỹ hưu trí cô tích lũy được là 546 triệu đồng. Ngay tại thời điểm nghỉ hưu, công ty bảo hiểm sẽ chi trả 20% số tiền trong tổng quỹ hưu trí, mỗi năm sau cô sẽ nhận được 31 triệu đồng/năm...

“Mình muốn mua thêm bảo hiểm hưu trí phần vì thấy phù hợp với kế hoạch tài chính, hơn nữa vì đang sở hữu hợp đồng bảo hiểm của các công ty bảo hiểm nhân thọ nên mình thấy cách quản lý của bảo hiểm khá rõ ràng, minh bạch. Cuối mỗi năm tài chính, các công ty đều có báo cáo đầu tư gửi cho khách hàng để biết trong năm công ty đã đầu tư tiền thu được từ phí bảo hiểm đã đi đâu và lời lãi ra sao...”.

Theo Lan Ngọc, cô đã tìm hiểu một vài sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện đang được các công ty bảo hiểm bán trên thị trường, thấy cơ chế chi trả và quyền lợi được hưởng của khách hàng cũng khá linh hoạt.

Chẳng hạn với sản phẩm “Điểm tựa hưu trí” của một công ty, ngoài những quyền lợi hưu trí, người lao động còn được bảo vệ toàn diện trước những rủi ro như tử vong, thương tật toàn bộ vĩnh viễn và trợ cấp mai táng. Mức lãi suất cam kết của bảo hiểm hưu trí tự nguyện của công ty này cũng khá hấp dẫn, với 4% cho năm năm đầu tiên, 3% cho năm năm tiếp theo và 2% cho tất cả các năm.

Hay như với sản phẩm “An nhàn hưu trí” của một công ty bảo hiểm khác, khách hàng có quyền rút toàn bộ hoặc từng phần vào hằng tháng, hằng quý hoặc thời điểm nào họ muốn. Nếu khách hàng để các khoản quyền lợi hưu trí lại, các khoản tiền này sẽ được hưởng lãi suất do công ty này công bố tại từng thời điểm.

Hay với sản phẩm “An hưởng điền viên” của một công ty bảo hiểm trong nước, ngoài quyền lợi hợp đồng được miễn nộp phí còn lại với đầy đủ các quyền lợi kể từ ngày người được bảo hiểm không may bị thương tật toàn bộ vĩnh viễn do tai nạn, được hưởng thêm lãi chia hằng năm khi hợp đồng có hiệu lực từ 24 tháng trở lên và có thể sử dụng lãi chia để đóng phí bảo hiểm hoặc chọn lựa tích lũy để nhận một lần khi đáo hạn...

Vì không phải là sản phẩm độc quyền và bắt buộc phải mua như BHXH nên bảo hiểm hưu trí tự nguyện muốn bán được phải thiết kế hết sức cạnh tranh. Thậm chí các công ty bảo hiểm luôn nhìn nhau để gia tăng quyền lợi tạo sự hấp dẫn cho sản phẩm.

Đây là “cuộc đua” có lợi cho khách hàng. Trước sự linh hoạt của các sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện, nhiều người lao động có thu nhập khá đang xem đây là một lựa chọn cho thời gian hưu trí của mình, thay vì chỉ trông chờ vào BHXH.

Nhiều lao động trẻ có thu nhập khá ở TP.HCM đã lựa chọn một giải pháp khác cho kế hoạch hưu trí của mình -Thanh Tùng
Nhiều lao động trẻ có thu nhập khá ở TP.HCM đã lựa chọn một giải pháp khác cho kế hoạch hưu trí của mình -Thanh Tùng

Chờ bùng nổ?

Chỉ cần 10% người lao động Việt Nam mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện nghĩa là các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ có hơn 2 triệu khách hàng. Nếu tính mức phí bình quân 12 triệu đồng/năm thì quy mô của thị trường bảo hiểm hưu trí tự nguyện tại Việt Nam cũng sẽ tăng lên rất nhiều lần

Cuối năm 2015, Bộ Tài chính chính thức cấp phép cho Bảo Việt nhân thọ triển khai bảo hiểm hưu trí tự nguyện nhóm. Đây là doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cuối cùng (trong nhóm sáu doanh nghiệp bảo hiểm được Bộ Tài chính chấp thuận cho triển khai bảo hiểm hưu trí tự nguyện) đưa sản phẩm ra thị trường.

Bảo hiểm hưu trí tự nguyện đã có mặt trên thị trường gần ba năm, tính từ thời điểm Dai-ichi Life Việt Nam chính thức “trình làng” sản phẩm này. Nếu so với các sản phẩm bảo hiểm khác, bảo hiểm hưu trí tự nguyện chỉ mới chiếm xấp xỉ 2% trên tổng doanh thu phí bảo hiểm của toàn ngành này. Khách hàng của dòng sản phẩm này chiếm phần lớn là khách hàng doanh nghiệp mua cho nhân viên công ty, coi như một phần phúc lợi nhằm giữ chân người tài.

Phan Nguyên - làm việc tại một công ty nước ngoài ở Q.7, TP.HCM - đang được công ty hỗ trợ một phần kinh phí từ quỹ phúc lợi của công ty để anh mua thêm bảo hiểm hưu trí tự nguyện. Hiện tại công ty anh đang có chính sách hỗ trợ tối đa 3%/lương tháng của nhân viên để nhân viên mua thêm bảo hiểm hưu trí tự nguyện.

Cụ thể, nếu Phan Nguyên đóng thêm 3% vào quỹ hưu trí tự nguyện là 300.000 đồng mỗi tháng, công ty sẽ hỗ trợ thêm 300.000 đồng nữa... Một cách làm khiến nhân viên gắn bó lâu dài hơn với công ty.

Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết doanh thu phí bảo hiểm hưu trí tự nguyện năm 2015 đạt khoảng 200 tỉ đồng và có được 20.000 khách hàng. Với tiềm năng từ khoảng 53 triệu người lao động làm việc thuộc mọi lĩnh vực, ngành nghề kinh tế tại gần 8.000 doanh nghiệp lớn, khoảng 16.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ..., có thể nói bảo hiểm hưu trí tự nguyện có cơ hội rất lớn để phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Theo một dự báo, doanh thu khai thác của sản phẩm này có thể lên đến 10% tổng doanh thu khai thác mới của các hãng bảo hiểm nhân thọ. Tuy nhiên, để đạt được con số này cũng phải mất chừng 10 năm nữa.

Dù khó có thể phát triển đột biến như những sản phẩm bảo hiểm khác nhưng bảo hiểm hưu trí trong 5-7 năm tới vẫn được kỳ vọng sẽ mang đến một bước phát triển mới cho ngành bảo hiểm nhân thọ và giảm tải gánh nặng của BHXH. Thực tế nhu cầu lựa chọn bảo hiểm hưu trí tự nguyện không chỉ bắt đầu do nguy cơ vỡ quỹ xã hội và cách chi trả...

“Tốc độ già hóa dân số đang gia tăng ở châu Á là một xu hướng không thể đảo ngược và đặt ra nhiều thách thức cho xã hội ngày nay. Để bảo hiểm an sinh hưu trí cho người cao tuổi cần đòi hỏi các giải pháp công - tư kết hợp. Lĩnh vực bảo hiểm và quản lý tài sản đóng vai trò quan trọng để làm giảm áp lực lên ngân sách của Chính phủ khi dân số đang già hóa” - ông Donald Kanak, chủ tịch Prudential châu Á, cho biết tại một hội thảo về tương lai hưu trí.

Kết quả cuộc khảo sát về hưu trí tại khu vực Đông Nam Á giai đoạn 2 của Prudential và Viện Lão hóa toàn cầu cho thấy tại Việt Nam, người lao động rất quan tâm đến việc làm gì để đối phó với an sinh hưu trí tương lai.

Hiện chỉ có 1/5 số người đang lao động được hỏi ở Việt Nam hi vọng sẽ có thu nhập từ tài sản tài chính khi nghỉ hưu, vì thế các khoản tiết kiệm cá nhân sẽ không thể bù đắp cho số còn lại. Trong khi đó chỉ 10% người Việt Nam được hỏi tin rằng con cái trưởng thành hoặc những thành viên khác trong gia đình là chỗ dựa thu nhập khi họ nghỉ hưu. Với tỉ lệ trên đây, những người hiện đang đi làm sau này khi về hưu sẽ không thể dựa vào gia đình nhiều như những người đã nghỉ hưu.

Cùng với phân khúc khách hàng cá nhân đang muốn tự xây dựng một tương lai hưu trí thật sự an nhàn, các doanh nghiệp với mong muốn giữ chân nhân sự dài lâu cũng đang lựa chọn bảo hiểm hưu trí tự nguyện như một chính sách tưởng thưởng cho nhân viên.

“Chỉ cần 10% người lao động Việt Nam mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện nghĩa là các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ có hơn 2 triệu khách hàng. Nếu tính mức phí bình quân 12 triệu đồng/năm thì quy mô của thị trường bảo hiểm hưu trí tự nguyện tại Việt Nam sẽ tăng lên rất nhiều lần” - đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nhìn nhận.

Kỳ vọng về một tương lai tốt đẹp cho bảo hiểm hưu trí tự nguyện của các doanh nghiệp bảo hiểm không phải không có cơ sở nếu ngày càng có nhiều người hiểu và chủ động lên kế hoạch hưu trí cho mình như Nguyễn Thi hay Lan Ngọc. Tuy nhiên, đó vẫn còn là một tương lai xa trong nửa thập niên nữa hoặc có thể dài hơn bởi những khách hàng có nhận thức tốt về bảo hiểm và biết chủ động kế hoạch hưu trí cho mình vẫn chưa nhiều. ■

 

 
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận