20/08/2016 11:14 GMT+7

Những lời không nên nói

NGUYỄN VĂN CÔNG
NGUYỄN VĂN CÔNG

TTO - Có những điều hay lẽ phải cha mẹ cần nói để giúp con trưởng thành. Nhưng cũng có những câu nói cha mẹ nên kiềm chế, đừng nói ra, bởi dù vô tình hay cố ý đều làm tổn thương trẻ sâu sắc.

Minh họa: NGUYỄN NGỌC THUẦN
Minh họa: NGUYỄN NGỌC THUẦN

Sau đây là một số câu như thế.

1 Giá mà con không có mặt trên đời này thì tốt biết mấy!

Dù bất cứ lý do gì, cha mẹ cũng không nên thốt lên câu này trước mặt con. Nếu vô tình nghe được, trẻ sẽ nghĩ rằng cha mẹ đang ghét bỏ mình, xem mình là gánh nặng của gia đình.

Nhất là với những trẻ nhạy cảm, chúng sẽ giày vò bản thân, luôn sống trong tâm trạng lo âu, thấp thỏm.

Trái tim non nớt, đáng thương của trẻ không thể hiểu lời nói của người lớn có dụng ý gì, trẻ luôn day dứt tự hỏi mình: Có phải cha mẹ đã hối hận vì sinh ra con?...

2 Con tôi cứ có khách là lại giở chứng

Các bậc cha mẹ cần hiểu rất nhiều trẻ mong có khách đến nhà chơi vì sẽ đông người, xua tan không khí tẻ nhạt, buồn chán những ngày thường.

Khi đó trẻ muốn thể hiện bản thân, nhưng không ít bậc cha mẹ lại hiểu nhầm là “trẻ sẽ giở chứng”. Khi nhà có khách, nhất là những khách quen, có trẻ vui vẻ, hào hứng tới mức nhảy nhót, hát hò, la hét khiến cha mẹ bực bội.

Dưới góc độ tâm lý, những đứa trẻ đó thường phải sống trong bầu không khí gia đình đơn điệu, nhàm chán. Mỗi lần có khách đến chơi như một làn gió mới, trẻ có người để thể hiện mình, để được chú ý.

Nên thay vì trách con “giở chứng” lúc nhà đông người, những ngày thường cha mẹ cần khuyến khích con mời bạn đến nhà chơi hoặc gia nhập những nhóm bạn cùng xóm. Nếu cha mẹ chỉ trách mắng, quát tháo, trẻ sẽ càng ương bướng, càng quậy phá nhiều hơn.

Do đó, cha mẹ nên thu hút sự chú ý của trẻ vào các hoạt động khác như tạo cho trẻ một công việc để làm (vào phòng đọc sách, truyện bé yêu thích, xem phim hoạt hình, chơi đồ chơi...).

3 Sao con cứ ngồi bần thần ngơ ngơ ngác ngác như bò đội nón thế?

Trẻ con thường rất thích vận động, không chạy nhảy thì la hét. Nhưng cũng có thời điểm trẻ chỉ thích ngồi một mình yên lặng suy ngẫm. Khi đó, trẻ đang thả hồn mình trong thế giới tưởng tượng.

Lời quở trách vô tâm của người lớn sẽ làm mất đi một giấc mơ đẹp của trẻ, làm mất đi cơ hội tốt để bồi dưỡng năng lực tưởng tượng, sáng tạo ở trẻ.

Những bậc cha mẹ có con hay phiêu lưu trong thế giới thần tiên nên thật sự thấu hiểu và tôn trọng con. Cha mẹ có thể trao đổi thêm với con để chia sẻ, vì cũng có thể do trẻ thường xuyên gặp thất bại ở ngoài đời nên muốn tìm niềm an ủi, động viên trong thế giới tưởng tượng.

4 Giọng nói không ra hơi của con mà cũng đòi làm ca sĩ sao?

Những câu nói kiểu như dáng con xấu thế mà đòi làm người mẫu à? Chân ngắn thế mà đòi làm huấn luyện viên khiêu vũ à?... làm thui chột hoàn toàn nhiệt huyết và mong ước chính đáng của con. Các bậc cha mẹ cần hiểu không có ai hoàn hảo.

Đối với những khiếm khuyết của con thì không nên thổi phồng, càng không nên lấy đó làm trò cười, giễu cợt, châm chọc.

Cha mẹ trong giáo dục con đừng thủ tiêu những ước mơ của chúng bằng những câu làm tổn thương tâm hồn chúng.

Thay vào đó, cần khích lệ trẻ phát huy những mặt mạnh và hạn chế, khắc phục những điểm yếu để hoàn thiện nhân cách của mình.

5 Con nhát như cáy thế, làm được gì chứ!

Vì chưa hiểu hết mọi chuyện xảy ra trong thế giới xung quanh nên cảm giác bất an, sợ hãi là biểu hiện của tâm lý cảnh giác ở trẻ, cha mẹ nên thấu hiểu, thừa nhận và dần giúp trẻ vượt qua tâm lý tiêu cực đó.

Cha mẹ đừng nên máy móc dùng lý lẽ khoa học để áp đặt cho đầu óc và cảm xúc non nớt phải mạnh mẽ, quá sức chịu đựng của trẻ.

Do đó khi nghe trẻ biểu lộ cảm xúc lo lắng, hoảng sợ về điều gì đó rõ ràng hoặc mơ hồ như sợ đi chích ngừa, sợ đến nơi đông người, sợ ma… thay vì tỏ thái độ khinh miệt con kiểu “con nhát như cáy thế, có gì mà sợ!”, cha mẹ nên đặt mình vào vị thế của con, là chỗ dựa tin cậy, hạ giọng an ủi con, tạo cảm giác an toàn cho con vượt qua.

NGUYỄN VĂN CÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên