17/12/2017 07:00 GMT+7

Những lời khen ít có lợi cho con trẻ

NGUYỄN VĂN CÔNG
NGUYỄN VĂN CÔNG

TTO - Khi con gặp thất bại hoặc bị té đau, cha mẹ muốn trấn an con nên đã nói những câu như: "Chẳng sao đâu, ổn mà!", "Chuyện nhỏ!"...

Những lời khen ít có lợi cho con trẻ - Ảnh 1.

Các bậc cha mẹ có thể đã biết những điều không nên nói với con như: "Con chẳng làm gì ra hồn", hoặc "Cha mẹ tốn bao nhiêu tiền nuôi con, con có biết không"… Nhưng có những điều khi nói cha mẹ cứ ngỡ đang khuyến khích con, thực tế lại làm con lo lắng, lúng túng.

Thực tế, không phải mọi lời động viên đều có giá trị. Điều cha mẹ cần cân nhắc là trong trường hợp nào, mức độ hoàn thành của con đến đâu để lựa chọn lời động viên hợp lý mới quan trọng.

Con cứ cố gắng, sẽ có ngày thành công!

Câu nói này nghe qua cứ tưởng sẽ thúc đẩy trẻ quyết tâm hành động để đạt kết quả tốt. Trẻ sẽ nghĩ đơn giản rằng cứ đầu tư làm thật nhiều, thế nào cũng giỏi lên.

Nhưng để thành công trong công việc, đòi hỏi rất nhiều yếu tố như kỹ năng, trí sáng tạo... chứ không phải cứ chăm chỉ, siêng năng là được. Vì thế, khi trẻ đã quyết tâm nhưng kết quả lại không như mong muốn khiến trẻ thấy căng thẳng và bất mãn. 

Câu hỏi cứ xoáy sâu trong đầu trẻ là: "Sao mình đầu tư nhiều thời gian và công sức như thế mà chẳng thành công?".

Trẻ có thể trở nên tự ti và thất vọng vì cho rằng mình có vấn đề gì mới không đạt được kết quả như mong muốn. Hoặc trẻ sẽ nghĩ kết quả đạt được ở mức độ đó là do chưa cố gắng hết sức! Vì thế, nếu cha mẹ muốn khích lệ con, nên dựa vào việc làm cụ thể con đạt được. Chỉ cần nhận thấy con hôm nay tiến bộ hơn hôm qua để chia sẻ với trẻ.

Chuyện nhỏ!

Khi con gặp thất bại hoặc bị té đau, cha mẹ muốn trấn an con nên đã nói những câu như: "Chẳng sao đâu, ổn mà!", "Chuyện nhỏ!"... Thực tế, trẻ muốn cha mẹ đồng cảm hơn với con, cảm nhận được nỗi buồn, nỗi đau trẻ đang cố chịu đựng.

Nhưng trẻ lại thấy thất bại như thế là không ổn tí nào, là thật đáng buồn hay té xuống trầy xước chảy cả máu là đau thật, không thể là chuyện nhỏ được. 

Cha mẹ không nên làm to chuyện nhưng cũng không nên bỏ qua, xem thường cảm giác và cảm xúc của trẻ, như có thể nói là: "Con rất buồn khi môn tiếng Anh chỉ đạt điểm trung bình phải không? Nếu là con mẹ cũng buồn. Mẹ con mình sẽ tìm hiểu xem vì sao con lại đạt kết quả chưa tốt như thế để cùng nhau khắc phục nhé!".

Con thật tuyệt vời!

Một câu khen ngợi chung chung như thế này sẽ khiến trẻ khấp khởi mừng thầm, nhưng vẫn mơ hồ lo lắng là không biết mình thật sự tuyệt vời vì cái gì và tuyệt vời ở mức độ nào. 

Những câu động viên con kiểu "Con của ba giỏi quá!" hay "Con làm thật là tốt!"... cho tất cả những việc trẻ thực hiện còn khiến trẻ nảy sinh tâm lý chỉ làm để nhận lời khen từ cha mẹ chứ không phải hành động để hoàn thiện bản thân. 

Vì thế, để biểu dương, khen ngợi con, cha mẹ cần nói những câu thật chi tiết, chẳng hạn như "Con làm bài toán đó rất xuất sắc, tư duy logic!", hay "Con chơi cầu lông rất tiến bộ, chiến thuật khá, kỹ thuật bài bản!", "Con thật dũng cảm khi đứng ra bảo vệ bạn Hoa, con hãy phát huy nhé!".

Để đó, con không phải làm đâu!

Khi con đang "vật lộn" với việc lau dọn phòng, bàn học hay đơn giản chỉ là việc gấp quần áo, làm cha mẹ bạn có thể buột miệng: "Nếu khó quá, con hãy để đó, con không phải làm đâu, mẹ chỉ làm một nhoáng là xong thôi mà!". 

Cách ứng xử này mới nghe qua tưởng là cách cha mẹ trợ giúp đắc lực cho con. Nhưng thực tế, khi con đang cố gắng giải quyết công việc mà bạn chen ngang như thế sẽ khiến trẻ mất đi hứng thú và nảy sinh tâm lý dựa dẫm, ỷ lại.

Vì thế, đừng vội vàng giải quyết ngay nhiệm vụ của con mà đợi đến khi con cần đến sự giúp sức, cha mẹ mới định hướng, gợi mở để trẻ tự "gỡ" những nút thắt của vấn đề. Tự mình xử lý được công việc, trẻ sẽ tự tin và có hứng thú để tự chủ khi bước vào những công việc tiếp theo.

Hối thúc con

Hầu hết cha mẹ đều có những câu thúc giục con kiểu: "Hãy ăn nhanh lên!", "Con sẽ trễ nếu con còn ngồi đấy, hãy mặc áo quần lẹ lên" hay "Con đi nhanh lên chứ!". Mục đích của những câu hối thúc này là muốn trẻ có hành động nhanh gọn.

Nhưng thực tế, bầu không khí cha mẹ tạo ra càng có vẻ khẩn trương sẽ khiến trẻ càng đủng đỉnh, rề rà vì không biết bắt đầu từ đâu.

Nói những câu như ra lệnh sẽ gây tâm lý ức chế ở trẻ, khiến trẻ thể hiện thái độ và hành vi lề mề, chậm chạp để chống đối. Như thế, hối thúc con chỉ làm cho không khí gia đình căng thẳng hơn mà thôi.

Do đó, để trẻ nhanh nhẹn, hoạt bát hơn, cha mẹ nên "hạ nhiệt" những câu nói của mình, kiểu: "Chúng ta cùng thi đua nhé, xem ai ra ngoài cổng nhanh nhất, phần thưởng sẽ là một ly sinh tố bơ và ngày thứ bảy nhé!" hay "Hai mẹ con ta cùng một đội nhé, mẹ sẽ cố gắng ra khỏi nhà thật nhanh, con giúp mẹ để đội mình chiến thắng nhé!".

NGUYỄN VĂN CÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên