28/02/2015 10:16 GMT+7

Những lời cuối của ông Nemtsov trước khi bị sát hại

CHIÊU VĂN
CHIÊU VĂN

TTO - Boris Nemtsov vừa bị sát hại ở Matxcơva tối 27-2, là một nhân vật gây nhiều tranh cãi trên chính trường Nga. Trước khi bị sát hại, ông đã kêu gọi tuần hành “chống chiến tranh”.

Ông Boris Nemtsov - Ảnh: dreamstime.com

Nemtsov sợ bị giết

Trong tin nhắn cuối cùng trên Twitter trước khi qua đời, ông Nemtsov đã kêu gọi những người đối lập ở Nga đoàn kết lại và tham gia một cuộc tuần hành “chống chiến tranh” mà ông dự kiến tổ chức ngày Chủ nhật, 1-3.

“Tôi sợ rằng Putin sẽ giết tôi”, ông Nemtsov nói. “Tôi tin rằng ông ta là người đã gây ra cuộc chiến ở Ukraine”.

“Nếu các bạn ủng hộ việc chấm dứt cuộc chiến tranh của Nga ở Ukraine, nếu bạn ủng hộ việc Putin ngừng những hành động hiếu chiến, hãy tham gia cuộc tuần hành mùa xuân ở Maryino ngày 1-3”, ông viết.

Vào ngày 10-2, phát biểu với trang web tin tức của Nga Sobesednik, ông đã bày tỏ lo ngại cho tính mạng của mình.

Ngày 28-2, ông Putin đã nhanh chóng lên án vụ sát hại ông Nemtsov. “Tổng thống Nga bày tỏ sự chia buồn sâu sắc với những người thân của Boris Nemtsov, người đã qua đời trong một thảm kịch”, đài truyền hình nhà nước Nga Russia Today dẫn lời một người phát ngôn của ông Putin.

Ông Putin cũng đã ra lệnh cho ba cơ quan thực thi pháp luật phải thành lập một ủy ban nhanh chóng điều tra vụ giết người này, theo Itar-Tass.

Ông Boris Nemtsov, 55 tuổi, nổi lên dưới thời cố tổng thống Boris Yeltsin và là một người chỉ trích gay gắt tổng thống Nga đương nhiệm Vladimir Putin.

Ông Netmsov còn là một nhà khoa học hạt nhân và người vận động vì môi trường. Ông có bốn người con.

Ông đã thành lập nhiều phong trào đối lập khác nhau sau khi rời quốc hội Nga năm 2003 và từng là đồng chủ tịch đảng đối lập Đảng Cộng hòa Nga, được đổi tên thành Đảng Tự do Nhân dân từ năm 2012.

Ông chỉ trích ông Putin là lý do dẫn tới cuộc khủng hoảng Ukraine, tình hình kinh tế khó khăn ở trong nước và cả các cáo buộc tham nhũng liên quan tới quá trình chuẩn bị cho Olympic mùa đông Sochi 2014.

Hiện trường vụ nổ súng - Ảnh: mashable.com

 

Bất đồng với nhiều lãnh đạo đối lập

Ông Nemtsov còn là một lãnh đạo của phong trào tự do Solidarnost.

Cùng với các lãnh đạo đối lập khác, Alexei Navalny và Garry Kasparov, một cựu đại kiện tướng cờ vua, ông Nemtsov có vai trò quan trọng trong những cuộc biểu tình quy mô lớn ở Matxcơva sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2011.

Ông từng bị bắt và giam giữ 15 ngày vào cuối năm 2011 vì tham gia và kích động biểu tình.

Tuy nhiên, ông Netmsov cũng có nhiều bất đồng với chính các lãnh đạo đối lập khác. Năm 2011, đã xuất hiện một đoạn ghi âm trong đó ông gọi những người đối lập khác chỉ là “lũ chuột nhắt hèn nhát”.

Ông Nemtsov từng đắc cử vào quốc hội Nga năm 1990 và ủng hộ Boris Yeltsin khi ông Yeltsin nhận nhiều chỉ trích trong nhiệm kỳ tổng thống vào năm 1991. Sau đó, ông Nemtsov đã được tưởng thưởng với chức thống đốc vùng Nizhny Novgorod.

Nemtsov khi đó là một lãnh đạo chính trị trẻ trung, đầy nhiệt huyết, nói tiếng Anh lưu loát, xử trí với truyền thông rất thông minh. Vùng Nizhny Novgorod dưới quyền ông trở thành một điểm sáng trong việc thu hút đầu tư nước ngoài vào Nga.

Sự nổi lên nhanh chóng của ông đã khiến một số nhà quan sát thời bấy giờ coi Nemtsov là người kế nhiệm tiềm tàng được Yeltsin lựa chọn. Năm 1997, Yeltsin bổ nhiệm ông vào cương vị phó thủ tướng phụ trách cải cách kinh tế, nhưng cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ tháng 8-1998 đã khiến ông mất chức, đồng thời chấm dứt mọi hy vọng ngồi vào ghế tổng thống của ông Nemtsov.

Năm 1999, ông thành lập Liên minh các lực lượng cánh hữu (SPS) cùng với Anatoly Chubais và Yegor Gaidar. Ban đầu, đảng này tương đối thành công với khoảng 10% số phiếu trong cuộc bầu cử tháng 12-1999 và trở thành một nhóm có ảnh hưởng ở quốc hội Nga.

Nhưng trong vài năm sau đó, thái độ chống đối của SPS với tân tổng thống Vladimir Putin đã khiến họ mất dần sự ủng hộ. Trong cuộc bầu cử năm 2003, SPS không đạt đủ 5% số phiếu cần thiết để vào quốc hội. Ông Nemtsov từ chức và chuyển sang kinh doanh dù vẫn tiếp tục theo đuổi sự nghiệp chính trị, khi các nhóm đối lập Nga giờ đã tan rã thành nhiều phe phái khác nhau.

CHIÊU VĂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên