TTCT - Là một trong năm nước sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng, với vùng hạ lưu sông Mekong - một trong ba vùng châu thổ trên thế giới được xếp trong nhóm cực kỳ nguy cơ do BĐKH, VN lại đi sau rất nhiều quốc gia trong việc xây dựng kịch bản ứng phó BĐKH. Phóng to Mưa lớn, lũ lụt chưa từng có trong hơn 100 năm qua ở miền Trung vào năm 2010 - Ảnh tư liệu TTXVN Cho đến nay VN vẫn đang hoàn thiện giai đoạn 1 chương trình quốc gia chống BĐKH (chuẩn bị về thể chế, tổ chức, kế hoạch, cơ chế quản lý, các nguồn lực cần thiết...), đi sau một bước so với các quốc gia tiên tiến. Nước Pháp chẳng hạn, chẳng những đã hoàn thành các mặt về thể chế, kế hoạch hành động mà còn tham gia đầy đủ các tổ chức liên kết khoa học chính trị quốc tế, sẵn sàng với một nguồn lực chuyên gia về chống BĐKH đủ để đáp ứng nhiệm vụ của chương trình. Cuối tháng 7 vừa qua, khi công bố bản kế hoạch quốc gia với 230 biện pháp ban đầu sẽ được áp dụng đến năm 2015, tiêu tốn 170 triệu euro ngân sách về dự báo và hành động thích ứng với BĐKH, Bộ trưởng Sinh thái Pháp Nathalie Kosciusko-Morizet tuyên bố Pháp là nước đầu tiên ở châu Âu công bố chương trình này và quốc hội sẽ thông qua luật chống BĐKH vào cuối năm nay. Những thiếu hụt trong kịch bản ứng phó Một kịch bản riêng cho VN để từ đó xây dựng một chương trình hành động chuẩn xác và đi đúng hướng là khuyến cáo của nhiều chuyên gia quốc tế, bởi những đặc thù khí hậu và BĐKH của nước ta. Đã có không ít hội thảo khoa học bàn về BĐKH nhưng các cuộc gặp gỡ này vẫn ở tầm vĩ mô giữa các nhà hoạch định chiến lược, thiếu những dự án hợp tác cụ thể của các nhà khoa học. Trong mỗi dự án quốc gia hay khu vực về chống BĐKH, việc tham gia của các nhà khoa học đến từ nhiều lĩnh vực sẽ giúp đánh giá toàn diện và thống nhất về vấn đề, nhằm tránh những thiếu sót gây ra những thảm họa phái sinh khi triển khai phương án đã đề ra. Bên cạnh đó, sự thiếu hụt trong trao đổi thông tin giữa giới khoa học và nhà quản lý ở nước ta cũng là một vấn đề cần phải cải thiện. Ở Pháp, công tác hỗ trợ chính sách công của khoa học rất được chú trọng, có thể thấy trong phát biểu của tiến sĩ Philippe Sergent, giám đốc Trung tâm nghiên cứu biển và sông ngòi (Bộ Sinh thái Pháp) trên tờ Figaro: “Sắp tới, dự án GICC của chúng tôi sẽ giới thiệu một công cụ tự động dự báo hỗ trợ cho lãnh đạo địa phương, tùy theo mức độ nguy hiểm của những hiện tượng BĐKH đo đạc được, có thể đưa ra quyết định nhanh chóng trong việc tổ chức sơ tán dân trong trường hợp cần thiết. Nó cho phép chính quyền tái định cư dân chúng, điều tiết giao thông trong trường hợp đường sá đã bị phá hủy do bão...”. Trong yếu tố phát triển bền vững, chúng ta đã tính tới tác động của BĐKH đến các mặt từ kinh tế - xã hội đến môi trường - sinh thái ở cả khu vực nông thôn lẫn đô thị, song không thể không tính đến việc bảo tồn di sản. Ở VN, vấn đề này chưa được quan tâm đúng mức. Ngay cả trong Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó BĐKH, việc khoanh vùng di sản cần được bảo vệ vẫn còn khiếm khuyết. Theo đánh giá của PGS.TS Vũ Văn Tuấn (Viện Khoa học khí tượng thủy văn và môi trường), VN có hơn 4 vạn di tích với mật độ khá dày đặc ở các trung tâm lịch sử - văn hóa. Do tác động của BĐKH, các di sản này có thể bị thay đổi do điều kiện nhiệt độ trong lòng đất thay đổi, do ngập nước. Sự gia tăng mực nước biển và hoạt động của bão ở vùng ven biển cũng gây nguy hiểm cho các di sản nằm dọc bờ biển, ven sông như các di sản ở miền Trung (Sa Huỳnh, Đa Bút, Quỳnh Văn...). Thực tế đang cho thấy tác động của BĐKH tới khu di chỉ khảo cổ học Óc Eo (An Giang) rất đáng lo ngại. Do đó, không thể không tăng cường các hoạt động điều tra, giám sát, phân tích mức nhạy cảm... và tạo ra các vùng bảo vệ mới cho khu vực di sản này trong điều kiện BĐKH. Cần Luật chống BĐKH Theo quan sát, trong kịch bản BĐKH của Bộ Tài nguyên - môi trường, những số liệu đo đạc về mực nước, nhiệt độ, lượng mưa... chúng ta hiện chỉ có từ năm 1960. Trong khi đó trên thế giới, cơ sở dữ liệu đều được đo đạc, tập hợp từ hơn 100 năm, nhờ đó những tính toán mang tính dự báo biến cố thảm họa sẽ có độ tin cậy cao hơn chúng ta rất nhiều. Ngoài ra, trong các tính toán xây dựng công trình nói riêng và BĐKH nói chung ở nước ta, việc ứng dụng các công cụ tính toán xác suất thống kê hiện đại trong các dự báo khoa học có tầm nhìn quy hoạch 10, 20, 50, 100 năm dựa vào các số liệu đo đạc còn yếu, điều này làm giảm khả năng dự báo thảm họa cũng như đánh giá độ tin cậy của các công trình bảo vệ bờ. Do đó, công tác điều tra, quan trắc sự biến đổi nhiệt độ, quy luật vận động của khí quyển và thủy quyển hiện tại ở VN cần áp dụng những thiết bị và công nghệ tiên tiến. Nhờ đó, kịch bản thảm họa với những biến cố ngẫu nhiên trong hiện tượng BĐKH sẽ được khống chế tốt, giảm thiểu những lãng phí và rủi ro đáng tiếc trong thiết kế, thi công và sử dụng công trình. Cuối cùng, khi tiến hành các dự án khoa học, để tránh lãng phí trong đầu tư trùng lặp các nhiệm vụ nghiên cứu, phải chọn ra những khu vực tiêu biểu cho từng vùng miền từ Nam chí Bắc để tính toán, khảo sát kỹ lưỡng. Sau đó cần xuất bản ngay những quy phạm, tiêu chuẩn chống BĐKH và đưa vào Luật chống BĐKH. Từ đó, những hệ thống công trình có quy mô to lớn, xây dựng bền vững lâu dài như tuyến đê biển Bắc - Nam, hệ thống công trình “sống chung với lũ” ở đồng bằng sông Cửu Long cần được hoạch định có căn cứ khoa học về tuyến, về nền móng để những công việc được thực hiện hiện nay còn được tiếp nối thuận lợi cho nhiều thế hệ mai sau. Đối với VN - với tư cách là quốc gia đầu tiên đương đầu với tác động của BĐKH, việc học hỏi kinh nghiệm tư duy và cách tổ chức nghiên cứu của các nước tiên tiến về ứng phó BĐKH để áp dụng vào tình hình thực tế của mình đòi hỏi những nỗ lực rất lớn, trên tinh thần phê bình khoa học nghiêm túc. Dẫu cho “chàng Thủy Tinh” ngày nay có hung hãn hơn xưa nhiều lần, chúng tôi tin rằng với xu thế toàn cầu hóa, hợp tác quốc tế trong nỗ lực chống BĐKH toàn cầu cùng sự quan tâm của Chính phủ và sự đồng thuận của toàn dân, chúng ta sẽ giảm thiểu những mối lo từ thiên nhiên, biến sức mạnh của biển phục vụ cho sự phát triển bền vững của đất nước. “BĐKH đang từng ngày từng giờ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của mỗi người dân VN từ Nam chí Bắc. Nó không chỉ tác động tiêu cực vào quá trình phát triển của đất nước ta trong ngắn hạn, nhất thời mà có thể biến những nỗ lực trong suốt mấy nghìn năm của cha ông ta nhằm tạo ra một mảnh đất mưa gió thuận hòa cho con cháu sinh tồn và phát triển trở thành một khu vực có thể bị nhấn chìm trong thế kỷ tới, nếu không có những giải pháp quyết liệt và kịp thời”. Thông tin về thực trạng BĐKH quốc gia đến người dân là không thể xem nhẹ và có nhiều hình thức phong phú cho nó. Ví dụ lắp đặt các hệ thống cập nhật tình hình BĐKH toàn quốc (tình hình lũ lụt trên các sông, lượng sóng tràn qua đê biển phòng hộ cũng như mức độ khô hạn của khu vực rừng quốc gia) ở những thành phố lớn, thêm chuyên mục BĐKH vào các chương trình dự báo thời tiết trên các báo, đài... __________ (*) Hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia (CNRS) Cộng hòa Pháp, thành viên nghiên cứu dự án quốc gia “Quản lý sự tác động của biến đổi khí hậu” (GICC) của Pháp. “Ma trận" các dự án biến đổi khí hậu? Trong năm năm tới (đến 2015), các cơ quan chức năng TP.HCM đề xuất sẽ chi cho các chương trình, dự án ứng phó BĐKH gần 26.000 tỉ đồng từ nhiều nguồn khác nhau. Theo phân bổ đề xuất, trong “cục tiền” này các chương trình, dự án đầu tư xây dựng công trình ứng phó BĐKH sẽ nhận khoảng 25.656 tỉ đồng (chiếm 99%). Số còn lại phân bổ cho nghiên cứu khoa học để đề xuất giải pháp ứng phó BĐKH (chiếm 0,6%, khoảng 152 tỉ đồng); xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách (0,4%, khoảng 100 tỉ đồng). Tờ trình của Ban chỉ đạo kế hoạch hành động ứng phó BĐKH TP.HCM cho biết đã có 16 nhiệm vụ, chương trình, dự án được phê duyệt chủ trương, bố trí vốn với tổng kinh phí 10.593 tỉ đồng (chiếm 41% tổng nguồn kinh phí được đề xuất). Hơn 15.000 tỉ đồng còn lại, sau khi được UBND TP phê duyệt danh mục nhiệm vụ, chương trình, dự án… sẽ được xem xét, bố trí nguồn vốn theo cơ chế tài chính của chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó BĐKH, trong đó xác định nguồn vốn thu hút từ nước ngoài chiếm một nửa, ngân sách trung ương và địa phương sẽ lo khoảng 40%. Bản dự thảo kế hoạch này nêu “mục tiêu chiến lược” là xác định và tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp thích nghi, ứng phó tích cực với BĐKH cho một giai đoạn được xem là trung hạn (năm năm). Theo đó, sẽ có một số dự án ưu tiên cho các lĩnh vực dễ bị tổn thương và đã có cơ sở nghiên cứu khoa học, đảm bảo giải quyết các vấn đề bức xúc của TP trong bối cảnh BĐKH như hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu mạng lưới thoát nước trên nền số hóa với 20 tỉ đồng; lắp đặt mạng lưới quan trắc và cảnh báo ngập lụt cho toàn TP với kinh phí 60 tỉ đồng; xây dựng tuyến đê bao ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến sông Kinh hơn 8.300 tỉ đồng.... Khi tập hợp danh mục các dự án mà các cơ quan liên quan đưa lên, Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM đã phải đề nghị nhập nhiều dự án thành một vì có tính trùng lặp, chẳng hạn bốn dự án trong lĩnh vực đô thị, tám dự án trong lĩnh vực tuyên truyền, nâng cao năng lực, tám dự án trong lĩnh vực nông nghiệp. Riêng Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM đề xuất 12 dự án liên quan đến ứng phó BĐKH gồm chín dự án về quản lý, ba dự án về kỹ thuật (riêng dự án thứ ba có kinh phí hơn 5.000 tỉ đồng chia thành 15 dự án “con” thuộc quy hoạch thủy lợi chống ngập úng cho TP.HCM). Sở Kế hoạch - đầu tư TP cũng đã phải lưu ý các bên về việc kinh phí cho các nhiệm vụ, dự án của TP vượt gấp nhiều lần so với tổng kinh phí của mục tiêu quốc gia ứng phó BĐKH (gần 2.000 tỉ đồng) đã được Thủ tướng phê duyệt. __________ Không có “phòng vệ tự nhiên”, nước Mỹ còn mất mát nhiều hơn” - bà Shana L. Udvandy, chuyên gia về quản trị lũ lụt ở Mỹ, trao đổi với TTCT trong chuyến đi đến Việt Nam cuối tháng 8 vừa qua. Phóng to Cơn bão kết hợp mực nước dâng cao do biến đổi khí hậu tấn công bờ biển Gold Coast, bang Queensland (Úc) năm 2008 - Ảnh: CSIRO Flagship * Câu chuyện “phòng vệ tự nhiên” ở nước Mỹ diễn ra như thế nào, thưa bà? - Nước Mỹ có khoảng 16% dân số sống dọc các con sông. Chúng tôi dự tính năm 2090 sẽ có 40-45% dân số Mỹ bị tác động bởi vùng ngập lũ này - vốn đã, đang và sẽ được hình thành từ biến đổi khí hậu. Nước Mỹ coi trọng việc duy trì phương pháp tiếp cận truyền thống trong quản trị lũ lụt mà chúng tôi gọi là “phòng vệ tự nhiên”. Đây là cách quản trị lũ lụt bằng cách bảo vệ vùng ngập nước, hệ sinh thái ở các khu vực đó để nó phát triển bình thường. Chúng tôi đề cao sự thích nghi, giống cách mà VN gọi là “sống chung với lũ”, hàm ý sự thích nghi với lũ lụt, biến đổi khí hậu. Các phương pháp truyền thống ở đây bao gồm “hạ tầng xanh” như dùng thảm thực vật để bảo vệ đất và hệ sinh thái, duy trì những dòng sông uốn khúc tự nhiên, vùng đồng bằng ngập lũ, đầm lầy... vì những khu vực này góp phần làm chậm lại một cách tự nhiên tốc độ của dòng chảy, làm tăng sự thẩm thấu và chứa nước. * Việc áp dụng quan điểm ấy mang lại những thành quả gì ở nước Mỹ? - Mùa hè trước, chúng tôi gặp một trận lũ nghiêm trọng mà 500 năm qua nước Mỹ chưa từng thấy trên sông Mississippi. Chúng tôi khảo sát những trận vỡ đê để nhìn nhận điểm yếu, đẩy hệ thống đê ra xa bờ sông hơn, mở rộng vùng ngập lũ để có nhiều chỗ cho nước tràn ra. Lưu vực sông Mississippi chịu tác hại rất nặng trong đợt lũ đó vì bản thân dòng chảy của sông vốn uốn khúc tự nhiên, nhưng người ta đã xây dựng rất nhiều đập ngang và dọc sông, nắn thẳng dòng sông ở nhiều nơi, vì vậy khi lũ lụt xảy ra, nước chảy thẳng xuống với cường độ rất lớn và lúc ấy các con đập không thể kiểm soát được dòng chảy. Khi tiếp tục chứng kiến những tổn thất ngày càng lớn do lũ gây ra và môi trường xuống cấp, chúng tôi thấy rõ hai vấn đề: Thứ nhất, vùng đồng bằng ngập lũ không thể xem đơn giản chỉ là một kênh dẫn nước khỏi nơi người dân sinh sống. Thứ hai, các chính sách và biện pháp giảm thiệt hại do lũ lụt gây ra phải xem xét đến những tác động của việc “sống trên vùng đất mượn” - một tập quán đang gây hại cho những dòng sông, vùng đồng bằng ngập lũ, đầm lầy, duyên hải... những khu vực đóng vai trò quan trọng trong việc giảm tác động của lũ. Một mẫu đất đầm lầy, sâu khoảng 1 foot (0,3048m), sẽ chứa được 330.000 galông (1 galông = 3,78 lít) nước - tác dụng như một miếng bọt biển thấm hút. Đầm lầy ở vùng lục địa Mỹ giúp tiết kiệm hơn 30 tỉ USD chi phí khắc phục thiệt hại do lũ lụt gây ra hằng năm. Vùng đầm lầy ở sông Mississippi từng chứa ít nhất 60 ngày nước lũ, nhưng việc lấp đất, rút nước và xây đê đã giảm đến 80% khả năng đó. Người ta ước tính rằng chỉ cần phục hồi vùng chứa nước lũ có tuổi thọ 100 năm của lưu vực thượng nguồn sông Mississippi có thể giúp chứa 39 triệu mẫu nước lũ, tiết kiệm hơn 16 tỉ USD chi phí khắc phục thiệt hại do lũ gây ra. Một báo cáo gần đây của Ủy hội sông Mississippi cho biết dự án sông và phụ lưu Mississippi đã ngăn chặn được những thiệt hại trị giá 110 tỉ USD bằng những phương pháp tương tự. Nghiên cứu do Earth Economics tiến hành trước đó cho biết đồng bằng sông Mississippi cung cấp ít nhất 12-47 tỉ USD lợi nhuận cho người dân mỗi năm qua ít nhất 11 lợi ích như phòng chống bão, cung cấp nước, ổn định khí hậu, thực phẩm, môi trường sống... Nếu nguồn vốn tự nhiên này được xem như một tài sản kinh tế thì giá trị tài sản tối thiểu của vùng đồng bằng này là từ 330 tỉ USD đến 1,3 nghìn tỉ USD. Chúng ta biết rằng giống như hầu hết mọi thứ trong cuộc sống, quan tâm đến những gì chúng ta đang có thì rẻ và hiệu quả hơn so với việc sửa chữa hoặc thay thế nó. Phóng to Bà Shana L. Udvandy - Ảnh: Cầm Phan * Trong quá trình áp dụng các nguyên tắc ấy, những xung đột lợi ích có thể xảy ra dưới hình thức nào, chẳng hạn các chủ đất có thể không muốn tham gia? - Tôi sẽ kể chị nghe chuyện thu hồi đất nông nghiệp ở Iowa. Năm 1993, khi con đê quận 8 (cách ngã ba sông Mississippi 4 dặm về phía thượng nguồn) bị vỡ lần thứ 17 kể từ khi được xây dựng, liên bang đưa ra một chương trình mua lại đất của nông dân. Vì việc đưa vùng đất này trở lại phục vụ sản xuất nông nghiệp có thể tiêu tốn gần 3 triệu USD để dọn dẹp, sửa chữa đê điều và các chi phí khắc phục khác ngoài chi phí bảo hiểm thiên tai và mùa màng. Ban đầu những người chủ đất không chấp thuận lời đề nghị bồi thường 863 USD/mẫu Anh, nhưng cuối cùng 11 trong tổng số 13 chủ đất đã đồng ý khi Cơ quan Kiểm soát cá và động vật hoang dã Hoa Kỳ (USFWS) thuyết phục về lợi ích “phòng vệ tự nhiên”, đồng thời nâng mức giá bồi thường. Với ngân sách từ Chương trình bảo tồn đầm lầy khẩn cấp (EWRP) của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, USFWS mua lại khu đất đó với giá 2 triệu USD. Việc này không chỉ tạo ra khu cư trú động vật hoang dã Horseshoe Bend rộng 2.500 mẫu Anh - một phần của khu bảo tồn động vật hoang dã quốc gia Port Louisa - sau đó mà còn giúp tiết kiệm cho chính phủ liên bang 1 triệu USD chi phí khắc phục và bồi thường. Việc này đã giúp kết nối lại vùng đồng bằng ngập lũ với dòng sông. Ngày nay, nước lũ tự tràn qua bờ sông và chảy vào vùng đồng bằng này, tạo ra vùng ngập nước lý tưởng cho động vật hoang dã sinh sống. * Bà đã đi thăm đồng bằng sông Cửu Long. Theo bà, chúng tôi có thể xây dựng một quy trình ứng phó biến đổi khí hậu, nhất là lũ lụt ra sao ở đó? - Một quy trình tốt phải minh bạch, tất cả báo cáo của các bên tham gia xây dựng quy trình (nhà khoa học, chính quyền, người dân...) đều có thể truy cập được trên mạng và các dữ liệu phải được đánh giá kỹ. Điều này rất quan trọng nhằm bảo đảm sự kiểm soát và cân đối quyền lực lẫn nhau để không quá đề cao lợi ích hay đánh giá thấp những rủi ro. Quy trình này nhất thiết phải có sự tham gia tích cực của công chúng và trách nhiệm đối với công chúng (các cuộc gặp gỡ với công chúng và các ý kiến đóng góp của công chúng), thông báo và giáo dục về nguy cơ lũ lụt cho mọi thành viên trong cộng đồng. Kế đó phải nghiên cứu thủy học toàn diện lưu vực sông, bao gồm đánh giá tác động tích lũy của các dự án xây dựng và của tất cả con đập, kể cả các con đập trên phụ lưu; công khai thời gian thực hiện và những mốc chính. Tôi cũng cho rằng cần thông báo các chi phí về thiệt hại do lũ lụt gây ra, cung cấp đánh giá về những lợi ích tự nhiên, chia sẻ các lựa chọn và phương pháp thay thế để bổ sung cho những cách giải quyết truyền thống. Tháng 2-2011, Chính phủ Mỹ đưa ra một báo cáo nhấn mạnh sự cần thiết bảo vệ và phục hồi các dòng sông trong cả nước. Năm 2011, những tháo gỡ lớn chưa từng có sẽ được thực hiện trên nhiều dòng sông, khiến năm này trở thành “năm của sông”. Chẳng hạn, con đập thủy điện Glines Canyon cao 210 feet trên sông Elwha (Washington) sẽ bị tháo dỡ vào mùa thu này - một kế hoạch trị giá 324,7 triệu USD và phải mất ba năm mới hoàn tất - để con sông Elwha, dài 45 dặm (khoảng 72km) cuối cùng lại được tự do tuôn chảy sau hơn 100 năm. __________ Liên minh châu Âu ngày nay với 27 quốc gia thành viên, có 170.000km bờ biển trải dài tiếp giáp Đại Tây Dương, biển Bắc và Địa Trung Hải đã sớm ý thức được tầm quan trọng của tác động BĐKH đến lục địa này. Phóng to Một hồ chứa đang cạn nước dần trong đợt hạn hán cao điểm ở Ưng Đàm, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc - Ảnh: Reuters Tập hợp trí tuệ Trong đó, Cộng hòa Pháp với hơn một nửa biên giới giáp biển và đại dương, đã và đang là những nước chịu tác động của BĐKH nhiều nhất châu Âu. Vì thế ngân sách cho đầu tư nghiên cứu và đào tạo vào lĩnh vực nghiên cứu BĐKH đang tăng lên. Đổi lại là những kết quả rất khả quan khi các công trình nghiên cứu có giá trị, các giáo sư và kỹ sư hàng đầu trong lĩnh vực công trình biển của thế giới tập trung ở các quốc gia này. Từ năm 1998, dưới sự hỗ trợ về tài chính của Cộng đồng châu Âu, dự án hợp tác đầu tiên của châu Âu trong lĩnh vực BĐKH với tên gọi “Đề án môi trường cho công trình ngầm bảo vệ bờ biển” với sự tham gia của 18 thành viên từ bảy quốc gia ra đời, với tham vọng đặt những nền móng đầu tiên cho việc nghiên cứu những tác động của khí hậu đại dương đến môi trường biển xa và ven bờ trên các mặt hải dương học, sinh thái học, kinh tế và địa chính trị. Trong suốt năm năm nghiên cứu từ 18 phòng thí nghiệm trên khắp châu Âu và sáu vị trí đê biển được khảo sát trải dài từ Anh qua Đan Mạch đến Ý, các nhà khoa học đã cung cấp những số liệu, tiêu chuẩn tính toán thiết kế công trình đê kè bảo vệ bờ biển, bến cảng, mang đến cho các nhà kinh tế, chính trị học một tầm nhìn bao quát trong định hướng phát triển bền vững hài hòa nền kinh tế biển của quốc gia. Coi trọng nghiên cứu Cuối năm 2009, một ngân sách 6.530.000 euro đã được Ủy ban châu Âu cấp cho một dự án bốn năm với tên gọi “Công nghệ tiên tiến vì một bờ biển châu Âu an toàn hơn trước hiện tượng BĐKH” đã huy động mọi nguồn lực từ 31 viện nghiên cứu. Dự án này có ba mục tiêu rất thiết thực: đánh giá mức độ nguy hiểm của BĐKH, chiến lược ứng phó với thảm họa và xây dựng bộ tiêu chuẩn, công cụ giải quyết thảm họa. Tại Pháp, tám bộ và ủy ban thuộc chính phủ cùng hơn 20 viện nghiên cứu và trung tâm khoa học lớn nhất nước đã làm việc cùng nhau từ năm 2008 trong một dự án nghiên cứu khoa học cấp quốc gia về “Quản lý sự tác động của hiện tượng BĐKH” (GICC), tập trung giải quyết những vấn đề cụ thể của nước Pháp do BĐKH. Tầm nhìn của Pháp trong vấn đề này là huy động những kiến thức khoa học làm nền tảng cho những tiến bộ vững chắc trong các mối liên hệ đa ngành và liên chính phủ. Phục vụ mục tiêu này là tổ chức một ban chỉ đạo cùng với hội đồng các nhà khoa học uy tín căn cứ vào những kết quả khảo sát, đề xuất các chủ đề nghiên cứu cho từng mục tiêu ngắn hạn là 1 năm, trung hạn là 3-5 năm. Tất nhiên, các nghiên cứu về BĐKH được tiến hành ở châu Âu cũng được cập nhật. Các dự án nghiên cứu khoa học về BĐKH không thể thiếu việc quảng bá dự án, công bố các công trình nghiên cứu, tổ chức hội thảo khoa học và cuối cùng là phổ biến kiến thức đến từng người dân. Đây là khâu mà tại VN hiện nay chưa có sự quan tâm đúng mức. Do vậy, giới nghiên cứu và bạn bè quốc tế không có điều kiện theo dõi chúng ta đã và đang làm được những gì để hỗ trợ, không thể huy động hết sức dân ủng hộ cho việc nghiên cứu ứng phó BĐKH, khiến việc làm khoa học chỉ là công việc của một số chuyên gia và sự xa rời yêu cầu thực tiễn là một điều không phải không xảy ra. Quan trọng nhất là đề xuất chiến lược ứng phó với thảm họa tại mỗi vùng chịu tác động, với sự chịu trách nhiệm và tính khách quan rất cao của các nhà khoa học, với độ tin cậy cao. Vì đây sẽ là nền tảng để những nhà hoạch định chính sách quyết định lĩnh vực và vùng chịu thảm họa nào cần được ưu tiên đầu tư. Như vậy mới tiết kiệm kinh phí mà mang lại hiệu quả cao, tránh hiện tượng lợi dụng BĐKH mà làm phức tạp hóa các quy hoạch để trục lợi. Tags: Tái định cưBiến đổi khí hậuSông MekongKịch bản ứng phó
Donald Trump - Tập Cận Bình: Quan hệ cá nhân, quan hệ siêu cường NGUYỄN THÀNH TRUNG 23/12/2024 1666 từ
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Xuất khẩu kỷ lục vượt 400 tỉ USD, nhiều ngành chủ lực tăng trưởng hai con số NGỌC AN 23/12/2024 Thông tin được Bộ Công Thương đưa ra khi tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 vào chiều 23-12.
Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão CHÍ TUỆ 23/12/2024 Trưa nay áp thấp nhiệt đới ở trên vùng biển tây bắc quần đảo Trường Sa đã mạnh lên thành bão Pabuk (bão số 10).
Thưởng tối đa 5 triệu cho người báo tin vi phạm giao thông có tạo được 'tai mắt' để giám sát? NHẤT NGỌC HẠNH 23/12/2024 Thưởng tiền cho người báo tin vi phạm giao thông sẽ khuyến khích người dân tham gia giám sát, tuy nhiên cũng cần phạt những ai tố cáo sai.
Đàm Vĩnh Hưng rút đơn kiện tỉ phú Gerard Williams vì sợ công khai hồ sơ thuế? HOÀI PHƯƠNG 23/12/2024 Trong đơn kiện ngược, luật sư của ông Gerard Williams đưa ra bằng chứng Đàm Vĩnh Hưng vẫn nhảy múa vui vẻ sau tai nạn, chứ "không tàn phế".