05/04/2017 15:13 GMT+7

Những liệt sĩ thời bình - Kỳ 3: Đợi chờ 28 năm

YẾN TRINH
YẾN TRINH

TTO - Ngày 12-3-1983, khi giải quyết một vụ gây rối trật tự, hai cảnh sát khu vực của P.Thanh Bình (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) đã bị đối tượng bắn chết.

Bà Nguyễn Thị Lanh, mẹ của liệt sĩ Trần Văn Khanh, nâng niu tấm ảnh con mình - Ảnh: Đức Trong
Bà Nguyễn Thị Lanh, mẹ của liệt sĩ Trần Văn Khanh, nâng niu tấm ảnh con mình - Ảnh: Đức Trong
Lúc treo tấm bằng liệt sĩ lên bàn thờ anh Tư sau 28 năm đợi chờ ròng rã, cả nhà ai cũng rơi nước mắt. Mẹ cứ đứng nhìn bàn thờ khóc hoài. Tới giờ mỗi khi thắp nhang, mẹ vẫn cứ khóc...
Anh TRẦN VĂN RI

Sự hi sinh khi làm nhiệm vụ của liệt sĩ Lê Văn Bi và Trần Văn Khanh đã là niềm đau vô hạn, nhưng người nhà của họ phải chờ 28 năm để có thể đặt lên bàn thờ chồng mình, con mình tấm bằng Tổ quốc ghi công. 

Đó không phải là điều dễ dàng và người đã trực tiếp lật lại hồ sơ để đề xuất công nhận liệt sĩ là bà Nguyễn Thị Thanh Vân (nguyên phó phòng tổ chức cán bộ Công an tỉnh Đồng Nai).

Bi kịch trong căn nhà cháy

Nhiều năm tháng đã trôi qua, hiện đã về hưu nhưng bà Vân vẫn còn giữ hồ sơ tài liệu về trường hợp hi sinh của liệt sĩ Bi và Khanh. Hồ sơ ghi khá ngắn ngọn, nhưng những diễn giải của người kể chuyện thì đầy cảm xúc.

8h15 tối 12-3-1983, trưởng Công an P.Thanh Bình phân công Bi và Khanh đi giải quyết vụ gây rối trật tự tại nhà khách UBND TP Biên Hòa do ông Nguyễn Thành Hiếu phụ trách.

Nhận được lệnh, hai anh lập tức lên đường. Khanh đứng ngoài cửa, Bi bước vào trong. Lúc này giữa ông Hiếu và Võ Văn Hưởng - con riêng của vợ ông Hiếu - đang cãi vã xô xát.

Khi anh Bi khuyên nhủ, Hưởng bất ngờ chạy lên lầu. Không ai có thể ngờ sau đó Hưởng cầm súng chạy ào xuống cầu thang bắn gục anh Bi.

Khi nghe súng nổ, Khanh liền chạy vào cũng bị Hưởng bắn bị thương nặng. Rồi Hưởng khóa hết cửa cố thủ trong nhà, còn vợ chồng ông Hiếu đã ra ngoài bằng cửa sau. Các lực lượng công an bao vây, kêu gọi Hưởng đầu hàng nhưng Hưởng ngoan cố chống trả.

Khi các lực lượng dùng lựu đạn cay và kéo sập được cửa sắt thì Hưởng đã đốt nhà rồi tự sát. Đến 5h sáng 13-3-1983, các lực lượng mới lấy được thi thể của anh Bi và anh Khanh trong tình trạng chết cháy. 

Thời điểm này, bà Vân đang công tác ở Công an TP Biên Hòa, bà cảm thấy vô cùng đau xót cho sự hi sinh của hai chiến sĩ trẻ.

Khi đó anh Bi 24 tuổi, còn anh Khanh vừa tròn 20. Sau đó, Công an TP Biên Hòa đã phát động phong trào lên án hành vi manh động của Võ Văn Hưởng, và nêu gương hai người chiến sĩ đã hết mình vì nhiệm vụ.

Công an tỉnh Đồng Nai đã lập các thủ tục gửi Sở Thương binh - xã hội (nay là Sở Lao động - thương binh và xã hội) xem xét để gửi Bộ Lao động - thương binh và xã hội công nhận liệt sĩ cho anh Khanh và anh Bi.

Gia đình hai liệt sĩ cũng nhiều lần làm đơn đề nghị được xem xét công nhận liệt sĩ cho chồng và con mình. Tuy nhiên hồ sơ không được giải quyết. 

Xứng đáng công nhận liệt sĩ

Trong công văn của Công an tỉnh Đồng Nai gửi Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân và Cục Bảo hiểm xã hội (Bộ Công an) ngày 29-9-2010 đề nghị xem xét công nhận liệt sĩ cho anh Bi và anh Khanh, có đoạn nêu lý do vì sao hai trường hợp này không được công nhận liệt sĩ.

“Nguyên nhân là do báo cáo kết quả điều tra vụ án đó, ban chuyên án có nhận xét một câu: hai chiến sĩ Bi và Khanh chấp hành mệnh lệnh của cấp trên, kịp thời đến nơi xảy ra sự việc nhưng ý thức cảnh giác không cao, không phát hiện được hành động manh động của tên Hưởng. Vô ý để tên Hưởng lên gác lấy súng, không kịp đối phó”. 

Để có được công văn gửi đi này, năm 2008 khi được bổ nhiệm phó phòng tổ chức cán bộ (phụ trách chính sách) Công an tỉnh Đồng Nai, sau khi xem lại những hồ sơ tồn đọng, bà Vân đã chú ý đến hồ sơ của anh Bi và anh Khanh.

Bà nói: “Qua hồ sơ, tôi nhận thấy khi mất hai anh là hạ sĩ quan mới vào ngành, hết lòng vì nhiệm vụ được giao, xứng đáng được công nhận liệt sĩ. Nhưng có thể chưa có sự thống nhất giữa các ban, ngành nên hồ sơ không được giải quyết”. 

Về phía hai gia đình, khi ra đi anh Bi để lại vợ và con nhỏ, anh Khanh chưa vợ con và cha mẹ đã già.

“Cả hai gia đình đều có hoàn cảnh khó khăn, đều mong chồng và con trai mình được công nhận liệt sĩ. Thời điểm đó phía cơ quan chỉ có chế độ thăm hỏi, trao quà hằng năm nên cũng là thiệt thòi cho hai anh” - bà Vân nhớ lại.

Bà kể nhớ nhất là câu nói của cha liệt sĩ Khanh, rằng ông sợ khi chết đi con mình vẫn chưa được công nhận liệt sĩ. Có lẽ chính câu nói này càng thôi thúc bà phải cố gắng hết mình để hoàn tất hồ sơ cho hai liệt sĩ.

Vậy là bà Vân viết lại báo cáo gửi ban giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, rồi trực tiếp làm việc với giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội. Đồng thời sự việc được báo cáo lên UBND tỉnh để có sự đồng thuận.

Bà nhớ lại: “Phải mất 3-4 lần viết đi viết lại báo cáo cho chuẩn xác, cuối cùng tỉnh có văn bản đề nghị Cục Chính sách (Bộ Công an) xem xét”.

Tranh thủ những lần cán bộ của cục vào Đồng Nai công tác, bà trình hồ sơ của hai chiến sĩ. Cục đã cầm hồ sơ trực tiếp làm việc với Sở Lao động - thương binh và xã hội của tỉnh. Cách làm này đã có những tác động thiết thực, để rồi cuối tháng 7-2011 hai anh đã được công nhận liệt sĩ. 

Bà Vân vẫn còn nhớ rõ ngày bà cùng những cán bộ khác đến trao bằng Tổ quốc ghi công cho hai gia đình.

“Tôi hiểu nỗi buồn và sự mất mát của hai gia đình ấy. Sự công nhận liệt sĩ là một vinh dự, làm ấm lòng những người đang sống. Qua đó, mong rằng giữa các ngành khi giải quyết vụ việc nên có sự gặp gỡ, trao đổi để tháo gỡ vướng mắc” - bà Vân chia sẻ.

Thấy ngôi nhà của liệt sĩ Trần Văn Khanh đã xiêu vẹo, bà Vân cùng mọi người trong đơn vị đóng góp được 20 triệu đồng phụ gia đình sửa lại căn nhà. Bà nói đó là những việc cần phải làm cho những con người xứng đáng.

Năm tháng quá dài

Đời người ngắn ngủi nhưng những gì cha mẹ của liệt sĩ Khanh - ông Trần Văn Ưa (92 tuổi) và bà Nguyễn Thị Lanh (85 tuổi) trải qua trong 28 năm với nỗi khắc khoải về sự hi sinh của con mình lại quá dài.

Chúng tôi tìm đến nhà ông bà ở ven con lộ thuộc thị xã Tân Uyên, Bình Dương. Ngôi nhà ba gian cũ kỹ thi thoảng lại vang tiếng ho ngắt quãng của ông. Bà vừa lấy khăn lau mặt cho ông, vừa kể ông ngày càng yếu. 

Ngày biết tin con mình không còn trên cõi đời nữa, bà Nguyễn Thị Lanh đau nỗi đau của một người mẹ nghèo khó, chỉ biết lờ mờ là con mình hi sinh khi làm nhiệm vụ. Ông bà cũng mong con mình được công nhận liệt sĩ, để sự hi sinh của con được an ủi phần nào.

Rồi thời gian trôi qua, không ai nghe tin tức gì về việc công nhận này nữa. Anh Trần Văn Ri, em út của liệt sĩ Khanh, cho biết vào lúc cả gia đình không còn hi vọng gì thì anh Khanh được công nhận liệt sĩ.

Anh Ri buồn buồn: “Lúc treo tấm bằng liệt sĩ lên bàn thờ anh Tư sau 28 năm đợi chờ ròng rã, cả nhà ai cũng rơi nước mắt. Mẹ cứ đứng nhìn bàn thờ khóc hoài. Tới giờ mỗi khi thắp nhang, mẹ vẫn cứ khóc...

Thắp nén nhang cho con trai, ngước đôi mắt mờ đục nhìn di ảnh con, bà lại nhớ về những ngày cũ. Trong ảnh, liệt sĩ Khanh là chàng trai tuổi đôi mươi với vẻ thanh tú, nét mặt cương nghị. Ông bà có bảy người con, liệt sĩ Khanh là con thứ tư nên bà hay gọi là thằng Tư.

“Ông nhà trước giờ chỉ rặt một nghề đánh xe bò chở hàng. Tui ở nhà làm ruộng. Trong nhà có thằng Tư là học hết lớp 12 rồi đi làm công an”. Nếu Khanh không hi sinh, năm nay anh đã 53 tuổi, đã có một mái ấm của riêng mình.  

___________________________

Kỳ tới: Đổ máu cho quê hương

Xem các kỳ trước

>> Kỳ 1: 

>> Kỳ 2: 

YẾN TRINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên