10/04/2015 11:44 GMT+7

​Những lát cắt lịch sử kiến trúc Sài Gòn

QUANG THI
QUANG THI

TT - Chọn lịch sử kiến trúc Sài Gòn để bảo vệ luận án tiến sĩ Trường Royal Melbourne Institute of Technology (Úc), hai kiến trúc sư quốc tịch Mỹ là Trần Hoành và Archie Pizzini đã tiếp cận kiến trúc Sài Gòn với những điều lý thú từ thời Gia Long đến nay.

Hai kiến trúc sư Archie Pizzini (trái) và Trần Hoành sắp đặt tác phẩm của mình tại galerie Quỳnh, TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng 
Sự pha trộn kiến trúc Việt, Pháp, Mỹ, Hoa khiến kiến trúc Sài Gòn đa màu sắc. Nếu chúng ta xóa bỏ đi thì kiến trúc thành phố cũng như bị xóa đi lịch sử của nó. Một thành phố không thể gọi là hấp dẫn nếu nó bị xóa đi lịch sử của chính mình
Kiến trúc sư Trần Hoành

Hội đồng khoa học của Royal Melbourne Institute of Technology đến VN để nghe thuyết trình về luận án tại galerie Quỳnh (151/3 Đồng Khởi, Q.1, TP.HCM) vào sáng nay 10-4. Triển lãm Hiện trạng - khai mạc lúc 18g cùng ngày và kéo dài đến ngày 2-5 tại galerie Quỳnh - là một phần của luận án tiến sĩ mà Trần Hoành và Archie Pizzini bảo vệ.

Triển lãm sẽ trưng bày những bức ảnh, thuyết trình về kiến trúc đời thường Sài Gòn của Archie Pizzini. Phần tác phẩm sắp đặt của hai kiến trúc sư là về đặc trưng kiến trúc Sài Gòn.

Một thành phố giàu sức sống

Archie Pizzini học kiến trúc và mỹ thuật tại ĐH Rice (Houston, Mỹ). Sau đó anh lấy bằng thạc sĩ kiến trúc Trường ĐH Houston. Archie Pizzini đến làm việc tại TP.HCM từ năm 2005 đến nay. Qua những thời kỳ khác nhau, Archie cho rằng kiến trúc Sài Gòn là sự tổng hòa của ít nhất bốn màu sắc văn hóa Việt, Pháp, Mỹ, Hoa.

Anh ngạc nhiên với sự biến đổi: “Những giàn mắt cáo của sân thượng được phủ bằng các tấm bạt, xong chuyển thành mái che, và khi các sân thượng này biến thành những căn hộ hẳn hòi thì lại mọc lên những sân thượng mới trên nóc của nó. Các bancông trở thành nhà vệ sinh, phòng ngủ hoặc thành không gian sinh hoạt gia đình... Trong một số trường hợp, ngay cả không gian kỳ dị của lòng cầu thang cũng bị chiếm hữu để sinh sống. Tất cả không gian được tạo ra như thế quá xa sự thật đến nỗi tôi không tưởng tượng được có nhà thiết kế nào có khả năng nghĩ ra được”.

Một kiến trúc sư chính quy như Archie Pizzini cũng không xem mặt tiền các con phố ở Sài Gòn được tận dụng cho các nhu cầu buôn bán, sinh hoạt là hỗn loạn, xô bồ.

Trái lại, anh xem đó là sự sáng tạo và giàu sức sống: “Quang cảnh đường phố tràn ngập những sự kề cạnh nhau một cách không tiên đoán được làm tôi nhớ đến trò chơi của các họa sĩ siêu thực khi họ làm việc trong bóng tối và đưa kết quả ra ánh sáng. Thành phố này có vẻ như là sự tích lũy khổng lồ của những sự làm việc và can thiệp cá nhân, một thành phẩm của trò chơi hội họa siêu thực phức tạp nhất mà tôi từng gặp phải. Nhưng điều hấp dẫn nhất về thành phố này mà tôi nhận thấy từ khi tôi đến đây năm 2005 là không một ai lên tiếng dừng lại và trò chơi không bao giờ kết thúc. Thành phố đang sống!”.

Cần cân bằng giữa cái mới và cái cũ

Sớm hơn Archie Pizzini, Trần Hoành trở lại làm việc tại TP.HCM từ năm 1996. Anh từng nhận bằng thạc sĩ bảo tồn lịch sử từ ĐH Columbia (New York, Mỹ) và thạc sĩ kiến trúc từ Học viện Kiến trúc Nam California (Mỹ). Cho nên vấn đề mà Trần Hoành quan tâm lớn chính là sự bảo tồn những kiến trúc có ý nghĩa văn hóa - lịch sử ở TP.HCM.

Điều mà Trần Hoành cảm thấy e ngại là tốc độ phát triển quá nhanh của TP.HCM, những công trình mới được xây lên mà không quan tâm đến cảnh quan môi trường xung quanh. Anh chia sẻ: “Tôi từng chọn học ngành bảo tồn ở New York vì đây là thành phố cân bằng rất tốt giữa phát triển cái mới và bảo tồn cái cũ, dù thời gian gần đây họ cũng bị than phiền là đập phá nhiều. Những trí thức Singapore nói với tôi rằng bây giờ họ cảm thấy tiếc nuối thời phát triển kinh tế họ đập phá quá nhiều và nhanh. Tôi nghĩ chúng ta không nên lặp lại sai lầm của người khác”.

Một thành phố đang phát triển bao giờ cũng đặt ra bài toán lựa chọn giữa giữ gìn cái cũ tốt đẹp và xây mới các công trình đương đại.

Quan niệm của Trần Hoành là cân bằng giữa cái cũ và cái mới: “Tôi nghĩ rằng mình không phải là người bảo thủ theo kiểu bảo tồn tất cả cái cũ, không xây cái mới. Bởi vì có cái cũ thì cũng có cái mới, cái sáng tạo hôm nay. Nhưng thật sự Sài Gòn có những di sản kiến trúc cần giữ. Ví dụ khi người Pháp mới qua VN, họ bê nguyên những kiến trúc Pháp. Nhưng rồi họ cảm thấy không phù hợp, họ sáng tạo ra những kiến trúc Đông Dương, phù hợp với khí hậu, sinh hoạt, văn hóa... địa phương mà ngay cả ở Pháp cũng không có. Hay kiến trúc Sài Gòn những năm 1950-1960 cũng rất đẹp. Người ta nhắc nhiều đến Ngô Viết Thụ, nhưng tôi nghĩ còn nhiều kiến trúc sư tài năng nữa...”.

Trần Hoành đánh giá cao vai trò của nhà quản lý trong việc điều chỉnh nhà đầu tư, nhưng tiếng nói công luận cũng rất ý nghĩa và cần thiết: “Gần đây, vụ việc thương xá Tax, hay màu sơn mới của Bưu điện TP.HCM... cho thấy quần chúng rất quan tâm đến việc bảo tồn những di sản kiến trúc của thành phố. Tôi cho rằng đó là một tín hiệu tốt”.

QUANG THI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên