
Năm 2008, Quốc hội đã thông qua nghị quyết sáp nhập tỉnh Hà Tây, 4 xã của Hòa Bình và huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) về TP Hà Nội. Trong ảnh là một góc Hà Nội hiện nay - Ảnh: HỒNG QUANG
Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có kết luận 126 về một số nội dung tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị năm 2025.
Trong đó, để tiếp tục sắp xếp, hoàn thiện tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị trong năm 2025 và nhiệm kỳ 2025 - 2030, Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao Đảng ủy Chính phủ chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Đảng ủy Quốc hội, các cấp ủy, tổ chức đảng có liên quan nghiên cứu định hướng sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Cùng với đó, đề xuất chủ trương sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật, quy định của Đảng có liên quan, báo cáo Bộ Chính trị trong quý 3-2025.
Nội dung này đang nhận được nhiều quan tâm của dư luận. Cùng nhìn lại những lần sáp nhập, chia tách tỉnh, thành của Việt Nam từ khi thống nhất năm 1975 đến nay.
Các lần sáp nhập, chia tách tỉnh, thành ở Việt Nam
Theo số liệu tổng hợp của Bộ Nội vụ được công bố cách đây vài năm, sau khi thống nhất đất nước (tháng 4-1975), Việt Nam có 72 đơn vị hành chính cấp tỉnh, trong đó miền Bắc có 25 đơn vị và miền Nam có 47 đơn vị.
Đến tháng 12-1975, Quốc hội khóa V đã ra nghị quyết bãi bỏ cấp khu, giải thể khu tự trị, hợp nhất đơn vị hành chính, sáp nhập hàng loạt tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ.
Đầu năm 1976, việc sáp nhập tiếp tục được thực hiện trên diện rộng trải dài từ Bắc Trung Bộ đến các tỉnh Tây Nam Bộ và các tỉnh Tây Nguyên. Tính đến năm 1976, cả nước chỉ còn 38 đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Vào năm 1978, Quốc hội phê chuẩn mở rộng địa giới Hà Nội, sáp nhập thêm 5 huyện. Tách tỉnh Cao Lạng thành hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn. Khi đó, cả nước có 39 tỉnh thành.
Năm 1979 thành lập đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, tương đương cấp tỉnh và cả nước tăng lên thành 40 đơn vị hành chính.
Năm 1989, tỉnh Bình Trị Thiên được tách ra làm 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế; tỉnh Nghĩa Bình được tách ra thành Quảng Ngãi và Bình Định; tỉnh Phú Khánh được tách ra thành tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa.
Lúc này, cả nước có 44 tỉnh thành; trong đó có 40 tỉnh, 3 thành phố và đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo.
Tới năm 1991, hàng loạt tỉnh nhập lại trước đây tiếp tục tách ra như tỉnh Hà Sơn Bình tách ra thành tỉnh Hà Tây và tỉnh Hòa Bình.
Tỉnh Hà Nam Ninh tách ra thành tỉnh Nam Hà và tỉnh Ninh Bình; tỉnh Nghệ Tĩnh tách ra thành tỉnh Nghệ An và tỉnh Hà Tĩnh.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được thành lập trên cơ sở 3 huyện tách từ tỉnh Đồng Nai hợp nhất với đặc khu Vũng Tàu Côn Đảo (giải thể đặc khu). Đến lúc này, cả nước có 53 tỉnh thành.
Năm 1997, cả nước tăng lên 61 tỉnh thành khi một số tỉnh tiếp tục chia tách.
Cụ thể, tỉnh Bắc Thái tách thành tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên.
Tỉnh Hà Bắc tách thành tỉnh Bắc Giang và tỉnh Bắc Ninh.
Tỉnh Nam Hà tách thành tỉnh Hà Nam và tỉnh Nam Định; tỉnh Hải Hưng tách thành tỉnh Hải Dương và tỉnh Hưng Yên.
Năm 2004, nước ta tách thêm 3 tỉnh, nâng số đơn vị hành chính cấp tỉnh lên đến 64: Tỉnh Đắk Lắk tách thành tỉnh Đắk Nông và tỉnh Đắk Lắk; tỉnh Cần Thơ tách thành tỉnh Hậu Giang và thành phố Cần Thơ; tỉnh Lai Châu tách ra thành tỉnh Lai Châu và tỉnh Điện Biên.
Đến giữa năm 2008, Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết sáp nhập tỉnh Hà Tây, 4 xã của tỉnh Hòa Bình và huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) về TP Hà Nội.
Tiêu chuẩn về đơn vị cấp tỉnh
Từ năm 2008 đến nay, Việt Nam có 63 tỉnh, thành gồm 57 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc trung ương gồm Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng, TP Huế.
Tính đến hết năm 2024, theo báo cáo của Bộ Nội vụ, sau sắp xếp, số lượng đơn vị cấp huyện trong cả nước từ 705 đơn vị giảm xuống còn 696 đơn vị (giảm 9 đơn vị).
Số lượng đơn vị hành chính cấp xã trong cả nước từ 10.598 đơn vị giảm xuống còn 10.035 đơn vị (giảm 563 đơn vị).
Theo nghị quyết 1211/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiêu chuẩn của đơn vị cấp tỉnh là quy mô dân số, diện tích tự nhiên và số đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc.
Tỉnh miền núi, vùng cao từ 900.000 người trở lên, diện tích từ 8.000km2 trở lên; tỉnh các vùng, miền khác từ 1,4 triệu người trở lên, diện tích từ 5.000km2 trở lên.
Số đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc có từ 9 đơn vị trở lên, trong đó có ít nhất là 1 thành phố hoặc 1 thị xã.
Năm 2019, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) khi đó công bố kết quả tổng điều tra cho thấy 10 tỉnh, thành phố có dân số ít nhất là: Bắc Kạn, Lai Châu, Cao Bằng, Kon Tum, Ninh Thuận, Điện Biên, Đắk Nông, Quảng Trị, Lào Cai, Hậu Giang. Trong số 10 tỉnh này, dân số chỉ dao động từ 314.000 - 733.000 người.
Về diện tích tự nhiên, 10 tỉnh thành có diện tích nhỏ nhất cả nước là Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Ninh Bình, Cần Thơ, Vĩnh Long, Hải Phòng, Thái Bình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận