Phóng to |
Chủ tịch Hồ Chí Minh và đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Đại hội Đảng bộ quân đội năm 1960 |
Chuyện tình yêu của đại tướng Nguyễn Chí ThanhĐại tướng Võ Nguyên Giáp và người vợ liệt sĩ Nguyễn Thị Quang Thái (kỳ 2)Đại tướng Võ Nguyên Giáp và người vợ liệt sĩ Nguyễn Thị Quang (kỳ 1) Chuyện tình các chính khách Việt Nam
Cuộc sống không cách biệt
Gia đình anh Thanh được phân một ngôi biệt thự rất đẹp có hai chóp mái nhọn trên đường Thanh Niên, cạnh hồ Trúc Bạch lộng gió. Anh bàn với chị xin chuyển về ngôi nhà cấp 4 giản dị ở đường Lý Nam Đế.
Mất đứa con trai đầu trong chiến tranh, chị Cúc muốn sinh cho anh thêm một đứa con trai. Thấy chị yếu, anh Thanh không muốn chị sinh con nữa. Quá yêu chồng, mặc dù sức khỏe không tốt, năm 1957 chị sinh cháu út, Nguyễn Chí Vịnh, một cậu con trai rất kháu khỉnh.
Về Hà Nội, sinh hoạt khá hơn nhưng anh chị vẫn giữ mức sinh hoạt gia đình không cách biệt với những cán bộ bình thường. Con trai mặc quần mua ở cửa hàng mậu dịch. Con gái mặc sơmi nhuộm màu gụ như hồi còn ở nông thôn.
Nhà có mảnh vườn, mọi người, kể cả các đồng chí phục vụ và các cháu cùng trồng rau. Khi nào có thời gian, anh Thanh cũng tham gia. Suốt bao mùa đông ở Hà Nội anh vẫn mặc chiếc áo khoác bằng dạ nâu đã cũ được cấp hồi ở Việt Bắc.
Hôm nào rét quá, anh khoác thêm chiếc áo choàng cấp tướng. Trong nhà chẳng có thứ gì đáng giá: bàn cũ, ghế thô. Buồng ngủ hẹp, chiếc giường cổ lỗ choán gần hết chiều rộng. Nhà không có hiên, về mùa hè buồng ngủ rất nóng. Tổng cục Chính trị đề nghị lắp máy lạnh, anh không chịu. Anh nói để dành cho những đồng chí yếu hơn. Hồi ấy, máy lạnh còn rất hiếm.
Tuy chồng làm đại tướng nhưng chị Cúc sống rất giản dị. Chị luôn có ý thức giữ uy tín cho chồng. Chị có một lòng tin tuyệt đối: anh ấy làm gì cũng đúng. Anh Thanh phụ trách việc phong quân hàm trong quân đội.
Mỗi đợt phong chỉ qui định một tỉ lệ nhất định. Một lần, cơ quan cán bộ trình lên anh danh sách cán bộ được đề bạt từ thượng úy lên đại úy, trong đó có chị Cúc, một sĩ quan rất xứng đáng được đề bạt. Nghe báo cáo xong, anh vừa cười vừa nói: “Đồng ý, trừ một người là cô Cúc. Cứ để lại không vội gì. Không sao đâu. Tôi sẽ làm công tác tư tưởng cho cô ấy”.
Anh Thanh nghiện thuốc lá, mỗi ngày hút mấy bao thuốc. Sợ ảnh hưởng đến sức khỏe anh, chị Cúc chỉ phát cho anh mỗi ngày mười điếu. Nhưng nhiều lúc thương chồng, chị lại dúi thêm cho một điếu. Nhiều khi thèm quá, anh Thanh trốn vợ hút thêm. Bị bắt gặp, anh đành phải nói dối: "Đây là thuốc Bác Hồ cho". Chị Cúc cười, không nói gì.
Cuối năm 1960, tình hình nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Anh Thanh được trung ương chuyển sang làm trưởng Ban Nông nghiệp trung ương. Tưởng hòa bình về, vợ chồng được ở gần nhau.
Nhưng chị Cúc lại phải xa chồng. Anh Thanh đi khắp nơi: Quảng Bình, Vĩnh Linh, Lạng Sơn, Yên Bái, Hải Phòng, Lào Cai... để tìm hiểu, nghiên cứu cách quản lý và rút kinh nghiệm nhằm phát động phong trào thi đua trong nông nghiệp.
Mùa xuân năm 1961, phong trào thi đua đuổi kịp và vượt Hợp tác xã Đại Phong được anh Thanh phát động. Không khí hoạt động sản xuất nông nghiệp sôi nổi hẳn lên.
Bắt đầu cuộc chiến tranh chống Mỹ, anh Thanh lại trở về với quân đội. Anh tình nguyện vào Nam chiến đấu. Đầu năm 1964, nhà thơ Tố Hữu làm thơ tiễn anh Thanh vào Nam:
Tiễn anh thêm một quãng đườngNặng tình đồng chí, lại đồng hươngĐã hay đâu cũng nơi tiền tuyến Mà vẫn bâng khuâng mộng chiến trường.
Gặp nhau qua những lá thư
Thời gian ấy, chị Cúc không được khỏe. Chị không thể cùng anh vào Nam. Chị ở lại Hà Nội công tác. Mỹ bắt đầu ném bom miền Bắc. Các cháu Hà, Sơn, Bé đi sơ tán theo Trường Nguyễn Văn Trỗi. Con trai út Chí Vịnh theo Trường Nguyễn Bá Ngọc. Dù đang ở rất xa, cuộc chiến đang căng thẳng, anh Thanh vẫn chia sẻ nỗi vất vả việc gia đình với vợ.
Ngày 10-10-1964
Cúc chú ý lo sức khỏe, an ủi và giải thích cho bà, dặn dò các con. Mấy lời Cúc dặn anh chú ý, nhất là hết sức giữ gìn sức khỏe.
Ba dặn các con phải ngoan hơn nữa, phải chịu khó lao động, ra sức học tập. Đối với bạn bè cho thật tốt. Thật thà, ngay thẳng, lễ độ, khiêm tốn. Người khác sao thì mình vậy.
Hôn Cúc và các con, bà.
Trung ương Cục ẩn sâu vào trong rừng, anh Thanh phải đổi tên thành Nam, vợ thành Lý khi viết thư.
Tháng 9-1965
Lý yêu mến
Vừa nhận được thư và ảnh của gia đình. Mừng lắm. Chắc Lý đã nghe anh bạn kể chuyện nhiều và rõ. Nghe nói Lý khá hơn trước nhiều, và nhìn trong ảnh thấy Lý có mập hơn trước. Bà phương phi, các con trông khá, nhất là Bé. Mừng lắm. Sức khỏe của anh vẫn tốt. Cách đây một tuần có cân, đúng 58 cân. Tuy làm ăn lao động vất vả nhưng không đến nỗi như trước đây.
Gởi lời hỏi thăm ông bà ngoại. Ba có được thư của Bé. Bé cố gắng học nhé. Hà thì khá, đừng chủ quan, tự mãn. Tý cố học văn hóa, cả nhạc cho khá. Cu Vịnh ngoan nhé. Bé, Tý ở nhà ở với bà ngoại, ông ngoại thì tốt quá, còn Hà và Vịnh ở với mẹ và bà nội, như thế là vui vẻ. Anh hôn Lý yêu mến. Ba hôn các con và chúc các con ngoan, khỏe.
Hai vợ chồng chỉ còn được gặp nhau qua thư. Thư gửi theo đường giao liên, đi rất lâu. Anh chị không tâm sự được nhiều vì nguyên tắc bí mật. Tình yêu của họ, những nỗi lo lắng về nhau phải ngụy trang bằng những qui ước, những dòng chữ khô khan. Việc chỉ huy đánh Mỹ của anh Thanh phải chuyển tên gọi thành "công việc làm ăn”.
Tháng 9-1965
Anh Thao
Đã lâu không được thư anh, nóng ruột quá. Anh có khỏe không? Bà nội, các con đều khỏe. Các con cuối năm học tổng kết vào loại giỏi và khá. Hà A1. Bé tiến bộ rõ rệt. Hà, Tý rất ngoan. Vịnh lớn nhiều, láu cá lắm. Nay Vịnh đang cố học để viết thư cho ba.
Anh Thao ơi, Cúc dặn nhé: công việc làm ăn của anh nặng nhọc nhiều anh cố gắng bồi dưỡng đủ sức làm ăn lâu dài anh nhé. Cúc chỉ mong anh đừng ốm đau, làm ăn ngày càng phát tài hơn nữa, thu nhập ngày càng cao hơn. Rứa là Cúc và tất cả gia đình mừng rồi. Còn mọi việc ăn ở của gia đình đã có Cúc và bà con giúp đỡ, anh yên tâm.
Lần nữa mong anh khỏe, nhớ anh nhiều. Anh năng viết thư cho Cúc với. Vợ anh.
Sau ba năm xa cách, năm 1967 anh Thanh ra Bắc mấy tháng, nhưng anh chị cũng không có nhiều thời gian cho nhau. Ngày nào anh Thanh cũng đi làm việc tới khuya để chuẩn bị cho chiến dịch Tết Mậu Thân. Đêm cuối cùng trước khi vào Nam, anh còn làm việc đến khuya với anh Song Hào và anh Lê Quang Đạo. Hai vợ chồng chưa nói chuyện được với nhau nhiều trước khi chia tay.
Ngày vĩnh biệt
Đêm hôm ấy, mồng 5 -7-1967, khu vực Lý Nam Đế mất điện. Trời oi bức. Anh Thanh vừa ăn bữa tối với Bác Hồ. Mọi thứ đều sẵn sàng. Sáng sớm ngày mai anh sẽ lên đường vào Nam. Anh đi Nam chuyến này để thực hiện nghị quyết mới của Bộ Chính trị về cách mạng VN.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ đang rất ác liệt và kéo dài. Chưa biết đến khi nào anh trở ra Bắc. Chị Cúc nằm cạnh anh, thao thức. Lần chia tay này chị sẽ còn phải xa anh bao lâu nữa? Bỗng nhiên, chị thấy anh choàng vùng dậy. Anh Thanh nói với chị:
- Anh thấy trong người khó chịu lắm. Có cảm giác như nước chảy ào ào trong người. Cúc gọi xe đưa anh đi bệnh viện.
Đồng chí bảo vệ chạy đến đưa vai bảo anh bám vào để đồng chí cõng ra xe. Anh không cho cõng. Anh tự ra đến cổng để lên xe. Xe vừa đến bệnh viện thì anh ngất đi.
Chị Cúc không được đi theo xe. Bác sĩ bảo anh bị bệnh tim. Chị đi lại ngơ ngác, thẫn thờ trong sân nhà. Anh có bệnh tim bao giờ đâu nhỉ. Thật không ngờ. Anh là người rất khỏe. Khi mọi người chở chị đến bệnh viện, anh Thanh còn thở thoi thóp, mạch đập rất yếu nên không hay biết gì nữa.
Cái buổi sáng mồng 6-7-1967 định mệnh ấy, trái tim nhà chiến lược quân sự tài ba của VN đã ngừng đập. Anh mới tròn 53 tuổi. Nhưng vị tướng ấy đã kịp trang bị cho những người ở lại niềm tin và quyết tâm thắng Mỹ. Anh và đồng đội đã làm cho bao thế hệ các tướng lĩnh Mỹ đau đầu đi tìm câu trả lời: Tại sao VN thắng?
Hơn 20 năm sau khi anh mất, ước mơ lớn nhất của người nông dân khoác áo lính, đại tướng Nguyễn Chí Thanh, đã được thực hiện: Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.
----------------------
Kỳ sau: Chuyện tình của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận