Phóng to |
Bà Huỳnh Thị Kim Em, trưởng đại diện báo Tuổi Trẻ tại miền Trung, trao học bổng cho con em người bán báo dạo khu vực TP Đà Nẵng vào chiều 24-8 - Ảnh: Đăng Nam |
Xin trích đăng một số thư dưới đây.
* Mỗi chữ đổi bằng giọt mồ hôi
Ngày qua ngày, không kể nắng mưa, ba vẫn miệt mài ôm chồng báo trên tay, in bước chân trên khắp góc phố, ngõ hẻm. Ba mong sao bán hết báo, kiếm đồng lời ít ỏi về lo cho cái ăn, cái mặc của gia đình, cho em được cắp sách đến trường như bao bạn bè đồng lứa. Mẹ em bán vé số chỉ đủ phụ ba đắp đổi qua ngày. Khó khăn chồng chất nhưng em chưa từng nghe ba mẹ than vãn. Điều duy nhất ba mẹ vẫn nói với chị em em là mong chúng em luôn khỏe mạnh, học giỏi.
Em biết mỗi con chữ em học được đổi bằng những giọt mồ hôi của ba mẹ. Thư em viết chỉ một đôi giấy, nhưng nỗi cơ cực của ba mẹ em còn dài hơn nhiều nên em luôn nuôi dưỡng ước mơ trở thành cô giáo, dạy cho những em bé có hoàn cảnh khó khăn, ba mẹ phải vất vả bươn chải như ba mẹ em.
Phạm Thị Mỹ Giang (học sinh Trường tiểu học Phú Thọ, Q.11, TP.HCM)
* Học để không phụ lòng ba mẹ
Hằng năm đoạt được danh hiệu học sinh giỏi, em lại ao ước được như các bạn. Các bạn đoạt học sinh giỏi là được công ty của ba mẹ trao tặng học bổng và rất nhiều tập vở. Những lúc đó em lại về hỏi mẹ: “Tại sao con học giỏi mà công ty mẹ không có học bổng cho con?”, và mẹ giải thích mẹ chỉ là người bán báo dạo... Nhiều lúc em muốn nghỉ học để đi làm phụ giúp ba mẹ, nhưng ba mẹ vẫn động viên em ráng học và em hiểu phải học thật tốt mới không phụ những giọt mồ hôi, nước mắt ba mẹ đổ xuống....
Lê Nhật Huy (học sinh lớp 5, Trường tiểu học Thủy Biều, TP Huế)
* Chỉ muốn gia đình luôn được ăn no
Được trở thành một đầu bếp là ước mơ từ nhỏ của em. Em muốn nấu những bữa cơm ngon cho mẹ và chị, để gia đình em không còn phải chịu cảnh bữa đói bữa no.
Nguyễn Thế Ngọc (học sinh lớp 5, Trường tiểu học Trương Công Định, TP Vũng Tàu)
* Mơ có ông bụt, bà tiên
Gia cảnh khó khăn, ba mẹ phải bồng bế chúng em từ vùng quê nghèo lên TP Đà Nẵng kiếm sống. Bằng nghề bán báo dạo, ba mẹ cũng lo được cho hai anh em em cuộc sống tốt hơn. Nhưng không ngờ, trong một lần đi lấy báo, ba em bị tai nạn giao thông, vĩnh viễn lìa xa mẹ con em khi em gái của em chưa tròn 1 tuổi.
Giờ đây, một mình mẹ ngược xuôi bán báo cũng không lo đủ tiền ăn, tiền học, tiền giữ trẻ. Thời gian tới, có thể mẹ con em sẽ phải về quê sống vì mẹ không có tiền đóng học phí cho em, không nuôi nổi hai con nhỏ. Em thì không muốn về. Em muốn được học tiếp vì tất cả thầy cô, bạn bè của em đều ở đây. Bây giờ em chỉ ước mong sao có ai giúp mẹ con em vượt qua giai đoạn khó khăn này như trong câu chuyện cổ tích, khi có người khóc, ông bụt, bà tiên sẽ hiện ra...
Nguyễn Văn Quân (học sinh lớp 4, Trường tiểu học Hoa Lư, TP Đà Nẵng)
* Mong con không bị thiệt thòi
Vì mưu sinh, tôi phải nghỉ học từ lớp 4 dù rất ham học và học giỏi. Càng về sau, tôi càng nhận ra ít học là một thiệt thòi lớn. Dù có thiện ý đến đâu, không ai có thể giúp một người ít học có công ăn việc làm tốt, thu nhập tốt. Bản thân tôi vì ít học nên cũng nhiều mặc cảm tự ti. Chính vì vậy, tôi và vợ quyết tâm với lòng sẽ gắng tạo mọi điều kiện tốt nhất cho con tôi học giỏi, học tới nơi tới chốn với mong ước con mình không bị thiệt thòi như mình.
Phạm Văn Tân (người bán báo ở Nha Trang, Khánh Hòa)
Trao 171 học bổng “Đồng hành cùng người bán báo” Hôm nay (25-8), tại TP.HCM, báo Tuổi Trẻ tổ chức lễ trao học bổng “Đồng hành cùng người bán báo” lần 2 cho học sinh là con của người bán báo dạo khu vực Đông Nam bộ và tại Cần Thơ sẽ trao học bổng khu vực miền Tây. Trước đó, trong ngày 23 và 24-8, báo Tuổi Trẻ đã tổ chức lễ trao học bổng ở các khu vực Tây nguyên và miền Trung. 171 học sinh nhận học bổng là những tấm gương hiếu thảo, học giỏi, hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn. Tổng trị giá học bổng gần 400 triệu đồng (2-3 triệu đồng/suất cùng quà tặng). Học bổng thuộc chương trình “Vì ngày mai phát triển” của báo Tuổi Trẻ và cũng là hoạt động tri ân những người bán báo nhân kỷ niệm 38 năm thành lập báo Tuổi Trẻ (2-9-1975 - 2-9-2013). TỐ OANH Nhiều vòng tay dang rộng với Ngân, Thắng Ngay trong buổi sáng bài báo “” (Tuổi Trẻ 24-8) được đăng tải, nhiều bạn đọc đã gọi đến Tuổi Trẻ hỏi thông tin để liên lạc với hai bé Ngân, Thắng. Người muốn gửi chút gạo, tiền; người ngỏ ý mua tập vở, đóng học phí cho Ngân trong năm học mới. Có bác gọi vào số điện thoại của chị Nguyệt - cô họ đang cưu mang hai đứa trẻ mồ côi - mà giọng còn run run: “Tui là công nhân. Tui không có gì nhiều nhưng cũng muốn gửi chút quà cho hai cháu. Nhỏ vậy mà đã côi cút, thương quá...”. Chiều cùng ngày, nhiều bạn đọc cũng đã tìm đến thăm, chia sẻ với hai em nỗi đau mất mẹ và động viên Ngân gắng học tốt, Thắng ráng kiếm chỗ học nghề để còn phụ cô lo cho em. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận