01/09/2014 09:43 GMT+7

Những lá thư "báu vật" tại báo Tuổi Trẻ

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - Ở phòng tiếp bạn đọc của báo Tuổi Trẻ, có một tập hồ sơ được các nhân viên gọi là “báu vật” đang mỗi ngày một dày lên.

Ông Vũ Duy Hải, một doanh nhân, nhận bảo trợ cho bạn Trần Mộng Kha, sinh viên nghèo trong chương trình “Tiếp sức đến trường” 2013 của báo Tuổi Trẻ - Chí Quốc
Ông Vũ Duy Hải, một doanh nhân, nhận bảo trợ cho bạn Trần Mộng Kha, sinh viên nghèo trong chương trình “Tiếp sức đến trường” 2013 của báo Tuổi Trẻ - Chí Quốc

Đó là những lá thư sẻ chia của bạn đọc, những thư cảm ơn của Tuổi Trẻ được lưu lại vì không có địa chỉ của bạn đọc để gửi đi...

“Có nói bao nhiêu cũng không kể hết về bạn đọc”, trong khi những người làm nhiệm vụ tiếp bạn đọc của báo Tuổi Trẻ nói vậy thì những bạn đọc mà chúng tôi hỏi đều quầy quậy lắc đầu: “Có gì đâu mà nói về chúng tôi”.

Ấm áp tình người

“20-6: Tôi là bạn đọc ở Hóc Môn, xin gửi báo Tuổi Trẻ 200.000 đồng tặng người nghèo. 12-7: Tôi là bạn đọc ở Hóc Môn, gửi 300.000 đồng cho người nghèo khó. 10-8: Tôi ở Hóc Môn gửi 250.000 đồng...”. Cứ vậy mà thành quen thuộc, tập phong bì, bao thư, thư cảm ơn thay phiếu thu của “bạn đọc Hóc Môn” tích lại qua nhiều năm đã dày lên hàng tấc.

Vài dòng chữ đơn giản viết trên đủ loại giấy không hề để lại tên tuổi, địa chỉ để báo Tuổi Trẻ có thể gửi thư cảm ơn dùng thay phiếu thu.

Chúng tôi đã từng ngồi phân tích nét chữ, phân tích ngày tháng, phân tích giấy viết để đoán rằng đây là một chị khá vất vả với công việc, chị có con đang đi học vì thỉnh thoảng dùng giấy tập học trò, và chắc chắn nhất là chị có một cái tình thật lớn với người nghèo và một niềm tin đặc biệt để mỗi khi dành dụm được vài trăm ngàn đồng lại ra ngay bưu điện gửi đến báo Tuổi Trẻ, không chờ những đợt quyên góp, vận động.

Đã quá quen với những lá thư kèm những tờ tiền được vuốt thật phẳng phiu này, bất cứ ai trong ban công tác bạn đọc của báo Tuổi Trẻ cũng đều mong muốn được gặp chị, cũng như muốn gặp những bạn đọc vô danh khác đang ngày ngày âm thầm, lặng lẽ bấm lệnh chuyển những khoản tiền tình nghĩa đến tài khoản của Tuổi Trẻ. Hẳn là nụ cười của chị sẽ rất ấm.

Đoan chắc như vậy vì chúng tôi đã được gặp biết bao nhiêu nụ cười ấm áp đi kèm câu nói “Không cần biết tên đâu” của bạn đọc khi đến đóng góp trực tiếp. “Bạn đọc quận 5, 10, Gò Vấp, Bình Thạnh; thầy trò lớp tiếng Anh Q.3, tiểu thương chợ An Đông...”.

Những tờ thư cảm ơn dùng thay phiếu thu ghi như vậy, và mỗi khi đọc những cái tên vô danh ấy, chúng tôi lại nhớ ngay đến những nụ cười thật ấm. Ấy là nụ cười hiền lành của “chú Mập”, cái tên mà các nhân viên tiếp bạn đọc thường reo lên mỗi khi thấy bóng dáng to lớn của chú ở cửa (không ai trong chúng tôi biết được tên, địa chỉ của chú).

Hai ba tuần lại đến một lần mỗi khi “xài tiền một mình thấy nặng túi”, “chú Mập” cười hiền lành và lặng lẽ ngồi xuống ghế chờ đến lượt mình, sẵn lòng nhường cho người khác mỗi lúc phòng đông đúc vì vào đợt vận động “Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông”, “Góp đá xây Trường Sa” hay ủng hộ đồng bào bị bão lụt.

Ấy cũng là hơi ấm trong lòng, trong tim được viết ra bằng câu chữ mà bạn đọc gửi kèm món tiền dành dụm đến những cảnh đời, những chương trình nghĩa tình:

“Con xem xong phóng sự ảnh về cụ bà Phạm Đoàn ở Khánh Hòa. Con thương bà quá! Con gửi bà số tiền nhỏ để trang trải mấy ngày tết. Cảm ơn tòa soạn”, “Xin nhờ báo Tuổi Trẻ chuyển giúp số tiền này đến cho “Vú em của những con chó tật nguyền”.

Đây là tấm lòng của tôi, mong bà có thêm sức khỏe, may mắn và ngày càng được nhiều người đồng cảm...”, “Em là sinh viên miền Trung, nghe tin bão lũ, rất buồn nhưng không đủ khả năng đóng góp. Hôm nay em may mắn nhận được một suất học bổng, em xin trích một phần...”

“Tôi gửi lời cảm ơn đến báo Tuổi Trẻ đã tạo điều kiện cho chúng tôi làm nghĩa vụ với biển đảo của Tổ quốc. Tôi đã giải thích cho cháu ngoại 8 tuổi của mình, và cháu tình nguyện gửi toàn bộ tiền lì xì dịp tết đến chương trình “Góp đá xây Trường Sa”. Thư cảm ơn của Tuổi Trẻ nếu có, xin hãy ghi tên cháu để làm hành trang sau này”...

Những lá thư “báu vật” - Ảnh: P.Vũ
Những lá thư “báu vật” - Ảnh: P.Vũ

Vui mà lại đau

“Được gặp, nói chuyện với các em học sinh, sinh viên thấy hình ảnh chính mình ngày xưa, thấy mình trẻ lại, thấy có thêm động lực để tiếp tục nỗ lực trong công việc” là ý kiến của các nhà tài trợ đã cùng chúng tôi rong ruổi đi phát học bổng khắp Nam, Trung, Bắc, lên núi vào rừng xây dựng nhà lưu trú cho học sinh người dân tộc thiểu số.

Cười vì hạnh phúc, nước mắt rơi cũng vì hạnh phúc được cho, được nhận là những gì chúng tôi thu lượm được từ chính mình, từ các bạn đọc đồng hành trong những chuyến công tác xã hội. Nhưng cũng có lúc nghe bạn đọc than: “Đau...”.

Đó là từ mà ông Nguyễn Tân (Q.10, TP.HCM) thốt lên trên những nẻo đường cùng chúng tôi về Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi trao học bổng “Tiếp sức đến trường” cho các tân sinh viên.

Tiết kiệm tiền lương để đồng hành cùng chương trình từ những ngày đầu, miệt mài đi suốt các tỉnh để được trao tận tay, nhìn tận mặt các bạn sinh viên, ông Tân bảo ông rất sung sướng mỗi khi nhìn thấy niềm vui được vào đại học lấp lánh trong mắt các em, thấy ánh mắt các em đầy tin tưởng khi được những người đi trước giúp đỡ, mở lòng. Nhưng rồi ông lại trầm giọng xuống:

“Số lượng học bổng “Tiếp sức đến trường” từ vài chục suất năm đầu tiên đến nay đã lên đến hàng ngàn, chúng tôi vừa vui, vừa buồn. Vui vì chương trình đã có thể mạnh dạn đưa ra một cam kết lớn: “Tân sinh viên khó khăn hãy gọi Tuổi Trẻ”.

Buồn là vì đã mấy mươi năm trôi qua mà nhiều em hôm nay vẫn còn phải chịu đựng cái nghèo, cái khó có khi tới cùng cực như chúng tôi ngày xưa, ngày còn chiến tranh, ruộng vườn bị phá nát, khoa học kỹ thuật chưa phát triển. Nỗi niềm này cứ đeo đẳng suốt những chuyến đi, buồn và đau.

Tôi hi vọng đến một ngày báo Tuổi Trẻ không phải trao học bổng cho các em nghèo khó nữa, mà chúng ta trao học bổng để các em du học”...

Nỗi niềm và hi vọng của bạn đọc tất nhiên cũng là của chúng tôi - những người làm báo Tuổi Trẻ.

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên