Sách Đường kách mệnh của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia - nh: T.ĐIỂU
Dưới ánh sáng của Đường kách mệnh, lớp học trò đầu tiên của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã về nước hoạt động, chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930 để lãnh đạo nhân dân tiến hành thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Từ bảo vật quốc gia Đường kách mệnh
Cuốn Đường kách mệnh hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia là một trong những bản gốc in năm 1927, được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2012. Đường kách mệnh tập hợp các bài giảng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sử dụng để giảng dạy cho đội ngũ cán bộ cách mạng Việt Nam những năm 1925-1927 ở Quảng Châu (Trung Quốc).
Đây là tác phẩm có giá trị to lớn trên phương diện lý luận và thực tiễn. Thông qua Đường kách mệnh, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã trình bày những điều cốt lõi của học thuyết Mác - Lênin và phương hướng phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam một cách ngắn gọn, dễ hiểu nhất.
Năm 1925, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đến Trung Quốc, lấy tên là Lý Thụy, chọn một số thanh niên yêu nước và mở nhiều lớp huấn luyện chính trị. Người đào tạo họ trở thành những cán bộ cách mạng để đưa về nước hoạt động. Với 10 khóa huấn luyện, khoảng 200 thanh niên ưu tú đã được trang bị lý luận và thực tiễn để trở thành lớp chiến sĩ cách mạng đầu tiên đi theo con đường của chủ nghĩa Mác - Lênin, góp phần quan trọng vào mốc lịch sử của dân tộc: thành lập Đảng.
Ấn phẩm Đường kách mệnh được Bộ tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông xuất bản năm 1927 ở Quảng Châu. Những bản in đầu tiên được bí mật chuyển về nước từ trước năm 1930. Bản gốc hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Ấn phẩm được in litô mực đen trên giấy dó, có kích thước 13cm x 19cm.
Đường kách mệnh coi việc giác ngộ cách mạng và giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ là một trong những yêu cầu hàng đầu để chuẩn bị về tư tưởng và chính trị, tiến tới xây dựng một Đảng chân chính của giai cấp công nhân Việt Nam.
Trong cuốn Đường kách mệnh, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chỉ rõ: Muốn sống thì phải làm cách mạng. Làm cách mạng phải có quyết tâm, bền gan, đoàn kết nhau lại và hiểu rõ vì sao lại làm cách mạng. Người cách mạng phải tự mình cần kiệm, chí công, vô tư, quả quyết sửa lỗi mình, không háo danh, không kiêu ngạo, ít lòng ham muốn vật chất.
Cuốn Đường kách mệnh có ý nghĩa lịch sử rất to lớn đối với cách mạng Việt Nam, là ngọn cờ chỉ đạo cách mạng đất nước trong thời kỳ xúc tiến chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và đặt nền tảng cho cương lĩnh của Đảng ra đời vào đầu năm 1930.
Năm 2017, tròn 90 năm ra đời của Đường kách mệnh, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã tổ chức trưng bày chuyên đề "Ánh sáng từ Đường kách mệnh". Trưng bày thu hút đông đảo người xem, đặc biệt là bảo vật quốc gia Đường kách mệnh đã mang đến nhiều xúc cảm tự hào về một thời cách mạng đầy nhiệt huyết của cha ông.
Tượng điêu khắc đồng chí Trần Phú viết Luận cương chính trị được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia - Ảnh: T.ĐIỂU
Đến bản luận cương được viết giữa lòng địch
Cùng với bảo vật quốc gia Đường kách mệnh, Luận cương chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương cũng là một hiện vật vô cùng quý giá đang được lưu trữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Tuy nhiên, đây không phải là bản thảo gốc do đồng chí Trần Phú khởi thảo năm 1930 tại căn nhà số 90 phố Thợ Nhuộm (Hà Nội), mà là một tài liệu in thạch chữ màu tím, có đóng dấu Đảng bộ Thạch Hà, Hà Tĩnh.
Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết tài liệu này đã được Đảng bộ Thạch Hà in ấn và bí mật phổ biến trong tỉnh, được sưu tầm tại Hà Tĩnh từ những năm cuối thập niên 1950. Nó không chỉ phản ánh nội dung của bản Luận cương chính trị, mà còn thể hiện vai trò trong hoạt động thực tiễn cách mạng ở Hà Tĩnh, và sự lãnh đạo của Đảng ngay từ những ngày đầu thành lập.
Bản luận cương có kích thước 19cm x 15,2cm và chỉ còn 24 trang nội dung. Trải qua 90 năm, nay màu tím của thạch in đã có phần bị phai mờ nhưng nét chữ đều đặn, cứng rắn, trang trọng vẫn thể hiện rõ nội dung của bản Luận cương chính trị mà Đảng đã nhất trí thông qua vào tháng 10-1930.
Những ngày lịch sử ấy, giữa cao trào cách mạng đang diễn ra sôi nổi trên cả nước, mà đỉnh cao là phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh, Ban chấp hành trung ương lâm thời của Đảng Cộng sản Việt Nam đã họp hội nghị lần thứ nhất tại Hương Cảng (Trung Quốc). Chủ trì hội nghị là đồng chí Trần Phú, khi đó mới tốt nghiệp Trường đại học Cộng sản Phương Đông mang tên Stalin ở Liên Xô (cũ) và được bổ sung vào Ban chấp hành trung ương lâm thời.
Hội nghị đã quyết định đổi tên Đảng thành Đảng Cộng sản Đông Dương, bầu Ban chấp hành trung ương chính thức và cử đồng chí Trần Phú làm Tổng bí thư đầu tiên của Đảng.
Hội nghị cũng bàn thảo và thông qua bản Luận cương chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương do đồng chí Trần Phú khởi thảo. Theo thời gian, bản luận cương được đánh giá là một văn kiện có giá trị to lớn, nằm trong kho tàng lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nó cung cấp một số bài học rất hữu ích trong đánh giá thực tiễn, vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện lịch sử cụ thể của đất nước, làm giàu tri thức lãnh đạo và trí tuệ của Đảng trước mọi biến cố lịch sử.
Trước đó, tháng 7-1930, đồng chí Trần Phú về Hà Nội được bổ sung vào Ban chấp hành lâm thời và nhận nhiệm vụ dự thảo Luận cương chính trị của Đảng. Để tránh sự theo dõi của mật thám và tạo yếu tố bất ngờ, Thường vụ trung ương lâm thời đã có một quyết định táo bạo: lấy nhà một công chức thực dân Pháp làm trụ sở bí mật của Đảng.
Đó là ngôi nhà ở phố Giăng Xole, nay là số nhà 90 phố Thợ Nhuộm, vốn là biệt thự của một viên chức cao cấp người Pháp - thanh tra Sở Tài chính của chính quyền thực dân. Đồng chí Trần Phú ở một buồng nhỏ, trong đó có một tấm phản để vừa làm giường ngủ, vừa làm bàn viết, chính tại nơi này ông đã bí mật viết bản dự thảo Luận cương chính trị.
Ngày nay, hiện vật lịch sử này là một trong những hiện vật quý trong bộ sưu tập về hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam, luôn giành được sự chú ý của đông đảo khách tham quan Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Chiêm ngưỡng hiện vật này, khách tham quan có thể mường tượng được không khí sục sôi chí khí cách mạng một thời trên quê hương Hà Tĩnh - một trong những cái nôi của phong trào cách mạng thời kỳ 1930-1931 cũng như trên cả nước nói chung...
"Tư cách một người kách mệnh
Tự mình phải:
Cần kiệm.
Hòa mà không tư.
Cả quyết sửa lỗi mình.
Cẩn thận mà không nhút nhát.
Hay hỏi.
Nhẫn nại (chịu khó).
Hay nghiên cứu, xem xét.
Vị công vong tư.
Không hiếu danh, không kiêu ngạo.
Nói thì phải làm.
Giữ chủ nghĩa cho vững.
Hy sinh.
Ít lòng tham muốn về vật chất.
Bí mật".
(Trích Đường kách mệnh - nguồn Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh)
“Kính Cha! Từ hai năm nay, tin Cha, vâng theo tiếng gọi của Cha, con đã đưa nghệ thuật của con nhảy vào hàng ngũ Vệ quốc đoàn khu tám, Cách mạng Tháng Tám mà Cha già lãnh đạo đã giải phóng cho nghệ thuật của con”.
Kỳ tới: Bức huyết thư gửi Bác
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận