Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT ở TP.HCM sáng 3-7 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tech4Covid là 1 trong 2 nhóm nghiên cứu được Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM cung cấp dữ liệu để tổng hợp các phân tích, đánh giá, dự báo và giải pháp đối với dịch COVID-19 tại TP.HCM.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, TS ĐINH BÁ TIẾN - trưởng khoa công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), trưởng nhóm nghiên cứu - cho biết:
- Khi dịch COVID-19 bùng phát đợt 4 tại TP.HCM, đầu tháng 6-2021, Tech4Covid được lập ra, kêu gọi bạn bè và sinh viên làm công nghệ cùng tham gia để có thể giúp gì đó cho thành phố từ các kiến thức và chuyên môn của mình.
Các thành viên ở thời điểm hiện tại khoảng 70 người gồm các nhà khoa học và giảng viên đến từ khoa công nghệ thông tin ở các trường ĐH tại Việt Nam và Mỹ; chuyên gia về phân tích dữ liệu, chuyên gia công nghệ đến từ các tập đoàn lớn trên thế giới; các giám đốc dự án, kỹ sư công nghệ thông tin nhiều năm kinh nghiệm... đến từ doanh nghiệp tại Việt Nam và sinh viên tình nguyện thuộc khoa công nghệ thông tin các trường.
Tất cả thành viên đều tham gia làm việc với tư cách cá nhân và tinh thần tình nguyện.
* Tech4Covid đã nhận dữ liệu từ Sở Thông tin - truyền thông TP.HCM và bắt đầu thực hiện phân tích, đánh giá, dự báo về dịch COVID-19 tại TP.HCM khi nào, thưa ông?
- Chúng tôi bắt đầu thực hiện các phân tích và mô hình hóa dữ liệu về dịch COVID-19 vào khoảng tuần thứ 3 của tháng 6-2021. Dữ liệu nhóm nhận được gồm các thông tin về COVID-19 của TP.HCM từ ngày 27-5 đến nay.
* Nhóm đã tổng hợp các số liệu và phân tích thế nào để đưa ra đánh giá xu hướng dịch?
- Sau khi nhận được dữ liệu, nhóm đã thống kê ca F0 tầm soát có triệu chứng (ho, sốt...), số ca F0 phát hiện trong cộng đồng và trong các khu cách ly, phong tỏa theo ngày... Nhóm nhận định số ca tầm soát có triệu chứng phản ánh sát xu hướng/nguy cơ dịch của thành phố và từng quận/huyện.
Mô hình dựa trên cùng phương pháp phân tích được tác giả Quốc Trần, chuyên gia phân tích dữ liệu COVID-19 tại Mỹ và thế giới từ khi dịch bắt đầu từ tháng 3-2020, gửi báo cáo hằng tuần cho CDC Forecasting Group tại Mỹ dựa trên thống kê số ca tử vong theo ngày.
Do số ca tử vong tại TP.HCM còn thấp, nhóm sử dụng số ca qua tầm soát có triệu chứng - là dữ liệu đặc trưng của TP.HCM.
* Qua phân tích số liệu, nhóm nghiên cứu đã nhận thấy gì?
- Với cùng một chính sách giãn cách xã hội, đường logarithm của số ca lây nhiễm được tầm soát có triệu chứng trong cộng đồng là đường thẳng, ta tạm gọi là "đường lây nhiễm". Đường lây nhiễm này thay đổi 11 ngày sau khi một chính sách mới có hiệu lực. 11 ngày là số ngày từ lúc bắt đầu nhiễm đến lúc có triệu chứng rõ rệt phải đi khám ở bệnh viện.
Sau khi TP.HCM thực hiện chỉ thị 15 và chỉ thị 16 (áp dụng toàn quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12), ngày 1-6, đường lây nhiễm có thay đổi theo chiều hướng tốt (tăng chậm) nhưng chưa đi xuống.
Hệ số lây nhiễm (R0) đã giảm từ 1.22 về 1.06. Tuy nhiên sau đó hệ số này vẫn còn lớn hơn 1.0, nghĩa là xu hướng dịch vẫn còn tăng. Do đó, thành phố tiếp tục áp dụng chỉ thị 10 nhằm quyết liệt hơn nữa trong việc kéo giảm xu hướng của dịch.
Mô hình được dùng để đánh giá tác động của các chỉ thị giúp giảm dịch nhanh/chậm (sau 11 ngày áp dụng - tương ứng với số ngày ủ bệnh của một ca nhiễm cho đến ngày có triệu chứng - dựa trên thống kê của thế giới).
* Với tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp hiện nay, theo ông, TP.HCM nên áp dụng giải pháp nào để nhanh chóng kiểm soát được dịch bệnh? Nhóm đã có khuyến nghị cụ thể ra sao?
- Một số khuyến nghị của nhóm đã được chuyển đến Sở Thông tin và truyền thông và lãnh đạo TP.HCM. Cụ thể: tiếp tục vận động người dân nghiêm túc thực hiện chỉ thị 10 và 5K... để hạn chế lây nhiễm cộng đồng; tiếp tục tăng cường xét nghiệm tầm soát trong cộng đồng (đặc biệt ứng dụng công nghệ thông tin trong việc phân loại các đối tượng nguy cơ cao trong cùng nhóm F và hỗ trợ thực hiện truy vết nhanh, chính xác các đối tượng liên quan...); khuyến cáo người dân thực hiện khai báo y tế check-in nghiêm túc, từ đó giúp truy vết và khoanh vùng nhanh, hiệu quả.
Nhóm chúng tôi còn khuyến nghị cải tiến công nghệ check-in QR code và quy trình khai báo y tế đơn giản và hiệu quả hơn để khuyến khích người dân khai báo và thực hiện việc check-in đầy đủ để giúp việc truy vết và phân loại các F1, F2... nhanh và hiệu quả hơn.
Đồng thời khuyến nghị áp dụng công nghệ xếp lịch và xếp hàng điện tử cho quá trình thực hiện xét nghiệm và chích vắc xin nhằm giảm thiểu các nguy cơ lây nhiễm khi tập trung đông người.
Theo kết quả phân tích dữ liệu từ ngày 27-5, chỉ thị 15 và chỉ thị 16 (áp dụng cho quận Gò Vấp và một phường của quận 12) ngày 1-6 đã phát huy hiệu quả, nhưng chưa đủ mạnh để làm xu hướng dịch giảm.
Hiệu quả của chỉ thị 10 (áp dụng từ ngày 20-6) sẽ được thể hiện đầy đủ trên mô hình sau ngày 1-7 và sẽ được nhóm tiếp tục theo dõi, phân tích trong các báo cáo sau đó để đánh giá mức độ hiệu quả chi tiết. Tuy nhiên, xu hướng cho thấy nếu tiếp tục tuân thủ tốt chỉ thị 10 thì dịch sẽ có thể giảm trong thời gian tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận