Nút giao thông 3 tầng Mỹ Thủy đã thông xe hầm chui (giai đoạn 1) giúp giảm 30% tình trạng ùn tắc tại khu vực cửa ngõ ra vào cảng Cát Lái (quận 2, TP.HCM) - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Phối hợp chống kẹt xe ở cửa ngõ TP.HCM
Ông Nguyễn Ngọc Thừa - tổng giám đốc bến xe Miền Tây - cho biết vẫn lo lắng nhất tình trạng kẹt xe, an ninh trật tự ở khu vực trước bến xe Miền Tây trong những ngày cao điểm khách về quê ăn tết.
Năm nay Sở GTVT TP đã công bố sớm 4 lộ trình từ bến xe Miền Tây về các tỉnh miền Tây theo hướng tạo thuận lợi cho nhà xe có nhiều hướng lưu thông khi bị kẹt xe ở cửa ngõ TP. Điều này giúp nhà xe không sợ bị phạt do không chạy đúng lộ trình.
Bên cạnh đó, Sở GTVT cũng chấp thuận cấp phù hiệu trước cho các đơn vị vận tải để huy động thêm xe du lịch chất lượng cao đưa vào chở khách.
Ông Thừa nhận định giải pháp trên sẽ giúp giảm bớt việc huy động xe buýt ghế ngồi cứng, chạy chậm, không đảm bảo chất lượng phục vụ khách.
Tương tự, ông Nguyễn Hoàng Huy - phó giám đốc bến xe Miền Đông - cho hay bến đã có kế hoạch sắp xếp, bố trí nhân viên túc trực điều tiết xe để không gây rối loạn giao thông, ảnh hưởng đến việc đi lại ở các tuyến đường xung quanh.
Khi xảy ra các sự cố kẹt xe ở các tuyến đường như Đinh Bộ Lĩnh, Nguyễn Xí (Q.Bình Thạnh), bến xe sẽ nhanh chóng phối hợp các cơ quan điều chỉnh lộ trình xe cho phù hợp.
Ông Nguyễn Ngọc Tường - phó trưởng Ban An toàn giao thông TP.HCM - cho biết đơn vị này đang phối hợp tích cực cùng Sở GTVT TP.HCM tổ chức lại giao thông tại các cửa ngõ phía đông, phía tây... TP.
Bên cạnh đó, Ban An toàn giao thông TP đã cùng Sở GTVT TP và sở GTVT các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Tiền Giang... thống nhất việc tổ chức giao thông liên tỉnh, giúp giao thông thông thoáng hơn. Ông Tường đề nghị tại các trạm thu phí BOT, cần xả trạm khi xảy ra kẹt xe cục bộ.
Kẹt xe miền Tây gây ùn ứ ở TP.HCM
Ông Nguyễn Ngọc Thừa cho biết vẫn lo ngại nhất là tình hình kẹt xe trên trục đường quốc lộ 1 đoạn từ cầu Mỹ Thuận đến đường dẫn cao tốc TP.HCM - Trung Lương (tỉnh Tiền Giang).
Đặc biệt là tại khu vực trạm thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương và trạm thu phí Cai Lậy (Tiền Giang).
Bởi nếu không giải tỏa kẹt xe kịp thời ở đó sẽ ảnh hưởng lớn đến xe đò từ các tỉnh miền Tây không kịp quay đầu về bến xe Miền Tây rước khách, dễ gây ra tình trạng ứ đọng khách ở bến xe tại TP.HCM.
Quốc lộ 60, đoạn gần cầu Rạch Miễu (Châu Thành, Bến Tre) được mở rộng giúp giao thông ở khu vực Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh trong dịp tết được thuận tiện - Ảnh: M.TRƯỜNG
Vẫn lo kẹt xe đường về miền Tây
15h30 ngày 27-1, một chiếc xe tải biển số Tiền Giang chạy lên cầu Rạch Miễu, hướng từ Tiền Giang đi Bến Tre thì bị chết máy giữa cầu.
Cảnh sát giao thông chặn một hướng xe lên cầu để tránh hỗn loạn giao thông. Nhưng chỉ khoảng 15 phút chờ xe cứu hộ tới, dòng xe đã xếp hàng dài khoảng 5km về cả hai hướng.
Đây chỉ là một trong rất nhiều "điểm nóng" về tình trạng kẹt xe trên hai tuyến huyết mạch nối TP.HCM với các tỉnh miền Tây.
Ông Trần Văn Bon - giám đốc Sở GTVT Tiền Giang - công nhận hiện trên địa bàn tỉnh có nhiều điểm nóng có nguy cơ bị ùn ứ vào các dịp lễ tết như một số cầu hẹp trên quốc lộ 1: cầu Rượu, cầu Sao, cầu Mỹ Quý, cầu An Cư...
Những cầu này chỉ có một làn xe bốn bánh cho mỗi chiều trong khi quốc lộ 1 đã được nâng cấp thành hai làn xe, tạo nút thắt cổ chai.
Đặc biệt là vòng xoay Thân Cửu Nghĩa, do nằm ngay trước trạm thu phí Thân Cửu Nghĩa của tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương nên thường xuyên bị ùn tắc, gây bức xúc dư luận.
Ngã tư Đồng Tâm, nút giao thông tiếp giáp giữa quốc lộ 1 và đường dẫn đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, thường xuyên bị kẹt xe nặng vào mỗi cuối tuần cũng đe dọa ùn ứ ngày tết...
Xe di chuyển chậm qua khu vực bến xe Miền Đông - Ảnh: H.THUẬN
Nhiều kịch bản hóa giải điểm nóng
Ông Trần Văn Bon cho biết Sở GTVT Tiền Giang đã có những báo cáo, đề xuất với Bộ GTVT về những "điểm nóng" kẹt xe nói trên, như đề xuất mở rộng vòng xoay Thân Cửu Nghĩa.
Ông cho biết tiến độ mới dừng ở việc khảo sát, đánh giá thực tế và chờ quyết định cuối cùng nên chắc chắn việc mở rộng vòng xoay Thân Cửu Nghĩa sẽ không làm kịp trước dịp Tết Nguyên đán 2018.
Khu vực trước cổng Khu công nghiệp Tân Hương (huyện Châu Thành, Tiền Giang), UBND tỉnh Tiền Giang đề xuất làm cầu vượt với kinh phí trên 200 tỉ đồng nhưng không có nhà đầu tư, nên tạm thời sẽ mở nhiều cổng để công nhân từ khu công nghiệp đi ra quốc lộ 1 chứ không tập trung vào một cổng chính.
Các điểm nghẽn khác, ngành giao thông của Tiền Giang chủ yếu đưa ra phương án điều tiết, phân luồng nên nguy cơ ùn ứ, kẹt xe là khó tránh khỏi.
Trước mắt, để giải quyết kẹt xe trên các trục đường huyết mạch, Sở GTVT TP.HCM cho biết đang bàn với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam về các "kịch bản" xử lý kẹt xe trên các trục đường nối về các tỉnh. Sở đã đưa ra các kịch bản trong trường hợp xảy ra sự cố về giao thông như tai nạn giao thông, hư hỏng hệ thống hạ tầng giao thông...
Ông Ngô Hải Đường - trưởng phòng quản lý khai thác hạ tầng giao thông, Sở GTVT TP.HCM - lấy ví dụ trường hợp xảy ra cầu Đồng Nai bị cô lập, TP.HCM sẽ tổ chức hướng dẫn giao thông từ xa - bắt đầu từ khu vực nút giao thông Cát Lái và nút giao thông Thủ Đức, các phương tiện sẽ chuyển hướng lưu thông.
Sở GTVT TP cũng đặt ra tình huống về sự cố giao thông trên quốc lộ 1 - khu vực cầu Bến Lức (Long An), các lực lượng công an, Sở GTVT và thanh tra Sở GTVT TP.HCM và Long An sẽ phối hợp xử lý hướng dẫn xe lưu thông vào đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương...
Gỡ "nút thắt" cầu Rạch Miễu
Xe chết máy là xảy ra kẹt xe kéo dài ở cầu Rạch Miễu - Ảnh: M.TR
Liên quan tình trạng quá tải quốc lộ 60 ở phía tỉnh Bến Tre, đại diện trạm thu phí BOT cầu Rạch Miễu cho biết dự án mở rộng quốc lộ 60, đoạn từ cầu Rạch Miễu đến giáp TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre đã cơ bản hoàn thành.
Dự kiến từ nay đến Tết Nguyên đán 2018 sẽ thảm mặt đường các đoạn còn lại nên tình trạng ùn ứ chắc chắn sẽ giảm.
Đơn vị thu phí cho biết thêm đơn vị này sẽ bố trí một xe cứu hộ túc trực trên cầu Rạch Miễu trong dịp tết để kịp giải tỏa hiện trường nếu có sự cố về giao thông, nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng ùn ứ.
Hà Nội: có khả năng ùn ứ nghiêm trọng
Khách chờ lên xe tại bến xe Mỹ Đình - Ảnh: P.CHINH
Theo đại tá Đào Vịnh Thắng - trưởng Phòng cảnh sát giao thông (PC67) Công an Hà Nội, lường trước nguy cơ ùn ứ nghiêm trọng xảy ra dịp cao điểm cuối năm, đơn vị này đã xây dựng kế hoạch.
Với khu vực cửa ngõ, PC67 Hà Nội sẽ bố trí lực lượng trên 16 tuyến quốc lộ ra vào thành phố, trong đó có 5 tuyến cao tốc để chốt trực điều tiết, chống ùn tắc. Ngoài ra, CSGT cũng được bố trí chốt trực tại 63 điểm chợ hoa tết trên địa bàn để phân luồng, chống ùn tắc.
Đại tá Thắng cho biết CSGT sẽ tham gia ứng trực 100% trong các ngày 30, mùng 1, mùng 2 tết, từ mùng 3 trở đi ứng trực 50% quân số. Ngoài ra còn tăng cường 200 sinh viên các trường cảnh sát và 100 cảnh sát cơ động từ các đơn vị hỗ trợ điều tiết giao thông giúp lực lượng CSGT.
Năm nay, đại tá Thắng cho biết có sáng kiến đề nghị các bến xe và các công ty tại khu công nghiệp, chế xuất, các trường cao đẳng, đại học cần phối hợp với nhau để điều phối, vận chuyển công nhân, sinh viên nhằm giảm tải, tránh tối đa việc ùn tắc.
Sở GTVT Hà Nội cũng đã ban hành kế hoạch, yêu cầu Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị phải chủ động phối hợp với các đơn vị vận tải khác để kịp thời giải tỏa khách đi các tỉnh khi có yêu cầu; yêu cầu các đơn vị vận tải khách liên tỉnh dự phòng xe tăng cường nếu khách tăng đột biến. Các quầy bán vé ở các bến xe cũng buộc phải tăng cường nhân viên để tránh ùn ứ gây hỗn loạn.
LÂM HOÀI
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận