Phóng to |
Điều đáng nói, tài sản bị phát mãi không phải là vật chứng của vụ án.
Không phải vật chứng vẫn bị kê biên
Ngày 9-1-2002, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NHNN&PTNT) chi nhánh tại TP.HCM cho Công ty Phát triển đầu tư du lịch & khoa học kỹ thuật (IDC) do ông Đặng Nam Trung làm giám đốc vay không thế chấp tài sản số tiền 7,7 tỉ đồng (thời hạn một năm).
Năm ngày sau, NHNN&PTNT đề nghị phải có tài sản thế chấp, nên IDC phải lấy máy móc (trị giá 2,4 tỉ đồng) và quyền sử dụng đất 9.216m2 tại Q.9 (TP.HCM) của bà Lê Thị Hoàng Mai (vợ ông Trung) để bảo lãnh vay nợ. Trên thực tế, diện tích đất này vẫn còn đứng tên sở hữu của bà N.T.N. và ông N.B.L. (chia làm ba “sổ đỏ”) và đã được UBND TP.HCM phê duyệt làm dự án nhóm nhà ở gồm 23 lô nhà vườn (trong đó có bà Mai).
Hai tháng sau (5-3-2002), ông Trung bị CQANĐT Bộ Công an khởi tố bắt giam trong một vụ án khác. Dù 9.216m2 đất không phải là tài sản của bị can, không phải là vật chứng của vụ án nhưng vào ngày 20-11-2002 CQANĐT lại ra quyết định... kê biên. Hơn một năm sau (17-12-2003), CQANĐT mới ra quyết định hủy bỏ lệnh kê biên này vì “xét thấy không phải là vật chứng của vụ án”. Sau khi hủy bỏ lệnh kê biên, CQANĐT không trả lại tài sản cho chủ sở hữu và giao cho NHNN&PTNT tổ chức... bán đấu giá để “thu hồi tiền vay, số tiền còn dư thì chuyển về tài khoản tạm giữ của CQANĐT Bộ Công an”(!?).
Cần nhắc lại, trong hợp đồng bảo lãnh vay, giữa bà Mai và NHNN&PTNT đã cam kết cho phép NHNN&PTNT được quyền xử lý bằng cách phát mãi tài sản, nếu IDC không trả được nợ vay. Sau khi thanh toán được 307 triệu đồng thì ông Trung bị bắt giam và Công ty IDC lâm vào tình cảnh không còn khả năng trả nợ nên ngày 16-9-2003 NHNN&PTNT đã có biên bản thỏa thuận với bà Mai: “Nếu IDC không trả được nợ thì NHNN&PTNT sẽ khởi kiện ra tòa án để phát mãi lô đất”. Vì vậy việc CQANĐT giao cho NHNN&PTNT phát mãi tài sản này sau khi giải tỏa kê biên (chính bà Mai cũng không hề biết) là có điều gì đó khuất tất.
Đáng nói, khi được CQANĐT “cho phép” phát mãi, NHNN&PTNT lại ủy quyền cho Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản (Sở Tư pháp) để bán 9.216m2 đất này. Trong phiên đấu giá ngày 6-7-2004, chỉ vỏn vẹn... hai khách hàng tham dự, ông Đ.N.B. trúng với giá 11,07 tỉ đồng, mức giá này chỉ cao hơn giá khởi điểm gần... 11 triệu đồng.
Cơ quan an ninh điều tra có lạm quyền?
Khi giải tỏa kê biên, CQANĐT không hề thông báo cho bà Mai và các chủ sở hữu khác biết mà lại cho phép NHNN&PTNT phát mãi. Mọi việc chỉ vỡ lẽ khi phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử ông Trung (ngày 28-11-2005) diễn ra (sau hơn một năm mảnh đất này được bán đi).
Trao đổi với chúng tôi, bà Mai nói việc bán đấu giá không đúng này đã gây thiệt hại cho gia đình bà trên 33 tỉ đồng, vì vào thời điểm đó giá mảnh đất là 4,4 triệu đồng/m2 nhưng người ta chỉ định giá chưa tới 1,2 triệu đồng/m2. Chưa hết, việc NHNN&PTNT đưa khu đất vào bán đấu giá cũng còn nhiều điều bất ổn vì thực tế quyền sở hữu đất vẫn thuộc về bà N. và ông L.. Theo qui định, khi phát mãi tài sản, NHNN&PTNN phải đưa bà Mai, bà N. và ông L. tham gia trong quá trình định giá, đấu giá... để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của họ.
Trong Bộ luật tố tụng hình sự có cho phép cơ quan điều tra xử lý vật chứng, nhưng chỉ thực hiện đối với những trường hợp vụ án đã được đình chỉ. Đó là chưa kể 9.216m2 đất này không phải là vật chứng của vụ án, cơ quan điều tra không đủ thẩm quyền để giao cho cơ quan khác xử lý.
Vụ án “tham ô tài sản” của Đặng Nam Trung đến nay đã kéo dài gần năm năm, có tổng cộng sáu bản kết luận điều tra, với bốn bản cáo trạng được cơ quan tiến hành tố tụng cho “ra đời”. Có ít nhất bốn lần tòa án trả hồ sơ về cho các cơ quan tố tụng điều tra bổ sung. Trong quá trình điều tra vụ án này, CQANĐT Bộ Công an cũng đã đình chỉ điều tra đối với bốn bị can khác và thay đổi tội danh nhiều lần đối với Đặng Nam Trung. Ngày 21-11 vừa qua, TAND TP.HCM lại đưa vụ án ra xét xử, sau khi thẩm vấn tòa lại trả hồ sơ để... điều tra bổ sung. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận