Chợ Ngã Tư Sở (quận Đống Đa - Hà Nội) từng một thời là một trong những nơi mua bán sầm uất, nhộn nhịp nhất tại thủ đô, nhưng nay xuống cấp, kinh doanh ế ẩm. Nhiều quầy hàng ở đây đã đóng cửa hoặc treo biển cho thuê lại, trong khi những quầy hàng còn lại vẫn duy trì hoạt động trong tình cảnh lay lắt.
Các mặt hàng kinh doanh ở đây chủ yếu là quần áo, giày dép và đồ thời trang, đồ gia dụng và thực phẩm. Bà Hương - tiểu thương kinh doanh hơn 20 năm - cho hay buôn bán tại chợ Ngã Tư Sở khoảng 15-20 năm trước là mơ ước của nhiều người khi đây được ví như chợ Đồng Xuân thứ hai tại Hà Nội và chợ truyền thống vẫn là kênh bán lẻ chủ đạo.
Tuy nhiên theo bà Hương, bây giờ nhiều tiểu thương rao bán lại ki ốt nhưng không ai mua, nên có không ít quầy hàng phải đóng cửa, bỏ không. Chợ vì thế xuống cấp, ẩm thấp với những dãy quầy kệ sâu hun hút do đóng cửa, "trùm mền".
Chỉ cách chợ Ngã Tư Sở gần 1km, trung tâm thương mại Royal City đi vào vận hành từ năm 2013 luôn nhộn nhịp khách dù là ngày thường. Bởi không chỉ là nơi mua sắm các mặt hàng thời trang từ cao cấp đến giá bình dân, trung tâm thương mại còn tích hợp các nhà hàng, khu vui chơi, nên người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng.
Đưa con nhỏ vào khu vui chơi nằm trong trung tâm thương mại, chị Xuân (Hà Đông - Hà Nội) cho biết lựa chọn mua sắm ở các kênh bán lẻ hiện đại nhiều hơn do tính thuận tiện. Các trung tâm này đáp ứng đa dạng nhu cầu mua sắm do tích hợp cả siêu thị bán đồ thực phẩm, cửa hàng thời trang và các khu vui chơi.
"Không gian sạch sẽ, hiện đại, mát mẻ tại các trung tâm thương mại nên gia đình tôi thường lựa chọn những điểm kinh doanh này để vừa mua sắm, vui chơi và thư giãn mỗi dịp cuối tuần. Mua sắm tại đây cũng không lo nạn nói thách, trả giá vì mọi sản phẩm đều được niêm yết rõ" - chị Xuân bày tỏ.
Không chỉ Ngã Tư Sở mà nhiều khu chợ truyền thống tại Hà Nội đang lâm vào tình cảnh "sống mòn" khi nhiều quầy kệ, gian hàng bên trong phải tạm dừng hoạt động, đóng cửa hoặc chuyển đổi công năng. Phần nhiều các khu chợ này nằm ở các vị trí đắc địa, là đất vàng ở Hà Nội, nhưng vẫn không thể thu hút được khách mua hàng.
Như tại chợ Thượng Đình, chợ Cầu Giấy chỉ còn duy trì hoạt động các gian hàng nằm ở vị trí "mặt tiền" và bên trong khuôn viên chợ để kinh doanh hoa, đồ vàng mã và một số sản phẩm thiết yếu. Trong khi đó, mặt bằng tầng hai hoặc chuyển đổi công năng làm phòng tập, hoặc để không khiến mặt sàn bụi bặm, trống huơ trống hoác.
Dọn dẹp hàng vào cuối ngày, bà Lan, tiểu thương kinh doanh thực phẩm, đồ ăn, cho hay buôn bán giờ ế ẩm. Trước đây bà phải thuê vài nhân viên để phụ bán hàng thì nay dù chỉ có một mình đảm nhiệm tất cả các việc, bà vẫn có nhiều thời gian rảnh rỗi vì "ít khách quá".
Tại chợ Bưởi - vốn là chợ truyền thống lâu đời ở Hà Nội vẫn giữ được nhiều nét đặc trưng của phiên chợ cổ - mặc dù đã được cải tạo để kết hợp đa chức năng, song bên trong các gian hàng nhếch nhác, một số ki ốt đóng cửa đã được tận dụng làm kho hàng.
Theo các tiểu thương, việc mua bán ở đây chủ yếu là những mặt hàng thiết yếu, hàng tiêu dùng hằng ngày do thói quen mua sắm này không có nhiều thay đổi. Tuy nhiên với hàng thời trang, sự cạnh tranh của các kênh bán lẻ hiện đại, mua sắm online nên không mấy khách vào chợ mua quần áo, giày dép.
Cộng thêm sức mua kém trong vài năm gần đây nên việc kinh doanh không mấy thuận lợi. Vì vậy, ngay các chợ truyền thống dù đã được cải tạo làm trung tâm thương mại như chợ Hàng Da cũng không thể thu hút người tiêu dùng.
Chị Mai - tiểu thương kinh doanh quần áo hàng thùng (đồ si) tại chợ này - cho biết mặc dù buôn bán chậm nhưng vẫn cố duy trì do đã "cược" hết vốn, nên "vẫn nhì nhằng buôn bán" để kiếm đồng ra đồng vào.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận