19/06/2004 17:13 GMT+7

Những khoảnh khắc của Đoàn Công Tính

TRẦN HOÀI
TRẦN HOÀI

TTCN - Có thể nói, mảnh đất Quảng Trị máu lửa, thành cổ Quảng Trị 81 ngày đêm ngút trời bom đạn đã làm nên tên tuổi của nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh quân đội Đoàn Công Tính. Cuốn sách ảnh Khoảnh khắc của ông với 2/3 số ảnh chụp ở Quảng Trị trong những năm tháng chiến tranh đã nói lên điều đó.

cgU9N6lf.jpgPhóng to

Bức ảnh nổi tiếng "Nụ cười chiến thắng dưới chân thành cổ"

TTCN - Có thể nói, mảnh đất Quảng Trị máu lửa, thành cổ Quảng Trị 81 ngày đêm ngút trời bom đạn đã làm nên tên tuổi của nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh quân đội Đoàn Công Tính. Cuốn sách ảnh Khoảnh khắc của ông với 2/3 số ảnh chụp ở Quảng Trị trong những năm tháng chiến tranh đã nói lên điều đó.

Mới đây, trong chuyến Đoàn Công Tính về thăm lại chiến trường xưa, tặng sách cho đồng đội cũ, chúng tôi đã gặp gỡ ông tại bãi biển Cửa Tùng, Quảng Trị.

Nghệ sĩ nhiêp ảnh Đoàn Công Tính: Tôi vào cuộc chiến với chiếc máy ảnh, đi một mạch từ Bắc vô Nam, trải qua những ngày tháng vô cùng khốc liệt của lịch sử Quảng Trị: 81 ngày đêm thành cổ. Con đường vào thành cổ lúc đó thật gian nan, có lời khuyên từ bộ chỉ huy mặt trận: không nên để cho phóng viên vào thành. Song lại có một điều gì đó thôi thúc khiến tôi phải tìm mọi cách vào thành cho bằng được.

Tôi đã thuyết phục đảng ủy địa phương đóng ở thôn Nhan Biều, bên này sông Thạch Hãn, và nhận được lời khuyên nên bám tuyến đi ra của đường vận chuyển thương binh cũng khối tài liệu rồi. Nhưng ống kính của tôi đã từ lâu gắn bó với chiến trường Quảng Trị với hình ảnh chiến sĩ ta đánh sụp hàng rào điện tử McNamara, bộ đội cắm cờ lên căn cứ Đầu Mầu... hay hình ảnh cả trung đoàn 56 ngụy quân phản chiến, quay súng trở về với cách mạng. Giờ đây, tôi phải có hình ảnh chiến sĩ ta chiến đấu bảo vệ thành cổ.

jvogFxMe.jpgPhóng to

Đoàn Công Tính ở căn cứ Tân Lâm, điêm cao 241, Quảng Trị (2-4-1972)

Nghe tôi trình bày với đảng ủy xong, một nữ du kích nói vui: “Nhà báo đã “ngoan cố” muốn vào thành cổ thì em xin xung phong dẫn đường”. Thế là tôi được hai o du kích tên là Lệ và Hảo dẫn đường vượt sông Thạch Hãn trong một đêm, khi mặt sông lấp lánh dưới ánh hỏa châu... Thành cổ! Tôi đã từng chụp hình ảnh thành cổ lúc mới được giải phóng, dinh tỉnh trưởng còn nguyên vẹn. Còn thành cổ ngày 16-8-1972: không viên gạch nào còn nguyên vẹn, chỉ có nụ cười các chiến sĩ là vẫn vẹn nguyên, rạng rỡ. Các chiến sĩ nói mỗi khi tôi giơ máy ảnh lên: “Có thể ngày mai đây một số anh em chúng tôi không còn nữa, nhưng thành cổ sẽ sống mãi...”.

* Những bức ảnh của ông chụp thành cổ Quảng Trị được kịp thời đăng tải trên trang nhất báo Quân Đội Nhân Dân là những tài liệu sống cực kỳ quí giá giúp cho phái đoàn ta tại Hội nghị Paris giành thắng lợi trên mặt trận ngoại giao.

- Tôi đã may mắn được gặp lại nguyên mẫu của bức ảnh Nụ cười chiến thắng dưới chân thành cổ Quảng Trị, một cuộc gặp dù hơi muộn màng nhưng thật cảm động. Bao nhiêu năm xa cách, tôi cứ ngỡ là người mà tôi đã chụp trên chiến trường đã chết, ngay cả khi tôi về thăm Quảng Trị, người hướng dẫn viên du lịch lúc giới thiệu bức ảnh người lính đẹp trai với nụ cười sống mãi của tuổi 20 cũng đi kèm với câu: “Thật tiếc, người lính ấy đã hi sinh”.

Chỉ đến khi một người quen phát hiện chính nhân vật trong ảnh là người cùng quê với anh và cho biết rằng hiện anh ấy - Lê Xuân Chinh - đã lên Điện Biên làm kinh tế. Hóa ra anh Chinh chỉ bị thương sau khi được tôi chụp ảnh một ngày, phải chuyển ra tuyến sau điều trị, ngày về kẻ gian móc túi anh lấy hết giấy tờ, cuối cùng không được hưởng một chế độ gì. Đây cũng là một cuộc gặp ý nghĩa, bởi sau đó các giấy tờ của anh được xác minh lại, giờ cuộc sống của anh Chinh cũng tạm ổn.

Tôi thấy hạnh phúc vì đã góp phần nhỏ bé giữ lại hình ảnh của những người lính, một chút kỷ niệm trên đường hành quân hay một nụ cười. Dù cái nụ cười hồn nhiên, yêu đời và chan chứa sức trẻ của Chinh năm nào - “Nụ cười chiến thắng dưới chân thành cổ Quảng Trị”, do một cuộc sống vất vả, éo le nên không thể còn được như xưa nữa, tôi vẫn tin rằng thời gian không làm khác đi sự tự tin yêu đời trong nụ cười của những con người ấy.

* Cuốn sách ảnh Khoảnh khắc là bản tráng ca hào hùng ngợi ca cuộc chiến tranh chính nghĩa giành độc lập tự do của chúng ta, là kết quả của một đời cầm máy đầy nhiệt tâm của NSNA Đoàn Công Tính.

TRẦN HOÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên