Bạn Đoàn Thị Thanh Quyên học bài - Ảnh: K.ANH
Mẹ đổ bệnh tâm thần, em nương tựa nhà nội
Chúng tôi đến thăm hai chị em bạn Đoàn Thị Thanh Quyền (ấp 2 xã Đa Phước, Bình Chánh, TP.HCM) thấy cả hai đang phụ bà nội dọn dẹp nhà cửa sau một ngày cặm cụi với công việc gia công ép giỏ nhựa.
Quyền nhanh nhảu nói: "Tụi con đi học về thì phụ bà nội những công chuyện nhà, để bà nội bớt mệt. Công việc ép giỏ nhựa mà nội làm để nuôi tụi em cũng rất độc hại vì phải hít mùi nhựa khi nóng lên nồng nặc lắm. Em thương bà nội nên sẽ cố gắng học để mai này có công việc làm, phụ nội nuôi em".
Mẹ của Quyền đổ bệnh tâm thần bỏ đi khắp xóm làng, không quan tâm việc gì trong nhà, mặc kệ hai chị em Quyền lay lắt lớn lên. Thấy vậy, bà nội thương cháu nên đem hai chị em về nuôi. Còn mẹ của Quyền cũng được bà ngoại dẫn về nhà chăm sóc.
"Mẹ em bỗng dưng đổ bệnh tâm thần, không có đập phá gì hết nhưng lại không biết ai xung quanh mình. Em thấy thương mẹ nhiều lắm nhưng không biết phải làm sao. Mỗi lần về nhà ngoại, thấy mẹ như người vô hồn, không biết tụi con chính là con của mẹ, em buồn lắm" - Quyền bộc bạch.
Mẹ bệnh, cha cũng có gia đình riêng, hai chị em Quyền được nội lo lắng chăm nuôi bằng tiền công từ nghề ép giỏ nhựa. Nhưng bà của Quyền cũng đau bệnh hoài, nhiều lúc cũng gặp khó khăn. Đã 64 tuổi nhưng bà Lê Thị Chiến vẫn chưa được nghỉ ngơi vì phải lo cho hai cô cháu gái.
Bà Chiến chia sẻ: "Thấy năm nay con Quyền vô lớp 9, chắc phải học nhiều để còn vô cấp ba, tui nói con nhỏ có muốn học thêm thì tôi ráng cho đi, nhưng nó thương nội nói không đi học thêm để tốn tiền của nội. Nó chỉ cần tự học mà nó học cũng tốt rồi.
Tôi mong nó học thành tài mai này tự lo cho bản thân và lo cho em nó nữa. Tội nghiệp con người ta có cha có mẹ chăm lo, còn hai đứa cháu gái của tôi thiệt là đáng thương. Tui còn khỏe ngày nào thì ráng lo cho tụi nó".
Bạn Lâm Thành Đạt học bài - Ảnh: K.ANH
Anh chàng giăng câu kiếm cá phụ giúp gia đình
Nước da của chàng học sinh Lâm Thành Đạt (ấp 3, xã Đa Phước, Bình Chánh, TP.HCM) đen trũi vì những ngày hè dầm mình cùng ba đi thả lưới, giăng câu để kiếm thêm con cá con tôm cho gia đình. Nhà Đạt có hai anh em thôi nhưng vì là hộ cận nghèo nên cha mẹ Đạt cũng chật vật lắm mới lo nổi cho hai con đến trường.
Ba mẹ đi làm thuê khá xa nên từ sớm khi mặt trời chưa ló dạng họ đã đi ra khỏi nhà, về đến nhà cũng đã 20h mỗi ngày. Ở nhà hai anh em trai Đạt phải tự lo cho nhau. Là anh lớn nên mọi việc trong nhà Đạt đều cáng đáng.
Vừa trở những con cá đang phơi trên dây, Đạt vừa nói: "Hôm bữa con và ba đi giăng lưới được mớ cá nên phơi để ăn dần. Vô học thì con bận hơn nên không đi kiếm được nhiều cá như mùa hè đâu". Trưa, Đạt vào bếp chuẩn bị bữa cơm cho cậu em trai.
Có chiếc bàn đá phía trước nhà, hai anh em Đạt luôn giành thời gian rảnh ngồi đó để học bài. "Con không có điều kiện đi học thêm nên con phải tự học ở nhà. Với lại ba mẹ đi làm thuê cũng không có nhiều tiền nên con cũng không dám xin tiền để làm việc gì khác ngoài việc học thôi" - Đạt nói.
Anh Lâm Oanh, ba của Đạt, cho biết kinh tế gia đình khó khăn nhưng vợ chồng anh chị quyết tâm cho con đến trường để con có tương lai chứ không thể bắt con phải nghỉ học. "Tôi luôn nhắc con phải ráng học để mai này bớt khổ" - anh Lâm Oanh nói.
Con đường đến trường của cả hai người bạn chung trường dù còn lắm khó khăn nhưng không gì có thể cản trở bởi niềm khát khao đến trường của hai bạn thật lớn lao.
Lâm Thành Đạt nấu bữa trưa cho hai anh em Ảnh: K.ANH
100 suất học bổng Đèn đom đóm
Từ ngày 10-6 đến 30-8, Tuổi Trẻ Online giới thiệu 100 gương học sinh vượt khó vươn lên trong học tập. Mỗi tấm gương hiếu học sẽ nhận một suất học bổng Đèn đom đóm trị giá 3 triệu đồng. Chương trình do Công ty FrieslandCampina Việt Nam phối hợp cùng báo Tuổi Trẻ tổ chức.
Theo ông Trần Quốc Huân - phó tổng giám đốc Công ty FrieslandCampina Việt Nam, quỹ khuyến học Đèn đom đóm ra đời từ năm 2002 với sứ mệnh thắp lên ước mơ đến trường cho hàng ngàn trẻ em Việt Nam.
Đến nay, chương trình đã trao tặng 25.500 suất học bổng và xây mới, sửa chữa 21 trường học từ Nam ra Bắc. Quỹ Đèn đom đóm muốn lan tỏa tinh thần hiếu học, đem đến động lực học tập và niềm tin vào cuộc sống cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận