Thí sinh làm thử bài thi đánh giá năng lực trên mạng do ĐHQG Hà Nội tổ chức để kiểm tra trình độ của mình - Ảnh: N.Hà |
Thực tế, ở những kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo phương thức “ba chung” trước đây và với kỳ thi THPT quốc gia lần đầu tổ chức năm 2015 tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ phải căn cứ vào kết quả thi, xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào.
Tuy nhiên, khác biệt hoàn toàn so với kỳ thi chung này, ĐHQG Hà Nội quyết định công bố luôn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với bài thi đánh giá năng lực.
Công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào trước kỳ thi
Theo đó, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào được xác định ở mức 50% tổng điểm tối đa của bài thi đánh giá năng lực: 70/140 điểm (đối với thí sinh là học sinh THPT khu vực 3).
Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn - phó giám đốc ĐHQG Hà Nội - lý giải việc đưa ra ngưỡng được căn cứ vào yêu cầu thiết kế của đề thi đánh giá năng lực đạt chuẩn. Mỗi đề thi được xây dựng có tỉ lệ 20% ở cấp độ dễ, 60% ở cấp độ trung bình và 20% ở cấp độ khó.
Dựa vào mức độ khó - dễ được phân định ngay từ đầu của đề thi, cùng với yêu cầu về năng lực đối với thí sinh có thể theo học tại ĐHQG Hà Nội, ĐH này quyết định xác định mức điểm 70/140 điểm là mức đảm bảo ngưỡng chất lượng đầu vào.
Tuy nhiên, PGS Sơn cũng lưu ý mức điểm 70 hoàn toàn không phải mức điểm xác định thí sinh đã trúng tuyển. Theo nguyên tắc xét tuyển, phần lớn các trường, khoa trực thuộc đều căn cứ vào ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của ĐHQG Hà Nội để xét điểm bài thi đánh giá năng lực từ cao xuống thấp cho đến đủ chỉ tiêu.
Riêng với thí sinh đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Ngoại ngữ, ngoài việc đáp ứng điều kiện có tổng điểm bài thi đánh giá năng lực tối thiểu từ 70/140 điểm trở lên (đối với thí sinh là học sinh THPT khu vực 3) thì phải có điểm bài thi môn ngoại ngữ đạt từ 4/10 điểm trở lên.
Thi THPT quốc gia vẫn có cơ hội xét tuyển
Đây là một ngoại lệ mà ĐHQG Hà Nội dành cho tuyển sinh của khoa quốc tế. Tại các trường ĐH thành viên, khoa trực thuộc bắt buộc phải xét tuyển thông qua kết quả bài thi đánh giá năng lực của thí sinh.
Trong khi đó ở đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, ngoài đối tượng tham gia kỳ thi riêng vào trường, khoa quốc tế xét tuyển đợt 2 với cả thí sinh dự Kỳ thi THPT quốc gia.
Cụ thể, với thí sinh không tham dự kỳ thi đánh giá năng lực, đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia theo các tổ hợp môn toán - lý - hóa, toán - lý - tiếng Anh, toán - văn - ngoại ngữ sẽ áp dụng điểm xét tuyển theo ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD-ĐT quy định đối với từng khối thi tương ứng +3 điểm.
TS Vũ Viết Bình - phó trưởng ban đào tạo ĐHQG Hà Nội - cho biết việc bổ sung đối tượng xét tuyển sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia cho khoa quốc tế nhằm tăng nguồn tuyển cho khoa.
Còn với thí sinh dự thi các khoa, trường khác trong hệ thống ĐHQG Hà Nội vẫn có thể tham dự kỳ thi THPT quốc gia dùng để xét tuyển vào các trường ĐH khác, tăng cơ hội xét tuyển, vì lịch thi vào ĐHQG Hà Nội được bố trí hai đợt vào tháng 5, tháng 8, không trùng với kỳ thi THPT quốc gia do Bộ GD-ĐT tổ chức vào tháng 7.
Điểm ưu tiên tính thế nào khi bài thi theo thang điểm 140? Trong khi kỳ thi THPT quốc gia áp dụng thang điểm 10 và điểm xét tuyển vào các trường thường dựa vào tổng điểm của tổ hợp ba môn thi với mức tối đa là 30 điểm, thì bài thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội áp dụng thang điểm 10. Theo đó, quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy của Bộ GD-ĐT quy định mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai nhóm đối tượng kế tiếp là 1 điểm và giữa hai khu vực kế tiếp là 0,5 điểm. Vậy khi ĐHQG Hà Nội áp dụng thang điểm 140 cho bài thi đánh giá năng lực, điểm ưu tiên sẽ được xác định thế nào? PGS.TS Nguyễn Kim Sơn cho biết với thang điểm 140, ĐHQG Hà Nội quy đổi mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai nhóm đối tượng kế tiếp là 5 điểm và giữa hai khu vực kế tiếp là 2,5 điểm. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận